Qua mỗi trang sách người đọc như nghe thấy tiếng lạo xạo của những viên sỏi dưới bánh xe của đoàn người Digan, tiếng lá ngô xào xạc, giãy giụa trong gió, mùi mồ hôi ám khói tỏa ra từ những bộ quần áo rách rưới của những người đàn ông đầu tóc bù xù lâu ngày không gội…



TÍNH NHÂN VĂN TRONG TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU HOANG DÃ

THÁI SINH

Đã lâu lắm rồi tôi mới được đọc cuốn tiểu thuyết dịch hay như thế, cuốn “Tình yêu hoang dã” của nhà văn Romania Zaharia Stancu- Chủ tịch Hội Nhà văn Romania, do nhà văn Phạm Viết Đào dịch từ nguyên bản tiếng Romania, NXB Văn học ấn hành năm 2011, đó lần thứ III được tái bản. Qua đó đủ thấy sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết đến mức nào.
Đọc cuốn Tình yêu hoang dã, thật khó phân biệt được ngôn ngữ của văn học dịch với ngôn ngữ văn học Việt. Có thể nói trình độ dịch điêu luyện như chính Zaharia Stancu viết bằng ngôn ngữ của người Việt Nam, câu văn và lời văn đẹp lóng láng như đang ngắm những chiếc bình hoa bằng pha lê, khi ánh sáng rọi qua cửa sổ khiến những chiếc bình đó như những sợi kim tuyến của ngôn từ. Qua mỗi trang sách người đọc như nghe thấy tiếng lạo xạo của những viên sỏi dưới bánh xe của đoàn người Digan, tiếng lá ngô xào xạc, giãy giụa trong gió, mùi mồ hôi ám khói tỏa ra từ những bộ quần áo rách rưới của những người đàn ông đầu tóc bù xù lâu ngày không gội…

Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc ra đi của bộ tộc Digan ở đất nước Romania trong những năm chiến tranh theo lệnh của nhà chức trách. Họ đi về đâu, đến đâu không ai biết kể cả người thủ lĩnh Him Basa. Họ đi trong vô vọng, theo chân họ là đói khát và bệnh tật vây bủa. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là chuyện tình tay ba giữa ba người Lisandra- Ariston- Gosu. Nhưng tình yêu của cô gái Lisandra con gái Sedil ở bộ tộc Digan Sedil mà chàng trai Gosu của bộ tộc Him Basa mua về làm vợ với 20 đồng vàng Thổ Nhĩ Kỳ lại dành cho Ariston.

                                   


Lisandra là cô gái đẹp, vẻ đẹp thuần khiết và hoang dã từ mái tóc đến làn da khiến Gosu chỉ gặp một lần đã mê mẩn. Mặc dù Lisandra đã làm vợ của Gosu, nhưng cô tuyên bố với chồng: Tao chỉ yêu Ariston, không thể sống thiếu Ariston được. Đó là sự thách thức, khát vọng của tình yêu muốn rũ bỏ những tập tục cổ hủ của bộ tộc đấu tranh cho tình yêu thiêng liêng của mình.
 Đêm đêm chờ khi Gosu ngủ say Him Basa lại lẻn đi với người tình trên thảo nguyên, hay trên cánh đồng tuyết dày đến sáng mới trở về nhà. Điều đó là phạm vào những giá trị truyền thống và luật tục của người Digan, khiến cả bộ tộc và Gosu vô cùng tức giận. Thủ lĩnh Him Basa cho phép hai người đánh nhau đến chết, ai giết được người kia thì cô gái Lisandra thuộc về họ.
Gosu là chàng trai khỏe mạnh có thể giết chết Ariston trong cuộc đấu, nhưng Gosu không giết Ariston. Vì Gosu biết Lisandra vô cùng yêu Lisandra, nếu Ariston chết thì Lisandra sẽ chết theo. Do không thể sống thiếu Lisandra, nên Gosu không muốn giết chết Ariston theo luật tục mà chỉ móc một mắt Ariston trong một lần đánh nhau.
Ngay cả Him Basa cũng không muốn cho hai người đàn ông đó chém giết lẫn nhau, bởi trong cuộc ra đi không biết được nơi bộ tộc sẽ đến, tất cả đều mờ mịt như chân trời đỏ quạch những đám mây màu lửa. Bộ tộc của Him Basa có 99 con người đã chết dần trên con đường ngập xác người do chiến tranh, do đói khát và bị những tên lính đào ngũ cướp bóc. Ông hy vọng Lisandra sẽ đẻ ra cho bộ tộc của ông thêm một người nữa và khi đó chúng muốn giết nhau cũng được. Điều mà ông hy vọng thì càng trở nên thất vọng, bởi bộ tộc của ông ngày ngày người chết càng nhiều vì giá rét và đói khát. Những bà mẹ chửa, những đứa trẻ mới sinh và cả những thanh niên cũng chết dần chết mòn. Họ phải giết lần lượt những con ngựa, con lừa giúp họ kéo xe lang thang khắp các thảo nguyên mênh mông, xuyên qua các thành phố và cả những con gấu giúp họ làm trò để kiếm tiền vì đói.

