Câu chuyện của nhà thơ Lê Thị Mây: Sau trang viết là cuộc đời tác giả. Một gương mặt mất ngủ, dấn thân cho nghiệp văn. Không đánh cược với mất ngủ, dấn thân, sức đi, sức viết ngắn, sẽ buông xuôi, bỏ cuộc. Khúc ngoặc thất nghiệp xuất hiện như một lẽ đời, nghiệp vốn thế. Đời bức xúc cơm áo, giăng bẫy hết mọi đường đi nẻo về. Ai chạm mặt mà không nặng bước.




MỘT MÌNH SAU TRANG VIẾT

LÊ THỊ MÂY

Phía sau trang viết ẩn thần khí thần sắc tác giả, người đọc tinh tường, nhạy cảm, khó che giấu được. Cái thần khí thần sắc ấy dù mơ hồ cũng là thông điệp của tác giả chốt minh triết nhân văn thời đại. Thường, sau khi gấp trang nháp mà cảm xúc chưa gấp khép được. Có một chuỗi âm vang dội sâu dồn thúc trống ngực, gợi dẫn những suy nghĩ chưa dứt, những liên hệ dây chuyền từ đời sống hiện thực qua những chi tiết rất nhỏ. Qua một lắng nghe tưởng đã cho qua, trôi qua.
Mới đây người yêu thơ than phiền về các trang thơ tràn đầy trên các mặt báo. Thơ hay, hay thực sự người đọc, đọc rất khắt khe. Thơ hay vốn gắn với sự xuất thần trời cho. Còn thơ dở, thơ nhạt, thơ vu vơ dĩ nhiên dễ làm mất bạn đọc.
Thực tiễn sáng tác lâu nay bung ra nhiều chiều, tùy hứng đủ kiểu mà tác phẩm để đời hiếm hoi hay chưa xuất hiện. Vì không có tài văn xứng tầm. Có một thời gian dài, hễ gấp trang nháp, rời bàn viết tôi lại đối mặt với vấn đề: “văn tài không xứng tầm nên tác phẩm không xứng tầm”. Nhận định này, kết luận này luôn luôn đặt ra náo động trên các diễn đàn văn học nghệ thuật hàng năm! Lặp đi lặp lại đến tốn giấy mực, hao tổn tâm lực cả người nghe và người nêu vấn đề tranh luận…
*
Gần đây tình cờ tôi có nói chuyện với một cây bút lý luận phê bình văn học trẻ, gợi cho tôi đôi điều suy nghĩ đa chiều, soi chiếu các góc nhìn riêng. Tôi hỏi, anh suy nghĩ thế nào về cụm thuật ngữ văn học phải đạo? Anh nói: Thầy Hoàng Ngọc Hiến đúng khi nói về văn học phải đạo. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, điều cốt lõi của nó không phải chỉ là lịch sử cụ thể mà là về sự phát triển của xã hội. Các nhà văn, các tác phẩm văn học lâu nay chỉ nói về cái tốt, cái đẹp, về sự phát triển của xã hội, chứ không được nói về cái xấu. Cái xấu, là của kẻ thù. Hiện nay trong xu thế hội nhập, một sự kiện gì xẩy ra ở Việt Nam cả thế giới điều biết, một sự kiện gì xẩy ra ở Mỹ, qua các kênh thông tin hiện đại ta cũng lập tức được biết ngay. Do đó, vấn đề hiện nay là vấn đề ứng xử văn hóa...”
Để hiểu thấm thía từ thẳm sâu lòng nhân ái khoan dung truyền thống của cha ông, lựa chọn cho mình một cách nhìn nhận hiểu đúng về nỗi đau, nỗi bất hạnh của những người mẹ Mỹ có con tham chiến chết trận ở Việt Nam. Cái chết làm bia đỡ đạn cho cuộc chiến tranh của họ khác và cách biệt với nỗi đau sự hy sinh lớn của người mẹ Việt Nam. Nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình thời nào cũng có quan điểm đối lập với các tập đoàn đế quốc tư bản hiếu chiến và chính phủ Nhà trắng, mỗi khi họ mở những cuộc chiến xâm lược các nước yếu. Đây cũng là quan điểm cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong chiến lược ngoại giao thời chiến lẫn thời bình. Thêm bạn, bớt thù, muốn làm bạn, hợp tác cùng phát triển.
*
Cách đây vài mươi năm, tôi có viết bài thơ viết về nỗi đau của hai người mẹ. Người mẹ Việt Nam và người mẹ Mỹ. Người mẹ Việt Nam bị bom Mỹ giết hại tại Đồng Hới. Và người mẹ Mỹ, người đã sinh ra giặc lái ném bom xuống thị xã Đồng Hới trong các trận bom hủy diệt san bằng thị xã nhỏ tết 1965 và cả Thành cổ Quảng Trị 1972.
… Bom bi đẻ đen trời tội ác/ Trò chơi kia chúng giết hại mẹ rồi!
Nửa viên bi của một viên tội ác/ Còn nguyên đau nửa sức mạnh giết người/ Nằm sâu chính trong ngực người mẹ Mỹ/ Còn nguyên đau, bao dòng lệ còn rơi?
Nỗi đau mẹ sẽ trở thành nhẹ bấc/ Khi chính con với im lặng dâng trào/ Lấy ra được nửa viên bi tội ác/ Trong ngực người mẹ Mỹ xanh xao...
 (Nỗi đau của mẹ 1971-1987)
Cái viên bi tội ác kia, mỗi lần gây tội ác, là một lần ở bên kia trái đất - trên lãnh thổ Hoa Kỳ, những người mẹ sinh ra cả một thế hệ thanh niên Mỹ bị lừa đi làm bia đỡ đạn, làm giặc lái dội bom xuống làng mạc Việt Nam giết hại dân lành; thì chính bà cũng phải nhận một nửa viên tội ác mà con bà gieo rắc… Bà mẹ Mỹ, muốn lành vết thương, không phải chỉ khi chiến tranh kết thúc mà phải là khi lòng khoan dung của dân tộc ta lấy ra được nửa viên bi tội ác. Nằm chính trong ngực người mẹ Mỹ xanh xao…
