Trong bài Tri thức, vốn sống về xã hội đô thị, công nghiệp - khủng hoảng thiếu của nhà văn, biên tập viên Triệu Xuân bộc lộ nỗi buồn khi đọc những tác phẩm có “vài trăm lỗi thuộc về văn phạm, morasse, dùng ngoại ngữ sai, dùng sai từ Hán Việt, lẫn lộn tên nhân vật, bố cục tiểu thuyết vô cùng lỏng lẻo, tác giả tung âm binh ra nhưng không quản lý được”…




SỐNG VÀ VIẾT NHƯ THẾ NÀO?
(Đọc Sống & Viết của Triệu Xuân, NXB Hội Nhà văn, 2020)

NGỌC HIỀN

Sống & Viết là tập phê bình - tiểu luận - chân dung của nhà văn Triệu Xuân ra mắt bạn đọc đầu năm 2020. Tập sách có dung lượng khá đồ sộ: trên 600 trang, với nhiều nội dung phong phú. Tác phẩm không chỉ ghi lại cuộc đời và sự nghiệp văn học đầy sôi động của một nhà văn mà còn cung cấp nhiều thông tin bổ ích về văn học Việt Nam đương đại.

Triệu Xuân sinh năm 1952 tại Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội, ông vào Khu V làm phóng viên chiến trường. Sau 1975, ông sống ở TP.HCM, làm ở đài Tiếng nói Việt Nam, báo Đầu tư rồi NXB Văn học. Triệu Xuân sống ở ba miền Tổ quốc, tiếp xúc nhiều loại người, xông xáo trong nhiều lĩnh vực… Nhờ có vốn sống phong phú đó, ông đã sáng tác hàng chục tiểu thuyết và ký có giá trị như: Những người mở đất (1983), Giấy trắng (1985, in 14 lần), Nổi chìm trong dòng xoáy (1987), Đâu là lời phán xét cuối cùng (1987), Trả giá (1988, in trên 12 lần), Bụi đời (1990)… Có lẽ tác phẩm gây sóng gió nhất là Sóng lừng (VN.Mafia) (1991). Trong bài Vì sao tôi viết VN.Mafia Sóng lừng?, nhà báo Triệu Xuân bộc bạch bức xúc khi thấy một số quan chức chính quyền bắt tay với các băng nhóm xã hội đen: “một sĩ quan công an lại tiếp tay cho trùm tội phạm sát hại chiến sĩ dưới quyền mình, rồi che đậy tội ác cho bọn giết người bằng cách làm nhục thanh danh của đồng chí mình, làm sai lạc hồ sơ điều tra để tạo điều kiện cho kẻ giết người trốn thoát”. Sau khi xảy ra vụ án Năm Cam, người ta mới thấy rõ hơn tính dự báo của tiểu thuyết Sóng lừng. Tiểu thuyết Cõi mê (2004) cũng gây xôn xao dư luận một thời do phanh phui bằng hình tượng văn chương sự tha hóa của một bộ phận cán bộ sau Đổi mới. Nhiều độc giả cũng phản ứng lối viết “hừng hực sự kích dục”. Trả lời phỏng vấn của VietnamNet, Triệu Xuân cho rằng, sẽ chẳng có gì sai khi “Đam mê nhục dục mà không trụy lạc, không phạm thuần phong mỹ tục, không phạm pháp”.

