Sự bùng nổ của mạng xã hội với việc đề cao tính cá nhân hóa cũng như khả năng truyền tin của mỗi cá nhân đã hình thành một “thế lực ảo” được gọi là KOLs (Key Opinion Leader). Mỗi KOL với khả năng dẫn dắt một bộ phận đám đông đã khiến không gian mạng sôi nổi hơn rất nhiều và từ đó cũng bộc lộ bản chất thật của cuộc chơi “truyền thông số”.




Con chim bách thanh với cái đầu Medusa

HÀ QUANG MINH

Khi một bầy chim đang đậu nhẩn nha trên một khoảnh sân, nếu ta ném chỉ một hòn sỏi vào một con chim và khiến nó hốt hoảng bay đi, sẽ có ít nhất vài con chim khác cất cánh bay theo. Khi ta tấn công một con sói, khả năng cả bầy sói quay lại tấn công ta là rất cao. Hiệu ứng bầy đàn, hành vi bầy đàn ấy là thứ mà chúng ta có lẽ đã được đọc nhiều, thậm chí chứng kiến nhiều trong đời sống. 
Có một chuyện cười mà tôi nhớ mãi, kể về một người đàn ông đứng giữa phố ngửa mặt lên trời chăm chú như thể anh ta đang nhìn điều gì đó kỳ lạ xảy ra trên một tầng cao. Chẳng bao lâu sau, đám đông quanh anh ta bắt đầu hình thành và cũng ngẩng lên cao chăm chú, bàn tán. Chỉ đến khi anh ta ngừng cái việc ấy lại, người ta mới vỡ lẽ rằng anh ta ngửa cổ lên vì mũi đang đổ máu cam.

