Nhiều người khi viết về Picasso nhận xét rằng họa sỹ đã cố gắng lột trần ra, lộn trái cái thế giới nhìn thấy được; cắt vụn cả thiên nhiên và đạo đức để tìm cho ra cái bản thể. Một số người nhìn thấy ở phương diện này sức mạnh, tinh thần cách mạng của ông. Số người khác với sự nuối tiếc hay xót xa nhìn thấy ở đó một “tinh thần hủy diệt”
PICASSO TRONG MẮT MỘT NHÀ VĂN NGA
TÔ HOÀNG
(dịch từ nguyên bản tiếng Nga)
“Con người, Năm tháng, Cuộc đời” là hồi ký nhiều tập đề cập tới nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa trải dài từ cuối thế kỷ 19 đến những năm giữa của thế kỷ 20. Đặc biệt trong sách, Ilya Erenburg có phác họa chân dung của nhiều nhân vật tầm cỡ trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật của thế giới, qua đó cũng thể hiện cách nhìn rất riêng của nhà văn đối với các khuynh hướng sáng tác. Sách viết vào cuối những năm 1950, nhưng tin rằng những gì I.Erenbugr chiêm nghiệm, đúc tỉa vẫn có ích cho chúng ta hôm nay.
Chương dưới đây giới thiệu chân dung của danh họa Pablo Picasso- một trong những nhân vật nối tiếng nhất, mà cũng gây nhiều tranh cãi nhất…
Kỳ 1:
Tôi tự hỏi mình, vì sao tôi khó viết về Picasso đến thế? Hay vì ông quá nổi tiếng; hay vì về ông người ta đã viết tới vài trăm cuốn sách; hay vì có nhiều công trình nghiên cứu dài hơi đề cập không chỉ từng tác phẩm của ông mà còn coi những con bồ câu, những con chó, những chiếc áo săng đay, những chiếc mũ đội đầu của ông cũng đều tuyệt tác hết? Đương nhiên nhiều người đã kể về Picasso- những người bạn gần gụi của ông, những người tình cờ quen biết ông- họ miêu tả ông một cách thông minh hay thô thiển; tài năng hay tầm phào. Nhưng chẳng vì thế mà tôi khó viết về Picasso. Bởi vì, cũng như bất cứ nhà văn nào, nhiều lần khi tôi ngồi vào bàn, tôi biết rõ rằng mình muốn thể hiện một điều gì đó mà người khác đã thể hiện từ lâu. Chữ nghĩa không chảy ra ở đầu ngòi bút, miêu tả một trận mưa thu bình thường còn khó hơn nhiều việc miêu tả một chiếc máy bay đã bay về tới đích. Ấy vậy nhưng trong cuốn sách tôi đang viết đây tôi thường cố gắng kể về những gì mà người khác nhiều lần đã kể trước tôi, thậm chí còn kể hay hơn nhiều. Cái khó là ở chỗ khác. Nó nằm trong bản thân con người Picasso.
