Nhà thơ Hoàng Trần Cương vừa qua đời ngày 9/4, hưởng thọ 73 tuổi. Lúc sinh thời, nhà thơ Hoàng Trần Cương luôn in danh thiếp có ba dòng quan trọng: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và Hội viên Hội Kế toán Việt Nam. Giới cầm bút tham gia hội nhà văn và hội nhà báo thì rất bình thường, còn góp mặt vào hội kế toán mới là chuyện lạ của riêng Hoàng Trần Cương.
Hoàng Trần Cương tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán năm 1970, rồi mới nhập ngũ lên đường thống nhất non sông. Hòa bình, Hoàng Trần Cương buông cây súng để nắm lại cây bút. Hoàng Trần Cương vào nghề báo, không phải bằng những mẩu tin hay những phóng sự, mà bằng chuyên môn được đào tạo: kế toán. Hoàng Trần Cương từng làm kế toán trưởng của báo Nông Nghiệp Việt Nam trước khi chuyển sang làm Tổng Biên tập Thời báo Tài chính.
Chuyên môn kế toán đắc dụng trong nghề báo, có giúp Hoàng Trần Cương trong nghề thơ không? Có, đó là tính chính xác của ngôn từ. Hoàng Trần Cương không có ưu điểm ở những câu mơ màng mông lung. Thời trai trẻ, Hoàng Trần Cương dùng tất cả sự lãng mạn kể cuộc tình hư ảo để đọng lại một chi tiết trần trụi: “Anh mong mà chưa thấy/ Anh tìm mà không ra/ Chiều như là em vậy/ Càng trông càng thẳm xa/ Chút nắng vàng cuối hạ/ Ngẩn ngơ giữa trời đông/ Mặt anh buồn như đá/ Ai vứt ra ngoài đồng”.
Nếu tiếp tục mảng thơ tình, thì khuôn mặt “buồn như đá” của Hoàng Trần Cương cũng vô nghĩa trong làng văn chương. Hoàng Trần Cương dùng những chữ thô ráp và chính xác để viết về quê nhà Nghệ An. Sự tỉ mỉ đến mức nặng nề ở chữ nghĩa Hoàng Trần Cương khi đưa vào trường ca lại đắc dụng. Hoàng Trần Cương làm chủ được cảm xúc và biết cách dàn xếp các chi tiết để trường ca “Trầm tích” có được chỗ đứng nhất định: “Gió bão thù chi với mảnh đất này/ Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển/ Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt”.
Thơ Hoàng Trần Cương không khiến công chúng bay bổng, mà khiến công chúng quặn thắt. Nói cách khác, Hoàng Trần Cương không thi vị hóa hay đắm đuối hóa hiện thực, mà Hoàng Trần Cương chấp nhận chính xác hóa hiện thực trong thơ. Cảnh vật miền Trung nhọc nhằn và lam lũ, qua phép toán chính xác của Hoàng Trần Cương đã hiện ra thật sống động và thật day dứt: “Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mà trắng mặt người”.
Sau trường ca “Trầm tích” 15 năm, Hoàng Trần Cương có thêm trường ca “Long mạch” xuất bản vào năm 2015. Vẫn là những miêu tả chi li và cồn cào: “Cứ như là rủ nhau/ Nguồn mạch đất đai nổi chìm đứt nối/ Đứng là núi/ Chảy là sông/ Mênh mông là biển/ Dài rộng đất liền/ Quây bờ xẻ bến/ Đêm ngày bận bịu nắng mưa/ Niêm cất bóng ngày xưa/ Cùng tháng năm ruổi rong đậy điệm/ Những chênh chao hao hụt ruỗng mòn”.
Bao giờ tự đọc những bài thơ viết về nơi chôn nhau cắt rốn, Hoàng Trần Cương cũng khóc. Nước mắt giàn giụa, nước mắt nghẹn ngào, nước mắt chân thành của một nhà thơ biết trân trọng những mất mát, những lang bạt, những đớn đau. Hoàng Trần Cương thành đạt với cuộc đời, và Hoàng Trần Cương hiểu sâu sắc luật nhân quả của cuộc đời: “Bay mất tăm những bão giông nghiệt ngã/ Những đám mây diều quạ hôi rình/ Gió đon đả sà vào từng góc khuất/ Lau dọn muội than ám ảnh một thời/ Riêng có một điều bí hiểm/ Sau thác ghềnh mới lùi lũi nhô ra/ Dân làng mặt mày xanh lét/ Chuyền tai nhau chuyện sét đánh ban ngày/ Những kẻ tố oan/ Những phường vu vạ/ Cứ nối đuôi nhau chuốc hoạ vô thường”.
LÊ THIẾU NHƠN
NGƯỜI VỀ VỚI ĐẤT
Cha trời mẹ đất
Hoàng Trần Cương đất cũng là trời
Bầu xanh cưu mang cái sống
Tỉnh rượu hiền như cục đất cục đá nhà mình
Kê trên “Trầm tích”* nhân sinh
Hoàng Trần Cương tin người tin vào giọt nước
Thứ nước đặc cách làm nên giọng nói Đô lương xứ Nghệ
Soi vào thấy bản mặt mình
Lòng phơi ải mùa vụ
Lúa và Thơ
Áp nắm đất Mẹ vào mũi
Thông tận cõi người
Hoàng Trần Cương mãi đứa trẻ con nhà quê nghịch đất
Bạn lúa khoai rể bám vào đất
Thơ đẫm hương đất hương cây
Ngày người về với đất
Đời lại khóc.
LÊ XUÂN ĐỐ