Những ngày mưa Huế, Lưu Trọng Lư và Hoài Thanh kéo nhau ra bờ sông Hương để khóc cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, khóc Nguyễn Thái Học bị hành hình, và cả hai ông cùng bị đuổi học một ngày vì những hoạt động yêu nước tại trường Quốc học Huế.
MỘT VỈA LƯU TRỌNG LƯ
HỮU THỈNH
1.
Sẽ rất bất công nếu chúng ta chỉ biết đến Lưu Trọng Lư như một nhà thơ, mặc dầu ông là nhà thơ nổi tiếng. Lúc còn sống, Lưu Trọng Lư chỉ xuất bản 4 tập thơ, kể thêm tập di cảo “Bài ca tự tình” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là 5 tập. Văn xuôi mới thực là sự nghiệp của ông. Lưu Trọng Lư đã để lại cho chúng ta 38 tác phẩm văn xuôi, trong đó có 17 cuốn tiểu thuyết, 8 tập truyện dài và vừa, 5 tập bút ký, 6 vở kịch, 2 tập tiểu luận, phê bình và còn rất nhiều bài tiểu luận và các bản thảo kịch bản khác. Riêng về lý luận phê bình được xuất bản công khai trước Cách mạng tháng Tám 1945, thì tác phẩm “Văn chương và hành động” do Lưu Trọng Lư là đồng tác giả với Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều là một tập tiểu luận có giá trị, đặc biệt gần gũi với quan điểm mác-xít về văn nghệ. Vì tính chất tiến bộ của nó, cuốn sách đã bị thực dân Pháp cấm lưu hành và tái bản.
Lưu Trọng Lư là một mỏ quặng lớn, tôi chỉ xin được tiếp cận một vỉa nhỏ của ông mà thôi.
Trước khi trực tiếp đi vào cái vỉa ấy, tôi xin nhắc lại kỷ niệm nhỏ, như một cuộc tiếp xúc đầu đời với văn chương Lưu Trọng Lư. Năm 1963, học xong phổ thông, thay vì về Hà Nội để cùng dự thi vào Đại học Tổng hợp văn với hai người bạn cùng tổ cùng lớp với tôi ở Trường cấp III Trần Phú, Vĩnh Yên là anh Vũ Duy Thông và Nguyễn Ngọc Thiện (nay cả hai đều là hai vị phó giáo sư, tiến sĩ văn học), tôi nhập ngũ làm lính xe tăng tại Trung đoàn 202, là trung đoàn xe tăng đầu tiên của quân đội ta. Gian khổ thế nào tôi cũng theo được anh em. Nhưng không đọc sách và không có sách đọc thì tôi không thể chịu được. May mắn đại đội của tôi chỉ cách thư viện Trung đoàn một khoảng sân hẹp và tôi có nhiều bạn học cùng nhập ngũ, được phân về đại đội thông tin. Các bạn ấy đã cho tôi những chiếc pin cối cực lớn được thải ra sau khi đã được sử dụng trong Tổng đài của Trung đoàn. Với những chiếc pin cối ấy, tôi đã chế ra một chiếc đèn để “bí mật” đọc sách. Với chiếc đèn đó, tối tối sau tiếng kèn lệnh đi ngủ của Trung đoàn, tôi lên giường, tung chăn bịt kín đầu để đọc sách. Bằng cách đó, tôi đã đọc được khá nhiều sách một cách an toàn. Nhưng đến một hôm, tôi bị lộ. Số là lần ấy, tôi đang đọc cuốn “Chuyện cô Nhụy” của Lưu Trọng Lư, mới được NXB Văn học xuất bản trước đó một năm. Cuốn sách kể lại cuộc đời của một cô gái tên Nhụy với biết bao oan ức, khổ lụy, đau đớn đã khiến tôi không ghìm được nước mắt, càng đọc càng nức nở. Có lẽ tôi khóc to quá, rung cả giường, đã khiến cho hạ sĩ, tiểu đội trưởng Lê Minh Tâm quê ở Triệu Sơn - Thanh Hóa ngủ bên cạnh phát hiện ra. Anh tung màn, lật chăn lên, hỏi:
- Tại sao đồng chí khóc, nhớ nhà à?
Tôi ậm ừ:
- Dạ, em...
Thấy tôi luống cuống, sợ sệt, lại nhìn thấy cuốn sách và chiếc đèn tự tạo, tiểu đội trưởng biết rõ tôi khóc không phải vì nhớ nhà, anh lặng lẽ tịch thu luôn chiếc đèn pin tự tạo và ra lệnh:
- Đi ngủ. Ngày mai kiểm điểm.