Có lần nào đó, một họa sỹ tầm cỡ đã nói với tôi: “Picasso là một thiên tài, nhưng ông ta không yêu cuộc sống, ấy vậy mà hội họa lại phải khẳng định cuộc sống”. Nhận xét này đúng, nó cũng đúng như nói Picasso nồng nhiệt yêu con người, thiên nhiên, nghệ thuật, cuộc sống; cũng như nói trong ông không bao giờ tắt nguội đi bản tính tò mò của một chú thiếu niên. Nhiều bức tranh của ông đã nói với chúng ta không chỉ vẻ đẹp của cuộc đời mà còn nói cả về sức ấm nóng, vị ngọt đắng và hương thơm của cuộc đời nữa. Nhiều người khi viết về Picasso nhận xét rằng họa sỹ đã cố gắng lột trần ra, lộn trái cái thế giới nhìn thấy được; cắt vụn cả thiên nhiên và đạo đức để tìm cho ra cái bản thể. Một số người nhìn thấy ở phương diện này sức mạnh, tinh thần cách mạng của ông. Số người khác với sự nuối tiếc hay xót xa nhìn thấy ở đó một “tinh thần hủy diệt” (Vào cuối những năm 1940, khi đọc lại những phán xét của một số nhà phê bình về Picasso, tôi sửng sốt nhận ra những cáo buộc ấy - đương nhiên không xuất phát từ ý muốn của họ- lại trùng hợp với những những nhận xét của Churchill và Trumen-một người ngày xưa là một họa sỹ nghiệp dư, người kia là một nhạc công nghiệp dư- cho rằng Picasso là một kẻ nổi loạn). Trong đời mình nhiều lần tôi cảm nhận ra sức mạnh hủy diệt của Picasso. Cũng có những giai đoạn cảm nhận đó rõ mạnh và điều này khiến tôi vui sướng, tôi như được cổ súy. Nhưng đó là hiện tượng ghi lại trong tiểu sử của tôi, chứ không phải trong tiểu sử của Picasso. (Bây giờ, một số bức tranh của ông lại kiến tôi không chịu đựng nổi. Tôi không thể hiểu vì sao ông lại thù ghét gương mặt của những người đàn bà đẹp). Liệu có đúng không đây, khi ta coi là kẻ hủy diệt một người chứa đầy khát vọng sáng tạo; một họa sỹ khi đã ngoài sáu mươi vẫn đã và đang đứng vững khi dũng cảm lên tiếng ủng hộ những người cộng sản, không chịu a dua với bọn vô chính phủ, dửng dưng hay coi thường thái độ hoài nghi- điều mà một họa sỹ rất dễ sa chân? .Có thể, điều vừa nêu cũng sẽ là một sự thật để nói được rằng Picasso tươi mới lại trong nghề nghiệp của mình; rằng cái thứ dốt nát về mỹ học của “các đấng phán quan” đủ loại trọc tức ông; rằng ông cảm thấy đơn thương độc mã trong các buổi mít tinh, các cuộc hội họp. Nhưng, cũng ở phương diện này, làm sao có thể quên nổi nhiệt huyết của ông trong những năm diễn ra chiến cuộc ở Tây Ban Nha; con chim bồ câu cùng sự tham gia của ông vào phong trào của những người ủng hộ hòa bình; cái thẻ đảng, những tấm áp phích, những bức minh họa cho báo “Nhân đạo" và còn nhiều điều khác nữa..
Thời kỳ tại đường Monmars tôi không có mặt; còn thời tụ tập ở quán cà phê “ Rotondo” mà tôi đã miêu tả, khi ấy chúng tôi còn trẻ, thích làm huyên náo,thích “gây sự". Và Picasso vẫn giữ được nhiệt tình với những trò vui, thú bày đặt cho đến tận những năm ông bước qua tuổi tám mươi. Cho đến tận bây giờ ông vẫn thích làm dáng trước ống kính, trêu trọc những vị khách điệu đàng, tham gia các trận đấu bò tót. Ông khiến ta nhớ tới Ruben hay Matiss khi về già; với những người mẫu khỏa thân hay những nhân vật của Velaskes, của những thiên tài nhiều tuổi khác, thường giữa họ có một anh hề và anh hề ấy giống Picasso (anh ta cười diễu mình hay đúng hơn, tự hào về mình). Không một ai có thể biết chính xác khi nghe ông nói chuyện là ở khúc nào Picasso thôi đùa cợt. Ông biết bông phèng một cách nghiêm túc; còn những gì ông nói nghiêm túc lại mong mọi người hiểu được phía bên trong là những điều bông phèng.
