Nam diễn viên cự phách của điện ảnh Italy ở nửa sau thế kỷ 20 sinh ngày 28 tháng Chín năm 1924. Ông đã thủ vai trên một trăm bộ phim của các đạo diễn lừng danh như Fellini, Visconti, Vitorio de Siki, Antonioni… Nhiều giai nhân tuyệt tác của điện ảnh, sân khấu Italy và thế giới đã là bạn diễn của ông: Sophi Loren, Brizit Bardo, Catherine Deneuve..Vì hoạt dộng sáng tạo của mình, ông đã hai lần đoạt giải Liên hoan phim Cannes, hai cúp vàng của Liên hoan phim Venise, giải “Bồ câu vàng”và giải của BAFTA. Là con trai của một người thợ mộc, không hề trải qua trường lớp làm phim, ông đã trở thành biểu tượng của nền Điện ảnh Italy… Họ tên đầy đủ của nam diễn viên này là Marcello Mastroianni.
“Người chồng Italy trong ao ước”, “Người tình gốc Latin”- như thiên hạ vẫn gọi nam diễn viên này như thế. Mastroianni sinh trưởng tại một làng vùng bán sơn địa, trong gia đình một người thợ mộc nghèo khổ. Cả cha mẹ lẫn mấy người con sống trong một căn nhà ọp ẹp, thiếu ánh nắng, tằn tiên chi tiêu từng xu từng hào..Có lẽ đây là nguyên cớ khiên Mastroianni đã phải bươn chải tìm một công việc làm ngay từ thuở niên thiếu. Khi Thế chiến hai bùng nổ, chàng thiếu niên Mastroianni phải lao động cực nhọc tại một trong những trại tập trung của bọn phát xít Đức. Từ nơi này, chàng thiếu niên bỏ trốn lên Venise.Chiến tranh kết thúc, Mastroianni tìm tới Roma, nhận công việc tại một cơ sở làm phim. Thời gian rảnh rỗi, chàng trai giành hết cho niềm đam mê được trở thành diễn viên. Thực ra, ngày còn nhỏ, Mastroianni cũng đã từng tham gia trong những vở kịch của nhà thờ ở địa phương vào mỗi dịp lễ tết.Sau này là các vở diễn tại trường trung học, đại học. Nhưng quả là chàng trai chưa bao giờ tơ tưởng tới niềm vinh quang của một diễn viên. Cũng có thời kỳ Mastroianni mơ ước trở thành một kiến trúc sư. Tất cả đã thay đổi sau lần gặp gỡ với đạo diễn lừng danh Lukino Viskonti. Ông đạo diễn này tựa như “ phát hiện “ ra anh trong một vở kịch nghiệp dư. Lukino Visconti liền mời Mastroianni về nhà hát “ Elizero” của mình. Nhà hát này sáng đèn từ năm 1946 tại Romma và tồn tại thêm 12 năm nữa. Vào thời điểm ấy Mastroianni cũng không tự coi mình là một gã đẹp trai, có tài; chàng trai nghi ngờ cả sự lựa chọn của ông đạo diễn kia; nhưng dẫu sao Mastroianni vẫn bỏ dở giữa chừng những năm đại học.
