Sức mạnh của Picasso nằm ở chỗ ông biết biểu hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật những ý tưởng sâu sắc nhất, những cảm xúc phức tạp nhất. Ngay từ lúc còn là một chú thiếu niên Picasso đã vẽ như một họa sỹ thực thụ. Những đường nét dưới tay ông truyền đạt được mọi điều, tức toàn bộ những gì ông muốn.



PICASSO TRONG MẮT MỘT NHÀ VĂN NGA

TÔ HOÀNG
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

Kỳ 2

Năm 1948, sau Hội nghị Vrostlav chúng tôi tới Varsava. Picasso vẽ tặng tôi một bức chân dung bằng bút chì. Tôi ngồi để ông vẽ trong một căn phòng tại khách sạn “Briston cũ kỹ. Khi Picasso kết thúc công việc, tôi hỏi : “Xong rồi sao?. Thời gian dành cho bức chân dung của tôi rất ít. Picasso cười: “Mình đã quen biết cậu bốn chục năm rồi mà..”. Tôi cảm thấy bức chân dung Picasso vẽ tặng không chỉ rất giống tôi (tốt nhất nên nói tôi giống bức chân dung) mà còn đạt tới một chiều sâu tâm lý nhất định. Tất cả các bức tranh chân dung của Picasso đã mở ra (đôi khi là phanh phui) thế giới nội tâm của người mẫu. Cũng đã rất lâu rồi khi tôi nói với ông về tình yêu của tôi với những nghệ sỹ ấn tượng, Picasso nhận xét: “Họ muốn miêu tả thế giới như họ thấy. Tôi không thích thế. Tôi muốn miêu tả thế giới như tôi nghĩ về nó”.
Lẽ đương nhiên nhiều bức tranh của Picasso cũng rất khó hiểu: sự phức tạp của cảm xúc và ý tưởng, cái còn chưa quen của hình thức.Tôi may mắn được làm phiên dịch trong cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Picasso và A.A Phadeev tại Vrostlav.
Phadeev: Tôi không hiểu một số bức tranh của anh. Tốt nhất là tôi nói thẳng điều này với anh.Tại sao thỉnh thoảng anh lại chọn những hình thức mà nhiều người không hiểu được?
Picasso: Đồng chí Phadeev ơi, nói cho tôi biết ở trường người ta có dậy đồng chí đọc không?
Phadeev: Tất nhiên là có rồi!
Picasso: Họ dạy đồng chí như thế nào?
Phadeeev: ( kèm tiếng cười khiêm nhường của mình ) Be-a-ba
Picasso: Cũng như họ dạy tôi“ “ba. Đồng chí cảm thấy bình thường chứ, nếu hội họa cũng dạy anh cách hiểu?
Phadeev lại cất tiếng cười và nói lảng sang chuyện khác.
Nếu suy ngẫm về toàn bộ sáng tác của Picasso thì sẽ sáng tỏ ông đã thay đổi hội họa như thế nào. Sau các nhà ấn tượng con người ta đã nhìn nhận thế giới lại một lần nữa- nhìn nhận không cần tới cặp kính niêm luật ở nhà trường. Những họa sỹ vẽ những gì thật gần với thiên nhiên: chân dung, phong cảnh, tĩnh vật. Bố cục trở thành thứ độc quyền của các họa sỹ theo khuynh hướng hàn lâm. Họa sỹ sợ hơn cả là một chi tiết. Họ nói rằng nó “văn học” quá! Cấu trúc cuối cùng được làm tại Pháp bởi một họa sỹ tầm cỡ là bức “Lễ mai táng ở Ornan của Curbe. Bức tranh này được vẽ vào năm 1850. Vào năm 1937, gần 100 năm sau Picasso vẽ bức “Sự hủy diệt ở Gernica”.