Nhiều lúc tôi tự hỏi liệu ta đã phát âm đúng chưa mấy tiếng “Picasso” với trọng âm rơi vào chữ cuối hay chữ ở giữa. Có nghĩa ông là ai- người Tây Ban Nhà hay người Pháp? Đương nhiên ông là người Tây Ban Nha, xét theo cả ngoại hình lẫn tính cách, cả sự nghiệt ngã của chủ nghĩa hiện thực , cả sự nồng nhiệt, cả cái mỉa mai sâu cay, nguy hiểm. Cuộc nội chiến Tây Ba Nha gây cho ông sự chấn động và có thể “Gernika" là bức tranh có ý nghĩa nhất của thời đại chúng ta. Tại xưởng vẽ của Picasso trên phố Sent-Oguysen tôi luôn gặp những người Tây Ban Nha lưu vong. Không bao giờ Picasso khước từ người Tây Ban Nha bất cứ điều gì. Sự thật là như vậy, nhưng cần nghĩ khác đi. Vì sao suốt đời mình Picasso tự nguyện sống ở Pháp? Tại sao đối với ông chỉ riêng Sezann là vĩ đại? Tại sao ba người bạn tốt nhất của Picasso là 3 nhà thơ Pháp: Guillaume Apollinaire, Maks Zakov, Paul Eluard? Picasso không thể tách rời khỏi nước Pháp.
Một số người có những đổi thay lớn và những biến đổi ấy làm giảm nhẹ chuyện kể: cuộc đời tự nhiên có thêm những yếu tố của “sự phát triển hành động” rất hấp dẫn những người viết kịch mới vào nghề. Say mê những hành động bất ngờ, các nhà viết tiểu sử quên phắt mất tính cách con người. Điều này hay xảy ra với những công trình nghiên cứu về các nhà thơ, các họa sỹ: thời kỳ vị lai của Maiakovsky, thời kỳ xanh của Blok, thời kỳ Tây Ban Nha của Maner, thời kỳ ấn tượng của Sezann. Họ thử phân chia ngay cả với sáng tác của Picasso. Hình như không dễ dàng gì cả. Cứ khoảng 2,3 năm Picasso lại dồn các nhà phê bình kiểu ấy vào chân tường bằng những khai phá nghệ thuật mới mẻ của mình.Các nhà nghiên cứu xác lập nên nhiều thời kỳ trong sáng tác của ông- xanh da trời, hồng, người da đen, lập thể, Pompei…Tai họa ở chỗ bất ngờ Picasso quật nhào tất cả các phân định. Vào năm 1922 sau lần đến thăm xưởng họa của Picasso, Maiakovsky đã trấn an bạn hữu của mình: những tin đồn là không đúng, Picasso không quay trở lại với chủ nghĩa cổ điển đâu! Và điều khiến chàng trai Maiacovsky ngạc nhiên là ở chỗ ông không tìm thấy ở Picasso bất cứ “thời kỳ” nào: “Xưởng vẽ của ông ấy đầy những tác phẩm khác nhau nhất, bắt đầu với các cảnh sân khấu rất thực với tone xanh pha hồng hoàn toàn mang phong cách cổ đại, kết thúc với những cấu trúc của động tác và các sợi giây bện.Các bạn hãy xem những minh chứng : em bé gái hoàn toàn giống của Serov, chân dung một phụ nữ được thể hiện quá thực và một cây đàn violon cũ, vẽ theo kiểu xưa. Tất cả những bức tranh này ra đời trong một năm”. Maiakovsky cho rằng một nhà thơ đã sáng tác ra những bài hát “truyền khẩu" thì không thể thích những bản sonat được. Nhưng Pacasso không quan tâm tới những quan điểm thẩm mỹ khác nhau. Tôi chưa từng gặp một người nào nhanh chóng thay đổi đến như thế mà cũng kiên trì thủy chung với mình đến như thế. Năm 1958 khi tôi tới thăm ông ở Cannes, tôi luôn luôn bị một ý nghĩ ám ảnh: toàn thế giới đổi thay đến độ chính mình không còn nhận ra nổi quá khứ của mình; nhưng vẫn là một Picasso ấy, của bốn mươi nhăm năm trước! Suy nghĩ như vậy nhưng đồng thời tôi cũng biết rằng không một ai sải bước nhanh hơn ông!
