Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu hồi tưởng: Khoảng hơn 9 giờ sáng, trên sóng radio có phát nhật lệnh của quyền Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà - chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ra lệnh các đơn vị quân đội giữ nguyên vị trí chờ lệnh mới, không được manh động. Đến khoảng hơn 12 giờ thì chương trình phát thanh ca nhạc của Đài Sài Gòn gần như im bặt, rồi như có sự thay đổi lớn lao, tiếng đàn thùng vang lên cùng tiếng hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài "Nối vòng tay lớn".




NHỮNG CƠN MƯA NHƯ LỬA CHÁY KHÔNG TÀN

PHẠM SỸ SÁU

Vừa bước ra khỏi phòng thi dành cho sinh viên vùng chiến nạn ở giảng đường 2 trường Đại học Khoa học trên đường Cộng Hoà (nay là đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5) thì trời đổ mưa. Những cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống giữa những ngày Sài Gòn đang nóng lên vì tin tức chiến trận đang tiếp cận cửa ngõ thủ đô làm cho không khí có phần khẩn trương và hối hả hơn.
Phần tôi hơn tháng nay (từ cuối tháng 3/1975 khi Vùng I chiến thuật thất thủ), tin tức gia đình không nhận được, cộng thêm những ngày vùi đầu làm công tác cứu trợ ở Uỷ ban Tương trợ Sinh viên chiến nạn Quảng Đà tại nhà bác sĩ Bùi Kiến Tín số 176 đường Trương Minh Ký, Gia Định (nay là Lê Văn Sĩ, quận Phú Nhuận) cũng khiến tôi không có thời gian nghĩ về chuyện khác. Mấy hôm nay, bên cạnh việc đăng ký giúp đỡ các sinh viên Đại học Huế và Đại học Cộng đồng Đà Nẵng, Đại học Đà Lạt đang tị nạn tại Sài Gòn, chúng tôi còn trích một phần gạo và tiền giúp đỡ sinh viên Quảng Đà đang học tại Sài Gòn đang gặp khó khăn vì mất liên lạc với gia đình. Công việc cứ cuốn mình theo khiến cho việc chuẩn bị thi cử của tôi cũng có phần chểnh mảng nhưng vẫn hy vọng có kết quả tốt vì ban lãnh đạo Viện Đại học Sài Gòn đã nghĩ ra kế hoạch tổ chức thi dành cho sinh viên vùng chiến nạn. Và như thế là tôi tạm yên tâm.
Trên chuyến xe buýt chiều từ bùng binh Quách Thị Trang - Sài Gòn về Lăng Cha Cả - Gia Định nêm chặt người nhưng cái cảm giác của sự bức bối như đang lan truyền trong cư dân làm cho tôi không còn cảm thấy sự ướt át của cơn mưa nặng hạt chưa dứt. Xe vừa qua ngã tư Trương Minh Giảng - Yên Đỗ (nay là Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng) thì bất ngờ nghe loạt tiếng nổ lớn dội về từ hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Tiếng gầm rú của những chiếc phản lực bay thấp giữa cơn mưa chiều thành phố khiến nhiều người trên xe thêm hoảng loạn. Phần tôi thì chẳng có sợ sệt gì vì tiếng gầm rú của máy bay phản lực hay cả tiếng rít của đạn đại bác cũng đã trở nên quen thuộc khi còn sống ở quê nhà. Vào Sài Gòn, tiếng gầm rú dường như xa khuất, chỉ thỉnh thoảng mới rộ lên khi có dịp đến gần khu vực Lăng Cha Cả, Gò Vấp mà thôi. Nghe tiếng gầm rú của máy bay phản lực có người suy đoán có lẽ không quân đang làm đảo chánh vì chiều nay tại dinh Độc Lập có lễ nhậm chức tổng thống của Đại tướng Dương Văn Minh. Ông già gân Trần Văn Hương sau hai tuần đảm nhiệm chức tổng thống từ tay tông tông Nguyễn Văn Thiệu theo hiến pháp đã không được sự ủng hộ của cả các chính khách dân sự và phe VIP KK (Những nhân vật quan trọng mặc đồ kaki, ý nói các tướng lãnh quân đội). Việc để mất cửa ngõ Xuân Lộc đã làm cho hai viện Quốc hội bất tín nhiệm Trần Văn Hương và họ đã quyết định mời ông Dương Văn Minh thay thế ông Hương làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Không khí chính trường Sài Gòn dù có lộn xộn cỡ nào cũng không làm cho người Sài Gòn và một phần Gia Định quan tâm bởi họ đang phải lo chuyện cơm áo gạo tiền hàng bữa. Tình hình chiến sự đã áp sát Sài Gòn làm cho vật giá cứ ngày một leo thang, nguồn cung ứng thực phẩm ngày càng khan hiếm đã buộc người dân chú tâm vào chuyện kiếm tiền mua cơm gạo đắp đổi qua ngày.
