Ở tập “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”, Lê Thiếu Nhơn tìm trong ngôn ngữ, trong hình ảnh sức gợi của ẩn dụ, của biểu tượng. Bài thơ ngắn gọn mà nói được xa rộng, dễ đọc mà không dễ đi hết chiều sâu tâm tưởng. Chỗ ấy là thành công, mà cũng có thể còn một cách bức nào đó giữa sản phẩm và người tiêu thụ.






MAY, CÓ CÂU THƠ NGƠ NGÁC NẺO BUỒN…

(Đọc tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” của Lê Thiếu Nhơn, NXB Văn Học 2-2020)

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Những năm cuối thập niên tám mươi thế kỷ 20, khi nước ta bắt đầu thực thi quốc sách đổi mới, thì văn học nghệ thuật ngay lập tức có những biểu hiện thay đổi, nhất là ở thể loại thơ: một loạt những giá trị quá khứ được phục hồi và nhiều cách tân sáng tạo xuất hiện. Một số tác giả trẻ, ở lứa 20 tuổi, ngay bước mở đầu văn nghiệp của mình, đã chọn vào lối đi mới đó. Mới về nội dung: dám thành thực với mình hơn trong cảm xúc và nhận thức. Và cũng mới về hình thức thể hiện: gạt bỏ những trang sức dư thừa và đôi khi cũng mất cả sự trong sáng mạch lạc. Sự thành công cố nhiên không thể đồng đều. Sự đón nhận của công chúng cũng còn nhiều dè dặt. Bạn đọc thấy rõ một động cựa văn chương của cả lớp người trẻ tuổi, nhưng chưa thật sự cố định sự chờ đợi vào những tên tuổi cụ thể. Tình hình này có khác với các giai đoạn trước như trong phong trào thơ mới, hay thơ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng đến nay, sau 20 năm, khi các tác giả lứa ấy vào tuổi 40 thì phong vị, bản sắc của từng người đã bộc lộ khá rõ. Phần đóng góp của từng người đã tạo nên lớp bạn đọc chờ đợi, tin cậy của cả lớp cầm bút. Lê Thiếu Nhơn với nỗi dằn vặt “thơ đi bên đời như tội đồ mong trắng án” là một trong số ấy.

Lê Thiếu Nhơn viết đều, cả thơ lẫn phê bình thơ. Trong phê bình, anh chịu đọc, đọc các tác giả của cả nền thơ chứ không chỉ riêng lớp tuổi mình. Anh đã có nhiều kiến giải khá chắc chắn, đôi khi tinh tế có tính phát hiện. Với thơ, như ở tập “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”, chủ đề đã tập trung vào những mặt thiết yếu của cuộc đời. Anh lưu tâm bạn đọc tới những thực trạng xã hội đương thời. Có niềm vui thành tựu của đất nước, vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng nhiều hơn, lại là những lo âu, nghĩ ngợi, quằn quại, đau xót trước những diễn biến xấu trong cộng đồng. Thường ngày, người ta ai chả thích nghe những chuyện vui, nhưng điều phấn chấn. Bập vào những mảng tối rất cần một sự lịch lãm, một bản lĩnh, một lòng yêu thương con người sâu sắc, một tấm lòng chân thành. Trong ba mươi năm bút mực văn chương vừa qua, Lê Thiếu Nhơn đã có nhiều tình thế để rèn luyện về các phẩm chất tâm hồn ấy. Đến tập “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”, thơ anh gọn chắc lại, chủ đề rõ lên và bao trùm là tinh thần trách nhiệm công dân, muốn thơ có ích cho cộng đồng. Thơ anh đang đến và bắt đầu hạ trại trong tâm trí độc giả. Đây là một dấu hiệu trưởng thành của bạn viết lẫn bạn đọc. Thử xét bài thơ đầu tập:
GIỮA TRANG GIẤY TRẮNG
Bao kẻ mộng mơ đã phung phí hết tuổi mình
Thi ca vẫn không thể ngăn bàn tay đen đúa
Bàn tay gian tà vơ vét ngân khố
Bàn tay bịp bợm sấp ngửa trắng đen

Tôi thức suốt đêm chờ một giọt nước mắt
Sao chỉ nghe những giọng cười điên đảo thị phi
Thế kỷ chảy lên trời lời hát bất lương!