Đấy, vì sao khó nói đến thế về Picasso: tất cả những gì bạn đang nói vừa đúng, vừa không đúng.Hình thức lời tuyên thệ của nhân chứng trước tòa ở các nước khác nhau đều vang lên như nhau. Yêu cầu đầu tiên với nhân chứng là hãy nói “ chỉ sự thật “, nhưng sau đó người ta lại đặt ra trước nhân chứng nhiệm vụ quá sức anh ta khi anh phải nói “ toàn bộ sự thật “.Đương nhiên, nếu vấn đề là ở chỗ tội ác đang mang ra xét xử đã được thực hiện thì nhân chứng không khó gì khẳng định toàn bộ sự thật. Nhưng khi quan tòa hoặc những người bênh vực bắt đầu gạn hỏi, tại sao can phạm lại trở thành can phạm thì quả là quan tòa đã yêu cầu nhân chứng quá nhiều. Bởi anh ta không phải là Shakespea, không phải là Standal và cũng không phải là Tolstoi. Một số tác giả đã viết cuộc sống và sáng tác của Picasso chứa nhiều mâu thuẫn. Đó là cách trả lời lấy lệ. Cứ theo lời chỉ dẫn của hướng dẫn viên du lịch người Hà Lan thì dễ dàng biết được ở xứ này phong cảnh như thế nào và thời tiết ra sao; những cánh đồng kẻ thửa, xanh mướt; những con kênh đào; mùa hè không nóng lắm thình thoảng trời còn đổ mưa; mùa đông rét cũng không đến nỗi nào. Nhưng với câu hỏi ở Liên Bang Xô Viết phong cảnh ra sao, khí hậu thế nào thì không thể trả lời bằng một vài câu. Liệu có thể nói rằng những ngọn núi ở vùng Cavcas, những đài nguyên, những trái đào vùng Crime, những cánh đồng tuần lộc kéo xe trên phương Bắc là “đầy mâu thuẫn” được không. Có những xứ sở mênh mông. Và có những con người vóc dạc tầm cỡ. Tính phức tạp hình như luôn luôn được những con người quen thuộc với những kích cỡ bình thường xem là mâu thuẫn.
Làm quen với Picasso tôi hiểu ngay rằng, không, đúng ra là tôi cảm nhận ngay rằng trước mặt tôi là một con người mang tầm cỡ khác. Điều này diễn ra không lâu khi cuộc chiến tranh mới bắt đầu, vào thời khắc xuân sớm năm 1914.
Tôi đang ngồi trong quán cà phê “Rotondo" với Maks Jakob thì Picasso bước vào ngồi xuống với chúng tôi. Jakob bắt đầu giới thiệu tôi với ông. Picasso im lặng hồi lâu, sau đó nói rằng ông ta yêu các nhà thơ, yêu người Nga. Tôi không rõ ông nói nghiêm chỉnh hay chỉ là nói cho phải phép lịch sự. (Tôi cũng đã nhận xét những người bạn tốt nhất của Picasso là các nhà thơ; còn người Nga đương nhiên là ông yêu rồi . Ông thường nói với tôi người Nga giống với người Tây Ban Nha). Vào mùa xuân năm ấy người ta bán đấu giá những bức tranh của các họa sỹ mới. Bức tranh khổ lớn thuộc “ thời kỳ hồng “ của ông được mua với một số tiền rất lớn. Nếu trí nhớ của tôi không tồi thì tới 10 ngàn frans. Picasso trở thành nổi tiếng.
(Trước sự kiện này khá lâu, một số người yêu hội họa đã “ phát hiện” ra Picasso, trong số ấy có nhà sưu tầm người Moskva tên là Sukin. Picasso và Matiss kể cho tôi nghe khi Sukin khi đến thăm phòng tranh, thỉnh thoảng ông ta cũng nhận ra những bức đẹp. Matiss lừa Sukin bằng cách tráo đổi giữa bức tranh kém hơn với bức tranh ông không muốn bán. Nhưng Sukin không hề bị lừa. Chẳng bao lâu , sau Sukin là Morozov. Nhà sưu tầm này tin vào thị hiếu của Sukin. Và cuộc trọn tranh lại giành cho chính các họa sỹ.Nhờ các bộ sưu tầm của hai người Moskva này, Hai Viện bảo tàng Ermitaz và Puskin có được những tác phẩm xuất sắc của hội họa Pháp vào nửa sau của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở các nước khác cũng có những người sủng ái Picasso. Vào năm 1950 nhà thơ Sec Nazval đã đưa tôi đi thăm vùng ngoại ô thành phố Praha, tại đây sống một cụ già về hưu tên là Cramarz. Ở nhà ông này tôi nhìn thấy những bức tranh tuyệt với đầu “ thời kỳ ấn tượng “ của Picasso. Ông cụ Cramaz kể lại khi còn trai trẻ , ông tới Paris gặp Picasso. Tiền cụ không có nhiều mà Picasso thuở ấy cũng còn ít người biết tới. Picasso đã bán cho Cramaz mưới bức với giá rẻ. Carmarz thấy vị nể anh họa sỹ trẻ, mua thêm bức tĩnh vật vẽ những trái cam mà Picasso vừa vẽ xong và khẩn khoản họa sỹ tặng ông trái táo mẫu. Ông lão Carmarz đưa cho hai chúng tôi xem trái táo đã được ướp khô. Ba chúng tôi soạn bút giấy viết một bức thư gửi Picasso)
Đầu năm 1915, vào một ngày đông giá rét Picasso mời tôi tới xưởng vẽ của ông không xa quán cà phê “Rotondo” tại phố Selser. Cửa số của căn nhà nhìn thẳng ra nghĩa trang Monparnas. Những khu nghĩa trang ở Paris thiếu vắng những vần thơ của các nhà thơ Nga và Anh. Đó là những thành phố trìu tượng với đường phố thẳng, những khu hầm mộ, những tấm bia đá hoa cương. Trong xưởng họa của Picasso không thể quay người được. Khắp mọi nơi la liệt những bức tranh đã vẽ xong, những mảnh bìa carton, các khung tranh, những búi giây nhợ và gỗ. Ở một góc chất đống những tuýp màu- hầu như là tất cả số tuýp màu tôi nhìn thấy ngoài cửa hàng. Picasso giải thích trước kia ông thường không đủ tiền mua màu và thế là ông liền bán một số bức tranh để thực hiện ước mơ có đủ màu vẽ “suốt cả đời". Tôi nhận ra những hình vẽ trên tường, trên chiếc ghế đẩu bị gãy, trên các hội xì gà.Picasso thú thật rằng đôi khi ông không thể nhìn thấy những mặt phẳng trống không. Ông làm việc với những cơn điên rồ chưa từng thấy. Với những người khác bù đắp cho những tháng ngày lao động sáng tạo căng thẳng là sự khoảng trống rỗng khi nhà thơ hay người họa sỹ nói như Pushkin là để “ thiếp đi trong giấc ngủ giá lạnh “. Nhưng Picasso làm việc, tiếp tục làm việc như đang trong cơn giận dữ. Những thú gàn dở khác nhau thường cuốn hút những nhà báo hay đám nhiếp ảnh. Đó không phải là cuộc sống của Picasso, đó chỉ là những khoảng nghỉ giải lao.
Tôi hỏi tại sao trong phòng vẽ của ông có cả sắt tây? Ông nói ông muốn sử dụng nó nhưng chưa biêt làm cách nào. Có cảm giác là chưa có một thứ chất liệu nào mà Picasso không đụng tay đến. Ông học suốt cả đời mình; học yêu lấy nghề. Khi ông 40 tuổi, ông học người thợ thủ công Tây Ban Nha Khulio Gonsales cách xử dụng sắt ; 60 tuổi ông theo học nghệ thuật in ấn, 70 tuổi ông trở thành một người thợ đồ gốm.
