Đào Trọng Khánh quay lại với văn chương, không chỉ với dăm câu thơ mang niềm riêng ngậm ngùi “Xưa tôi trôi như một cánh buồm/ Giờ tôi đã là bến cũ” mà còn lục lọi ký ức để có những trang truyện ký “Đất và người”.





“ĐẤT VÀ NGƯỜI” CỦA MỘT NHÀ LÀM PHIM TƯ LIỆU

Cuốn sách “Đất và người “ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành khi tác giả Đào Trọng Khánh bước vào tuổi 80. Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh xuất bản tập truyện ký “Đất và người” như một mảng hồi ức năm tháng ngược xuôi làm phim tài liệu.

Sở hữu danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, tên tuổi Đào Trọng Khánh khá lừng lẫy trong giới làm phim tài liệu. Ông từng được trao Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm “1/50 giây cuộc đời”, Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Truyền kỳ sự thật”, “Hình bóng tổ tiên”… Thế nhưng, sau khi về hưu, rời Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương về sống nhàn nhã tại Hải Phòng, thì Đào Trọng Khánh mới viết lại những suy nghiệm đời mình thành tập truyện ký “Đất và người”.

Đào Trọng Khánh xuất thân là công nhân cảng, và khởi nghiệp thi ca với bút danh Đào Nguyễn. Những câu thơ mang tín hiệu tài hoa của Đào Nguyễn được nhiều đồng nghiệp nhắc đến như “Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới/ Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi…”. Năm 1965, ở tuổi 25, Đào Nguyễn lấy lại tên thật Đào Trọng Khánh để đi theo con đường làm phim tài liệu. Trong giai đoạn bom đạn Mỹ dội xuống Hải Phòng, những thước phim do đích thân Đào Trọng Khánh quay lại, đã là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần can trường của quân và dân thành phố hoa phượng đỏ.

Không chỉ làm đạo diễn, Đào Trọng Khánh còn là người viết lời bình cho nhiều bộ phim tài liệu trứ danh như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Năm mươi khoảnh khắc cuộc đời”. 

                                       


Nghỉ hưu, Đào Trọng Khánh quay lại với văn chương, không chỉ với dăm câu thơ mang niềm riêng ngậm ngùi “Xưa tôi trôi như một cánh buồm/ Giờ tôi đã là bến cũ” mà còn lục lọi ký ức để có những trang truyện ký “Đất và người”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người cổ vũ nhiệt tình cho Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh hoàn thành cuốn sách “Đất và người”, đã nhận xét: “Ở trong sâu thẳm của Đào Trọng Khánh, cội rễ chữ của Khánh là “tính không”, là hư vô, chân không, chân không dượu hữu, cái không nhưng lại có và đầy ắp là cái có không, không có của Phật giáo. Cho dù hơn 500 trang trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chẩy trong ông cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự nhìn – thấy để đến nhìn – không nhìn, nhìn – không. Chỉ khi nhìn – không thì trạng thái thi nhân mới xuất hiện để tưởng tượng, hồi tưởng, liên tưởng, để “bịa”, để vô lý, “vô nghĩa” lên ngôi. Nhìn – không chính là thi ca, là con mắt của thơ. Đào Trọng Khánh dù làm văn làm báo làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân”.

Bằng kinh nghiệm của một nhà làm phim tài liệu có đẳng cấp, Nghệ sĩ Nhân dân viết “Đất và người” với nhiều chi tiết ly kỳ và hấp dẫn. Ông suy tư về cuộc đời theo một kiểu riêng biệt: “Thượng đế cho chúng ta xuống trần gian để biểu hiện chính mình. Vũ trụ là một sân khấu lớn mà nơi chúng ta đang sống là một sân khấu nhỏ. Tất cả chúng ta từ vị bé nhất đến vị lớn nhất đều là vai diễn, hết vai diễn “người về cởi áo lau son phấn, rũ sạch công danh với bụi trần”. Trước đây, tôi cứ nghĩ con người làm theo một lập trình kịch bản, lời thoại nào đấy của Thượng đế, của “đấng bề trên”. Nay tôi ngộ ra, chúng ta vừa là tác giả kịch bản, vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn - đó là kết quả cái nghiệp nhiều kiếp của chúng ta. Vì thế, chớ ngạc nhiên khi Thượng đế chỉ cười, Người chứng kiến chứ không tham gia vào việc viết kịch bản cho chúng ta.

                    TUY HÒA