Không ai cho say rượu là tốt, nhưng người hay say như Vũ Hữu Định lại được bạn bè nhớ những nét đẹp của mình qua những... cơn say. Khi đó con người bộc lộ mình một cách thật thà nhất. Vũ Hữu Định “đẹp khi say” bởi anh vốn là người dễ thương, người tốt.





VŨ HỮU ĐỊNH CÓ NHỮNG BÀI THƠ VIẾT TRONG CƠN SAY

THANH THẢO

Cố nhà thơ Vũ Hữu Định bình sinh là người rất dễ thương. Khi chưa có hơi men, anh làm việc rất năng động, nghĩ ra được nhiều việc hay để làm, và không phải là người chỉ biết ham chơi mà bỏ mặc vợ con. Nhưng khi có men hơi bị… nhiều, anh lại là một “tiểu Lý Bạch” say tít cung thang bất kể trời đất. Người ta hay nói say không biết sợ, quá đúng!

Bình thường, Vũ Hữu Định rất ngại khi phải tiếp xúc với những người thuộc “công quyền”, anh cũng rất sợ… cảnh sát. Nhưng khi say rồi thì… “Đi năm phút lại về chỗ cũ” là một câu thơ nổi tiếng trong một bài thơ nổi tiếng của Vũ Hữu Định mà Phạm Duy đã phổ nhạc “Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương” với lại “Em Pleiku má đỏ môi hồng…”, một câu thơ rất… bắt mắt.

Sau giải phóng một năm, tôi được về trại sáng tác văn học quân khu 5 ở Đà Nẵng, và một trong những nhà thơ “trong thành” mà tôi gặp và chơi thân đầu tiên là Vũ Hữu Định. Khi đó Định vừa có bài thơ in trong quyển sách “Mùa gặt tháng Tư do trại sáng tác Quân khu 5 xuất bản. Ấy là bài thơ “trình làng” đầu tiên của Vũ Hữu Định với văn học cách mạng. Anh có vẻ rất tự hào về bài thơ này, một bài thơ mà người đọc quen thơ Vũ Hữu Định nhận ra ngay chất giang hồ lãng tử vốn có rất đậm trong thơ anh trước giải phóng. Chỉ với bài thơ ấy thôi, Định đã có thể phấn khởi mà… say hết ngày này sang ngày khác.

Dạo đó chúng tôi gồm một nhóm, gồm Thái Bá Lợi, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao, Nguyễn Phước Chinh và tôi hay chơi với nhau và cũng chúa hay bày đặt để kiếm tiền… uống rượu. Trong các cuộc thực hiện “kế hoạch” rượu, Vũ Hữu Định luôn là người hăng hái bậc nhất. Kiếm được chút tiền còm, chúng tôi kéo nhau tới quán, và ở đó, Định luôn là người say nhanh nhất. Say nhưng vẫn uống. Và sau khi “say mà vẫn uống” như thế, anh luôn chiếm giải quán quân là người… say lâu nhất.

Nhớ có lần bọn tôi kiếm được ít tiền rủ nhau ra Huế chơi thăm bạn bè, đêm hôm trước đúng là chúng tôi hơi quá chén, nhưng cả nhóm đều tỉnh táo để sáng hôm sau ngồi tầu chợ ra Huế. Chỉ có Định là tuy có vẻ đã tỉnh, nhưng hình như vẫn… say. Anh cùng đi với chúng tôi, ở Huế hai ngày, gặp bao nhiêu là bạn bè văn nghệ Huế, uống tiếp hết bao nhiêu là rượu, mỗi cuộc như thế Định đều tham gia hăng hái, nhưng hình như anh chơi, uống, đi lại ở Huế trong trạng thái… say.

Khi lên tầu chợ về lại Đà Nẵng, Định vẫn vui đùa cùng chúng tôi. Mấy anh em đều nghĩ Định đã tỉnh rượu, không có vấn đề gì, nhưng khi về tới Đà Nẵng, ngủ một đêm rồi, sáng hôm sau gặp lại uống cà phê, chợt chúng tôi… sững người khi nghe Vũ Hữu Định nói: Hình như anh em mình vừa đi Huế về? Trời ơi, còn “hình như” gì nữa, rõ ràng mấy anh em, có Định, đi Huế chơi hai ngày về cơ mà! Định cười có vẻ bối rối: Thế mà tao cứ tưởng anh em mình vẫn ở Đà Nẵng! Thì đúng là anh em mình đang ở Đà Nẵng, nhưng mình mới đi Huế về mà! Định tỏ ra bối rối: Thật vậy à? Mình mới đi Huế về thật à? Vậy mà tao chả nhớ gì cả… Thì ra, trong suốt hai ngày đi và ở Huế, Định vẫn vui chơi hoạt động trong trạng thái… say. Say như thế thì thuộc hàng “say có thương hiệu” ấy chứ!

Đúng là nhiều người e ngại anh say, nhưng với Vũ Hữu Định, tôi bảo đảm với bạn là anh say nhưng vẫn… như tỉnh. Và đặc biệt anh không hề quậy phá gì cả. Lạ thật đấy! Nhờ cái trạng thái “tỉnh say, say tỉnh” như thế mà Vũ Hữu Định sáng tác được nhiều bài thơ hay, trong đó có những bài thơ đầy cảm giác và cũng đầy dự báo về chính số phận của mình. Nhà thơ, trên khắp thế giới này, đều là một loại người luôn có cái gì đó hơi kỳ kỳ, không giống ai về một nét nào đó, dù họ cũng sống như tất cả mọi người. Vũ Hữu Định là một nhà thơ như thế.

Chơi với Vũ Hữu Định được mấy năm thì anh mất. Anh qua đời khi tôi đã về Qui Nhơn. Nghe anh em bạn văn nghệ Đà Nẵng kể, cái chết của Vũ Hữu Định cũng rất lạ. Khoảng 3 giờ sáng, sau khi uống rượu ở nhà một người bạn trên gác hai, Định ra về. Nhưng anh không xuống cầu thang để về mà bước ra ban công, rồi bước thẳng... vào khoảng không. Ngay từ tầng hai. Anh bị chấn thương và qua đời ngay lúc ấy. Gần như vẫn trong trạng thái “say-tỉnh” rất đặc trưng của anh. Trước đó, Định đã có bài thơ viết ở tuổi 40, như một bản “tự kiểm” đời mình. Bài thơ rất cảm động, nghe có giọng Đỗ Phủ trong những câu thơ của một nhà thơ Việt.

Sau này chúng tôi, những bạn bè của Định mỗi khi gặp nhau nhắc tới anh thường vẫn nhắc nhớ về những cơn say đặc biệt của anh. Không ai cho say rượu là tốt, nhưng người hay say như Vũ Hữu Định lại được bạn bè nhớ những nét đẹp của mình qua những... cơn say. Khi đó con người bộc lộ mình một cách thật thà nhất. Vũ Hữu Định “đẹp khi say” bởi anh vốn là người dễ thương, người tốt. Và là người có những bài thơ hay. Nhiều bài thơ trong đó lại được anh viết trong... cơn say…