Trong cuộc kiểm điểm được tổ chức rất chóng vánh vào buổi sinh hoạt tiểu đội tối hôm sau, tôi bị phê bình gay gắt về ba khuyết điểm:
- Ủy mị, yếu mềm, tiểu tư sản.
- Vi phạm nội quy đại đội.
- Đọc sách vàng.
Hai khuyết điểm trên, thì tôi nhận. Nhưng khuyết điểm đọc sách vàng, đồng nghĩa với sách cấm, thì tôi cãi. Tôi chìa quyển sách trước mặt mọi người và nói: “Sách vàng mà thư viện lại mua về cho bộ đội đọc à? Đây, dấu thư viện Trung đoàn 202 đây”. Tiểu đội trưởng Lê Minh Tâm cầm lấy quyển sách, và sau khi nhìn thấy rõ dấu son đỏ chót của thư viện Trung đoàn thì anh tuyên bố giải tán cuộc họp, bỏ lửng cái khuyết điểm thứ ba của tôi. Hơn tuần sau, anh đưa trả tôi cuốn sách và bảo:
- Chỉ vì một nốt ruồi mà cô Nhụy khổ quá, tớ cũng khóc cậu ạ.
Chao ơi, gần nửa năm trời nhập ngũ tôi mới được nghe hai tiếng cậu - tớ, ngọt xớt. Được vậy, tôi tấn công lại tiểu đội trưởng:
- Đấy, anh tin em chưa? Thế từ nay anh cứ cho em đọc sách nhé.
- Được, nhưng không được khóc, trực ban đại đội đi kiểm tra, phát hiện thấy thì vỡ mặt.
Thế đấy, trong đời nghệ sĩ, Lưu Trọng Lư có nhiều vinh quang. Nhưng ông đâu có biết, vào một tối mùa đông năm 1963 ấy, ở Trung đoàn xe tăng 202, đóng trong một địa điểm rất bí mật dưới chân núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, có một người lính binh nhì đã nghẹn ngào dâng tặng ông những giọt nước mắt nóng hổi, thành thật và trong suốt của tuổi hai mươi.
Bây giờ xin đi vào một vỉa Lưu Trọng Lư, đó là thơ.
2.
Bênh vực, tranh đấu cho Thơ mới, tưởng không ai bằng Lưu Trọng Lư. Từ việc diễn thuyết ở Học hội Quy Nhơn, đến việc chào đời hàng loạt sáng tác mới, chứng tỏ một sinh lực tràn trề của người tự nguyện nhận lấy sứ mệnh mở đột phá khẩu cho Thơ mới. Cho đến khi Thơ mới hoàn toàn thắng thế, Lưu Trọng Lư vừa là người vỗ tay cổ vũ mạnh nhất, lại là người nhận ra sớm nhất những hạn chế của nó.
Cái làm nên một nẻo riêng của Lưu Trọng Lư còn là tâm hồn. Cũng giống như các nhà Thơ mới khác, ông hay nói đến sầu mộng. Nhưng trong lúc các nhà thơ khác nhấm nháp với sầu mộng, chìm đắm trong sầu mộng, thì Lưu Trọng Lư quẫy đạp trong sầu mộng để muốn thoát ra khỏi nó. “Vài chàng trai trẻ sầu biêng biếc/ Mộng nở trong lòng, sắc đỏ hoe”.
Với thi nhân, sầu muộn là một bệnh tổ tông truyền. Thơ cổ Trung Hoa, nâng sầu lên thành thành sầu, và nhờ rượu làm quân lính để phá: “Thành sầu nan phá tửu vi binh”. Với Nguyễn Du thì “Sầu đong càng lắc càng đầy”. Chàng trai trẻ Huy Cận nhân sầu ra trăm ngả cộng thêm một nỗi bơ vơ: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”.
Lưu Trọng Lư không phải là người muốn pha màu đậm nhạt của nỗi sầu, anh chưa cạn nỗi sầu, nhưng trong sâu thẳm của hồn anh đang nhú lên những mầm sống. “Vài chàng trai trẻ sầu biêng biếc”. Sầu biêng biếc là sầu gì? Đây là cái sầu lạ nhất và mới nhất trong Thơ mới. Đó là sáng tạo của tâm hồn hay sáng tạo của ngôn ngữ? Có lẽ là cả hai. Tâm sự này, thêm một lần chúng ta còn bắt gặp trong Mưa... mưa mãi: “Mưa mãi, mưa hoài!/ Nào biết trách ai!/ Phí hoài đời trẻ dại”.
