Bài thơ "Chị dâu" chỉ là lời kể của nhà thơ Vương Trọng, nhưng thấm thía từng lời là biết bao cảm thông của người em với chị dâu phải xa chồng những năm tháng chiến tranh dằng dặc; bù đắp tình yêu chồng bằng yêu thương “em chồng đông, mẹ chồng đau ốm nhiều”; vì chồng mà lo toan, gánh vác công việc nhà chồng, gia cảnh nghèo, quê nghèo, một thời gian khó.
MỘT NGÀY VUI, CHỊ BƯỚC VÀO NHÀ EM
PHAN THU HIỀN
Bài thơ của Vương Trọng có nhan đề giản dị: “Chị dâu”. Và nhà thơ cất giọng cũng giản dị, bằng lời kể giữ nguyên hồi ức hồn nhiên của cậu em chồng, cái ngày mà chị hàng xóm từ người dưng bỗng trở thành người trong nhà
Lớn lên cách mấy bờ rào
Một ngày vui, chị bước vào nhà em
Áo cánh nâu, quần lụa đen
Cặp ba lá sáng, ngôi nghiêng mái đầu
Khoảng cách giữa “chị” và “nhà em” được san lấp có phần bất ngờ đối với đứa trẻ, nhưng là một bất ngờ thú vị được đón nhận trong niềm vui, trong ánh mắt tò mò đầy trìu mến với hình ảnh nền nã, dịu dàng, tươi sáng của nàng dâu mới.
Nếu phần đầu bài thơ vẫn rành mạch giữa người “làm dâu” với “nhà chồng”, “mẹ chồng”, “em chồng” (những quan hệ theo luật pháp, mà trong ngôn ngữ Âu Mỹ, tiếng Anh chẳng hạn, phân biệt rất rõ ràng: “mother-in-law”, “sister-in-law”…), thì càng về cuối, đã tự nhiên chan hòa, thân thương, thành “nhà”, “bếp nhà”, thành “mẹ”, thành “chị” - “em”, không còn cần thêm định ngữ.
Tứ thơ mở ra giản dị như vậy, là niềm xúc động về những yêu thương chân thật đã chuyển hóa mối gắn kết thoạt tiên mang tính khế ước xã hội giữa nàng dâu cùng các thành viên khác trong gia đình chồng thành mối thâm tình như chung huyết thống, ruột rà.
Bài thơ chỉ làm lời kể của nhà thơ, nhưng thấm thía từng lời là biết bao cảm thông của người em với chị dâu phải xa chồng những năm tháng chiến tranh dằng dặc; bù đắp tình yêu chồng bằng yêu thương “em chồng đông, mẹ chồng đau ốm nhiều”; vì chồng mà lo toan, gánh vác công việc nhà chồng, gia cảnh nghèo, quê nghèo, một thời gian khó.
Nghĩ mà thương lắm chị dâu
Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường
Em ngồi đôi mắt nhòa sương
Nón tơi, cắp rá ngang vườn chị đi
Chiều ơi mưa mãi làm gì
Hoàng hôn đừng xuống trước khi chị về!
Giữa những ký ức khắc sâu trong lòng người em thì hình ảnh một “chiều mưa, gạo hết”, “nón tơi, cắp rá ngang vườn chị đi” đặc biệt cồn cào thương nhớ. Niềm nhớ thương rất gần với nỗi thổn thức của nhà thơ trong bài “Khóc giữa chiêm bao” (được viết năm 1988, hai năm sau bài thơ này), tưởng niệm về mẹ:
Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về.
Có thể hình dung đứa em đói khát ngồi trông chị về một chiều mưa kia, bóng người chị lam lũ, tảo tần đã nhòa cùng bóng mẹ.
Năm tháng qua, người em lớn lên, đi học, mải miết những mùa chinh chiến đất nước chưa sạch bóng giặc thù, rồi lập nghiệp, lập gia đình nơi xa. Mẹ già khuất núi. Quê nhà để anh trở về như chỉ được neo giữ với tấm tình người chị.
Không quen thương nhớ gửi lời
Em về, chị vẫn là người chị xưa
Bàn chân bấm ngón đường mưa
Bữa ăn thêm quả trứng mua xóm giềng…
Em về, em lại đi xa
Canh tư chị thức bếp nhà lửa nhen
Tiễn đưa, chân chị không quen
Gói cơm nếp lạc theo em lên tàu
Hai lần trong hai đoạn thơ kế nhau trở đi trở lại hình ảnh người chị đơn sơ, mộc mạc không quen thăm hỏi, thư từ, tỏ bày thương nhớ; cũng không quen bộc bạch, quyến luyến tiễn đưa. Nghĩa tình sâu lắng chỉ thể hiện bằng những chăm lo chi chút, ân cần. Dù tóc thêm sợi bạc giữa cháu con trưởng thành, chị vẫn là người chị của những ngày xưa “bàn chân bấm ngón đường mưa”, “canh tư chị thức bếp nhà lửa nhen”. Dù đời sống có thể khá hơn, cách chị vun vén “Bữa cơm thêm quả trứng mua láng giềng” đãi em hôm nay cũng y như chị từng xoay xỏa cho những bữa cơm xưa ngày giáp hạt. Và “gói cơm nếp lạc theo em lên tàu” gói ghém bao ấm nồng, thơm thảo của ruộng đồng. Hình ảnh người chị kết đọng tất cả hoài nhớ (nostalgia) mà người em đi xa thấy được trở về cố hương, nơi chôn nhau cắt rốn, trở về ngôi nhà, trở về thơ ấu của mình.
Vì thế, trong cái ngoảnh lại của người em trên con tàu đang dần rời xa chốn cũ, ở hai câu thơ kết, bóng dáng người chị đã hòa làm một cùng hình hài, tâm hồn xứ sở quê hương:
Ngoái nhìn núi dựng phía sau
Em tìm dáng chị cuối màu trời xanh.
Không phải một hình ảnh thơ ca, núi non cuối màu trời xanh ấy, sâu trong lòng nhà thơ, chính là Quỳ Sơn, ngọn núi trọc như quê hương Đô Lương cằn cọc, tỏa bóng trên vuông đất mẹ anh nằm, và ám ảnh tâm thức, như tuyệt đích trong cuộc đời này anh muốn sẽ trở về.
Cũng không phải một hình ảnh thơ ca, người chị trong dáng núi ấy chính là người chị dâu mà anh viết “Tặng chị Liên” trong lời đề từ, “Một ngày vui, chị bước vào nhà…” để trong lòng anh, nghĩa tình gia đình, quê hương thêm thắm thiết những thương yêu đơn sơ mà màu nhiệm.
Nguồn: Sách Tết