Những ẩn dụ kể trên đều chỉ là cái cớ để chúng ta quay về câu chuyện của thế giới mạng xã hội ngày hôm nay, thế giới của những kẻ có khả năng dẫn dụ người khác. Từ cái nhỏ nhất cho tới những sự kiện lớn nhất luôn xuất hiện những kẻ dẫn dụ như thế và thậm chí còn xuất hiện những kẻ dẫn dụ đối lập nhau về quan điểm, để tồn tại những đám đông cũng đối lập nhau chan chát. 
Hình ảnh của mạng xã hội đa chiều với nhiều kẻ dẫn dụ kia không khỏi khiến tôi liên tưởng tới nhân vật thần thoại Medusa, với mái tóc là những con rắn. Mạng xã hội như thể cái đầu của Medusa vậy, nơi tồn tại hàng vạn cái đầu rắn khác. Chỉ khi Medusa bị Perseus chặt đầu thì những chiếc đầu rắn (thay cho tóc nàng) mới bị vô hiệu hóa. Và đôi mắt Medusa nếu nhìn vào kẻ nào thì sinh vật ấy sẽ biến thành đá. Trên mạng xã hội, nhiều khi chúng ta bị dẫn dụ đến mức cũng như những tượng đá, không lý trí nhưng đầy biểu cảm. 
Song, đó là chuyện thần thoại mà thôi. Ở thời đại này, không có Perseus nào để chặt đầu Medusa cả. Mạng xã hội không thể bị khai tử và không có nền tảng này thì sẽ có nền tảng khác thay thế. Không Facebook thì tương lai sẽ có một “headbook” hay “hairbook” nào đó... Con người phải tập quen với mạng xã hội và quen cả những sợi tóc rắn, tức những kẻ dẫn dụ trong không gian đó.
Những người dẫn dụ trên mạng xã hội là ai? Tất nhiên, đó phải là những tài khoản có lượng theo dõi đông đảo, hay nói nôm na là “rất đông likes”. Những điều họ viết ra, đăng tải, chỉ sau vài chục phút, số lượng likes, bình luận và chia sẻ lại có thể lên tới hàng ngàn. Và chính con số “choáng váng” đó khiến người xem bị thuyết phục, bị tin rằng đó là sự thật. Đơn giản, tâm lý con người vốn dĩ luôn muốn nương tựa vào số đông và những con số biểu hiện trên các đăng tải đó sẽ thuyết phục họ tin vào nó.
Người ta gọi những người dẫn dắt ấy là KOLs (key opinion leaders), hay nôm na là những người dẫn dắt quan điểm công chúng. Có một thuật ngữ khác để gọi họ, ít phổ thông hơn, là internet celebrity. Và để trở thành những người dẫn dắt quan điểm công chúng như thế, họ phải đi theo một trong hai cách. Thứ nhất, họ nổi tiếng trong xã hội ở một lĩnh vực sẵn có nào đó, đủ để đám đông người hâm mộ tạo cho lời họ nói ra có điểm tựa. Thứ hai, họ có khả năng chuyển tải thông điệp đúng “khẩu vị” thời kỹ thuật số và duy trì các thông điệp theo một kỹ nghệ “câu likes” khắt khe. 
Cách thứ nhất vất vả hơn khi KOL phải chứng tỏ trước bằng một năng lực chuyên môn đủ để kéo theo đám đông công chúng. Đơn cử như cậu ca sĩ trẻ nghệ danh là Jack chẳng hạn. Vì sự nổi tiếng của cậu mà kênh YouTube mới lập ra sau khi cậu rời công ty quản lý đã có ngay hơn 1 triệu người đăng ký theo dõi dù trên đó chưa có một nội dung cụ thể nào. Còn cách thứ hai cần sự kiên trì, khôn ngoan và khéo léo để nuôi dưỡng tài khoản. Cách này đang được nhiều người áp dụng và nhiều trường hợp đã thành công từ thời Yahoo, blog cho đến nay.
Trong thời đại đa chiều về thông tin như hiện nay, xu hướng con người ngờ vực một nguồn tin nào đó là có thật. Không mấy ai tin ngay vào một nguồn tin nào đó ở lần đầu tiên tiếp xúc nó bởi ai cũng tin rằng các công cụ kiếm tìm trên internet sẽ cho phép họ kiểm chứng. Nhưng, chính sự ngờ vực dễ dàng này lại làm nảy sinh niềm tin dễ dãi. Trong quá trình kiểm chứng, chỉ cần một nguồn tin hợp khẩu vị thôi, người dùng sẽ tin ngay vào nó, bởi nó lọt tai quá. Và họ dựa trên cái gọi là “kinh nghiệm người dùng” để làm cơ sở cho niềm tin ấy. Thực tế là họ đang tin vào thứ họ muốn tin mà thôi, không hơn không kém.
Giữa bối cảnh của cơ chế niềm tin dễ dàng thay đổi và lung lay như vậy, sự phát tác của các KOLs là rất lớn. Đọc được mùi vị yêu thích của số đông, các KOLs mang thông tin của mình để tiếp cận họ theo đúng mùi vị ấy. Sự đo lường khẩu vị tiếp nhận này đã khiến chủ nghĩa dân túy “lộng hành” trên toàn thế giới suốt hơn chục năm qua khi mà tốc độ đưa tin của mạng xã hội đã hạ gục báo chí truyền thống và hơn nữa, các phương tiện di động cá nhân lại giúp chủ nhân các bản tin có thể đính kèm theo hình ảnh minh họa có lợi cho thông tin của họ.
Sự nguy hiểm của giới KOLs cũng bắt đầu từ đây. Khởi sinh với những KOLs tự phát, hoàn toàn đến với thế giới mạng xã hội bằng tâm thức chia sẻ, giới KOLs vị tư lợi bắt đầu hình thành. “Cái tút này bao nhiêu tiền?”, “Cái tút này viết hầu ABCD”... đã là đánh giá quen thuộc của rất nhiều người đọc khi gặp các bài đăng của nhiều KOLs. Dễ hiểu, social media marketing (marketing mạng xã hội) đã nhanh chóng hòa nhập thời cuộc và tạo ra nguồn sống cho các “chuyên gia viết tút”. 
Nếu đơn thuần chỉ ngồi nhà viết status hoàn toàn vô tư, vô vị lợi, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và xuất phát từ những tìm tòi gian khổ, sẽ không có ai trả tiền cho người viết cả. Còn nếu viết theo một “thiết kế sẵn” của ai đó, hoặc một nhóm, tổ chức nào đó, người viết sẽ được trả công. Và khi KOLs trở thành một cái nghề, người KOL ấy sẽ hóa thành con chim bách thanh, hót bằng giọng kẻ khác chứ không phải bằng giọng của chính mình.
Khi là một con chim bách thanh, sẽ không còn sự quan tâm đến uy tín và danh dự nữa. Đơn giản, điều tôi nói ra là vì có người cần tôi nói ra điều đó. Tất nhiên, không phải tất cả các KOLs, tất cả những ai viết nội dung có hàng ngàn người xem đều hành nghề KOLs nhưng khi thứ mình viết ra bị kiểm soát bởi chính mục đích cá nhân không trong sáng của chủ thể, nó cũng không còn cái bản chất vô tư ban đầu mà mạng xã hội muốn tạo dựng. Thậm chí, những KOLs không viết thuê nhưng viết để hả hê những yêu-ghét vị kỷ của riêng mình còn gây tác hại đến niềm tin chung hơn cả những người đơn giản viết thuê vì tiền. 
Đơn cử như trường hợp của một luật sư khoác áo “dân chủ” chẳng hạn. Trong đợt dịch Covid-19 này, anh ta hả hê tung tin đại ý “để chống dịch chỉ cần ghi tên bệnh khác vào trong giấy báo tử là xong”. Cái status nặng mùi thù địch và chống phá đó được tới cả ngàn chia sẻ và đến khi chủ nhân của nó bị Facebook cảnh cáo về vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, anh chàng luật sư kia quay sang... vu vạ cho Facebook. Song, cái đáng sợ là lực lượng đã likes và chia sẻ những phát biểu vô tội vạ kia. Họ tin vào thứ thông tin vô lối đó nên họ mới hưởng ứng như thế.
Dư luận thực sự cần thông tin nên dư luận luôn cần một lực lượng dẫn dắt họ. Song, người dẫn dắt họ có mang tâm địa nào không hoặc có mục đích tư lợi nào không, đó vẫn là bài toán rất khó giải. Khi KOLs đã là một nghề tồn tại nhiều năm mà chưa hề có một bộ quy tắc ứng xử cho thỏa đáng thì nên chăng pháp luật cần phải có một chế tài. Dễ hiểu, nếu anh kiếm sống bằng mạng xã hội và anh có khả năng lôi kéo một đám đông nào đó theo dõi mình, tin vào mình, anh phải chấp nhận bị chế tài rất nặng nếu những điều anh nói ra là dối trá và chống lại lợi ích của cả trăm triệu con người ngoài kia, những người chưa có cơ hội bày tỏ sự phản đối của mình trên không gian mạng.


Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng