Cuộc đời thi sĩ Nguyễn Bính vẫn còn chứa nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn mọi người cho đến nay. Những chuyện quan trọng nhất trong đời sống của ông đều gắn với con số 4: 4 bà vợ, 4 đứa con, và 4 lần chuyển mộ.







NGUYỄN BÍNH VỚI CON SỐ 4 KỲ LẠ

VƯƠNG TÂM

Cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính hoà quyện một cách lạ lùng với rất nhiều huyền thoại. Mỗi sự cố xẩy ra trong đời ông đều rất khác thường, kể cả chuyện vui lẫn buồn. Do đó chỉ nghe kể lại nguyên bản, không cần thêm bớt, mọi câu chuyện về ông cũng đã rất sinh động, với nhiều sắc mầu lý thú, đôi khi còn nhuốm mầu tâm linh. Kể cả đến cái chết của mình, ông cũng dự báo được và coi nhẹ tựa lông hồng. Cuộc đời ông vẫn còn chứa nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn mọi người cho đến nay. Trong đó những chuyện quan trọng nhất trong đời sống của ông đều gắn với con số 4

Chuyện về 4 bà vợ
Những bóng hồng nhập vào thơ ông thì nhiều, khó kể hết. Ông yêu rất chân thành, kể cả khi ôm mộng đơn phương. Tuy nhiên, chỉ có 4 người gắn bó chính thức, với đúng nghĩa “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Riêng người vợ đầu tiên, theo nhiều tư liệu cho biết, lại là kết quả do tổ chức sắp xếp khi ông đang là cán bộ của “Hội Văn nghệ kháng chiến Nam bộ”. Khoảng những năm đầu của thập kỷ 50, vùng kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn. Nguyễn Bính bị sốt rét, thiếu ăn thiếu thuốc. Trong khi đó kẻ địch lại ra sức dụ dỗ anh em văn nghệ sĩ đang tham gia kháng chiến bỏ về với các chiêu thức xảo quyệt. Với Nguyễn Bính chúng còn treo giải thưởng, nếu ông đầu hàng thì sẽ được thưởng 1000 đồng. Đó là một số tiền rất lớn. Vậy để giữ chân nhà thơ, tổ chức đã sắp xếp cho ông lấy bà Nguyễn Hồng Châu, một cán bộ cách mạng, có trình độ học vấn nhất định. Lẽ dĩ nhiên, ban đầu hai người còn lắm do dự, nhưng rồi cũng thuận theo cấp trên, đồng ý làm hôn lễ vào năm 1951.
Tuy nhiên hai người chấp hành “nhiệm vụ” cũng chỉ được một thời gian ngắn, mặc dù đã có một con chung, tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Thực ra mọi người quá lo, vì nhà thơ chẳng bao giờ có ý nghĩ đầu hàng kẻ địch, mà lại là người hoạt động rất tốt và sáng tác đều đặn rất chất lượng, trong đó có lời cho bài hát “Tiểu đoàn 307” nổi tiếng. Nhà thơ chỉ “thay lòng đổi dạ” khi đi sáng tác tại Cà Mau, vì đã tơ tưởng cô Mai Thị Mới, 19 tuổi, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Tình yêu hai người nảy nở, ngày một mặn mà, quấn quýt. Rồi nhà thơ Nguyễn Bính xin cưới cô Mới, sau khi đã có giấy ly hôn với bà Hồng Châu, vào năm 1952. Đó là câu chuyện “Hai năm đôi” của nhà thơ tài hoa và lãng tử.
Mãi tới đầu năm 1954, bà Mai Thị Mới sinh con gái, đặt tên là Hương Mai. Nhà thơ rất yêu thương, chu đáo với vợ con và bạn bè. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, khi Hương Mai mới bảy tháng tuổi, ông được tập kết ra Bắc. Thời gian sau đó, lời hẹn ngày gặp mặt chẳng thành hiện thực, khi đất nước bị chia cắt, hai miền Nam, Bắc hàng chục năm trời.
Do hoàn cảnh xa xôi cách trở, tin tức vợ con bặt vô âm tín, Nguyễn Bính đã có quan hệ thắm thiết với một nữ thư ký báo Trăm Hoa, nơi ông làm chủ bút, hồi 1956, tại Hà Nội. Hai người ăn ở như vợ chồng với đúng nghĩa khi có sinh hạ được một con trai. Người vợ thứ ba này tên là Phạm Vân Thanh. Nhưng thật buồn, mọi chuyện đối với Nguyễn Bính chẳng khi nào suôn sẻ, bởi đến năm 1957, báo Trăm Hoa lỗ vốn nặng, tự giải thể. Chưa hết, đồng thời không hiểu vì lý do gì, bà Thanh đã trả lại con cho Nguyễn Bính rồi tìm một nơi nương tựa mới.