*
Người đời, đâu phải ai ai cũng cần thơ, yêu thơ. Trong vài ba ngàn người, có một người yêu thơ, đọc thơ cũng đã quá nhiều. Tuy nhiên suốt dòng chảy văn hóa của mỗi dân tộc,  thơ có một trách nhiệm lớn, giúp con người, giúp độc giả nhận rõ lẽ phải, phân biệt được chính tà và khơi dòng chân lý bắt đầu từ cảm xúc của trái tim. Từ trái tim đến với trái tim đấy là tiêu chí nằm lòng của mọi thi sĩ. Con đường thơ là con đường khó, bởi nó là con đường từ một trái tim cảm xúc đơn lẻ, đến trái tim nhân loại. Nền thơ ca, văn học cách mạng qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cứu nước, hiện thực chiến trường là khởi nguồn cảm xúc, phản ánh chân thực, trĩu nặng bổn phận và trách nhiệm công dân. Bổn phận và trách nhiệm nghệ sĩ vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa... Lịch sử khép trang để hướng tới tương lai. Sự hòa hiếu, lòng vị tha là chân lý, nhưng dòng chính sử vẫn không ngừng chảy xiết trong tinh thần tự tôn dân tộc, soi sáng từng bước thăng trầm sau chiến tranh, ngưng tiếng súng.
Tôi trong thế hệ cầm bút trưởng thành qua chiến tranh chống Mỹ cứu nước cũng đã rèn sức bút hướng tới sự tận hiến, hòa trong dòng chảy văn học hiện thực cách mạng và kháng chiến. Thiết nghĩ, đó chính là dòng văn học mang dấu ấn Việt Nam, theo cách riêng của một nền văn học truyền thống yêu nước thương nòi, vươn tới đỉnh cao thời đại.
Vậy văn học đổi mới thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế, tiếp nối những thành tựu của cha anh, sẽ tiếp biến thế nào? Gọi lên thế nào? Phân kỳ thế nào?... Trong bài viết nhỏ này, tôi lúng túng chỉ lạm nghĩ một chút, giới hạn ở trang văn xuôi của riêng mình. Thực tế, vài mười năm nay cụm từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, các nhà lý luận không dùng nữa, rồi rộ lên thuật ngữ văn học hậu hiện đại lôi cuốn người cầm bút trẻ. Sự phức tạp đa giọng của văn học mạng đang chiếm trọn gói độc giả trong thông tin đời sống thường nhật. Giao lưu, kết bạn, bày tỏ cảm xúc nhanh, nhạy là thiết thực nhưng cũng sẽ hứng lấy những rắc rối ngoài ý muốn.
Bước được đôi bước chậm, tôi ngộ ra, với riêng tôi, xưa nay đi thế nào, nay tôi vẫn giữ cho mình vốn là chính mình. Không thay đổi. Luôn trăn trở biết mình chưa đi trọn con đường đã chọn. Lấy cảm xúc đời sống làm căn cốt định vị trang viết, tránh buông xuôi, tụt hậu? Có phải dòng chảy lao động ở từng trang viết của tôi vẫn lặng chìm, khó níu giữ độc giả? Ở các đầu sách và ở dòng ngầm bản thảo, cứ cho là chưa hoàn chỉnh, ở chặng đường cuối mùa văn, lâm vào tình cảnh mất độc giả là chuyện đương nhiên, chuyện thường tình...
Thông tin báo chí truyền thông hiện đại, nhất là đối với người trẻ, đối với cư dân mạng đã hình thành, định vị một dòng tâm thức nhu cầu mới về hưởng thụ văn học nghệ thuật. Lướt nhanh. Đọc nhanh. Quên nhanh! Cuộc sống đang nhiều bức xúc, thiếu hụt thời gian. Sự cạnh tranh bung ra, dẫn dòng kéo sự hiếu kỳ vào cuộc. Để đứng vững trên thị trường lao động, trong dòng chảy công nghệ hiện đại, riêng tôi luôn biết đang đứng trước ngưỡng đuối sức, chóng mặt, tự thấy bất lực.
Trăn trở và dừng bút, tắc bút. Tuổi bảy mươi đang sắp chạm ngõ, gõ cửa từng đêm thức trắng. Phía sau trang viết có một dấu chấm to dần và mỗi điều lo âu cũng to dần! Và với cả ba dấu chấm hỏi ở ba cụm thuật ngữ tôi vừa nêu trên luôn cày vệt trong đầu sau trang viết, kéo tôi đi chậm, vừa đi vừa soi vào trang viết, dù đang là trang nháp; cùng với thế đi của hiện thực cuộc sống cần phản ánh qua lăng kính nhân văn của tác giả, của riêng chính tôi, cốt để góp chút công sức nhỏ bé vào một nền văn học căn cốt, chuẩn mực với một hệ ứng xử văn hóa từ số phận ở mỗi con người
Ứng xử văn hóa thời bình và ứng xử văn hóa thời chiến là hai đầu dây kéo co trên mẫu số chung nhân loại. Tôi tâm đắc bài thơ Tôi không thể là người lính ấy của nhà thơ lớn của Cuba, Nicolais Guillen (1902-1989) do nhà thơ Bằng Việt dịch:

Tôi không thể là người lính ấy
Bị người ta thúc ép
Bắn vào trẻ con và người da đen
Giết người nghèo vì lợi ích kẻ giàu?
Không
Tôi không bao giờ chịu làm người lính ấy!

Những toa tàu chở đầy lính tráng
Lao thẳng về những thành phố lo âu
Lao như tên vào những cuộc bãi công
Để trừng phạt và gây đổ máu
Những người lính đó hóa bầy đao phủ
Không
Tụi không thể trở thành người lính ấy bao giờ!

Những đôi mắt các anh bị bịt băng đen
Những đôi tay các anh bị trói vào xích sắt
Các anh, với số phận hẩm hiu của kẻ làm nô lệ
Cầm súng trên tay như những kẻ vô hồn
Không
Tụi không bao giờ chịu làm người lính ấy!

Tôi sẽ chỉ trở thành người lính
Khi không phải đem thân làm nô lệ kẻ giàu
Không phải thức thâu đêm canh giữ các đồn điền
Không phải đánh đập những kẻ oằn lưng trồng mía

 Tôi thủy chung với từng số phận anh em
Đang cần có tự do như bánh ăn nước uống
Chỉ khi đó
Tôi thực sự trở thành người lính
mà thôi!
Chủ đề bài thơ bày tỏ chứng kiến cho nhân loại, cho tuổi trẻ ở bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào cần biết chọn, biết ứng xử văn hóa để gìn giữ hòa bình, không bị biến thành tên lính xâm lược, gây đổ máu dân lành…


Nguồn: Văn Nghệ