Trong xưởng họa của ông có bức tượng một người da đen và bức tranh lớn của nhân viên thuế vụ Russo- một họa sỹ nghiệp dư mà bây giờ tranh của ông ta đượctreo ở các viện bảo tang khắp thế giới. Bức tranh của Russo thể hiện một cuộc hội nghị tầm cỡ thế giới. Picasso giải thích cho tôi hay rằng những nhà điêu khắc người da đen thay đổi tỷ lệ đầu, thân thể, cánh tay hoàn toàn không phải họ không quan sát con người có thực ngoài đời, và cũng không phải vì họ không biết làm. Họ có những hiểu biết khác về tỷ lệ , giống như các họa sỹ Nhật bản có những quan niệm khác về tiền cảnh. “Anh nghĩ rằng ông quan thuế Russo không bao giờ để mắt tới hội họa cổ điển sao? Ông ta thường xuyên tới bảo tàng Luvr. Nhưng ông ấy muốn vẽ một cách khác đi..” Picasso là người đầu tiên hiểu rằng thời đại chúng ta yêu cầu tới sự trực tiếp, ngay thẳng, sức mạnh.
Vào thời gian ấy Picasso 34 tuổi, nhưng nom ông trẻ hơn tuổi : tràn đầy sức sống,cặp mắt rất linh hoạt, đen lay láy, tóc đen, hai cánh tay không lớn, như tay đàn bà.Ông thường ngồi ở quán cà phê “Rotonda”, vẻ mơ màng, hầu như không nói chuyện. Chỉ đôi khi ông vui lên khi chính ông pha trò , trêu trọc bạn bè. Từ ông toát ra sự bình thản khiến tôi cũng lây sự tình thản đó khi tôi nhìn ông và hiểu rằng những gì đang diễn ra với tôi không phải là điều rắc rối thường tình, không phải tôi đang bệnh, mà là đặc điểm của thời đại. Tôi cũng đã nói, đôi khi Picasso trở nên gần gụi chính bởi sức mạnh hủy diệt của ông. Chính ở điểm này tôi đã biết tới ông và yêu mến ông vào những năm của Thế Chiến Một.
Dễ dàng chấp nhận vào thời điểm ấy Picasso rất thờ ơ với tất cả những gì được gọi bằng hai chữ “chính trị". Nếu hiểu hai chữ ấy là sự thay đổi các bộ hoặc các cuộc luận chiến báo chí thì đương nhiên Picasso trong “Marten” chỉ tìm được những câu chuyện châm biếm chứ tuyệt nhiên không phải là lời tuyên ngôn. Nhưng tôi hiểu ông đã vui ra sao với tin tức về cuộc Cách mạng Tháng Hai.Vào thời gian ấy ông đã tặng tôi một bức tranh. Và tôi với ông chia tay nhiều năm sau.