Rời khỏi Madrid đang bị phong tỏa, tới Paris tôi đến ngay phòng tranh Tây Ban Nha tại Triển lãm toàn thế giới và ngay lập tức như bị đông cứng lại: tôi nhìn thấy bức tranh “Gernica. Sau này tôi nhìn thấy bức tranh đó 2 lần nữa-năm 1946 tại Bảo tàng New York và năm 1956 tại Luvre trong cuộc triển lãm cái nhìn đa chiều của Picasso. Trong cả 2 lần ấy tôi đều trải qua nỗi xúc động như nhau. Picasso có thể nhìn về phía trước như thế nào đây? Chính cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha đã đưa mọi thứ về thời cổ xưa.Đúng là đối với hàng không Đức cuộc chiến tranh ấy đã diễn ra theo những quy ước, nhưng cuộc tập kích vào Gernica chỉ là một chiến dịch không lớn, một nét phết phẩy của một cây bút vẽ. Sau đó sẽ là Thế chiến 2. Sau đó là Hirosima. Bức họa của Picasso - đó là nỗi khiếp hãi của tương lai, của nhiều Gernica nữa, của thảm họa nguyên tử. Chúng ta nhìn thấy trong tranh những mảnh những mẩu của thế giới bị bằm nát, của điều vô lương tri, của lòng căm thù, của nỗi thất vọng.
(Chủ nghĩa hiện thực là gì và liệu người họa sỹ có bị “hiện thực hóa” không khi anh ta muốn miêu tả tấm thảm kịch Hirosima bằng cách vẽ thật kỹ càng những vết lở lói trên thi thế một hay vài chục người bị thiêu đốt? Liệu có cần tìm tới một chất hiện thực khác với cách nhìn khái quát hơn, để có thể khám phá ra không phải những chi tiết riêng lẻ mà là cái bản chất của tấn thảm kịch?)
Sức mạnh của Picasso nằm ở chỗ ông biết biểu hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật những ý tưởng sâu sắc nhất, những cảm xúc phức tạp nhất.Ngay từ lúc còn là một chú thiếu niên Picasso đã vẽ như một họa sỹ thực thụ. Những đường nét dưới tay ông truyền đạt được mọi điều, tức toàn bộ những gì ông muốn. Những đường nét ấy chịu khuất phục dưới bàn tay ông. Ông giận dữ, ông nổi khùng, gạch xóa những gì đã vẽ khi không tìm được đúng mầu sắc mà ông cần.
Đã có lúc ở nước ta khuyến khích thứ hội họa nom hoàn toàn giống như những bức ảnh chụp. Tôi còn nhớ rõ vào thời điểm ấy xẩy ra câu chuyện tức cười giữa Picasso và một họa sỹ trẻ ở Leningrad.
Picasso: Ở chỗ các bạn có bán màu vẽ không?
Họa sỹ:Tất nhiên có chứ ! Muốn mua bao nhiêu chẳng được !
Picasso: Mà ở dạng nào?
Họa sỹ: (chút băn khoăn): Chứa trong các tuýp..
Picasso: Trên các tuýp ấy ghi gì ?
Họa sỹ: ( càng thêm lúng túng ) Tên của những loại màu : “vàng đất”, “xanh nước biển”, “crom, “màu cà phê đã rang”…
Picasso: Anh cần phải hợp lý hóa việc sản xuất màu đi thôi!.Tại các nhà máy cần phải điều chế ra các hỗn hợp, còn trên các tuýp thì viết: Tuýp này “dành cho mặt ”, tuýp kia “dành cho tóc, tuýp thứ ba “dành cho các bộ sắc phục. Như vậy thông minh hơn.
