Bộ phim truyền hình “Sinh tử” đang bước vào những tập cuối trên sóng VTV1. Sự quan tâm của công chúng dành cho “Sinh tử” rất hào hứng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố gay cấn từ ý thức và hành động đấu tranh chống tham nhũng, thì sự băn khoăn của người xem đối với “Sinh tử” không phải là cách giải quyết mâu thuẫn trong các tình huống mà là tìm ra một nhân vật điển hình trên màn ảnh!




PHIM GIỐNG NHƯ ĐỜI HAY ĐỜI GIỐNG NHƯ PHIM?

TUY HÒA


Với đề tài chính luận, bộ phim “Sinh tử” vẫn chứng minh được thế mạnh riêng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN. Tuy nhiên, khi xung đột bắt đầu đẩy lên đỉnh điểm thì câu chuyện đối đầu giữa nữ nhà báo Ngân, cán bộ kiểm sát Huy và lãnh đạo cơ quan điều tra Thông lại khiến nhiều người băn khoăn. Lối diễn lên gân của Thanh Hương trong vai nữ nhà báo Ngân khi đối mặt với công an, đã làm chột dạ chính các nhà báo đời thường. Trên mạng xã hội, nhiều nhà báo cho rằng cách ứng xử của nữ nhà báo Ngân là phi lý vì… chẳng mấy phóng viên dám dùng thái độ như vậy lúc bị lực lượng chức năng triệu tập. Cũng như cách cán bộ kiểm sát Huy phân bua về mối quan hệ bạn bè thân thiết với nữ nhà báo Ngân.

Những ý kiến phản biện ấy, mới nghe qua tưởng đáng hoan nghênh, nhưng nghĩ lại thấy buồn cười. Vì sao? Vì một bộ phim truyền hình không thể căn cứ theo tiêu chí của một phóng sự truyền hình. Một tác phẩm nghệ thuật có quyền tạo ra một thế giới khác, sinh động hơn và cá tính hơn. Do đó, nhân vật trên phim không nhất thiết phải mô phỏng y hệt trong cuộc sống. Nếu nghệ thuật chỉ là bản photocopy của xã hội, thì giá trị sáng tạo thực sự khủng hoảng. Hình như cả người làm phim và người xem phim nước ta đều đang thưởng thức tác phẩm nghệ thuật bằng cảm hứng dò xét và so sánh giữa phim và đời, thật và giả.

Bộ phim “Sinh tử” có hai ghi chú không thể không quan tâm. Thứ nhất, bộ phim “được thực hiện với sự hợp tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Thứ hai, kịch bản của Phạm Ngọc Tiến “dựa theo ý tưởng tiểu thuyết cùng tên của tác giả”. Với ghi chú thứ nhất, có thể nhằm giải thích hình ảnh cán bộ kiểm sát được nhấn nhá một cách kỹ lưỡng trên phim. Còn ghi chú thứ hai thì lại không cần thiết. Bởi lẽ, ghi chú mang tính bản quyền như vậy chỉ có ý nghĩa khi kịch bản được Phạm Ngọc Tiến phóng bút từ tác phẩm của người khác. Chứ tiểu thuyết của Phạm Ngọc Tiến thì ông có thể triển khai thành kịch bản điện ảnh lẫn kịch bản sân khấu hoặc kịch bản truyện tranh. Chẳng mấy ai bận tâm về sự tương đồng hoặc dị biệt giữa sách và phim của cùng một tác giả.

Không thể phủ nhận, bộ phim truyền hình “Sinh tử” là một nỗ lực của ê-kíp thực hiện. Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng, một trong hai đạo diễn “Sinh tử”, thổ lộ: “Phim này dành cho những người quan tâm đến xã hội, cuộc sống. Nhiều người khác có thể sẽ chỉ thích phim tình yêu, hôn nhân gia đình, nhưng khán giả của “Sinh tử” là những khán giả khó tính. Lời thoại phim này cần chuẩn và chính xác. Có khi vì ba dòng thoại mà chúng tôi phải quay đến 50 đúp. Ngay cả những anh chị diễn viên gạo cội có những đoạn thoại cũng không thể nhập tâm được. Với một bộ phim như “Sinh tử”, tôi nghĩ 30 phút phát sóng một tập là vớ vẩn, chỉ dành cho sitcom. Thời gian ngắn quá, không đủ giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong một tập. Vì thời lượng như vậy, việc chỉnh sửa kịch bản, san sẻ chi tiết sao cho phù hợp, vừa vặn cũng rất khó. Theo quan điểm của tôi, 45 phút cho mỗi tập mới là phù hợp. Bản thân tôi cũng không thỏa mãn với 30 phút ngắn ngủi khi xem!”. Còn Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, đưa ra góc nhìn khác: “Phim đề tài gia đình thường dễ dàng hơn so với phim về chuyên ngành, thuộc lĩnh vực điều tra nên làm gì cũng phải chuẩn chỉ. Ngày trước khi làm phim đề tài cảnh sát hình sự, chúng tôi cũng cần cố vấn bên ngành công an. Đối với "Sinh tử", ngoài viện kiểm sát, chúng tôi cũng phải nhờ bên toà án làm nội dung để chuẩn chỉ. Trang phục, địa điểm cũng là điều cần thiết. Chúng tôi không thể đi ra chỗ khác dựng lên được toà án được! Phim truyền hình sẽ nói lên những điều tích cực và chống những điều tiêu cực. Chúng tôi thấy những yêu cầu từ xã hội, từ cuộc sống và chúng tôi thấy là mình có khả năng. Chúng tôi mong muốn đi tìm những đề tài như thế!”.

