Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản - Tạ Quang Ngọc nhận định: “Tôi tìm thấy trong cuốn sách “Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối” giá trị độc đáo của nó không chỉ với không gian, thời gian và nhân vật của các sự kiện, mà còn do cách tiếp cận từng sự kiện, từng con người có tính lựa chọn cao”.




TÌM VỀ KỶ NIỆM MŨ CỐI, MŨ RƠM

TẠ QUANG NGỌC 
(Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

Với tiêu đề “Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối” (do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành) phần nào chúng ta đã biết ý tứ của tác giả Huỳnh Dũng Nhân với cuốn sách này. Đó là về thời đạn bom và con người sống với nhau thời đó, là tuổi nhỏ học đường đã trải qua trong những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, đến những người lính ra trận những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cuộc sống gian khó và sự cống hiến hy sinh của các hế hệ nối tiếp trong một giai đọan lịch sử cho độc lập và thống nhất đất nước để chúng ta có ngày hôm nay.

Không thiếu sách viết về đề tài như vậy với đủ thể loại khác nhau, nhưng tôi tìm thấy trong cuốn sách “Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối” giá trị độc đáo của nó không chỉ với không gian, thời gian và nhân vật của các sự kiện, mà còn do cách tiếp cận từng sự kiện, từng con người có tính lựa chọn cao. Dù sau này những em bé ngày ấy lớn khôn đã đi khắp nơi, làm đủ thứ việc, có những em đi bộ đội khi vừa kip lớn và đã hy sinh với khẩu súng trên tay. Nhưng cũng có nhiều em lớn lên trong khung cảnh khó khăn đó nhớ về công lao cha mẹ, sự quan tâm, đùm bọc của các cô chú cơ quan, trong cộng đồng tuổi nhỏ đang lớn thời đó của mình sau này trưởng thành và góp ích cho xã hội trên nhiều lĩnh vực. Họ gặp nhau sau nhiều chục năm, ôn lại chuyện xưa để rồi vẫn tình cảm gắn bó như ngày nào thời ấy. Những đứa trẻ của Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân như tên trang Web của họ hiện nay vẫn hoạt động. Những kỷ niệm đẹp một thời như thế ngoài đời cũng như đọng lại trong cuốn sách này đáng để chúng ta có nhiều điều suy ngẫm.

Tập hồi ức này còn thành công hơn thế và nói nhiều hơn thế do tài năng của tác giả - Nhà văn, nhà báo, nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân. Trùm lên tất cả điều đó là cách nhìn, cách nghĩ và sự lựa chọn tình tiết tinh tế và cách trình bày logic, sáng sủa của tác giả. Tôi đã lần dở từng trang và đã tìm thấy hứng thú với các mạch truyện, thân thuộc với các khung cảnh được mô tả mà trong đó những người bạn, người em, và cả những người anh, các bậc cô chú gần gũi một thời hiện ra như trong từng đoạn tiểu phẩm gây xúc động mạnh hơn với vẻ đẹp không tô vẽ mà thu hút tình người. Có lẽ cái chất thơ, văn, hội họa, lồng ghép với bề dày của một nhà báo năng động, từng trải của Huỳnh Dũng Nhân đã dệt vào từng trang sách cái khung cảnh như thế.

Báo Nhân Dân với gốc cây đa cổ thụ ở 71 Hàng Trống, với khu tập thể ngõ Lý Thường Kiệt thân thương, với các Trại trẻ sơ tán quanh Hà Nội thời ấy mà bây giờ ở tuổi sáu bảy mươi các anh chị vẫn còn xoắt xuýt bên nhau mỗi khi từ bốn phương trời gặp lại. Những người anh, người chị, những cô chú từng làm trong tòa soạn mà Huỳnh Dũng Nhân nhắc tới trong cuốn sách là những nhân cách mà tác giả, hay tôi, hay các bạn khác nữa đã từng ngưỡng mộ, đã từng yêu quý với những tấm gương đẹp rạng ngời. Những hình ảnh đáng mến, đáng học đó cũng như lớp trẻ lớn lên kia có mỗi người một số phận, nhưng lòng yêu nước, sự tận tụy hy sinh và tính trung thực luôn là nét chung của hết thẩy.
Trong cái không gian chằng chịt muôn ngã rẽ cuộc đời, tác giả đã chọn các góc quan sát khác nhau, bằng những con mắt nhìn của những người, hay đắp vào đó những tư liệu lịch sử quý giá để người đọc thấy được bức tranh đan dệt qua những điểm gút giá trị của từng quá khứ bi tráng mà hồn nhiên, qua những chuyện đời thường nhưng thật đáng trân trọng để chắt lọc cho cuộc sống đang đi tới.

Có một câu hỏi mà Huỳnh Dũng Nhân gọi là cháy lòng: “Sao hồi đó khó khăn vất vả là thế mà các bậc phụ huynh báo Nhân Dân ai cũng nuôi con cái lớn thành người?”. Có đến ngàn lẻ một đáp án cho câu hỏi như vậy. Tuy nhiên tựu trung nhất, đó phải là từ những đứa trẻ hơn 50 năm về trước trong cộng đồng của các em đã rèn luyện và phấn đấu thành công theo sự phát triển và biến cố thời cuộc, đó là những tấm gương của người lớn, mà trước hết là từ cha mẹ các em thời đó, sự lo lắng hết sức trách nhiệm để con cái lớn khôn và tiến bộ, và điều quan trọng nữa là cộng đồng tập thể cơ quan đã biết giữ gìn và chăm sóc con em mình trong mọi hoàn cảnh với sự ưu ái nhất trong thời buổi khó khăn đó. 

Khép lại cuốn sách, với tình người được tác giả nhấn mạnh trong phần kết, tôi tin rằng một thế hệ mới cũng thành đạt như cha anh và hơn thế nữa cho tương lai đất nước và truyền thống của một thời mũ rơm mũ cối./.