Lẽ nào bút đành hạ thổ?
Lẽ nào giấy đành khăn tang?
Chúng ta thấy gì? Thấy, ở ngay câu mở đầu, một sự chia tay với loại thơ phù phiếm và ở ngay câu sau: tự trách sự bất lực của thơ trong việc chặn tay kẻ ác, kẻ gian. Đã có thời, trong cơn lãng mạn tuổi trẻ, anh đã mơ mộng tin rằng tác động thơ ca như thần chú khuyến thiện, đọc xong là người ta cải tà quy chính. Nhưng vào cuộc đời anh thấy không phải thế, không dễ dàng thế. (Sandoz Pêtôphi, nhà thơ lớn nước Hungary, hi sinh trên chiến lũy năm 27 tuổi, cũng đã tự thú: Đi vào trong láo nháo cuộc đời. Mới biết chúng ta nhầm lẫn cả). Đi tù bọn chúng còn chả sợ, huống chi thơ ca hò vè… ăn nhằm gì.
Giận thân, giận đời thì than vãn thế chứ trong sâu thẳm, Lê Thiếu Nhơn vẫn đắm đuối tin vào tác động hoàn thiện con người của thơ. Chứng cớ ở hai câu cuối lẽ nào, lẽ nào... Thơ công dân giáo dục mà đầy lên, mà không nén được, những cảm xúc cá thể. Đấy là thành công của Lê Thiếu Nhơn. Nói chung các bạn trẻ thời nay hay có sự thẳng băng như thế. Tôi kính trọng sự can đảm ấy. Can đảm để thiết thực, để có ích.
Lê Thiếu Nhơn mở to mắt và mở ngỏ cõi lòng để dám nhìn, để tiếp nhận cuộc sống hôm nay như nó vốn có. Cũng có lúc, nhiều lúc, anh như chới với trong ngọn triều vùi dập của cái xấu, của sa đọa, của giả dối toàn thân, mưu danh mưu lợi. Lê Thiếu Nhơn kinh sợ sức công phá của đồng tiền. Một trùm xã hội đen từng khuyên đàn em, lời khuyên quá đơn giản mà hữu hiệu đáng sợ “mua bằng tiền không được thì mua bằng rất nhiều tiền. Lê Thiếu Nhơn có nao núng, anh khuyên thiên hạ tự vệ trong tình thế thụ động. Tội nghiệp: Nhân nghĩa thời đồng tiền sấp ngửa/ Tránh ngày mai riêng ai phụ bạc/ Xin người đừng thề thốt hôm nay. Nhưng lắng lại, nghe kỹ hơn, đấy không phải lời khuyên mà đúng hơn, là lời lên án, tố cáo sự lộng hành của cái xấu, lời cảnh báo nghiêm khắc, quyết liệt. Anh học cách mát mẻ cay đắng của Nguyễn Du chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa. Lớp thi sĩ vẫn được coi là trẻ, không chỉ thẳng băng mà còn thâm trầm. Lời lẽ của họ dắt bạn đọc lặn sâu vào tâm thế đương thời. Có lúc, ở một khoảnh khắc nào đó, Lê Thiếu Nhơn như quá chừng mệt mỏi. Một tình cảm bất an thường trực. Đã có bài thơ như một dấu than không nguyên do. Đã có ý định tìm vào tĩnh lặng, không xôn xao nữa, mà quên lãng, mà về già như nắng quái chiều hôm:
Hát về điều không xôn xao nữa
 giữa mùa đang xôn xao
Bỗng thèm ngọn gió lãng quên
trên những bờ lau mưa dài nắng quái.
May sao, đấy chỉ là một cơn học cổ điển thôi. Nhân tiện, nói thêm, phong thái cổ điển trong thơ Lê Thiếu Nhơn ở tập này, đã có vị lắm, nhưng ở những chủ đề khác!    

                