Buồn thì thật là buồn, nhưng trong nỗi buồn, ta thấy đã manh nha một tín hiệu mới. Cũng như xưa, khi đọc câu thơ sau của Cao Bá Quát: “Kim cổ miên man tình đất nước/ Sao mình làm mãi một thi ông”.
Ta đoán ông sắp buông bút cầm gươm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương. Và đọc tâm sự sau đây của Nguyễn Tuân, người bạn thân thiết trọn đời của Lưu Trọng Lư, ta đoán chắc Nguyễn Tuân sắp sửa nhập vào dòng thác của cách mạng. Nguyễn Tuân viết “Lúc này là lúc cần phải chụm lửa cho nhiều để hun nóng quả tim thiu, ỉu trong sự thờ ơ” (Muốn sống, 1938). Khi một người đã tự ý thức, tự phê phán, tự kết tội những ngày sống của mình là “phí hoài đời trẻ dại” thì nhất định người ấy sẽ chống gối đứng dậy đi tìm một lối thoát. Mưa mãi, mưa hoài đó có lẽ là cơn mưa dài nhất và buồn nhất trong đời Lưu Trọng Lư. Đó là những ngày mưa Huế, Lưu Trọng Lư và Hoài Thanh kéo nhau ra bờ sông Hương để khóc cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, khóc Nguyễn Thái Học bị hành hình, và cả hai ông cùng bị đuổi học một ngày vì những hoạt động yêu nước tại trường Quốc học Huế. Những ngày mưa ấy, Lưu Trọng Lư tá túc dài ngày trong nhà cụ Phan Bội Châu và cụ Võ Liêm Sơn. Trong những ngày bị đuổi khỏi trường Tây, Lưu Trọng Lư đã được nhận vào một ngôi trường mới, trường của lòng yêu nước do hai bậc chí sĩ nổi tiếng dìu dắt.
Bước chuyển biến này của Lưu Trọng Lư đã thể hiện ra rất rõ trong các tiểu thuyết “Người Sơn nhân” (1933), “Con voi già của vua Hàm Nghi” (1938) và “Chạy loạn” (1939) v.v… Thế là, sau khi khởi xướng và góp phần làm cho Thơ mới thắng thế, Lưu Trọng Lư giao lại cho các kiện tướng đến sau. Còn ông lẳng lặng rẽ sang một nẻo khác. Ông tìm về với dân tộc. Tìm về với dân tộc là tìm về với cái có sẵn từ trong hồn cốt của Lưu Trọng Lư từ lâu. Đó là “nụ cười đen nhánh sau tay áo” của mẹ ông, đó là cả một rừng dân ca và ca dao mà ông đã trích ra một phần rất đặc sắc trong “Chuyện cô Nhụy” nổi tiếng.
Tìm về và vững bước trên đại lộ của đất nước và dân tộc, có ai ngờ và thú vị làm sao sau 25 năm cơn mưa Huế đáng nhớ ấy, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư được trân trọng giao trọng trách cùng làm việc trong Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương. Đó là cơ quan có nhiệm vụ tư vấn cho Đảng và Nhà nước xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật của nước Việt Nam mới.
Theo tôi, trong những nhà văn nổi tiếng trước 1945, Lưu Trọng Lư là một trường hợp đặc biệt nhất. Đó là một dòng sông hợp lưu cả ba dòng Lãng mạn, Hiện thực và Yêu nước. Trong bối cảnh văn học trước Cách mạng, tuy rất đa dạng, phức tạp, nhưng nếu gọi tên bất cứ nhà văn nào, ta dễ nhận ra khuynh hướng nghệ thuật của họ. Tố Hữu là ai, Vũ Trọng Phụng là ai, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Hải Triều, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính là ai, vân vân, cứ nhắc tên là ta biết là văn thuộc khuynh hướng nào, dòng nào, theo sự phân loại phổ biến được chấp nhận cho đến nay. Còn đối với Lưu Trọng Lư, bảo ông là nhà thơ lãng mạn, rõ quá rồi, không ai phản bác được. Nhưng ông lãng mạn trong thơ, lại đồng thời hiện thực trong văn xuôi. Cùng lúc đó, trong lý luận phê bình, đặc biệt trong Văn chương và hành động và trong thực tiễn ông hiển hiện là một nhà văn yêu nước. Cùng một lúc vừa là thế này vừa là thế kia, đó chính là Lưu Trọng Lư. Đó là sự đa dạng về mặt khuynh hướng. Còn một sự đa dạng khác về mặt thể loại, Lưu Trọng Lư cũng là một cây bút sử dụng nhiều thể loại nhất. Ông làm thơ, viết báo, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, kịch, kịch thơ và bút ký văn học. Với trên 40 tác phẩm đủ các thể loại, Lưu Trọng Lư quả thực là một tiềm năng văn học. Theo dõi hành trình sáng tác của ông, ta thấy từ năm 1940 đến 1945, Lưu Trọng Lư lúc sống ở quê, lúc ra Hà Nội và lại từ Hà Nội trở về Huế. Chính tại Huế, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc cùng với Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Chế Lan Viên. Trong bài thơ Mẹ, Lưu Trọng Lư nói về sự tỉnh giấc sau những ngày “nửa đời úp mặt trong đêm tối” thật cảm động: “Mẹ đến rồi, Mẹ đến bên/ Chan chứa nhìn anh mắt dịu hiền/ Tay nâng bát cháo, tay nâng dậy/ Lưỡi còn tê đắng, mắt còn hoen/ Cửa bé cửa nhớn: mở tung ra/ Đạp chiếu đạp chăn: đứng dậy/ Có tiếng chim kêu/ Có tiếng suối chảy/ Tiếng triệu triệu con ong/ Mật hoa thơm ngoài cánh đồng/ Hoa ơi hoa, lại nở trên cành/ Nầy Mẹ, đời con đã tái sanh”.
