Họ có thể biến nguyên liệu từ một tảng đá xù xì, thô nhám thành một cô gái có thân hình tuyệt mĩ khiến người xem không cảm thấy có bất cứ sự đục đẽo nào trên tác phẩm đó, mà như đã có sẵn trong thiên nhiên và người ta chỉ việc mang về trưng bày.





VÔ CHIÊU VÀ HỮU CHIÊU

UÔNG TRIỀU

“Vô chiêu thắng hữu chiêu” là một trong những “thuật ngữ” quen thuộc bậc nhất của các tiểu thuyết kiếm hiệp. Thuật ngữ này dùng để chỉ trình độ võ công của một hiệp khách đã đạt đến cảnh giới “xuất thần nhập hóa”, có thể tùy ý dùng bất cứ một vũ khí, một chiêu, một thức nào đó - không theo phép tắc, quy chuẩn - để hạ gục đối thủ. Tôi nghĩ thuật ngữ này cũng có thể “áp dụng” trong văn học. Hữu chiêu là cách viết mang đậm dấu ấn của kĩ thuật - những thủ pháp nghệ thuật - một cách lớp lang, bài bản còn vô chiêu là cách viết nhuần nhuyễn, không để lộ ra bất cứ dấu vết nào của những thủ pháp nghệ thuật.
Paul Auster, nhà cách tân tiểu thuyết nổi tiếng của nước Mĩ, từng tâm sự rằng lúc viết ông chỉnh sửa bản thảo rất nhiều, sửa đến khi nào cảm thấy những lời mình viết ra tự nhiên, không thấy bất kì sự khiên cưỡng hay lên gân nào thì mới thôi. Nhà văn Hồ Anh Thái cũng kể rằng có độc giả than phiền là ông viết văn ngẫu hứng quá, cảm tưởng như có gì viết nấy mà không cần phải nghĩ ngợi quá nhiều. Hồ Anh Thái lại cho rằng lời than phiền ấy là khen nhiều hơn chê vì khi viết trôi chảy, tự nhiên có nghĩa là cảm xúc và kĩ thuật của người viết đã chín muồi. Mỗi câu, mỗi chữ đã được hun đúc từ trong tiềm thức nên mới có thể “tùy ý xuất thủ” như vậy. “Đẳng cấp” này không phải ai cũng làm được và không phải cứ muốn là được.
Tôi thích, cảm phục các nhà văn “hữu chiêu”, viết giàu tính kĩ thuật. Các chi tiết trong tác phẩm được dàn dựng, “bày binh bố trận” một cách cầu kì, tinh vi, ăn khớp với nhau, hoạt động trơn tru như một bộ máy phức tạp. Một cái lá cây xuất hiện ở đầu rồi ở cuối cuốn tiểu thuyết dày cả trăm trang với các ngụ ý, biểu trưng khác nhau, một vết chân cát tưởng như mơ hồ ở đoạn mở đầu lại dẫn đến những kết cục lớn lao. Những ví dụ kiểu đó có thể thấy ở những bậc thầy văn chương như Victor Hugo, Milan Kundera... Họ là những nghệ nhân của kĩ thuật viết văn. Trong các tiểu thuyết “oanh liệt thiên thu” của mình như Những người khốn khổ, Lao động biển cả, Nhà thờ Đức Bà Paris, Thằng cười… Victor Hugo hầu như không bao giờ đưa ra những chi tiết thừa. Những đoạn dẫn nhập dài miên man hoặc những chi tiết rất nhỏ ở đầu truyện tưởng chừng như được viết cho đủ trang hay thoảng qua nhưng khi đọc đến trang cuối cùng của tác phẩm chúng ta thấy nhà văn đã sử dụng những chi tiết hoặc những đoạn trữ tình ngoại đề ấy đầy thuyết phục và chính xác. Đó là cái tài của nghệ thuật dàn dựng, xếp đặt. Nhà văn giống như một kiến trúc sư tài năng và mẫn tiệp, chăm chút đến từng họa tiết trang trí nhỏ trong một tòa lâu đài khổng lồ. Rõ ràng, không phải nhà văn nào cũng có khả năng xây dựng, bố cục tác phẩm “đỉnh” như Victor Hugo. Song đứng từ góc độ nghề nghiệp, tôi lại thấy đó là những kĩ thuật quá lộ liễu. Bạn đọc thông thường và ngây thơ có thể phục lăn tài tác giả. Nhưng với những người có nghề và hay “săm soi”, sau lần đầu choáng ngợp ấy, họ dần dần sẽ đoán ra ý định của nhà văn, biết câu chuyện sẽ đi theo hướng nào và những chi tiết “gài bẫy” sẽ dùng ở đâu. Về mặt kĩ thuật, tôi thấy Victor Hugo và F. Dostoevsky rất giống nhau. Hai người khổng lồ này thường có những dàn dựng lộ liễu và dễ bị “bắt bài”. Ta chỉ cần đọc độ hai cuốn của tác giả là có thể dự đoán được đường hướng của những cuốn khác. Victor Hugo và Dostoevsky thường tạo ra những sự bất ngờ và ngẫu nhiên, nhưng sự bất ngờ và ngẫu nhiên này lại quá tính toán và dàn dựng, vì thế nó thiếu một sự tự nhiên vốn có.
Mặt khác, tôi cũng thích những nhà văn “vô chiêu”, viết rất kĩ thuật mà tự nhiên như nước chảy mây trôi. Những nhà văn ở “đẳng cấp” này có thể chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất do rèn luyện mà thành. Vào một ngày đẹp trời, sau những tháng ngày lao động nghệ thuật hăng say, miệt mài họ đã đạt đến trạng thái “tam hoa tụ đỉnh”, “ngũ khí triều nguyên”, thân và… bàn phím (hoặc cây bút) “hợp nhất”, chuyển từ hữu chiêu sang vô chiêu. Họ có thể biến nguyên liệu từ một tảng đá xù xì, thô nhám thành một cô gái có thân hình tuyệt mĩ khiến người xem không cảm thấy có bất cứ sự đục đẽo nào trên tác phẩm đó, mà như đã có sẵn trong thiên nhiên và người ta chỉ việc mang về trưng bày. Đó là cái cách của Paul Auster và đa số các nhà văn khác thực hành trên con đường nghệ thuật dài dặc không có điểm dừng, sử dụng lao động nghệ thuật một cách tối đa để tiến tới sự hoàn mĩ tự nhiên. Dạng thứ hai do “trời sinh ra thế”. Trong thế giới văn chương, ngay từ đầu họ đã xuất hiện với tư cách của một vị “minh chủ”, tạo được tầm ảnh hưởng lớn và có môn đồ đông đảo. Họ chẳng cần vất vả lao động nghệ thuật mà tác phẩm vẫn đạt đến độ toàn bích. Franz Kafka là một nhà văn như thế. Nhà văn người Séc này viết ra những câu chuyện chẳng có gì giống với hiện thực cả. Đa số những truyện ngắn và tiểu thuyết của ông mang tính bịa đặt, phi lí hoàn toàn, khó có thể tồn tại trong đời hoặc ít nhất là vào thời ông sống. Nhà văn bịa đặt hoàn toàn, bịa đặt “trắng trợn” mà người đọc vẫn không tỏ ra nghi ngờ hoặc không muốn nghi ngờ. Người ta chấp nhận các câu chuyện của ông mà không thấy khiên cưỡng hoặc cảm thấy lố. Người đọc như bị thôi miên và chấp nhận việc đó. Vì sao vậy? Vì Kafka viết rất tự nhiên, cảm giác ông không dùng bất cứ một thủ pháp nghệ thuật nào. Nếu ta muốn lần dò những dấu vết kĩ thuật trong các tác phẩm của Kafka thì hầu như là bất khả thể. Tôi cho rằng một trong những lí do quan trọng khiến Kafka từng có ý định thiêu hủy bản thảo - và di chúc cho Max Brod làm điều đó - là vì chính ông cảm thấy bất lực hoặc chán chường với kiểu viết của mình. Thứ văn này nếu đọc một cách thoáng qua hoặc không được trang bị ít nhiều lí thuyết, hoặc chút kinh nghiệm thì nói chung rất khó để “tiêu hóa”.
Một lần tôi hỏi nhà văn Nguyễn Bình Phương thích cuốn tiểu thuyết mình viết nào nhất. Ở thời điểm tôi hỏi, Nguyễn Bình Phương chưa xuất bản Mình và họ và Kể xong rồi đi. Lúc đó Nguyễn Bình Phương trả lời là cuốn Ngồi. Tôi hỏi tại sao là Ngồi. Nguyễn Bình Phương nói vì nó là cuốn nhuyễn nhất. Nhuyễn tức là tự nhiên nhất, còn các cuốn khác của anh, ví dụ Thoạt kì thủy, tôi không thích lắm vì dấu ấn kĩ thuật và ý đồ của tác giả khá rõ.
Qua ví dụ ở Paul Auster, Nguyễn Bình Phương và nhiều tác giả khác nữa có thể thấy các nhà văn luôn mong tác phẩm mình viết trôi chảy một cách tự nhiên nhất. Rất nhiều kĩ thuật trong đó nhưng được tinh luyện ở mức cao nhất đến độ người đọc không cảm thấy sự tồn tại của chúng. Trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, khi nghe Phong Thanh Dương nói về điểm chính yếu nhất của Độc cô cửu kiếm “Nếu không ra chiêu thì đối phương sẽ đỡ kiểu gì?”, Lệnh Hồ Xung đã giật mình, toát mồ hôi vì câu nói ấy đã toát lên đẳng cấp cao nhất của kiếm thuật nói riêng, võ thuật nói chung. Còn đẳng cấp cao nhất trong văn chương, có thể hiểu rằng đó là một kĩ thuật viết đã ở trình độ điêu luyện, không sờn gợn hay tạo dấu vết gì hết.
Tất nhiên vô chiêu sẽ còn một ý khác mà tôi phải nói cho kín kẽ. Có những kiểu vô chiêu là tác giả quá non nớt, viết mà không biết mình sẽ viết như thế nào. Khi gặp một tình huống phát sinh không đưa ra được giải pháp xử lí hợp lí để cho câu chuyện trôi đi mất kiểm soát, hoặc dễ dãi, tùy hứng. Tác phẩm rơi vào kiểu viết “thả rông”, không định hướng, không làm chủ được nhân vật và câu chuyện. Kiểu viết này thường rơi vào tình huống: ban đầu tác giả muốn câu chuyện dẫn đến điểm A nhưng thực tế viết lại dẫn đến điểm M, nghĩa là quá xa và mất phương hướng so với mục tiêu ban đầu. Tình trạng này thường xảy ra ở những người mới viết hoặc chưa có đủ một sự rèn luyện chuyên nghiệp hoặc chưa đủ trưởng thành.
Còn đạt đến độ “vô chiêu” hiểu theo nghĩa “tuyệt kĩ” thì xảy ra hai trường hợp như tôi vừa nêu ở trên. Dạng như Paul Auster thì nhiều nhưng như Kafka thì hiếm, muôn người mới có một. Kafka đã rất may mắn được thừa hưởng một “điểm vượt” nào đó mà lịch sử văn học không dễ gì lặp lại, viết rất khó mà lại như không. Tuyệt kĩ vô chiêu có lẽ vì thế là ước mơ của rất nhiều người cầm bút

Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội