Ông Vũ Đình Long có một điểm đáng ghi mà ít có nhà xuất bản nào thời đó, cũng như bây giờ hơn được: tiền thù lao gửi các nhà văn nhà báo vào cuối tháng không bao giờ trục trặc. Đúng ngày 27 hay 28 mỗi tháng ông đã để sẵn một loạt phong bì đề tên từng người. Anh em nào đến, bắt tay, uống chén nước xong là có bao thư trao liền, đúng răm rắp, không bao giờ suy suyển...





Vài nét phác về “Tân Dân động chủ”

HOÀI NAM

Lấy cái tựa Vài nét phác về Tân Dân động chủ, tôi muốn nhắc tới bài viết Phong Di Vũ Đình Long, ông tiên trong động Tân Dân của nhà văn Vũ Bằng, in trong Văn học, giai phẩm tại Sài Gòn, số ra ngày 15 tháng 5 năm 1973. Cho đến nay, có thể nói, đây là bài viết kỹ lưỡng nhất trong số các tư liệu đã có về nhà viết kịch, ông chủ báo chí và xuất bản Vũ Đình Long (1896-1960). Theo tôi, với tất cả những hoạt động xã hội và những đóng góp về văn hóa mà Vũ Đình Long đã thực hiện lúc sinh thời, ông đáng, và cần phải được nói đến nhiều hơn thế.

Trước hết, hãy nói tới một “nghi án”. Năm 1940, nhà thơ Trần Huyền Trân đã tự mô tả cái cảnh đời văn sĩ bế tắc và cùng khốn của mình trong bài thơ Đời một nhà văn: “Trang lại trang máu lẫn mồ hôi/ Từng dòng tay bút đã buông xuôi/ Giữa khi ông chủ buôn văn ấy/ Tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười”. Những ai quan tâm tới văn học sử Việt Nam giai đoạn trước năm 1945 hẳn đều biết rằng, như nhiều người cùng thời, viết văn là sinh kế duy nhất của Trần Huyền Trân, và tác phẩm của ông chủ yếu được xuất bản ở nhà Tân Dân hoặc được đăng tải trên các tờ báo do Vũ Đình Long làm chủ. Như vậy thì “ông chủ buôn văn” mà Trần Huyền Trân nhắc trong bài liệu còn có thể là ai khác? Câu thơ, tự nó đã mang dáng dấp một sự lên án những kẻ trục lợi trên lao động tinh thần đầy cực nhọc của lớp người sống bằng nghề viết văn viết báo! Tuy vậy, con người thực của Vũ Đình Long không hẳn đã là như thế. Trần Huyền Trân nói tới “tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười”, nhưng trong thực tế thì, như Vũ Bằng cho biết, Vũ Đình Long bị đau bao tử và đau tim hay đau gan gì đó, ông lại là người rất quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình, nên chẳng mấy khi ông sa vào những cuộc hưởng thụ đầy chất phú hộ như vậy. Vũ Bằng khẳng định: “Ông Long không uống rượu, không hút thuốc, không say mê thứ gì cả, chỉ say mê viết kịch và làm báo, say mê đọc sách báo Tây Tầu để tìm kiếm sáng kiến mới, mới luôn luôn, trước là để khuếch trương nghề nghiệp của mình mà sau là để mong có một ngày kia theo kịp đà tiến của báo chí Âu Mỹ và Nhật Bổn”. Không nên quên rằng Vũ Bằng là người trông nom bài vở cho các tờ báo của Vũ Đình Long suốt mười một năm trời, ông hiểu Vũ Đình Long hơn nhiều người khác, và ông đã tâm sự rất thành thật trong bài viết của mình: “Ông Long bây giờ đã ra người thiên cổ, mà tôi cũng không còn trẻ trung để tính chuyện gì xa xôi với các người kế nghiệp của ông, nên tôi thấy không có cớ gì để nói tốt cho ông ấy cả”. Đến đây, có lẽ là không cần thiết phải bình luận gì thêm về “nghi án” nói trên.

Trong văn học sử Việt Nam, Vũ Đình Long trước hết đã ghi danh như người mở đường, người lĩnh ấn tiên phong của thể loại kịch (kịch nói), một thể loại hoàn toàn mới, có xuất xứ từ truyền thống văn chương phương Tây. Năm 1921, ông sáng tác vở “Chén thuốc độc”, ba hồi, công diễn trên sân khấu Hà Nội ngày 22 tháng 10 (cùng năm). Năm 1923 ông sáng tác vở Tòa án lương tâm, bốn hồi. Rất cần nhấn mạnh rằng đây là hai vở kịch đầu tiên trong văn học Việt Nam, do người Việt Nam sáng tác, nói về những vấn đề của đời sống Việt Nam đương thời. Nhà nghiên cứu Phan Kế Hoành viết: “Đây là hai vở kịch nói phản ánh một vài khía cạnh tiêu cực của chiều hướng tư sản hóa ở các thành thị Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Tác giả phê phán cách sống ăn chơi trụy lạc dẫn đến sa đọa, tội lỗi của một lớp người thành thị trung lưu: những công chức, giáo học, ký giả, những thanh niên con nhà khá giả ăn chơi đàng điếm, những bà mẹ, bà vợ công chức sống vô công rỗi nghề. Họ lăn mình vào cuộc sống xa hoa trụy lạc, từ đó dẫn đến sự phá sản và tội lỗi. Họ nhân danh tự do cá nhân để phát triển tính ích kỷ, hưởng lạc, gây nên tình trạng mà đương thời gọi là phong hóa suy đồi, luân thường đảo ngược” (Từ điển văn học, bộ mới. Tr.2023). Ngoài ra, ông còn viết khoảng gần mười vở kịch, phóng tác theo các tác phẩm kịch nổi tiếng của phương Tây: Công Tôn Nữ Ngọc Dung, phóng tác theo vở L’Aventuriere của Emile Augier; Thờ nước, phóng tác theo vở Servir của Henri Lavedan; Tổ quốc trên hết, phóng tác theo vở Horace của Corneille; Đạo đức giả và Người yếm thế, phóng tác theo các vở Tactuffe và Người ghét đời của Moliere; Hâm Lê, hoàng tử Tây Hạ quốc và An Thiên Lộ, phóng tác theo các vở Hamlet và Othello của Sheakspear... 
Nói chung, ở giai đoạn hình thành một nền văn chương mới với các thể loại hoàn toàn mới, việc các tác phẩm phóng tác chiếm số lượng áp đảo sáng tác cũng là điều dễ hiểu. Đó là thời kỳ tập dượt. Song với kịch tác gia Vũ Đình Long, trong một số trường hợp, sự phóng tác không loại trừ việc người viết gửi gắm tư tưởng, quan niệm, suy nghĩ về thời thế của mình vào tác phẩm. Ví như ở vở Tổ quốc trên hết, viết năm 1953 trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm, ông để nhân vật Lý Thương Minh phát ngôn: “Việt Nam không bao giờ hiếu chiến. Việt Nam chỉ chuộng hòa bình. Các người lạm dụng danh nghĩa Tổ quốc, đem Việt Nam ra làm cái bung xung để chém giết nhau, để ăn xương uống máu nhau, để làm thỏa mãn cái chí xâm lăng bất chính”. Tư tưởng yêu nước chống chiến tranh này, tôi muốn nhấn mạnh, là cái vốn không hề có trong vở Horace của Corneille.

Ngoài vai trò của một kịch tác gia, Vũ Đình Long còn là một ông chủ báo chí và xuất bản có nhiều đóng góp với việc xây dựng một nền văn hóa, văn học Việt Nam mới. Ông vừa làm chủ nhà in Tân Dân, vừa chủ trương các tờ báo Tiểu thuyết thứ Bảy (1934-1942), Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941), Ích Hữu và Tao Đàn (1937-1938), Tuổi trẻ và Truyền bá (1941-1943). Tất cả bắt đầu từ một hiệu sách nhỏ ở Hà Đông, nơi Vũ Đình Long khi còn là một ông giáo tiểu học đã mang hoài vọng góp sức vào đường tiến hóa tư tưởng của quốc dân đồng bào bằng phương tiện xuất bản và báo chí. Vận hành một nhà xuất bản và từng ấy tờ báo, có thể nói, ông đã gánh trên vai mình một khối lượng công việc không nhỏ. Trước hết, đó là công việc đòi hỏi sự tháo vát, tầm nhìn xa trông rộng của một nhà kinh doanh: báo phải bán được, phải sống được, và chỉ từ đó mới nói tới hiệu quả xã hội của nó. Vậy thì đây: khi ra tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, ông không biến tờ báo thành một tổng hợp các mục lặt vặt như thường thấy ở đa phần các báo khác, ông đăng toàn tiểu thuyết, hoặc ngắn hoặc dài, và vì “chẳng giống ai” nên báo bán rất chạy. Hoặc một ví dụ khác: Ra tờ Ích hữu, thay vì đăng tiểu thuyết võ hiệp bằng văn, ông lại đăng tiểu thuyết võ hiệp bằng tranh - như kiểu truyện tranh comic của Mỹ bây giờ (và hẳn điều đó khiến các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long của báo Phong hóa, Ngày nay có “cớ” để nói ông đã đầu độc người đọc báo bằng những truyện kiếm hiệp rẻ tiền, cốt để kiếm cho nhiều tiền bỏ túi). Tất nhiên, những sáng kiến kiểu như vậy trong cung cách làm báo của Vũ Đình Long đã góp phần khiến cho bộ mặt của báo chí Việt Nam đương thời trở nên đa dạng phong phú hơn, nhưng câu chuyện không chỉ có thế. Hãy thử nhìn vào lực lượng tác giả châu tuần quanh Nhà xuất bản Tân Dân và các tờ báo của ông: Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Tô Hoài, Nam Cao, Bùi Hiển, Nguyễn Tất Thứ, Vũ Trọng Phụng, Hồ Dzếnh, Mạnh Phú Tứ, Nguyên Hồng v.v…, ta sẽ thấy: đa phần đó là các nhà văn lớp dưới, những người làm hình thành một cách cơ bản diện mạo của khuynh hướng hiện thực phê phán chủ nghĩa trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Có thể nói, ở phần công khai của đời sống văn chương nước ta trong giai đoạn đó, nếu nhóm Ngày nay là trung tâm của một cực, cực Lãng mạn, thì nhóm Tân Dân của Vũ Đình Long chính là trung tâm của cực đối lập, cực Hiện thực.

Bạn, và là trợ thủ đắc lực của Vũ Đình Long, người giúp cho ông rất nhiều trong việc vận hành các cơ quan xuất bản và báo chí nói trên chính là nhà văn Vũ Bằng – “một nhà báo kiệt hiệt” theo cách nói của Tô Hoài. Trong suốt mười một năm trông nom bài vở cho Vũ Đình Long, Vũ Bằng vẫn thường có những quãng thời gian làm thư ký tòa soạn cho cả các báo khác – tờ Trung Bắc chủ nhật của Nguyễn Doãn Vượng chẳng hạn – nhưng lạ một điều là Vũ Đình Long không bao giờ hỏi tới, cũng như không bao giờ ông hỏi tới những việc đã phó thác cho Vũ Bằng. Dĩ nhiên là vì ông đã đặt trọn niềm tin vào ông nhà báo “khét tiếng” tháo vát, một “con ma xó” của làng văn làng báo đương thời. Sự tận tín này rõ ràng mang dấu vết ứng xử của một nhà Nho, dù về cơ bản ông là người Tây học. Và nói chung thì trong đời sống thường nhật, cung cách Nho gia của ông chủ “động Tân Dân” cũng thể hiện khá rõ nét. Vũ Bằng cho biết: “mỗi khi bật ra được một ý kiến gì mới hay cần phải viết thư đối phó một việc gì quan hệ, ông lại mũ mãng cẩn thận, lên đồ lớn sang nhà tôi bàn luận...”. Chẳng lẽ điều này lại không khiến ta nhớ tới lời dạy của Khổng Tử: “xuất môn như kiến đại tân...” (ra khỏi cửa thì cần phải chuẩn bị như đón tiếp khách qúy)? Với các văn hữu khác, Vũ Bằng ghi nhận ông “bao giờ cũng nhã nhặn, chu đáo, nhưng không suồng sã”, và mang một cái vẻ “nhạt nhạt như nước”. Chẳng lẽ đây lại không phải là điều mà các nhà Nho thuộc nằm lòng: “quân tử chi giao đạm nhược thủy” (cái giao tình của người quân tử nhạt như nước)? Và, Vũ Đình Long là một người đầy trách nhiệm với các anh em đồng lao cộng tác: “Ông Vũ Đình Long có một điểm đáng ghi mà ít có nhà xuất bản nào thời đó, cũng như bây giờ hơn được: tiền thù lao gửi các nhà văn nhà báo vào cuối tháng không bao giờ trục trặc. Đúng ngày 27 hay 28 mỗi tháng ông đã để sẵn một loạt phong bì đề tên từng người. Anh em nào đến, bắt tay, uống chén nước xong là có bao thư trao liền, đúng răm rắp, không bao giờ suy suyển. Về điểm này có lần ông đã nói với tôi rất thật thà: Ai cũng có gia đình và phải tiêu đúng ngày. Lắm khi tôi cũng thiếu nhưng thiếu thì tôi đi vay nợ để đưa cho đúng ngày chớ để lỡ anh em buồn lắm” (Bài đã dẫn).

Sau cách mạng tháng Tám, trong lòng Hà Nội tạm chiếm, Vũ Đình Long vừa viết kịch (chủ yếu theo lối phóng tác kịch nước ngoài) vừa tục bản hai tờ báo Tiểu thuyết thứ Bảy và Phổ thông bán nguyệt san, vừa cố gắng duy trì nhà in Tân Dân. Tất nhiên, thời thế đã khác, những cơ quan báo chí và xuất bản mà ông trút vào đó bao hoài vọng, bao trí lực, bao tâm huyết có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của chúng từ trước đó, và giờ đây chúng chỉ tồn tại như một quán tính của cái người “không làm báo thì không chịu được”. Ngày 14 tháng 8 năm 1960, ông tạ thế ở Hà Nội, tại chính ngôi nhà 93 phố Hàng Bông – “động Tân Dân” lừng lẫy một thời. Năm tháng trôi qua, vật đổi sao dời. Nhà 93 vẫn đó, nhưng mấy ai đi qua biết được gốc tích của nó? Mà có khi, cả đến những chủ nhân hiện tại cũng vậy?


Nguồn: Văn Nghệ