Vẫn tham gia các vở diễn ở nhà hát, Mastroianni bắt đầu đóng phim. Những vai đầu tiên của ông vào thập niên 1940 phần nhiều là vai phụ. Bước qua thập niên 1950, Mastroianni mới được giao vai chính, ví như vai diễn trong bộ phim “ Giây phút cáo buộc”. Mastroianni sắm vai những chàng trai Italy bình thường, chưa có một chút danh vọng nào. Tác phẩm thực sự đánh mốc cho cuộc đời của nam diễn viên này chính là bộ phim “ Những đêm trắng” (1957 )của đạo diễn Lukino Visconti, chuyển thể lên màn ảnh truyện vừa cùng tên của nhà văn Nga F.Dostoievsky. Hành động phim được chuyển từ Saint-Peterburg sang Italy. Mastroianni sắm vai chàng Mario cô đơn đem lòng yêu thương một cô gái Nga tên là Natalia. Một năm trước, cô gái đã gặp người mình yêu tại khu nhà nghỉ cùa người bà và đã hứa đợi chờ anh. Phim đã gây tiếng vang tại Liên Hoan phim Venise. Mastroianni không đạt được huy chương hay bằng khen trong vai một chàng trai có phần nhút nhát, mơ mộng, thường lang thang trên các đường phố mờ mịt sương khói ấy. Nhưng chính vai này đã khiến một đạo diễn Italy tài ba khác-Federico Fellini để mắt tới anh. Và sự bắt tay giữa Fellini với Mastroianni đã khiến người diễn viên này vượt qua danh giới nước Italy, trở thành nổi tiếng toàn thế giới. Bà vợ của đạo diễn Fellini- nữ diễn viên lừng danh Giulietta Masina- người đã từng tham gia sắm vai trong những vở kịch thời sinh viên với Mastroianni đã đóng vai trò không nhỏ trong việc thành danh của diễn viên này. Theo lời gợi ý của bà vợ, đạo diễn Fellini đã mời Mastroianni sắm vai trong bộ phim “Cuộc sống ngọt ngào” (1960) của ông. Mọi người kể lại, khi Fellini mời Mastroianni đến thử vai, ông không yêu cầu diễn viên đọc kịch bản văn học. Fellini đưa Mastroianni xem một bức tranh vẽ một người cô đơn ngồi trên một con thuyền giữa biển xanh. Chừng ấy hình như đã đủ để trên màn ảnh xuất hiện chàng phóng viên Mastroianni thuộc thế hệ “ thanh niên vàng” của những năm 1950” trong những buổi dạ hội tối tối đi tìm mình trong những vòng tay ôm của những mỹ nữ, những ngôi sao điện ảnh nhưng vẫn không sao thoát ra khỏi sự cô đơn, xa cách mọi người. Tiếp nối đề tài này và phát triển thêm mẫu người ấy là tác phẩm tiếp theo của hai người- bộ phim “8 ½”. Phim kể lại cuộc tìm kiếm sáng tạo của một đạo diễn điện ảnh trong khi dạo chơi lang thang giữa một phim trường gắn kết với những hồi ức có tính chất siêu thực về việc nẩy sinh cảm hứng nghệ thuật trong thời thơ ấu. Cuộc độc thoại của Fellini trở thành đỉnh điểm không chỉ giải thích ý nghĩa công việc làm phim của ông mà còn trở thành chiếc chìa khóa giúp ta khám phá con đường công danh của Mastroianni.
Sau phim “Cuộc sống ngọt ngào”, Mastroianni sắm vai người chồng của Jann Moro trong bộ phim “Đêm” (1961) , đạo diễn Antonioni và vai kẻ giết vợ mình trong “Ly hôn theo kiểu Italy” (1961) của đạo diễn Lukino Visconti. Vai diễn trong bộ phim sau đã mang lại cho Mastroianni giải “Bồ câu Vàng” và giải của BAFTA. Ông bầu Carlo Ponti- một trong số nhân vật có ảnh hưởng nhất của Điện ảnh Italy thời gian đó lập tức chú ý tới Mastroianni… Vào năm 1965, Mastroianni thủ vai chính trong cả 3 tập phim được gọi dưới tên chung “Hôm nay, Ngày mai, ngày kia”. Còn tới năm 1968 Mastroianni xuất hiện một trong những dự án của ông bầu Ponti-phim melodgram “Những người tình” của đạo diễn Vittorio de Siki. Trong quá trình quay bộ phim này Mastroianni kết thân với nữ diễn viên điện ảnh Mỹ
Faye Dunaway. Hai người sắm những cảnh yêu đương nóng bỏng nhất giữa một nữ họa sỹ Mỹ bệnh tật với một chàng kỹ sư Italy tình cờ quen nhau. Mối tình trên màn bạc biến thành mối tình thật ngoài đời. Theo lời thú nhận của chính Mastroianni, chàng yêu nàng ngay từ cái hôn đầu tiên trước ống kính máy quay. Chì có một điều cản trở hạnh phúc của hai người-Mastroianni đã có vợ.