Với ý nghĩ khi làm cho Ariston trở nên tàn tật thì Gosu mong Lisandra sẽ yêu mình. Nhưng ngược lại Lisandra càng yêu Ariston hơn, cô thách Guso giết Ariston, nếu giết Ariston cô sẽ theo chàng chết ngay. Vì thế, những ngày mùa đông tuyết phủ ngập thảo nguyên, tuyết cao đến tận thắt lưng nhưng Lisandra vẫn lén mang theo tấm nệm lên đồi gạt tuyết ngủ với Ariston. Ngọn lửa tình yêu của  Lisandra đã khiến Ariston trở lên mạnh mẽ trong các cuộc đánh nhau với Gosu. Nhưng do yếu hơn, nên Ariston không bao giờ thắng được Gosu, cuối cùng anh đã lao vào mũi giáo của Gosu để kết liễu đời mình, giữ tình yêu với Lisandra.
Hãy đọc đoạn văn rất giàu cảm xúc: “Nhìn thấy một số cô gái đi qua Ariston đề nghị:
- Tôi muốn ngày mai các cô giúp tôi cùng ra đồng hái hoa. Tôi muốn phủ lên người Ariston chỉ có hoa.
- Tại sao chúng tôi lại đi hái hoa cho Ariston của chị. Lúc  còn sống, Ariston có ngó ngàng gì tới chúng tôi đâu, chỉ để ý đến chị thôi, một phụ nữ đã có chồng. Chị hãy đi mà hái lấy, chị muốn hái bao nhiêu là việc của chị…Chị muốn hái cả cánh đồng cũng được”.
 Khi đoàn người Digan nhổ trại tiếp tục cuộc hành trình mới thì “Lisandra về lều và ăn vận như cô dâu ngày cưới. Lisandra đeo hoa tai, đeo dây chuyền vào cổ và chọn bộ áo tươm tất mặc chuẩn bị đến viếng mộ của Ariston…Sáng hôm sau, sau khi cuốn lều xong, mọi người lớn bé đều đi qua trước mặt Lisandra. Lisandra không còn nhìn thấy gì nữa, không còn nghe thấy gì nữa. Cô nhìn lên bầu trời xanh trong, những rừng hoa nở rộ và ánh mặt trời vẫn mọc lên tươi mới, vui vẻ…”

Mặc dù Gosu căn ghét Ariston đến tận xương tủy, nhưng không giết Ariston mặc dù Gosu có thể giết Ariston bất cứ lúc nào mà luật tục người Digan cho phép. Anh bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu, chê cười của bộ tộc là hèn nhát, bởi anh hy vọng Ariston bị bộ tộc phản ứng sẽ buông tha Lisandra. Ngược lại Ariston vẫn yêu Lisandra mãnh liệt hơn. Cuối cùng Ariston tự kết liễu đời mình như thể giải thoát cho Lisandra và Gosu bằng cách nhảy đâm vào mũi giáo của Gosu. Đó là sự cao tay của ngòi bút tài năng Zaharia Stancu, cái chết của Ariston giàu tính nhân văn của một con người có trách nhiệm với chính mình và tình yêu với Lisandra.
  Him Basa là một thủ lĩnh giàu tình yêu đối với bộ tộc và mỗi con người trong bộ tộc mà ông đang dẫn dắt. Từ việc lo nơi ăn chốn ở đến việc giải quyết các mối quan hệ nảy sinh trong bộ tộc. Dù phải dùng chiếc roi da để xử những kẻ cứng đầu không chịu nghe lời, nhưng sau mỗi lần đánh ông lại thấy đau đớn trong trái tim của người thủ lĩnh.
Với những tên lính đào ngũ, mặc dù những người trong bộ tộc của ông có thể giết chúng để bảo vệ đám đàn bà con gái cũng như lũ lừa ngựa mà chúng lăm le muốn cướp trong cuộc tháo chạy. Nhưng ông đối xử tử tế với chúng, cho chúng ăn uống và uống rượu, chăm sóc chúng trong khi lương thực của bộ tộc của ông đã cạn kiệt mà họ còn phải bắt chồn, thỏ hoang dã để tồn tại.
Đó là chuyện hai tên lính đào ngũ giết nhau trên đường tháo chạy, ông đã thuyết phục được những tên sen đầm mặt sắt đen sì, hay chuyện bốn tên lính đào ngũ được bộ tộc của ông cho ăn uống, sưởi ấm sau khi khỏe lại chúng lại giở trò muốn ngủ với các phụ nữ trong bộ tộc của ông. Chúng bị các bà lừa bắt trói, ông có thể ra lệnh giết chết tất cả bọn chúng nhưng chỉ trói lại chờ sen đầm tới giải đi.
Giữa mùa đông rét buốt bộ tộc của Him Basa phải đào hầm trú ẩn giữa mênh mông tuyết trắng, lương thực hết, lừa ngựa, gấu làm trò xiếc đã bị giết dần để chờ mùa xuân đến. Những mâu thuẫn nội tại từ các thành viên trong bộ tộc, Him Basa tự thấy mình không còn đảm nhiệm được vai trò thủ lĩnh khi tương lai của bộ tộc rất mờ mịt và chiến tranh vẫn như trò đùa vây bủa quanh họ, không biết khi nào buông tha. Ông vẫn có thể dùng chiếc roi quyền uy của thủ lĩnh để cai quản bộ tộc. Nhưng không, khi ông thấy mình đã già yếu không thể dẫn dắt được bộ tộc nên tự tìm đến cái chết trong tuyết lạnh. Đây chính là sự giải thoát cho bộ tộc, để họ tự tìm người thay thế. Một cái chết cao cả và đẹp của người thủ lĩnh Him Basa.

Tiểu thuyết "Tình yêu hoang dã" của Zaharia Stancu xuất bản lần đầu năm 1968 như dự báo tương lai cho đất nước Romani với rất nhiều tầng ý nghĩa. Khi vai trò thủ lĩnh Him Basa  dẫn dắt xã hội đã không được các thành viên trong cộng đồng chấp nhận thì tự mình kết liễu cuộc đời mình để thế hệ sau tự định đoạt tương lai bằng cách lựa chọn thủ lĩnh mới, mặc dù trên con đường vạn dặm tìm tự do,  hạnh phúc đầy gian truân nhưng họ vẫn vui vẻ: “Mọi người được lệnh lên đường. Đám đàn ông lại mắc càng xe vào vai mà kéo thay cho lừa, ngựa và la đã chết hết. Blebe vừa kéo xe vừa hét đùa: Nào lên đường hỡi lũ ngựa, lũ la, lũ lừa kia…” Họ đi về phía mặt trời đỏ lửa đang ì ầm tiếng đại bác mỗi lúc một gần hơn.