Nhà văn Di Li chia sẻ: “Mình vẫn dạy các học trò chuyên ngành PR một câu rằng: Thời nay muốn nổi tiếng dễ lắm. Bây giờ không gì dễ bằng khiến cho mình trở nên nổi tiếng. Chỉ có điều nổi tiếng vì cái gì mới cần phải động não. Nhưng sự ấy ít ra cũng có ích. Nó khiến những kẻ gì cũng có trừ ý thức và tự trọng biết đâu bị tác động mảy nào.




CÂU CHUYỆN BỆNH NHÂN SỐ 17

DI LI

Hà Nội sau 1 đêm mất ngủ thì sáng hôm sau phát hiện ra bệnh nhân số 17, dù có thể không giống như bệnh nhân số 31 của Hàn Quốc, đã biến các siêu thị và ngân hàng thành cơn lốc xoáy, khiến hàng triệu học sinh, sinh viên đang khấp khởi đi học trở lại đành tiếp tục ngồi nhà chơi game, khiến giới showbiz thêm buồn bã vì ế show, ngành du lịch đang tim đập chân run càng thêm muốn khóc, một bệnh viện bị đóng cửa tạm thời, hàng ngàn người chuẩn bị phải cách ly, khiến các doanh nghiệp cả buôn bán nhỏ lẻ lẫn to tướng như bất động sản bơ phờ và khiến các nhà lãnh đạo ôm đầu khốn khổ. Tóm lại là khiến cả nước đảo điên.
Mình vẫn dạy các học trò chuyên ngành PR một câu rằng: Thời nay muốn nổi tiếng dễ lắm. Bây giờ không gì dễ bằng khiến cho mình trở nên nổi tiếng. Chỉ có điều nổi tiếng vì cái gì mới cần phải động não. Nhưng sự ấy ít ra cũng có ích. Nó khiến những kẻ gì cũng có trừ ý thức và tự trọng biết đâu bị tác động mảy nào.
Tuy nhiên, sự hoảng loạn mà mình chứng kiến sáng nay: Người ta đổ xô đi tích trữ mọi thứ thực phẩm trừ rau thơm và đậu phụ, và mua tất cả các loại thuốc men có thể trừ thuốc giun và thuốc ghẻ khiến mình còn không thể mua nổi một quả bí và vài lọ nhỏ mũi.
Phần đông con người thường hay chuyển hệ một cách quá đáng, bao gồm cả dân Âu Mỹ, đang từ nhơn nhơn không thèm đeo khẩu trang và đi lung tung bỗng đâu sợ ru rú và vơ vét hàng chục bịch giấy vệ sinh về nhà (mà dù có trú bom nguyên tử cũng chùi làm sao hết đống giấy như thế). Mình từ đầu dịch đến giờ phút này chưa tích cái gì trong nhà. Trước đây mình có nói rằng 14 ngày mình chỉ ăn đồ trong tủ lạnh là vì nó vẫn còn tồn từ trước Tết, nên cố ăn cho hết. Và vì còn đồ nên cũng chẳng có việc gì phải đi đâu ra ngoài chứ không phải mình chủ trương tích đồ. Ngay cả trước khi có dịch, mình đi đâu về cũng rửa tay và cứ ở chỗ đông người, trong ô tô là mình đeo khẩu trang, không hẳn vì ngại lây bệnh gì từ ai mà nhỡ đâu ngồi gần thế, mình có lỡ ho sù sụ thì người bên cạnh người ta đỡ kinh (Việc này ai đi đâu cùng mình cũng chứng kiến cả). Thêm nữa cũng thiếu gì bệnh lây, đâu chỉ có Covid 19. Đến nỗi có lần một ông bạn ngoại quốc của mình (trên xe có cả nhà văn Y Ban và Thùy Dương) trở nên cáu kỉnh vì “Nếu em mà không bỏ cái khẩu trang ấy ra thì anh không chạy tiếp nữa đâu”. Mình vẫn kiên quyết không. Vì thế khi có dịch thì mình chỉ thay đổi thói quen thêm một tí là không tụ tập đàn đúm nơi đông người tạm một thời gian, vậy thôi. Nặng nhọc gì việc đeo cái khẩu trang và tránh tụ tập chỗ đông người đâu. Nhưng hoảng loạn, tích trữ đồ và di chuyển loạn xạ để trốn dịch lại là vấn đề khác. Nó không những chẳng giải quyết việc gì mà còn góp phần gây ra lây lan, tăng giá thị trường, hoảng loạn xã hội, và giúp corona hoàn tất nốt công việc còn lại là tấn công cho kinh tế suy thoái thảm hại.

