Sự chân thực sẽ khởi lên tất cả. Chị chẳng thể hiện sự rôm rả, hào nhoáng, óng ả. Mà luôn giữ nét sâu lắng và cô tịch. Có một thế giới riêng trong thơ tác giả: Đêm phương Nam ánh lửa bập bùng/ Sự sống giấu dưới bao tầng lá mục/ bình minh là tiếng gà eo óc/ mồ hôi cha hòa cùng sương đêm/... / đất phương Nam đêm ngày vẫy gọi/ Cha đi theo thấp thoáng cánh cò.



NGUYỄN LẬP EM VÀ GIẤC MƠ THẤP THOÁNG CÁNH CÒ

TRẦN QUANG KHANH

Nguyễn Lập Em là tác giả ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 30 năm mê mải nghiệp cầm bút, chị đã có “vốn liếng” là hơn trăm tác phẩm văn xuôi, tự sự, kể cả 10 tập thơ xuất bản từ năm 1980 đến năm 2018 với nhiều giải thưởng có giá trị. Thơ Nguyễn Lập Em cuốn hút từ nét chân thực trong cách lột tả và diễn đạt tư tưởng. Chẳng hoa mĩ, màu mè, lên gân gì cả; cũng chẳng dùng triết lý để thu phục con tim và khối óc của mọi người, như nhiều thi sĩ khác đã thành công. Lời thơ của chị mộc, bình dân như khẩu ngữ, chân phương và “rất Nam bộ”. Nỗi vui buồn làm tôi thao thức/ Nỗi nhớ nhà… trọn vẹn yêu thương
Sự chân thực sẽ khởi lên tất cả. Chị chẳng thể hiện sự rôm rả, hào nhoáng, óng ả. Mà luôn giữ nét sâu lắng và cô tịch. Có một thế giới riêng trong thơ tác giả: Đêm phương Nam ánh lửa bập bùng/ Sự sống giấu dưới bao tầng lá mục/ bình minh là tiếng gà eo óc/ mồ hôi cha hòa cùng sương đêm/... / đất phương Nam đêm ngày vẫy gọi/ Cha đi theo thấp thoáng cánh cò.(Thấp thoáng cánh cò).
Chấp chới cánh cò khi ẩn, khi hiện – khi có, khi không. Một thế giới tình cảm “không” mà “có” (hữu ngã và vô ngã)... Hình tượng người cha như vị thần, dõi theo từng bước chân các con trên những chặng đường… Người cha đáng kính ấy như một tấm gương để con soi vào đó mà trui rèn, mà tu sửa: Cha của thời bùn ngập ống chân/ đã dạy con “bạc tiền như phấn thổ”/ niềm ao ước cho con biết chữ/ lớn hơn sản nghiệp đời mình.
Dường như những lời dạy đầy tâm huyết ấy luôn thường trực trong tâm trí của tác giả. Biết chữ để có tri thức, hoàn thiện hơn về nhân phẩm. Chắc hẳn ở nơi xa người cha của tác giả sẽ rất vui khi tiếng tăm con vang bóng ở một thời. Kể cả những lúc con thu mình dật sĩ, ôm “áng mận đào” và vui cùng “Lan vũ nữ đến mùa lại nở”: Em cứ đẹp còn ta/ buồn chút nữa/ Không thể trách thời gian vôi vữa/ Em tinh khôi, ta từng của xuân thì/ … Hoa cứ nở tưng bừng/ Như không biết có tàn phai chờ đợi….
Hình như nhân vật trữ tình đã chuẩn bị cho mình một “tinh thần nhập cuộc”… để sức “liễu yếu đào thơ” can trường đối mặt với gian truân trong duyên phận của mình. Đã nghe những lạnh lẽo, quạnh quẽ phả vào trong một thoáng sấm sét đã đi qua trên giàn lan ấy… Để rồi… cảm thấy chạnh lòng, đau đáu cho số phận. Nhưng vẫn có nét lạc quan, vui vẻ với đời: Lan vũ nữ đến mùa rộ nở/ rực rỡ vàng/ đẹp và tinh khôi.
Một cuộc tình thật trong trẻo, đầy tư tưởng nhân văn. Một mầu tím chung tình mong manh dù chỉ còn là đơn phương, cô tịch. Chấm nhỏ của mầu hoa/ mà như đời bất tận/ cất lên từ ký ức/ của kiếp nào trong ta/ dịu dàng bông súng tím/ bỗng vô cùng bao la” (Mầu tím mong manh)
Tác giả như đã “linh cảm” được những gì của ngày mai…