Mỗi lần đi du lịch tới một vùng đất, nhà báo Triệu Xuân thường có thói quen quan sát tỉ mỉ đời sống người dân, nét độc đáo về văn hóa, thế mạnh kinh tế… Có thể thấy điều đó trong: Trà Tân Cương Thái Nguyên “nhất quả đất”, Cụ Tom - nghệ nhân dân gian: cất tình thành rượu, Của mắm và…đời, Ba lần về Thái Mỹ, Yêu rừng như yêu đời, Về miền an lành… Trong bài “Đừng xúi trẻ con ăn cứt gà” ! - Từ chuyện đời ở Myanmar, nghĩ về giáo dục lớp trẻ ở Việt Nam, Triệu Xuân cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về đất nước Myanmar: “nhà nào cũng nấu nước để trước cửa dành cho khách đi đường (…) Không đánh lộn, không chửi thề, không phóng uế bừa bãi, không xả rác vô tội vạ, và đặc biệt là không có nạn trộm cắp”. Tác giả đã lý giải như sau: “tôi cho rằng, phép màu ấy chính là nền văn hóa Phật giáo”. Từ câu chuyện ở Myanmar, tác giả liên hệ tới miền Bắc Việt Nam thời chiến tranh: “Đình chùa, miếu mạo, cổng làng, văn chỉ, văn miếu bị phá sạch (…) Đức tin ngấm sâu vào máu thịt hàng ngàn năm phải tẩy rửa để thay thế bằng đức tin mới”. Và đó là một trong những lý do tạo ra những tệ nạn xã hội như ngày nay. Khi đi du lịch nước ngoài, nhiều người Việt chỉ lo ăn chơi và mua sắm. Nhưng Triệu Xuân xem đây là dịp để tìm hiểu lý do vì sao Việt Nam vẫn nghèo nàn lạc hậu: “Nhìn cảnh sa mạc hai bên đường, tôi cứ tự hỏi: Vì sao người ta toàn sa mạc mà đời sống cao, dân trí cao ? Còn Việt Nam mình, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt quanh năm mà cứ nghèo mãi ?” (Iran huyền bí và thân thiện).