Trở về với dân tộc, đứng vững trên mảnh đất dân tộc là một bài học lớn về đời và về thơ của Lưu Trọng Lư. Sống cuộc sống của đất nước, của dân tộc, Lưu Trọng Lư thoát khỏi bế tắc, ông cảm thấy hoàn toàn phóng khoáng, tự do trong một tư thế nhập cuộc hết mình. Nhìn chung, các kiện tướng Thơ mới không có bài thơ nào thật hay trong kháng chiến chống Pháp. Cần phải có thời gian cho một tiến trình, cho một chuyển hóa. Trong tình hình chung đó, Ngò cải đơm hoa của Lưu Trọng Lư là một cố gắng đáng trân trọng: “Giặc có đốt thiêu đồng/ Lúa mùa sau lại mọc/ Giặc có dồn cướp thóc/ Thóc lại cướp trở về/ Hôm trước giặc dựng tề/ Hôm sau mình lại hạ/ Giặc bắn cả lợn gà/ Gà vịt lại tăng gia/ Giặc phá tan khung cửi/ Nhưng vải đã dệt xong/ Kịp chiến dịch thu đông/ Gửi cho anh, anh mặc”.
Nếu ai muốn đo sức khỏe của dân tộc qua sức khỏe của thơ ca thì đoạn thơ trên có thể đem đến một dẫn chứng sinh động.
Từ dòng mạch này, Lưu Trọng Lư đã trở nên chín và nhuyễn hơn với những bài thơ đấu tranh thống nhất. Trong những năm đó, ở miền Nam, Giang Nam, Thanh Hải, Văn Công là ba tác giả có thành tựu nhất, thì ở miền Bắc, Tố Hữu, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư là ba nhà thơ có nhiều bài thơ hay nhất về đề tài này. Những năm đó, thế hệ chúng tôi thường được nghe giọng đọc thơ xúc động nồng nàn của Lưu Trọng Lư trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Xin hỏi các bạn bè thế giới/ Sao chiều nay/ Đứng ở mũi đất này/ Chân tôi không bước tới/ Chân tôi không có quyền bước tới/ Bởi vì đâu bạn hỡi/ bởi vì đâu? Ngoài khơi con chuồn con nục/ Mùa nước trong hay mùa nước đục/ Cũng thung thăng biển Bắc bờ Nam/ Trên đầu tôi mây xanh hay mây bạc/ Theo gió chiều mây cứ bạt bay qua/ Con nhạn, con én, bên bờ/ Cũng qua đầu tôi lướt sóng/ Trời trong hay trời rộng/ Con chim, con cá cũng thẳng cánh thẳng vi/ Sao đến chỗ ni/ Trước mắt tôi như có hào sâu ngăn lại/ Đất Việt Nam, người Việt Nam không bước tới/ Mắt mải nhìn, mắt mòn nửa con ngươi/ Lời tôi nói, lời tôi nghe đứt đoạn” (Sóng vỗ cửa Tùng).
Năm tháng trôi qua, Sóng vỗ cửa Tùng viết năm 1958 cho đến nay vẫn là một trong những bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư sau 1945.
3.