Cũng đề tài mổ xẻ vui buồn ngành kiểm sát, truyền hình Hàn Quốc từng có bộ phim nhiều tập “Công tố viên” rất hấp dẫn. Nhân vật chính là một gã trai tâm huyết đến mức cố chấp trong việc đi tìm bằng chứng để khởi tố nhân vật cấp cao quốc gia. Khi xem “Công tố viên”, không ai thắc mắc ở Hàn Quốc có một cán bộ lạ lùng như vậy không, mà lại thấy được khát vọng gìn giữ pháp luật và mơ ước mọi người đều bình đẳng trước công lý! Ngoài yếu tố tài năng của đội ngũ làm phim, thì có thể nói nguyên nhân cốt lõi để bộ phim “Sinh tử” không thể sánh ngang với bộ phim “Công tố viên” chính là sự câu nệ về nguyên mẫu đời sống. Làm phim mà nhăm nhăm mỗi chi tiết phải khớp với thực tế, thì tính thẩm mỹ và tính thuyết phục của tác phẩm lập tức bị hạn chế.

Bộ phim truyền hình “Sinh tử” một lẫn nữa phơi bày sự loay hoay tìm kiếm đáp án “phim giống như đời” hay “đời giống như phim”. Hãy nhớ rằng, trong kỷ nguyên hội nhập, phản ánh hiện thực không còn là phương pháp sáng tạo duy nhất và tối ưu. Gần đây, Hàn Quốc lại có bộ phim “Hạ cánh nơi anh” gây sốt toàn châu Á, nhờ những người làm phim mạnh dạn xây dựng một không gian đầy mơ mộng và đầy lãng mạn, khác hẳn bộ mặt hối hả và lạnh lùng của nhịp sống đô thị đương thời.
Bộ phim truyền hình “Sinh tử” góp phần cảnh tỉnh sự tha hóa của một bộ phận được xem là những người thành đạt. Trong vòng quay “Sinh tử” có rất nhiều nhân vật, từ Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh đến cán bộ kiểm sát, lãnh đạo công an, doanh nhân quyền lực, viên chức a dua… Đã có ý kiến từ hàng ghế khán giả cho rằng, với hệ thống nhân vật đa dạng như vậy, thì khán giả không dễ gì nhớ được họ tên, chức danh, cũng như đơn vị công tác của nhân vật. Do đó nhà làm phim cần có giải pháp giúp khán giả dễ nhớ là thêm phần phụ chú bằng chữ khi có cảnh liên quan đến từng người. Đáng tiếc, ngay cả biển tên trên áo nhân vật và dòng giới thiệu trên màn hình cũng… lắm phen chệch choạc. Ví dụ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Việt Thanh chỗ nọ là Phạm Duy Thông chỗ kia là Đào Duy Thông.  Tương tự, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Việt Thanh cũng có hai tên là Nguyễn Văn Khôi và Phạm Văn Khôi

Tuy nhiên, nhầm lẫn họ tên nhân vật chỉ là chuyện vặt. Quan trọng hơn là khi ôm quá nhiều nhân vật vào một bộ phim thì “Sinh tử” lại không có nhân vật điển hình. Căn bệnh ấy, không phải căn bệnh cá biệt của phim truyện truyền hình mà còn phổ biến ở phim truyện điện ảnh. Phải thay tư duy “phim giống như đời” bằng tư duy “đời giống như phim” thì mới mong có được nhân vật trên màn ảnh tạo được cảm hứng cho cộng đồng./.