Chiếm số lượng nhiều nhất trong tập Sống và viết là những bài bàn về văn học. Cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu bổ ích về cuộc đời thăng trầm và bí ẩn của “người hùng” Lê Văn Trương - người tạo ra một “văn đoàn” thứ hai chẳng kém “Tự lực văn đoàn”. “Lê Văn Trương được cụ Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban đãi vàng Bắc Kỳ (…) ông hành nghề thầu khoán, xây dựng hầu hết cầu cống quan trọng ở Campuchia”. Triệu Xuân cũng có công sưu tập và cho xuất bản tuyển tập Vũ Bằng. Trong hai bài: Nhà văn Vũ Bằng, người lữ hành cô đơn và Vũ Bằng: tài năng, nhân cách lớn, Triệu Xuân có nói đến quá trình gian nan trong việc xác minh lý lịch để chứng minh Vũ Bằng có công cách mạng. Hành trình sống của Vũ Bằng lắm quanh co: “Năm 1952, nhận sứ mệnh đặc biệt, Vũ Bằng “dinh tê” về Hà Nội, năm 1954, di cư vào Nam (…) Năm 1956, bà Quỳ được tổ chức bố trí vượt sông Bến Hải vào Huế, Vũ Bằng từ Sài Gòn ra Huế đón vợ (…) Sau khi bà Quỳ ra Bắc được vài năm, Vũ Bằng lấy bà Phấn (…) Sau 30-4-1975, bà Phấn bán cà phê, gia cảnh nheo nhóc. Vũ Bằng qua đời trong cảnh bệnh tật và thiếu ăn, thiếu thuốc chữa bệnh”. Triệu Xuân rất quan tâm đến văn học đô thị miền Nam nên ông tạo điều kiện cho ra đời cuốn Văn học Việt Nam nơi miền đất mới của Nguyễn Q. Thắng. Bộ sách đồ sộ này gồm 4 tập, tổng cộng hơn 5000 trang khổ lớn… Ngoài ra, ta còn thấy nhiều trang tư liệu văn học rất bổ ích trong các bài viết: Ưng Bình Thúc Giạ Thị đời người đời thơ chan chứa nhân tình, Nam Phương hoàng hậu người phụ nữ Việt Nam, Trò chuyện với Thúy Kiều - bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên, Nhà thơ Nguyễn Đình Thi nói về thơ Nguyễn Bính, Nhà thơ Quang Huy và vụ án văn chương sau 24 năm mới kể, Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sĩ…
Triệu Xuân còn có nhiều bài viết khắc họa chân dung của các nhà hoạt động xã hội và văn nghệ sĩ. Đó là những chính trị, nhà báo, dịch giả mà ông quen biết như: Trần Văn Giàu, Phan Quang, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Hữu Dũng, Lương Văn Hồng… Nhưng nhiều nhất là các nhà văn: Thu Bồn, Nguyễn Khải, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Trần Hoài Dương, Nghiêm Văn Đa, Xích Điểu, Nguyễn Lâm, Nguyễn An Định, Bùi Ngọc Tấn… Triệu Xuân thường viết về những người đã khuất. Đây là đoạn mở đầu bài Thương nhớ nhà văn Nguyễn Khải: “Sáng 15-1-2008, tôi được tin nhà văn Nguyễn Khải đang trong khoảng khắc cuối cùng của đời mình”. Sau đó, tác giả ôn lại những kỷ niệm giữa mình và Nguyễn Khải: “Giữa năm 1983, tôi mời anh Khải cùng đi huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi có vô số nhà thờ (…) Nửa năm sau, anh Khải cho xuất bản tiểu thuyết Thời gian của người”. Triệu Xuân đã tạo ra nét riêng của Nguyễn Khải bằng chi tiết: “Anh không nghiện ngập cà phê, thuốc lá, rượu bia, gái gú lại càng không ! Uống một chai bia là anh ngừng, sợ say. Thỉnh thoảng, anh nể bạn, nhận một điếu thuốc lá, trông anh cầm thuốc hút y hệt khi cầm đũa”. Triệu Xuân rất tâm đắc với quan niệm của Nguyễn Khải: nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm. Và tác phẩm của Nguyễn Khải đã làm “hớp hồn” cậu học sinh Triệu Xuân là tiểu thuyết Xung đột (1959 - 1961). Không chỉ dành trọn tấm lòng viết về những nhà văn lớn, có vai vế trong làng văn học mà Triệu Xuân cũng đau đáu niềm đồng cảm với những nhà văn “cả đời lặng lẽ sống và viết” như Hoài Anh. Triệu Xuân đã giúp đỡ “nhà văn đi bộ”, “nhà văn bảy không” này ra mắt rất nhiều tác phẩm để có cơ hội so tài với Tô Hoài về số lượng đầu sách. Trong bài Xuất bản “Hoài Anh và đồng nghiệp”, Triệu Xuân viết: “Nhớ thương Hoài Anh, chúng tôi tôn vinh nhân cách của ông, một người lao động chân chính, một trí thức chân chính. Ông có quyền tự hào về cả cuộc đời sáng tạo không ngừng nghỉ, lấy sáng tạo văn chương nghệ thuật làm cứu cánh”.