Mọi chuyện đều lỡ dở. Mấy năm sau nhà thơ trở về Nam Định làm việc tại Ty Văn hoá Thông tin. Sau đó ông lấy vợ quê coi như an phận. Người vợ thứ tư của Nguyễn Bính là bà Trần Thị Lai, rất hiền hậu nết na, được mọi người trong cơ quan và bạn bè chồng quý mến. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang ác liệt, Nguyễn Bính theo cơ quan đi sơ tán, ở huyện Lý Nhân Hà Nam.
Thật trớ trêu, chỉ tết năm sau, nhà thơ đã bị mất trong cơn bạo bệnh, đúng lúc vợ ông đang ở cữ sinh hạ cho ông một con trai, đặt tên là Nguyễn Mạnh Hùng.
Số phận của 4 người con của Nguyễn Bính
Khi nhà thơ Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, cô bé Nguyễn Bính Hồng Cầu, mới lên hai, nhưng sau này đã nối nghiệp cha; có tài làm thơ và đã trở thành Phó giám đốc NXB Văn Nghệ TP HCM, về hưu năm 2007. Cũng thời điểm này bà còn được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam.
Trong khi đó, cô bé Hương Mai, con bà vợ hai của nhà thơ lại trưởng thành theo một hướng khác hẳn. Cho dù đã từng được nghe tiếng ru của người cha thân yêu, nhưng sau này Hương Mai lại trở thành một nhà giáo giỏi. Với ý thức quý trọng người cha, Hương Mai đã phấn đấu, học tập không ngừng, trở thành phó giám đốc Sở Giáo dục đào tạo. Năm 2009 bà về hưu với chức vụ Trưởng ban Văn hoá-Xã hội-HĐND tỉnh Bến Tre.
Khác hẳn với hai người con gái của nhà thơ khá thành đạt trên con đường công danh, thì hai người con trai của ông lại phiêu bạt không có mấy tin tức hồi âm. Đặc biệt người con trai của nhà thơ với bà vợ thứ ba, có tên là Hiền, lại bị chính nhà thơ làm thất lạc, trong cơn say rượu, ở ngay ngã năm Bà Triệu, Hà Nội, năm 1957. Coi như người con trai này mất tích cho đến nay.
Còn anh Nguyễn Mạnh Hùng, người con trai út của nhà thơ với bà vợ thứ tư nhiều năm tháng sống và làm việc tại quê hương. Theo bia khắc đá tại nhà từ đường của nhà thơ, ghi lại rằng, khi đưa mộ Nguyễn Bính về tại chính vườn nhà, năm1995, đều có mặt hai mẹ con anh chứng kiến cùng bà con họ nội. Mới đây, theo như ông Tài, em họ nhà thơ, người trong coi Nhà Từ đường và Lưu niệm Nguyễn Bính cho hay, hiện anh Nguyễn Mạnh Hùng, tính đến nay áng chừng 60 tuổi, đang làm ăn ở CHLB Nga, lâu không thấy về. Cũng không mấy ai có tin về chuyện vợ con anh Hùng hiện như thế nào.
Di chuyển mộ 4 lần
Đây cũng là một sự lạ đối với nhà thơ lừng danh chân quê. Ngay trong Nhà Từ đường của gia đình Nguyễn Bính, có treo một bài thơ dài của Nguyễn Thế Vinh, viết về chuyện này. Trong đó có câu:
“Một lần chết-bốn lần đưa
Tóc tang mấy độ cho vừa văn nhân…”
Quả đúng vậy, nhà thơ mất đúng vào ngày tết, năm 1966, lại đúng vào thời kỳ chiến tranh, nhiều người về quê hay đi sơ tán, nên đám tang ông cũng không có mấy ai. Người ta tạm chôn cất ông tại nghĩa trang Cầu Họ, cây số 13 đường 10, ngoại thành Nam Định.
Sau này hợp nhất ba tỉnh thành Hà Nam Ninh, mộ Nguyễn Bính được chuyển về nghĩa trang Tam Điệp, Ninh Bình. Mọi chuyện tưởng thế là an bài sau cuộc di chuyển mộ lần thứ hai này. Nhưng vì quá xa xôi, việc thăm nom, chăm sóc mộ chí ngày giỗ tết hết sức khó khăn, nên gia đình kiến nghị di chuyển hài cốt nhà thơ Nguyễn Bính về quê, đặt tại cánh đồng Mả Quan, cạnh mộ ông nội.