  Một số tác giả viết về Picasso gắng gỏi phác vẽ niềm mê say chính trị ở ông là một điều gì đó như sự tình cờ, như một sự đỏng đảnh. Kiểu như ông là một kẻ thất thường, thích những trận đấu bò tót, muốn trở thành đảng viên cộng sản.. Picasso luôn luôn có thái độ rất nghiêm chỉnh với sự lựa chọn chính trị của bản thân. Tôi nhớ rõ buổi ăn trưa trong xưởng họa của ông vào ngày khai mạc Hội nghị những chiến sỹ ủng hộ hòa bình tại Paris. Vào ngày đó vợ ông sinh hạ một bé gái đặt tên là Paloma (theo tiếng Tây Ban Nha “paloma” – là chim bồ câu) Picasso, Eluya và tôi ngồi cùng bàn. Thoạt đầu chúng tôi nói với nhau về những chú chim bồ câu. Picasso kể, cha ông, cũng là một họa sỹ thường vẽ chim bồ câu; người cha rất chán vẽ những cái chân chim nên giao công việc ấy cho chú bé Picasso. Câu chuyện giữa ba chúng tôi tiếp tục về những con chim bồ câu nói chung. Picasso rất thích chim bồ câu và thường nuôi loại chim này ở trong nhà.Ông mìm cười nói rằng giống chim này rất tham ăn và thích đánh nhau; chẳng hiểu ví sao người ta lại chọn chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình. Sau đó nữa, Picasso nói về những con chim bồ câu ông đã vẽ ra. Ông cho chúng tôi xem đến cả trăm phác thảo những con chim dành cho những tấm áp phích. Picasso biết rõ những chú chim bồ câu của ông đã tỏa bay đi khắp thế giới. Ông nói tiếp về cuộc hội nghị đang diễn ra, về chiến tranh, về chính trị. Tôi còn nhớ một câu nói của ông: “Đối với tôi, chủ nghĩa cộng sản đã gắn chặt với toàn bộ cuộc đời tôi, với tư cách là một họa sỹ…”. Những kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản chắc không bao giờ nghĩ tới mối gắn bó đó. Kể cả đối với một số người cộng sản mà mối gắn bó kia như một điều gì khó mà hiểu nổi.
Sau này Picasso còn vẽ thêm nhiều chú chim bồ câu nữa. Cho Hội nghị Varsava, cho Hội nghị ở Vien. Hàng trăm triệu người biết đến và yêu mến Picasso chỉ qua những chú chim bồ câu ấy. Những người chuộng mốt mét nhạo diễu điều này. Những kẻ thiếu thiện chí buộc tội Picasso tìm được thành công quá dễ dàng. Ấy vậy những chú chim bồ câu vẫn gắn bó mật thiết với toàn bộ sáng tác của ông: với cây cỏ hoang dại và những con dê, với những bà lão và các cô thiếu nữ. Tất nhiên con chim bồ câu chỉ là một hạt cát nhỏ trong sự phong phú, giàu có những gì họa sỹ đã sáng tạo ra. Nhưng hãy hiểu là đã có bao nhiêu triệu người biết đến và khâm phục Rafael chỉ qua phiên bản của một bức tranh “Madona ở Sikstin của ông. Có bao nhiêu triệu người biết đến và khâm phục Sopanh, chỉ vì ông đã sáng tác ra một nhạc phẩm mà người ta đã được nghe tại các đám tang! Bởi vậy những kẻ ghen tỵ đã châm chọc một cách vô bổ.Tất nhiên không nên xét đoán qua một chú bồ câu để hiểu biết về Picasso. Cần phải trở thành chính Picasso để vẽ ra một con bồ câu như thế.
Picasso phật ý với chính mình, luôn luôn quan tâm nghĩ tới tình yêu của những người bình thường đối với con chim bồ câu của ông; đối với chính ông. Tôi với ông gặp nhau tại Roma mùa thu năm 1949 trong một kỳ họp của Hội đồng Hòa bình thế giới. Sau buổi mít tinh diễn ra tại một trong những quảng trường rộng lớn nhất của thành phố, chúng tôi đi dạo theo một phố công nhân. Những người đang đi trên đường nhận ra ông, anh chị em tản ra thành những tốp nhỏ, mời ông uống rượu vang, ôm eo lưng ông, đám đàn bà thì trao con họ vào tay ông. Đó là biểu hiện của một tình yêu không hề bịa đặt. Tất nhiên đám người này chưa từng xem tranh của Picasso và dẫu đã xem rồi vị tất họ đã hiểu; nhưng họ biết đó là ông- một họa sỹ lớn, một người luôn sát cánh bên họ, vì những vui buồn của họ, và vì thế họ ấp iu ông.
Tại các cuộc hội nghị -ở Vrostlav, ở Paris Picasso luôn luôn ngồi với tai nghe, rất chăm chú, không bỏ sót một lời.Một vài lần tôi buộc phải tiến đến bên ông với những đề nghị: Vào những giây phút cuối của cuộc hội nghị như thế, té ra là, muốn chứng tỏ hội nghị hoặc một phong trào bảo vệ hòa bình nào đó thành công, dứt khoát phải có một bức vẽ của Picasso. Và bao giờ ông cũng mau mắn thực hiện yêu cầu của tôi.