              
            Trở lại với điều đang nói, Lê Thiếu Nhơn đã không giấu những điều trông thấy và cũng không giấu cả nỗi đau đớn lòng. Nhưng không chỉ có thế. Đấy mới chỉ là thông tin. Thông tin hiện thực và thông tin tâm trạng. Chúng ta xem anh xử lí thông tin ra sao để đạt được bình tâm, để tìm ra sức mạnh, để sáng suốt mà vượt lên nó. Đây là một thái độ sống tích cực. Xã hội ta mấy năm nay, đang có những biến động tăng cường tấn công cái tham cái ác, tấn công thói lạm quyền, lăng loàn dân chúng. Có những ông to thoái hóa đã ra tòa. Những điều trông thấy ấy thành nguồn nuôi dưỡng lòng tin. Trong cuộc tự phấn đấu của thơ, trước những biểu hiện sa sút của lối sống, Lê Thiếu Nhơn đã nhiều lần tự nhủ gìn giữ như một vũ khí tùy thân, là lòng tin vào đạo lí, tin vào sức mạnh của nhân phẩm, của cái đẹp. Niềm tin ấy như một tiềm lực, như một bản năng ẩn giấu đâu đó trong con người. Những khi tình cảm nao núng, trong một tình huống oan khiên nào đó, cái ác tạm thời thắng thế. Nao núng chứ. Chúng ta nên cảm thông cho trái tim con người, nhất là khi trái tim ấy đã tự phơi ra ngoài lồng ngực. Những lúc ấy Lê Thiếu Nhơn đã phải nương vào lí trí. Lấy những nguyên lí của lương thiện làm điểm tựa. Đã nhiều lần tôi gặp một mệnh lệnh cách trong thơ anh Đành phải tin!”, Đành phải tin!”. Đó là một lời tự nhủ. Một thủ pháp lấy nguyên tắc mà chế ngự tình hình. Anh tin vào sức mạnh của tương lai: “Con bi bô cây dài ngày xanh thẳm/ Con chập chững núi cao thuở ngàn trùng”. Nguyên lí của cây là xanh thắm. Nguyên lí của núi là ngàn trùng. Nguyên lí của hi vọng khi có tiếng đưa nôi: “Những đổ vỡ ngổn ngang ngày tháng cũ/ Đã tan vào tiếng kẽo kẹt đưa nôi”. Anh tìm sức mạnh từ cội nguồn, từ mẹ, từ quê hương: “Miền Trung trong đêm không thể nhìn ra cột cây số bên đường/ Tôi lấy hơi thở của biển để nghe gần hơn ngôi nhà của mẹ/ Giông bão kẻ đi xa đã lặng sóng phía khu vườn” và “Tôi tìm cách đi lùi trong ký ức, đi lùi đến ngây thơ/ Còn màu hoa bên mép vực dại khờ/ Làm sao tìm được cách tha thứ những tiếng vỗ tay phản trắc?
Ngây thơ nhưng đủ nhận ra kẻ phản trắc núp trong dáng vỗ tay hoan hô. Biết, nhưng trong lòng, anh tự giải tỏa bằng tìm cách nghĩ để tha thứ. Lại có lúc anh phẫn nộ với kẻ đạo đức giả, đóng vai trí tuệ, cất mồm chửi mọi thứ rồi đau đớn nốc rượu thương dân và về ngủ kĩ. Cách ứng xử biện chứng trước cuộc đời nhiều mặt nạ là một khía cạnh trí tuệ của thơ hôm nay. Tha thứ, phẫn nộ và ái ngại. Cái tâm thế ái ngại phải chăng là một tổng hợp của cả tha thứ và phẫn nộ, của cả lòng mình lẫn lòng người: “Cúi xuống nghe lòng mình ái ngại/ Ái ngại lòng mình cúi xuống nghe”.
Cái tư thế cúi đầu nghĩ ngợi này quả đáng “ái ngại" thật. Nhưng lại mừng cho thơ. Không xuôi chèo mát mái nhưng đầy ý chí tự vượt. Tác giả cố tìm mọi cách tự mình xoay trở, để vượt qua tình thế. Kể cả tôi trồng một hàng cây cho chim về hót… dù là hót cái hắt hiu đời mình. Kiên trì giữ lấy tính độc lập lương thiện: “Can đảm không bầy đàn/ Can đảm không bè cánh”. Nghĩ đến tình thế này, chủ trương biện pháp này là thực thi một tinh thần nhập cuộc tích cực, không phải lơ mơ mây gió hay lớn giọng kẻ cả kiểu yêu nước thương dân không tốn kém.
Biện pháp cuối cùng là lấy chủ nghĩa lãng mạn trong trẻo để thắng hiện thực lươn lẹo. Lấy tình yêu (muôn đời) và niềm lạc quan tôn giáo (từ bi) làm sạch tâm hồn mình: “Cũng may còn thấy em cười giữa đời xuôi ngược

Lê Thiếu Nhơn coi trọng thủ pháp diễn đạt. Chịu tìm tòi, chịu tốn thời gian cho thể nghiệm. Ở tập này, anh tìm trong ngôn ngữ, trong hình ảnh sức gợi của ẩn dụ, của biểu tượng. Bài thơ ngắn gọn mà nói được xa rộng, dễ đọc mà không dễ đi hết chiều sâu tâm tưởng. Chỗ ấy là thành công, mà cũng có thể còn một cách bức nào đó giữa sản phẩm và người tiêu thụ. Làm người đọc thân mình, mê mình tùy vào việc giải tỏa cách bức này. Việc ấy Lê Thiếu Nhơn đang ráo riết làm và làm có hiệu quả./.