Xuống xe buýt trong tâm trạng bồn chồn ở ngã tư Trương Minh Ký - Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Lê Văn Sĩ - Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận) gần cổng xe lửa số Sáu, tôi thả bộ về nhà trọ ở cuối đường Nguyễn Huỳnh Đức trong tâm trạng âu lo. Mấy hôm nay không khí cư dân trong xóm đã chộn rộn lắm. Mấy căn nhà đối diện chỗ tôi trọ có chồng Mỹ vợ Việt đang thu xếp cho một chuyến đi. Nhìn gương mặt lo âu của mấy người vợ cho tôi cảm giác họ quyết định ra đi trong tâm trạng cũng khá bất an. Mấy đứa trẻ thì vẫn nô đùa khi nhìn mấy cái va ly được cha mẹ nó đóng sẵn để ở trong nhà. Bọn chúng vẫn chạy ra đường nghịch mưa, nghịch nắng mặc cho cha mẹ nó đang lo toan tính toán điều gì.
Bản tin lúc 18 giờ của Đài phát thanh Sài Gòn loan tin lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của đô trưởng Sài Gòn và tổng trấn Sài Gòn - Gia Định có hiệu lực từ 19 giờ ngày 28-04-1975 cho đến khi có lệnh mới. Giới nghiêm và thiết quân luật có nghĩa là quân nhân phải cấm trại 100% và dân thường thì không được quyền đi lại. Từ lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đến sáng hơn tuần trước đến nay là giới nghiêm 24/24 cho thấy tình hình khu vực Thủ đô nghiêm trọng cỡ nào. Lệnh giới nghiêm ban ra trong đầu tuần (hôm nay là thứ Hai) cho thấy có cái gì đó rất nghiêm trọng đang diễn ra tại Sài Gòn mà mọi người dân chưa hề nghe thấy. Chỉ những tiếng nổ buổi chiều trong phi trường Tân Sơn Nhứt khiến nhiều người thêm lo vì họ cảm giác là pháo 130 ly của Việt Cộng đã bắn tới Sài Gòn, mặc kệ cho những chuyến bay C5A Galaxy của Mỹ ngày càng nhiều hơn. Trên bầu trời thành phố bắt đầu xuất hiện các chuyến bay trực thăng mà bãi đáp là những cao ốc lớn.