Với người vợ của mình Mastroianni đã làm quen ngay từ cuối những năm 1940. Tên bà là Flora Corabela. Bà là con gái của một nhà soạn nhạc nổi tiếng, quen sống cuộc sống thừa thãi, xa hoa, không còn mong muốn điều gì khác. Cuộc sống vương giả ấy đã có sức hấp dẫn Mastroianni – một chàng trai nghèo khổ, không chỉ luôn luôn cần tiền bạc, mà còn cả áo quần, đồ ăn thức uống hàng ngày.Hai người kết hôn và suốt phần đời còn lại Mastroianni không ngớt lời khen ngợi người vợ của mình-nào là nhân hậu, độ lượng, hết sức chăm lo, nào là rất quan tâm tới chồng… Chỉ có điều Mastrianni không bao giờ nói rằng mình yêu vợ. Flora ban đầu nổi máu ghen với những nữ diễn viên đóng cặp với chồng mình, dần dà bà cũng nguôi ngoai, tha thứ; sau rốt chịu đựng tất cả các cuộc tình với những người đàn bà khác của chồng. Nhưng Mastroianni cũng nhất quyết không bao giờ bỏ vợ. Cô đào Hollywood đã chia tay với Mastroianni vì nam diễn viên không chịu ly hôn. Tiếp tới là cuộc tình giữa Mastroianni với nữ diễn viên tóc vàng người Pháp Catherine Denevuer khi hai người cùng sắm vai trong bộ phim “Điều đó chỉ xẩy ra với người khác” của đạo diễn Nadine Trintignant. Nhưng Catherine Deneuver không tiếp nhận lời cầu hôn của Mastroianni. Vì say đắm nữ diễn viên người Pháp tuyệt với xinh đẹp, lần này Mastroianni đòi ly hôn với vợ. Nhưng Catherine Deneuver vẫn cương quyết khước từ lời cầu khẩn hôn nhân của Mastroianni. Cuộc dan díu kéo dài gần một năm vẫn không thể kết thúc bằng một đám cưới, cho dù Catherine Deneuver sinh hạ với Mastroianni cô bé Ciaru.
Cũng cần phải kể thêm Mastroianni còn dan díu với Sophi Loren- vợ của ông bầu Carlo Ponti, người đã giúp Mastroianni có vai trong hai bộ phim khá nổi tiếng. Năm 1963, Mastroianni và Sophi Loren cùng nhau đóng cặp đôi tình nhân trong 3 tập phim “Hôm nay, Ngày mai, Ngày kia” của đạo diễn V.De Siki. Qua năm 1964, hai người lại sắm vai đôi uyên ương trong bộ phim “Ly hôn theo kiểu Italy” cũng của đạo diễn này.
Những bộ phim hài kịch hay melodrama lần lượt góp vào bảng danh sách sáng tạo vai của Mastroianni đều như các tác phẩm chính kịch. Cái diện mạo bề ngoài rất là “ hào hoa”; sự am tường biết thể hiện những xung đột với hoàn cảnh và trong nội tâm của Mastroianni khiến không một diễn viên nào khác có thể thay ông đảm nhiêm vai trong bộ phim chuyển thể cuốn tiểu thuyết của nhà văn Albert Camus “ Người xa lạ” do đạo diễn Lukino Viskonti dàn dựng. Nhân vật Marso của Mastroianni là một con người thờ ơ, lạnh lùng, không có phản ứng đối với bất cứ ai, việc gì, ngoài một điều đang trải qua cơn khủng hoảng nội tâm.
Vào những năm 1970 Mastroianni tiếp tục cộng tác với đạo diễn F. Fellini , thoạt đầu là bộ phim “Roma” mang tính chất tự truyện của ông, tiếp tới là phim “ Thành phố của những thiếu phụ” (1980 ) và phim “Zinzer và Fred” (1985).Lần cuối cùng hai người làm việc trên trường quay là phim “Cuộc phỏng vấn” (1987). Trong phim này Mastroianni thể hiện chính bản thân mình, một diễn viên nổi tiếng đang trả lời phỏng vấn của các nhà báo khi nhớ lại lần làm quen với Fellini. Chính trong phim này vị đạo diễn lừng danh cũng kể lại kỷ niệm về thời kỳ làm phim tại hãng “Chenechita” vào những năm 1950- giai đoạn đã trở thành “kỷ nguyên vàng” của Điện ảnh Italy. Phim có diễn viên sắm vai như trong phim truyện lại dựng kèm với những mét phim tài liệu ghi lại những gì đã qua. Mastroianni và Fellini đến thăm nữ diễn viên Anita Ekberg. Nữ diễn này đã từng thủ một vai trong bộ phim “Cuộc sống ngọt ngào”. Cả ba cùng nhau vui đùa, bơi lội dưới vòi phun nước Trevi tại một trong những trường đoạn phim xuất sắc.
Năm 1996, khi Marcello Mastroianni từ trần, nhờ bộ phim này, vòi phun nước Trevi và thủ đô Romma treo cờ rủ đã trở thành biểu tượng cho Thành phố Roma và Điện ảnh Italy.
TÔ HOÀNG
( theo báo chí nước ngoài )