Cũng có đôi lần một vài người trong số người đồng quan điểm với Picasso tỏ ý không thích hay bác bỏ tác phẩm của ông. Picasso tiếp thu thái độ đó với niềm khổ đau, nhưng bình thản và nói: “Đến trong cùng một gia đình còn xẩy ra chuyện xô bát đụng đĩa nữa là.
Picasso biết rõ những bức tranh của ông được treo trong các viện bảo tàng ở Mỹ. Ông cũng biết rằng khi ông muốn sang Mỹ cùng đoàn đại biểu Hội đồng hòa bình thế giới, chính quyền Mỹ đã không chịu cấp cho ông vida. Picasso còn biết cả một điều khác: Ở xứ sở mà ông yêu mến, ông tin cậy, một thời gian rất dài người ta gọi ông là  nghệ sỹ hình thức chủ nghĩa và những bức tranh của ông bị cất vào kho.
Đối với tôi, cuộc triển lãm của ông tổ chức ở Moskva vào mùa thu năm 1956 quả là một niềm vui lớn. Rất đông người có mặt trong buổi lễ khai mạc. Những người đứng ra tổ chức lo ngại cánh báo chí sẽ ít tới. Hóa ra các nhà báo đến còn đông hơn dự kiến. Những nhóm người xô đẩy hàng rào nhân viên bảo vệ vì đều lo không được vào. Ông Giám đốc Viện Bảo tàng chạy lại gặp tôi, mặt mét xanh: “Anh lên tiếng kêu gọi mọi người ổn định lại giúp tôi… Tôi lo vỡ trận..”. Tôi nói vào micro: “Các đồng chí, chúng ta đã đợi chờ cuộc triển lãm này 25 nhăm năm rồi. Bây giờ xin bình tĩnh đợi thêm 25 phút nữa”  Ba ngàn người đã cười vang và trật tự được lập lại. Khai mạc triển lãm sẽ là tôi, người thay mặt “hội những người bạn của nền văn hóa Pháp” . Thông thường vào những phút trang trọng như vậy tôi luôn cảm thấy buồn hay buồn cười.Nhưng vào ngày hôm ấy tôi xốn xao, cảm động như một chú học trò. Người ta trao vào tay tôi cây kéo, và tôi có cảm giác như tôi sẽ cắt không phải giải băng đỏ mà là cắt một tấm màn sân khấu, phía sau Picasso đang đứng..
Đương nhiên, trong một cuộc triển lãm tranh con người ta thường hay tranh cãi với nhau. Điều này càng đúng hơn với các cuộc triển lãm của Picasso. Ông thường biểu lộ sự xúc động, thường vui, thường bối rối nhưng ông không hề tỏ ra thờ ơ với mỗi lời khen chê.
“Mâu thuẫn”...Ừ thì cứ cho là như vậy đi: “trong sáng tác của Picasso ẩn chứa rất nhiều mâu thuẫn..”. Nhưng chúng ta hãy nhớ những cột mốc này: những tác phẩm đầu tiên của ông được trưng bày vào năm 1901 còn bây giờ là năm 1956. Chả lẽ có quá ít mâu thuẫn đã xẩy ra trong 56 năm ấy sao? Picasso thể hiện tính phức tạp, sự rối loạn, nỗi thất vọng, niềm hy vọng của thời đại mình. Ông phá bỏ và dựng xây, ông yêu thương và căm ghét.
Dẫu sao tôi cũng thật may mắn ! Tôi đã được gặp gỡ trong cuộc đời mình một số con người mà những con người ấy đã xác lập nên gương mặt của thế kỷ. Tôi đã được thấy không chỉ sương mù và bão tố mà còn thấy cả bóng dáng của những con người trên những boong chỉ huy. Tôi coi cái ngày mùa xuân đã trở nên xa xôi kia, khi lần đầu tiên tôi được gặp Picasso là một thành công lớn trong cuộc đời mình. Đó cũng là một cột mốc trong cuộc đời tôi./.