Đêm qua trong tiếng vọng của pháo 130 ly bắn vào phi trường Tân Sơn Nhứt là tiếng máy bay trực thăng phành phạch ngày càng nhiều hơn. Những chiếc Chinook 2 cánh quạt cứ lượn lờ trên bầu trời thành phố, ghé chỗ nầy chỗ kia tạo nên thứ âm thanh dồn dập và hối thúc. Ngày 29.4 trôi qua trong những âm thanh phàch phạch của cánh quạt trực thăng và trong tiếng súng vọng về thi thoảng nghe từ xa rất xa. Lệnh giới nghiêm đã làm thành phố như sống chậm lại, không còn xe buýt, xe lam, tiếng xe xích lô máy nổ bành bạch cũng ngưng hẳn. Thi thoảng chỉ những tiếng xe Honda rú ga vọt nhanh của mất tay cảnh sát là còn làm cho thành phố có chút gì sức sống. Có chút ồn ào trong khu xóm lao động nghèo của bà con quanh Công-xi heo (lò mổ heo ở khu vực phía sau cư xá Nguyễn Huỳnh Đức) đang rủ nhau đi mót của ở những cao ốc mà người Mỹ đã bỏ đi trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi) và đầu đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai). Không có binh lính, không có nhân dân tự vệ, cũng chẳng thấy cảnh sát chìm nổi đâu, chỉ thấy những người đi hôi của rải rác trên đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ) đang hì hụi khiêng vác nào bàn ghế, giường tủ về nhà mình. Không khí chộn rộn của một thay đổi lớn đang cận kề khiến nhiều người dân cảm thấy lo âu, chỉ có những cán bộ chiến sĩ hoạt động ngầm của B9, K41, Liên quận 4 phụ trách địa bàn ấp Tây Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình (nay là phường 14 quận Phú Nhuận) là đang khẩn trương chuẩn bị cho việc làm chủ địa bàn. Những người ngày thường là lao động phổ thông, là người giúp việc gia đình, có người mới về khu vực tạm trú vài ba tháng, nay được tổ chức lại, tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng tỏ ra đầy quyết tâm trong việc giành chính quyền ở địa phương mình cư trú. Bộ phận nầy được chỉ đạo từ Ban chỉ huy K41 ở ấp Cộng hoà 3 xã Hanh Thông quận Gò Vấp (nay là phường 1 quận Gò Vấp) nên chuẩn bị khá kỹ càng: nào là may cờ, kẻ biểu ngữ, vài người có tham gia nhân dân tự vệ cũng mang vũ khí về nhà chuẩn bị cho hành động tiếp theo.
Buổi sáng 30.4 cứ chầm chậm trôi qua trong tiếng súng vọng về từ khu vực trại Hoàng Hoa Thám (bản doanh của sư đoàn nhảy dù, nay là khu vực phường 13 Tân Bình), rồi rộ lên ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, ngã ba Lăng Cha Cả. Hầu hết dân chúng vẫn quanh quẩn trong nhà, ngoài đường chỉ có một vài thanh niên tự vệ võ trang đeo băng tay hai màu xanh đỏ đi lui đi tới với súng Carbine một cách hối hả. Nhà nào cũng vọng ra tiếng radio đang phát tin tức và ca nhạc của Đài phát thanh Sài Gòn. Khoảng hơn 9 giờ sáng, trên sóng radio có phát nhật lệnh của quyền Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà - chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ra lệnh các đơn vị quân đội giữ nguyên vị trí chờ lệnh mới, không được manh động. Đến khoảng hơn 12 giờ thì chương trình phát thanh ca nhạc của Đài Sài Gòn gần như im bặt, rồi như có sự thay đổi lớn lao, tiếng đàn thùng vang lên cùng tiếng hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài "Nối vòng tay lớn". Trước bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một giọng phát thanh lạ mang âm sắc Quảng Nam có nói đôi lời về tình hình Sài Gòn, chính quyền đã về tay nhân dân, và các lực lượng yêu nước và