Đó là lần thứ ba nhưng đâu đã ổn. Bởi lẽ không hiểu xuất phát từ đâu, vì lẽ gì, mà người nhà gia đình ông lại xin chính quyền địa phương cho di mộ nhà thơ về ngay chính trên vườn nhà, nơi ông được sinh thành. Thêm một sự lạ, bởi lẽ đây là một ngôi mộ danh nhân, có một không hai, được chôn cất ngay tại giữa làng. Từ xưa chẳng bao giờ và nơi nào có tiền lệ như vậy.
Đúng là “quá tam” đã thành bốn lần, ngôi mộ nhà thơ Nguyễn Bính mới được bình yên. Đúng là:
“Long đong kiếp sống đã đành
Gian nan cả lúc đã thành người xưa”
(Nguyễn Thế Vinh)
Nhưng, chính vì ngôi mộ của nhà thơ nằm ngay tại vườn nhà chăng, mà hiện không có ai sinh sống, trông nom ngôi Nhà Từ đường và Lưu niệm của nhà thơ. Hiện có người cháu sống gần nhà thỉnh thoảng sang chăm nom quét dọn
Liệu có cần 4 nơi lưu giữ kỷ vật?
Ngay bên cạnh mộ, là ngôi Nhà Từ đường và Lưu niệm của nhà thơ Nguyễn Bính. Nhưng thực ra nơi này chỉ có tủ sách nhỏ và ít tài liệu, và Bên cạnh đó, bàn thờ Nguyễn Bính không được khang trang cho lắm, nếu không nói còn sơ sài. Chỉ có hai thứ có thể coi là kỷ vật; một là phía trên bàn thờ là giấy chứng nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật”, do Nhà nước truy tặng ông năm 2000; và hai là chiếc điếu cầy, mà nhà thơ thường dùng. Với số tài liệu ít ỏi đó không thể coi đây là một Nhà Lưu niệm với đúng nghĩa của nó, đối với nhà thơ được cả nước yêu mến như vậy.
Những cái thiếu hụt trên về Nhà lưu niệm Nguyễn Bính, phần nào được khắc phục ở địa chỉ thứ hai; đó là ngôi nhà số 23, đường 11, phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính gây dựng nên. Diện tích của phòng trưng bầy chỉ khoảng 30 m2, nhưng với cách bài trí đẹp và tận dụng nhiều diện tích, nên bà Hồng Cầu đã lưu giữ dược hàng trăm tài liệu, bút tích của người cha, cùng với những kỷ niệm của bạn bè, đồng nghiệp với nhà thơ. Đồng thời đây cũng là một địa chỉ sinh hoạt của các nhà văn nhà thơ và bạn bè yêu quý thơ Nguyễn Bính.
Còn thêm nữa, Nhà Lưu niệm thứ ba về nhà thơ mới hình thành của trường PTTH Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản, ở khá gần làng Thiện Vịnh, quê nhà thơ. Nhà Lưu niệm này được sự góp sức ban đầu của nhà thơ Gia Dũng, với 800 trang bản thảo, kết quả sau bao năm ông nghiên cứu và sưu tầm về Nguyễn Bính. Cùng với tác giả Gia Dũng, còn có các ông Đặng Khánh Cường, hoạ sĩ Anh Vũ và CLB “Chân quê thi hội” ở Hải Phòng…Xem ra với căn phòng rộng tới 60 m2 của nhà trường cũng sẽ là một địa chỉ văn hoá rất phong phú về nhà thơ Nguyễn Bính.
Và, cuối cùng vẫn còn một nơi lưu giữ kỷ vật của Nguyễn Bính nữa; đó là Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Tại địa chỉ thứ tư này, gần đây xin được chiếc bàn gỗ mà nhà thơ đã sáng tác những bài thơ vận động kháng chiến tại xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó Bảo tàng còn sưu tầm được những di bút cùng chiếc lư hương và cây bút lông của nhà thơ hay sử dụng ngày nào…
Như vậy, hiện có tới 4 nơi lưu giữ tài liệu và kỷ vật về nhà thơ, xem ra quá tản mạn, mà mỗi nơi đều không đầy đủ. Thậm chí rất có thể có những sự không nhất quán về những thông tin, tài liệu và kỷ vật này. Nên chăng, Bảo tàng Văn học cần đứng ra làm công việc kiểm chứng, đánh giá chúng, lập hồ sơ và định hình cho mỗi địa chỉ văn hoá này theo một tiêu chí nào đó. Bởi lẽ nếu đúng là Nhà Lưu niệm thì chỉ thuộc về chính nơi ông được sinh ra và lớn lên; làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, mà thôi.