Nếu chỉ dừng lại ở “Từ đất này”, là tập thơ thứ 4 của ông xuất bản năm 1971, Lưu Trọng Lư hoàn toàn đã được xem một nhà thơ nổi tiếng rồi. Nhưng thật đáng quý, vào những ngày chuẩn bị lễ kỷ niệm 100 năm sinh của ông, gia đình đã công phu sưu tập và cho xuất bản tập thơ dầy dặn gồm nhưng bài thơ chưa công bố của Lưu Trọng Lư có tên là “Bài ca tâm tình”. Tập Di cảo này cho ta thấy rõ thêm sự nghiệp thơ ca và nhân cách văn hóa của ông.
Sinh thời sau Thanh Tịnh, Tố Hữu và Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư có tình bạn đặc biệt với Nguyễn Tuân. Lưu Trọng Lư gọi Nguyễn Tuân là “tên ngất ngưởng”, Nguyễn Tuân kêu Lưu Trọng Lư là “lão chồm chồm”. Cái tên ấy nói một phần phẩm hạnh đặc biệt của Lưu Trọng Lư. Ông hầu như không sống ở đâu yên. Và ở đâu khó khăn nhất, gian nan nhất đều thấy ông xuất hiện. Từ Sông Tuyến những năm hai miền chia cắt, vào Khu 4 những năm chống chiến tranh phá hoại, lên Cao - Bắc - Lạng những năm xảy ra chiến tranh biên giới, đến đâu ông cũng có thơ và thơ hay. Gắn bó với dân tộc, với đất nước, là yêu cầu cao nhất của văn học.
Đó cũng là quan điểm sống và quan điểm nghệ thuật của Lưu Trọng Lư: “Tôi là kẻ thù của khuôn sáo, của thờ ơ, của cỗi cằn/ Với dân tộc của tôi, thơ tôi không chệch ngoài quỹ đạo”.
Có thể nói “Bài ca tâm tình” là một bản hợp âm với những nỗi niềm, những tâm sự của thi nhân trước biết bao những đổi thay, những sàm sỡ và hư hỏng, những chuyển động, những vỡ da, những hy vọng trước một cuộc lên đường mới. Trước những tiêu cực xã hội, ông như lão tướng đập bàn quát mắng: “Trên mảnh đất máu người thân ta đổ/ Có những bữa cơm láo xược, đế vương, thừa mứa/ Hỡi người thơ mái tóc bồng bềnh/ Người có nghe từ cuộc sống sớm chiều những tiếng lanh canh”.
Ông phê phán bệnh xa dân, là nguy cơ của mọi nguy cơ: “Gần dân hai tiếng gần dân/ Tưởng như bên nách bên thềm/ Bên da bên thịt/ Mà sao ngàn trùng xa cách/ Âm dương hai ngả tách rời”.
Là nhà thơ trữ tình, ông tôn trọng và đề cao cảm xúc. Nhưng khi cần, ông sẵn sàng đem đến những triết luận sâu sắc cho thơ sau biết bao trải nghiệm từ đời sống: “Trong muôn sai trái ở đời/ Thì giọt mồ hôi/ Ít phạm điều sai trái nhất” (Tâm sự đêm).
Ông quan niệm, đổi mới là con đường duy nhất để đưa sự nghiệp lên phía trước: “Từ trong điệu vần khổ đau nhức nhối/ Ta đổi mới đời ta/ Ta đổi mới thơ ta/ Tiến lên và cùng hát/ Lương tâm đã chắn hết nẻo lui rồi” (Đường vào chân lý).
“Lương tâm đã chắn hết nẻo lui rồi”, câu thơ của Lưu Trọng Lư cũng có nghĩa “Đổi mới hay là chết”. Đổi mới là cả một sự nghiệp lớn, có được và có mất, có giằng xé rớm máu để tiến lên. Trước bao nhiêu choáng ngợp, có lúc bối rối, lại nhớ: Trong lúc ngổn ngang phức tạp nhất, rất cần phải trở về với những vấn đề cơ bản nhất. Vấn đề cơ bản nhất đối với thi sĩ Lưu Trọng Lư là một chữ Nhân. Đêm giao thừa năm 1988, Lưu Trọng Lư thức trắng với biết bao tâm sự: “Không đủng đỉnh, không mơ hồ/ Biết cầm chắc những gì Tổ quốc trao đưa”.
Và, trong giờ phút thiêng ấy, nhà thơ tuyên bố: “Ta chỉ xin quỳ trước một chữ Nhân/ Cuộc giao ban trời đất”.
Lỗ Tấn cúi đầu làm ngựa cho nhi đồng, Cao Bá Quát cúi đầu trước hoa mai, Lưu Trọng Lư xin quỳ trước một chữ Nhân.
Sống và viết vì một chữ Nhân ấy, đó là bài học lớn nhất mà Lưu Trọng Lư đã để lại cho chúng ta.