Mình có lý do để nói rằng không nên tích trữ đồ ăn làm gì. Vì hồi năm 2009, mình đi Kuala Lumpur và Bali gần chục ngày đúng thời gian đỉnh dịch cúm H1N1. Đỉnh dịch là đầu tháng 8 mà mình lên máy bay 27/7 (ngày rất dễ nhớ). Hồi ấy đến sân bay nào cũng thấy không khí hải quan, an ninh căng thẳng cả lên: Các biển cảnh báo, các tờ khai báo, các nhân viên đeo khẩu trang 100%... nhưng mình cứ nhơn nhơn chẳng cảm thấy gì. Lúc đi về có cậu bạn cùng đoàn bị H1N1 mình cũng lo nhưng không phải quá lo, bất quá thì lo giống quai bị thôi. Bây giờ thấy báo chí báo cáo dịch H1N1 có hơn 1,6 triệu người nhiễm. Gần 300.000 người chết. Tỷ lệ tử vong của H1N1 là 17,4%, trong khi Covid19 là 3,4%. Từ 31/5 – 30/9, trong vòng 4 tháng, VN có gần 1 vạn ca nhiễm và hơn 20 ca tử vong vì H1N1. Xong về sau hết cả sinh phẩm xét nghiệm vì đông bệnh nhân quá nên ở trên chỉ định là cứ có triệu chứng là điều trị Taminflu luôn khỏi cần xét nghiệm gì hết ráo. Nên con số bệnh nhân cũng dừng không công bố được nữa vì có biết ai nhiễm ai không đâu, rồi số tử vong cũng không chính xác vì chết vì bệnh gì hay chết cúm là chịu. Đọc lại những thông tin này mình ngạc nhiên lắm, vì không hiểu nổi tại sao một người cẩn trọng và luôn quan tâm sức khỏe hàng đầu như mình lại nhơn nhơn trước dịch H1N1 như thế. Thậm chí khi biết cậu bạn đã bị nhiễm, cả nhà sợ hãi yêu cầu mình đừng có ôm ấp con gái nữa nhưng mình cho là vớ vẩn. Và rất nhiều người cũng nói giống như mình, là cách đây 11 năm, họ chả quan tâm gì mấy đến H1N1. Vì thế mình nghĩ có nhiều nguyên nhân sau đây:

1. Hồi đó mạng xã hội và báo mạng chưa phát triển như bây giờ, nên thông tin cũng mù mờ, toàn nghe câu được câu chăng rồi bận quá chẳng để ý. Chớ không như cô Nhung vừa vào viện là cả nước đã biết.

2. Không chỉ VN mà các nước khác đều không công bố dịch bệnh chi tiết và cụ thể như bây giờ. Nghĩa là bây giờ thế giới đã thay đổi cách quản lý dịch tễ, các Bộ Y tế đều công khai luôn danh tính của các bệnh nhân đầu tiên cũng như con số lây nhiễm và khu vực địa lý từng ngày từng giờ để y tế toàn cầu cùng liên kết chống dịch cũng như dân biết mà phòng tránh.