Đọc thơ Nguyễn Lập Em sẽ chợt gặp “điểm nhấn” trọng âm, đặt vào việc diễn tả cảm xúc dồn nén. Hình ảnh thơ được chọn lọc, cẩn thận. Tác giả luôn dụng công để tạo nét sống động, cho ra những đóa hoa thơ giản dị mà đầy cuốn hút, do phối hợp thành thạo giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Ai từng được lớn lên từ nhịp sống của làng quê sẽ cảm nhận được những cảm xúc hồi tưởng. Và chất liệu hiện thực qua từ ngữ tự nhiên, khỏe khoắn. ... Hãy sống hết những gì em có được/ Nắng gió và vòm trời trong suốt/ Sẽ cùng em nhảy múa khúc yêu đời.
Phải chăng tác giả luôn tự tạo niềm vui, vượt thoát lên trên nỗi đau đời thường. Chắc hẳn cứu cánh cả đời người phụ nữ ấy không đâu xa là hình ảnh thân thiết, gần gũi “ấp iu nồng đượm”- qua bóng dáng người mẹ, người bà và từ đó mở cuộc hành trình trở về hồi ức: Quê ngoại/ Vẫn còn đó mầu trời dáng núi/ … Góc sân nhà mình vẫn như xưa/ Con xanh xao buồn, nhớ má/ … Cứ thơ thẩn chỉ mình má biết (Ở một góc sân nhà).
Đó cũng là sự độc đáo, riêng biệt trong lối bày tỏ nơi chị. Từ trần thuật biến hóa sang độc thoại nội tâm: “Lẽ ra con lấy rổ hái trầu/ Lẽ ra con bắc thang…”
Đến bài thơ Hỏi chuyện người nghìn năm, tác giả viết khi đến thăm Khu di tích Óc Eo, dấu tích của Vương quốc Phù Nam cổ xưa, sự cật vấn một lần nữa được tác giả diễn đạt bằng cách tự hỏi: Mùa thế gian mùa của những kiếp người/ ta nghe từ lòng đất Óc Eo người nghìn năm nhắn gửi/ ngẫm phận mình đời có đến trăm năm?
Câu hỏi chất vấn hòa cùng giọng thơ, với khẩu khí hùng hồn, mạnh mẽ: - “Con người đang sống trong ảo mộng?”
Có lúc đầy chất trữ tình. Phảng phất nét u hoài, xa vắng: Chở phù sa lên đồng/ đưa nước phèn ra biển/ Ý tưởng vụt qua trở thành miên viễn/ Để lại cho đời/ Tiền nhân cổ xưa/ Ta rồi cũng sẽ cổ xưa (Nhớ người đào Kênh Vĩnh Tế).
Tác giả mạnh dạn trong nhận thức, chấp nhận “con tạo xoay vần”. Thường trực là thái độ sống ân nghĩa, theo đạo lý Uống nước nhớ nguồn: “Nghiêng mình trước người năm xưa nghĩ chuyện đào Kênh”.
Đặt chân đến địa danh nào, tác giả cũng đều lưu dấu một bài thơ: Mai Châu nhớ Quang Dũng, Rừng Trà Sư, Lên Pha Long, Về Mường Khương, Trở lại Hiệp Xương... Đến cù lao Ông Hổ, Mỹ Hòa Hưng - xứ sở lưu dấu trong ca dao, tác giả làm gợi nhớ những tích xưa, điển cũ: Vài trăm năm trước, cù lao hoang sơ/ Cọp sống cùng người, hiền ngoan như vậy/ Thú dữ nhớ ơn người, hàng năm giỗ quảy... (Nghĩ trước bia đá trấn đất cù lao ông Hổ).
Thành tâm, dân dã và chân phương nhưng gợi lên bao thông điệp, triết lý nhân sinh. Nguyễn Lập Em định nghĩa về thơ – chỉ vỏn vẹn 4 câu, như lắng đọng biết bao điều… Sang trọng hay chân quê/ Tình đời đều ứa lệ/ Thơ vui hay là buồn/ Vẫn âm thầm tỏa hương” (Ngẫm nghĩ thơ).
Có lẽ nghề viết cũng tựa như “Người hát rong”- ta và thơ là đôi bạn. Cho nên muốn ẩn mình và khép kín, suy tư miên viễn.
Thơ của người hát rong nói với chúng ta: Số phận nào ai giống ai/ … Nỗi bất hạnh lặng thầm không sao biết hết/ Cuộc đời muôn nghìn điệu nhạc/ Có cả nỗi buồn tôi đã hát ca/ … Sự đểu giả đến vô cùng/ Lòng lương thiện phải đâu hiếm có/ … Đồng tiền lạnh tanh bán mua nhân phẩm con người?
Sau cùng, đáp số của những bài toán nhân sinh hóc hiểm, những chông gai mà “kẻ hát rong” đã nếm trải. Đó phải chăng lương tri cần được đánh thức? Bởi lẽ người thiện bao giờ thần thức vẫn không muốn phụ thuộc vào bất cứ điều gì? Nỗi mất mát cứ nghiêng về phía thiện.