Tác phẩm bị từ chối chủ yếu vì chúng quá non, quá yếu. Đa số người viết không nhận ra điều này, chỉ đến khi họ gặp những người có kinh nghiệm hoặc hiểu nghề chỉ ra, họ mới nhận ra. Tự đánh giá tác phẩm của mình ở giai đoạn đầu gần như là điều bất khả với những người bắt đầu, họ choáng ngợp vì thành quả mình vừa làm ra, họ nghĩ rằng nó có thể là một kiệt tác, nhưng thực ra đa số là giấy lộn hoặc không xứng để in ra.




SỰ TỪ CHỐI BẢN THẢO

UÔNG TRIỀU

Tôi làm việc ở một tạp chí văn học, hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều bản thảo gửi đến. Cơ bản là tôi từ chối chúng, tỉ lệ thành công của các bản thảo được dùng là dưới mười phần trăm, thậm chí là ít hơn nữa. Tại sao lại có sự khắt khe như vậy?  Một tạp chí chuyên ngành, yêu cầu về chất lượng của nó khá cao và diện tích “đất” cũng không nhiều, cho nên sự tuyển lựa nhiều vòng và kĩ tính trong sàng lọc là điều đương nhiên. Rất nhiều tác giả đã gặp phải sự từ chối này, chính tôi cũng đã nhiều lần thất bại khi gửi bản thảo đến các nơi khác. Sự từ chối là đương nhiên khi các đơn vị xuất bản phải chọn lọc những gì tốt nhất có thể. Bị từ chối không nhất thiết là thất bại, có rất nhiều lí do dẫn đến sự từ chối mà tôi sẽ nói ở phần sau, do đó danh sách các tác phẩm lừng danh bị từ chối cũng không ít.
Ngày nay, hầu như độc giả nào cũng biết đến bộ truyện “Harry Potter” của  J. K Rowling nhưng bộ truyện kì thú này đã bị 12 nhà xuất bản từ chối trước khi được in ra. Còn Jack London, tác giả của “Tiếng gọi nơi hoang dã” đã từng nhận được đến 600 lá thư từ chối trước khi quyển sách đầu tay của ông được xuất bản! Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Margaret Mitchell “Cuốn theo chiều gió” cũng đã từng bị 38 nơi từ chối; “Chúa ruồi” của nhà văn đoạt giải Nobel  William Golding cũng từng bị 21 lần từ chối, còn “Nhật kí Anne Frank” thì nhận 15 lần khước từ!

Tôi cũng rất thấm thía với sự từ chối bản thảo của chính mình. Cuốn “Tưởng tượng và dấu vết” của tôi đã bị 8 đơn vị xuất bản từ chối và tôi cũng từng ấy lần phải đổi tên sách. Sự từ chối này có nhiều lí do. Có nhà xuất bản cho rằng nó quá khó hiểu, có nơi đề nghị tôi cắt bớt một vài chương hoặc nơi khác đề nghị đổi tên tác phẩm...  Sự vòng vo tam quốc khiến cho tác giả phát chán, không muốn theo đuổi nữa thì một ngày đẹp trời, một đơn vị xuất bản báo cho tôi cuốn sách sắp được ra đời. Nói thật là khi ấy tôi không còn một niềm vui nào nữa vì sự chờ đợi quá lâu và mệt mỏi, thậm chí đã cân nhắc vào phút chót liệu có nên in nó hay không.

Cảm giác chán chường sẽ có hầu hết ở các tác giả mới khi bị từ chối. Tất nhiên người viết phải biết chấp nhận và vượt qua. Anh là người mới và họ chưa tin anh, cái tên của anh chưa đủ đảm bảo cho một sự hanh thông trong phát hành hoặc gây dựng uy tín trong làng sách.  Đa số người ta sẽ có con mắt ngờ vực những người mới đến, dành cho họ sự miễn cưỡng, thiếu ưu ái hoặc từ chối thẳng thừng, nếu không có lòng kiên nhẫn và ý chí mạnh mẽ, đa số sẽ từ bỏ hoặc tìm con đường khác.
Vấn đề là điều gì nằm sau sự từ chối ấy? Tác phẩm bị từ chối chủ yếu vì chúng quá non, quá yếu. Đa số người viết không nhận ra điều này, chỉ đến khi họ gặp những người có kinh nghiệm hoặc hiểu nghề chỉ ra, họ mới nhận ra. Tự đánh giá tác phẩm của mình ở giai đoạn đầu gần như là điều bất khả với những người bắt đầu, họ choáng ngợp vì thành quả mình vừa làm ra, họ nghĩ rằng nó có thể là một kiệt tác, nhưng thực ra đa số là giấy lộn hoặc không xứng để in ra.
Ngoài sự non kém là lí do chính thì những tác phẩm quá mới, quá lạ cũng gặp những trở ngại đáng kể, đặc biệt khi những người có thẩm quyền “sinh tử” với bản thảo chưa sẵn sàng một tâm thế đón nhận. Cái mới, cái lạ luôn bị nghi ngờ khi lần đầu xuất hiện và có lẽ người viết cần những lí lẽ mạnh mẽ để thuyết phục hoặc may mắn gặp được tri âm, tri kỉ thì bản thảo mới có cơ hội “lọt” qua vòng tuyển trạch.
Sự từ chối luôn mang đến sự buồn chán và thất vọng nhưng thực tế rất ít người có thể rút ra được bài học sau thất bại này. Có những câu hỏi quan trọng được đặt ra. Tại sao bản thảo bị từ chối? Làm sao để lần sau không bị từ chối? Viết thế nào để không thành người bị từ chối vĩ đại?
Sự từ chối có muôn vàn cung bậc, tôi đã nói đến sự non kém hoặc quá mới mẻ của bản thảo. Sự từ chối còn có thể vì không phù hợp, không hợp thời. Một nhà xuất bản chuyên về lịch sử chẳng hạn thì sẽ không ưa những truyện trinh thám. Một đơn vị chuyên xuất bản sách thiếu nhi thì họ rất khó làm sách người lớn. Một tờ báo cần bài ngắn thì tác giả lại gửi bài dài hoặc ngược lại. Hoặc nội dung bản thảo đề cập đến những chủ đề quá nguy hiểm, không hợp thời, ví dụ động chạm đến chính trị, tôn giáo, lịch sử hoặc đi ngược những xu thế không được ủng hộ…
Không chỉ những người viết trẻ mới bị từ chối, những cây viết lão làng, thành danh cũng bị từ chối là chuyện thường.  Sự không đều tay trong quá trình sáng tác, sự không phù hợp như tôi đã nói ở trên là những lí do. 
Các nhà xuất bản không phải các đơn vị từ thiện, họ có tiêu chí riêng để kinh doanh, có mục tiêu phát triển và phương châm của mình. Từ góc nhìn tác giả, tôi cũng không thích tác phẩm của mình trở thành một sản phẩm từ thiện, tôi muốn nó tự thân có giá trị để người ta đối xử với nó sòng phẳng và công bằng…