tiến bộ đang làm chủ Sài Gòn chờ Quân Giải phóng vào bàn giao, tiếp quản. Câu nói cứ lập đi lập lại mấy lần cùng bài hát "Nối vòng tay lớn" mãi cho đến gần 13 giờ thì có lệnh của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Lúc nầy đường phố xã Phú Nhuận quanh khu vực nhà thờ Ba Chuông bắt đầu lác đác có người đi lại, họ bước đi trong ánh mắt ngơ ngác, ngóng nhìn về hướng Lăng Cha Cả. Tôi cũng ra đường đến trụ sở của Uỷ ban Tương trợ Sinh viên Quảng Đà ở nhà Bác sĩ Tín số 176 Trương Minh Ký. Cửa vẫn khoá bên ngoài. Không vào được, tôi lại lang thang dọc đường, hướng về Cổng xe lửa số Sáu thì nghe sau lưng tiếng xích xe tăng vang lên rạo rạo trên đường. Dừng lại nhìn, tôi thấy từ hướng nhà thờ Ba Chuông, ba chiếc xe tăng T59 với vòng lá nguỵ trang thưa thớt đang nhả khói mù tiến về phía trước. Những người lính giải phóng trên xe tăng vẫn lăm lăm tay súng, ngơ ngác nhìn những ngôi nhà mặt tiền cửa đóng im ỉm. Xe vừa qua Cổng xe lửa số Sáu thì bất ngờ có từng loạt đại liên từ trên lầu cao hướng xứ đạo Bùi Phát, quận 3 (giáp ranh xã Phú Nhuận) bắn về phía đoàn xe. Các chiến sĩ nhảy xuống xe, triển khai đội hình hành tiến. Từ trên tháp pháo chiếc xe tăng T59 đi đầu, hai trái đạn được bắn đi trúng vào ngôi nhà vừa phát ra tiếng súng bắn chặn. Khói bốc lên trên ô cửa sổ rồi im bặt. Các chiến sĩ giải phóng sau một hồi hỏi chuyện người bên đường lại tiếp tục lên xe chạy về hướng chợ Trương Minh Giảng.
Đường phố đã bắt đầu đông hơn, từ trong những ngôi nhà mặt tiền những ánh mắt lo âu dường như dịu lại, cửa đã mở he hé, nhìn ra, thấy yên lặng, họ lại lặng lẽ đóng sập cửa lại, chờ đợi. Chỉ khi tiếng loa phát thanh lưu động của lực lương nổi dậy tại chỗ vang lên kêu gọi người dân mở cửa chào đón quân Giải phóng vì cuộc chiến tranh đã chấm dứt, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm chủ thủ đô Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã tan rã từ trung ương đến cơ sở thì đã lác đác có nhà treo lên lá cờ Mặt trận trước nhà.
Tôi trở về nhà trọ ở 476 Nguyễn Huỳnh Đức thu xếp vài bộ quần áo, lấy xe đạp đạp về hướng Gò Vấp, tìm về xã Hanh Thông để gặp những người quen thân - những người cùng làng đang hoạt động trong K41, đơn vị có nhiệm vụ tiếp quản xã Hanh Thông, quận Gò Vấp. Tôi tìm đến trụ sở Uỷ ban Hành chính xã Hanh Thông ở góc ngã tư Phan Thanh Giản - Gia Long (nay là Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Văn Nghi) và được hướng dẫn về ấp Cộng hoà 3 để làm tờ tin Cờ Giải phóng. Bằng kinh nghiệm những năm hoạt động trong phong trào học sinh ở Đà Nẵng thời trung học, chuyện đánh máy trên giấy stencil và in roneo đối với tôi là chuyện thật dễ dàng. Tôi bắt tay vào làm việc trong cái ẩm ướt của cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống trong ngôi nhà ẩm thấp trong khu thợ dệt ấp Cộng hoà 3 bằng một niềm phấn khởi vì đất nước đã hoà bình, cơ hội gặp lại người thân ở quê nhà đang đến gần hơn bao giờ hết.
Hai ngày sau, sáng 2 tháng 5 tờ báo Cờ Giải phóng, tiếng nói của nhân dân xã Hanh Thông giải phóng đã được phát hành rộng rãi cho nhân dân toàn xã trong nỗi chờ đợi háo hức tìm đọc của mọi người. Ngoài các tin tức cập nhật là đăng các chủ trương chính sách của Mặt trận đối với những người ở vùng mới giải phóng, đặc biệt là chính sách đối với viên chức, binh lính chế độ Sài Gòn cũ.