Mọi người cứ cho rằng tình bạn cũng như tình yêu cần luôn ở bên nhau; nếu xa nhau lâu quá, hai thứ tình cảm ấy sẽ nhạt phai. Nhiều khi tới 10 năm tôi không gặp Picasso. Nhưng gặp lại ông tôi không cảm thấy như gặp một người xa lạ, đã quá nhiều đổi thay. (Chính vì vậy, tôi không thể nhớ thật chính xác ông đã nói với tôi điều gì, nói vào bao giờ; có thể vào năm 1940, cũng có thể vào năm 1954…). Tôi nhớ những xưởng vẽ khác nhau của ông. Khi thì là xưởng vẽ trên phố Lia Boesi, trong một căn hộ sang trọng mà tại đó chính ông như một người khách tình cờ, hao hao như một kẻ trộm vừa bẻ khóa.Khi lại là xưởng vẽ trên phố Sent-Oquytchen, trong một ngôi nhà khá cũ- một xưởng vẽ khá lớn luôn tấp nập những người Tây Ban Nha, những chú chim bồ câu, những bức tranh khổ lớn, với thứ bừa bộn, lộn xộn cố ý hay vô tình mà Picasso luôn mang theo mình ờ khắp mọi nơi.Tại Vallorise, xưởng vẽ của ông đầy những tấm sắt, những lọ gốm, những bức phác thảo, những quả cầu thủy tinh, các tấm quảng cáo, những cái bình gang. Ông ngủ tại đây, cái giường bừa bộn những tờ báo, những phong bì thư, những tấm ảnh. Xưởng vẽ của ông còn ở “ California “ tại thành phố Cannes, với những đứa trẻ, những con chó và một lần nữa là những núi thư, điện tín, những tấm toan khổ lớn, còn ngoài vườn là một chú dê đúc đồng.
Từ đã lâu tôi không gọi ông là Con quỷ thích đùa. Vói tiếng Nga, hai từ này khó nói với người Pháp. Nhưng với người Tây Ban Nha nghe hai từ ấy bằng tiếng Nga thì họ hiểu và cất tiếng cười. Picasso nói : “Ừ, tao là Con quỷ đấy!”.
Nếu Picasso là một con quỷ thì đấy cũng là một con quỷ đặc biệt- một thứ quỷ không chịu lùi bước, biết nổi loạn, biết trang đấu với chúa trời trong việc định đoạt ra thế giới.loài quỷ thông thường không chỉ ma mãnh mà còn hung ác. Còn Picasso là một con quỷ tốt bụng.
Những kẻ không am tường hay lương tâm không trong sáng cho rằng chặng đường sáng tác của Picasso thật lớn, thật không dễ dàng, được ghi lại bằng những gì độc đáo, bằng nguyện vọng muốn “đánh bọn tư sản”, bằng thứ tình yêu “ bôi bẩn “ mà tỏ ra mode – những kẻ ấy mới ngây thơ, ấu trĩ làm sao! Nhiều lần Picasso nói với tôi ông rất buồn cười khi các nhà phê bình viết rằng ông “tìm tòi những hình thức mới”, “Tôi tìm chỉ một thứ thôi- biểu hiện được những gì tôi muốn. Tôi không tìm những hình thức mới, tôi chỉ tìm và tìm…”. Có một lần ông nói với tôi, đôi khi ngồi vẽ ông không biết trên tấm toan sẽ là biểu hiện theo chủ nghĩa ấn tượng hay chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt nữa. Chính người mẫu hoặc trạng thái cảm xúc của người nghệ sỹ sẽ sai khiến ông.
Ở Vallorisa một cô gái Mỹ trẻ, đẹp ngồi làm mẫu cho Picasso vẽ. Ông làm tới 10 phác thảo và vẽ bằng sơn dầu. Ở bức tranh đầu cô gái Mỹ nom như ngoài đời thực. Không một ai trong số người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực- trong ý nghĩa hạn hẹp nhất của từ này, lên tiếng tán đồng bức tranh ông đã vẽ. Picasso dần dần làm xấu gương mặt cô gái đi. Thấy rõ người mẫu hiện ra trước mắt ông không chỉ ở vẻ đẹp thiên thần về bên ngoài. Họa sỹ đã tìm ra những đặc điểm bộc lộ tính cách của cô gái và ông bắt đầu nghiên cứu những đặc điểm ấy. “Đó là một con lợn nái trong những hình lập thể ”-một khách tham quan đứng cạnh tôi thốt lên. Ông ta đang ngắm bức chân dung thứ 10 của cô gái Mỹ và không thể ngờ được rằng chính bức tranh người đẹp Mỹ ấy rất được khen ngợi và đã trở thành bức chân dung đầu tiên của “một con lợn lập thể”...
(Còn nữa… Mời đón đọc kỳ 2)