Sự từ chối luôn là những kinh nghiệm hữu ích với những người cầu thị. Sau mỗi lần thất bại họ sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích, đôi khi là những thứ rất đơn giản nhưng quan trọng. Ví dụ, khẩu vị của nhà xuất bản là A mà mình lại gửi tới sản phẩm M, đang mùa đông rét mướt mà mình lại khuyến khích người ta ăn kem, người ta đang tránh cái ấy mà mình lại khui nó ra…vv và vv…
Các kiểu từ chối cũng vô cùng đa dạng, đa số người được quyền từ chối sẽ cố gắng không làm mếch lòng người viết. Các câu trả lời đơn giản nhất là: bản thảo không phù hợp với tiêu chí, xin để một dịp khác, hoặc… im lặng. Chỉ khi bị thúc ép gắt quá để có một sự phúc đáp chính thức thì người từ chối mới đưa ra đánh giá chi tiết của mình. Có rất nhiều chuyện vui buồn, hài hước xảy ra xung quanh những sự từ chối này và có lẽ tôi sẽ kể ở một dịp khác.
Tất nhiên như đã nói sự từ chối không có nghĩa là thất bại hoàn toàn, bản thảo có thể không phù hợp với biên tập viên này, tờ báo, nhà xuất bản này, thời gian này nhưng sẽ có thể tương thích với những người khác, nơi khác, thời gian khác. Thậm chí có tác phẩm bị cả trăm nhà xuất bản từ chối mà sau vẫn làm nên hiện tượng ghê gớm. 
Cuốn sách “Chicken Soup for the Soul” của Jack Canfield đã bị 144 nhà xuất bản từ chối nhưng ngay khi in ra đã trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới. “Harry Potter” của Rowling thành sách kinh điển cho thiếu nhi và thậm chí 500 bản in thăm dò đầu tiên thì bây giờ giá tiền của mỗi bản ấy là rất lớn! “Cuốn theo chiều gió” ngay khi ra đời đã đoạt giải Putlizer và trở thành kinh điển của văn học Mỹ còn “Nhật kí Anne Frank” thì trở thành một trong 10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất thế giới…

Tôi cũng đã từng quan sát và theo dõi những người bị từ chối. Có tác giả gửi bản thảo đến năm, bảy lần và không đạt, anh ta yêu cầu một lời nhận xét thật thẳng thắn và khách quan. Tôi đã làm đúng như thế và không hi vọng gì anh ta trở lại. Bẵng đi một thời gian không thấy tác giả gửi bản thảo đến và tôi nghĩ mình đã dự đoán đúng nhưng rồi một ngày tốt lành, tôi lại nhận được bản thảo của người ấy, thấy hài lòng và sử dụng thường xuyên.
Còn đa số với những người khác, họ thường không trụ nổi quá ba lần  liên tục. Có những tác giả sau khi nghe được những lời nhận xét thẳng thắn và công bằng thì sẽ không bao nhìn thấy họ nữa. Tôi nghĩ điều ấy thực ra là có ích. Họ nhận ra họ không đủ khả năng đi trên con đường ấy hoặc năng lực thẩm mĩ của tôi không phù hợp với họ và họ đi tìm một chân trời mới. 
Bản chất của bất cứ sự lao động nào cũng cần có những trả giá nhất định để rút kinh nghiệm và trưởng thành. Nghề viết cũng thế, thậm chí sự đòi hỏi của nó còn khắt khe và khó khăn hơn nhiều. Nhưng nghệ thuật thì không cần quá nhiều và quá nhanh, khi đã dấn thân thì phải chấp nhận những thử thách để những sáng tạo đích thực được ghi nhận và tôn vinh. Vì xét cho cùng, sự từ chối luôn là những thách thức và cơ hội cho mọi người viết!


Nguồn: Văn Nghệ Công An