Đến ngày 3 tháng 5, tôi lại được lệnh phải ra lại trụ sở xã Hanh Thông để kiểm tra hệ thống loa phát thanh quanh khu vực chợ Gò Vấp vì mấy hôm nay tiếng nói của Uỷ ban quân quản xã phát ra lúc được lúc mất. Lại sử dụng kinh nghiệm đã có thời đi học trong việc điều khiển âm thanh cho sinh hoạt của Ban đại diện học sinh vào thực tế sinh động nầy. Lại phải leo trèo, kiểm tra dây, kiểm tra công suất máy phát rồi bố trí lại đường dây cho phù hợp và đặc biệt là loại bỏ những đui loa đã cháy để tiếng nói giải phóng, tiếng nói quân quản lại được vang lên giữa khu chợ nhộn nhịp nhất xứ Gò Vấp.
Công việc cứ thế cuốn tôi đi. Rồi tôi trở thành anh cán bộ thông tin văn hoá xã lúc nào không rõ. Chỉ nhớ một điều là trong những ngày đầu giải phóng, xã Hanh Thông là một quận mới, bởi hai xã cũ của Gò Vấp là Bình Hoà (K42) và Thạnh Mỹ Tây (K43) cũng đã thành quận. Tôi nhớ như in buổi ra mắt Uỷ ban Nhân dân cách mạng quận Hanh Thông được tổ chức ngày 5.5.1975 tại sân banh đường Trung Dũng (nay là đường Nguyên Hồng, phường 1 Gò Vấp) với lực lượng cán bộ trẻ măng như Hai Linh, Hai Phú ,Tư Trực, Ba Hoà, Tư Thắng, Tư Phước, Ba Thắng, Năm Hoà... bên cạnh những cán bộ có tuổi hơn như chú Tư Lực, anh Hai A, anh Hai Hướng...
Khoảng một tháng sau, quận Hanh Thông đã trở lại là xã Hanh Thông của quận Gò Vấp, như quận Tân Phú (cũng là quận mấy ngày đầu giải phóng) trở lại là mấy phường của quận Tân Bình.
Bây giờ hẳn ít ai còn nhớ Bình Hoà, Thạnh Mỹ Tây, Hanh Thông là xã của quận Gò Vấp, Phú Nhuận là xã của quận Tân Bình, tỉnh Gia Định nữa. Và cả cái tỉnh Gia Định nay đã là quá khứ, đã không còn ai nhắc đến, có chăng chỉ là mấy dòng ghi trong chứng minh nhân dân về nơi sinh và quê quán. Gần một năm ở Sài Gòn, tôi chuyển chỗ ở 3 nơi, từ chùa Kim Cương hẻm 108 đường Trần Quang Diệu, quận 3 về 10P Tô Hiến Thành (cư xá Hỗn hợp), quận 10 và cuối cùng về 476 Nguyễn Huỳnh Đức, ấp Tây ba, Phú Nhuận, Gia Định để rồi gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất Gia Định trong hơn 40 năm nay.
Sài Gòn có những cơn mưa chiều bất chợt trong những ngày cuối tháng Tư đầu tháng Năm năm 1975 - những cơn mưa đầu mùa khá nặng hạt như tưới mát cái không khi oi ả của cuộc chiến, làm lòng người dịu lại và cuối cùng là sự mừng vui vì đã hết chiến tranh, cha mẹ vợ chồng con cái có thể sum vầy trong im lìm tiếng súng, chỉ còn lại tiếng cười, tiếng khóc vui mừng hoà chung nước mắt hân hoan lan toả cùng đất trời.
Những cơn mưa tháng Tư 1975 - những cơn mưa chiến thắng, những cơn mưa đoàn tụ, những cơn mưa như là ánh lửa cháy không nguôi trong tôi dù đã gần bốn mươi năm trải đời theo nhịp sống. Những xúc cảm tốt đẹp khó phai mờ, nó như ngọn lửa nhỏ mãi thắp sáng trong ta niềm tin vào tương lai, vào hy vọng, vào cuộc sống tốt đẹp đang chờ phía trước.