Triệu Xuân từng có một thời gian dài làm Trưởng Chi nhánh NXB Văn học phía Nam. Công việc của ông không chỉ đọc bản thảo, biên tập và cấp giấy phép in ấn mà còn kiêm thêm công việc viết tựa sách, phê bình, giới thiệu tác phẩm. Trong lĩnh vực phê bình, ông viết cũng có… nghề. Cách đặt tiêu đề các bài viết rất khiêu gợi: Bí mật đền Sĩ Nhiếp và truyện dị sử của Ngọc Toàn, Hổ thần và những điều thú vị khi đọc truyện ngắn dã sử, Hoang tâm - một cách lý giải về thân phận con người sau chiến tranh… Đôi lúc, Triệu Xuân lấy nhan đề tác phẩm làm nhan đề bài phê bình: Bên dòng quá khứ, Đừng làm đau người thương… Có khi, ông cho nhan đề của tác phẩm hòa vào nhan đề bài đọc sách: Nỗi cô đơn còn lại nỗi đau muôn thuở, Sông cạn - son sắt niềm tin yêu, Sáu mươi hai năm lắng đọng chữ tình, Khi anh nhìn em - thơ của những tâm hồn lãng mạn, yêu thương mãnh liệt, Mẹ ơi ! Câu chuyện tình bất tận, Khung trời mây trắng sâu nặng nghĩa tình, Kim Cương - tác phẩm đầu tay của Thùy Dương vừa 16 tuổi, Thời gian của đất niềm ray rứt khôn nguôi về quê hương, đồng đội… Và cũng có khi, tác giả chỉ lấy một từ trong nhan đề sách để đưa vào nhan đề bài phê bình: Mênh mông biển mênh mông tình đời (tập thơ Biển và tôi), Tự vấn để dung thông, hòa mạng (tập thơ Tự vấn và dòng chảy), Tiểu thuyết, niềm đam mê vô tận của nhà văn và bạn đọc (chuyên luận Xác và hồn của tiểu thuyết)… Ngoài ra, trong Sống và viết, còn có nhiều bài giới thiệu sách của Nguyễn Tiến Toàn, Nguyễn Đăng Cường, Trần Ngọc, Nguyễn Hồng Cẩn…

Triệu Xuân tham gia các hoạt động văn nghệ trên nhiều cương vị khác nhau. Ông từng làm Phó Chủ tịch Hội đồng văn xuôi của Hội nhà văn TP.HCM, Chi hội phó Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM… Bản thân ông cũng đứng ra sáng lập Quỹ phát triển Tài năng văn học Việt Nam và Nhóm Văn chương Hồn Việt. Từ khi còn làm việc ở cơ quan cho đến khi nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng viết lách để thường xuyên có bài in sách báo và đăng trên trang web trieuxuan.info. Triệu Xuân không xa rời các hoạt động văn hóa nghệ thuật nên các bài viết của ông cũng mang tính thời sự. Có thể thấy điều đó trong các bài viết: Nghĩ về truyện ngắn (Lời tựa cho Tuyển truyện trên trang web vannghesongcuulong), Tự truyện là cận văn học, Tâm nguyện của văn chương Hồn Việt, Sáng lập Quỹ phát triển tài năng văn học Việt Nam - tấm lòng của những người yêu văn học, Chào mừng những mầm non văn học, Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam: cảm nhận của người trong cuộc, Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ của Hội Văn nghệ Bình Dương… Ngoài ra, Triệu Xuân còn có nhiều bài bàn về kỹ thuật viết lách và biên tập sách báo: Nghề văn gian khổ và nguy hiểm hơn một mình chinh phục đỉnh Everest rất nhiều, Vì sao tôi viết VN.Mafia - Sóng lừng?, Cõi mê, tiểu thuyết làm xôn xao dư luận, Trò chuyện với nhà văn Triệu Xuân… Trong bài Tri thức, vốn sống về xã hội đô thị, công nghiệp - khủng hoảng thiếu của nhà văn, biên tập viên Triệu Xuân bộc lộ nỗi buồn khi đọc những tác phẩm có “vài trăm lỗi thuộc về văn phạm, morasse, dùng ngoại ngữ sai, dùng sai từ Hán Việt, lẫn lộn tên nhân vật, bố cục tiểu thuyết vô cùng lỏng lẻo, tác giả tung âm binh ra nhưng không quản lý được”…

Sống và viết là những câu chuyện thú vị có liên quan tới cuộc đời một nhà văn, nhà báo đã từng xông xáo khắp ba miền đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình. Đọc chuyện một người để ta hiểu thêm nhiều người. Và thực sự, tập sách của Triệu Xuân đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý giá về chân dung và tác phẩm của các văn nghệ sĩ. Hy vọng Sống và viết của Triệu Xuân sẽ góp phần tiếp thêm lửa cho nhiều nhà văn trẻ tiếp tục Sống và viết nên những tác phẩm mới, trong bối cảnh mới.