Chính vì 2 điều này mà dịch tuy có bùng nhưng không thảm hại như các đợt dịch trước trong lịch sử vì tất cả đều có thông tin nên ý thức giữ gìn rất cao. Các tổ dân phố, công ty và mọi đơn vị cũng quản lý người dân dễ hơn, có gì là đi “tố giác” với chính quyền ngay. Tuy nhiên cũng xảy ra một mặt trái là ai nấy đều hoảng hốt cả lên, rồi kỳ thị lẫn nhau. Cái sự hoảng hốt này cũng có lý do vì đời ai cũng chỉ một sinh mệnh. Đã bĩ cực thì không còn biết tin ai, không nhường ai, không giữ sĩ diện được nữa. Dân Âu Mỹ vốn thấu đáo là thế cũng đổ xô đi vét giấy vệ sinh. Người Nhật vốn nổi tiếng về sự điềm đạm, lịch sự, đùm bọc, không tranh giành, được cả thế giới kính nể trước bao thảm họa sóng thần, hạt nhân mà giờ cũng mất hết cả kiên nhẫn và lịch sự, cũng đánh mắng nhau vì mấy cái khẩu trang và cân thịt lợn như người VN cả thôi. Hàng ngày thấy mạng tải các clip đánh nhau với lý do liên quan đến corona lại vừa buồn vừa cười. Nhưng như mình nói, hồi 2009, VN đã đi qua dịch H1N1 mà chẳng ai bị thiếu giấy vệ sinh với mì tôm dù có hàng vạn ca nhiễm bệnh. Thậm chí ở những thành phố đen đủi nhất là Vũ Hán và Daegu thì dù có bị cách ly, người ta vẫn được phép cử người ra ngoài mua nhu yếu phẩm hai ngày 1 lần nên giá chỉ tăng chứ không ai bị thiếu ăn. Mà giá tăng cũng là do mình vơ vét mà ra cả.

VN rồi sẽ còn rất nhiều người thiếu ý thức nữa kìn kìn từ nước ngoài về. Nhưng được cái là lối sống của người Việt rất đặc trưng, có hoạt động gì tô hô hết lên mạng, và tai mắt quan sát của hàng xóm, đồng nghiệp cũng vô cùng đắc lực (giờ chỉ hắt hơi sổ mũi là cả xóm biết rồi, lò dò nhập viện vì khó thở thì cả nước biết ngay đêm ấy), không im im như dân phương Tây, ai đi đâu làm gì chẳng hay biết, nên cách ly cũng dễ. Số người Việt cho đến giờ này bị nhiễm thấp cũng là vì đang sẵn dịp Tết, ai nấy đều ở nguyên chỗ không đi lại và đa phần nâng cao cảnh giác, trong khi dân Hàn với Tây chẳng chịu đeo khẩu trang gì cả, đi chơi ở phố cổ HN với Hội An, Quảng Ninh cứ tươi hơn hớn, hỏi sao không đeo thì bảo đeo làm gì, cái này sao bằng cúm mùa Mỹ. Mình hỏi bao nhiêu bạn Tây đều thấy thản nhiên bảo thế. Nên họ toang là phải thôi.

Vì thế, mong cả nhà mình giữ gìn bằng cách vô chỗ đông người và kín gió, đặc biệt là cầu thang máy, taxi, phòng họp thì đeo khẩu trang vô, và hạn chế đi lại, vậy đã ổn lắm rồi đấy ạ, thế là hơn đứt Tây rồi. Còn xin đừng tích nhiều đồ, cứ ăn đồ cũ lâu ngày khéo miễn dịch còn đi xuống vì dính bệnh khác ấy.
(Mình từ đầu đến cuối đều xài khẩu trang vải, dù khẩu trang y tế còn mấy hộp lưu cữu từ nhiều năm, do khẩu trang vải nó ôm sát hơn, nó chỉ hơi hoa hoét thôi. Còn khẩu trang y tế lỏng lắm. Hở trên hở dưới cuối cùng vẫn lọt không khí vào. Mình có chục chiếc, dùng xong cho vào máy giặt. Nhiều người bảo khẩu trang vải nó vẫn… ngấm. Khổ, virus đến kính hiển vi nhìn mãi mới ra, có phải đổ nước đâu mà ngấm được)