-Queen, ông tới nước chúng tôi vì Nga đang là thị trường mua bán phim sôi réo hay với lý do nào khác nữa ?
Q.T: Vì thị trường phim ở Nga đáp ứng với lợi lộc của Tập đoàn “Sony”- mà tập đoàn này đang buôn bán những bộ phim của tôi. Nhưng tôi sang Nga còn bởi vì ở đây tôi có nhiều người yêu thích các bộ phim của tôi nữa. Tính ngay từ thời bộ phim “Chuyện tào lao” ra mắt. Chính vì thế tôi tới Nga lần thứ hai để gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn Nga yêu mến tôi, tôi luôn nhớ họ, tôi không thờ ơ với họ.
-Qua đi một thời gian, ông đã thôi không quan tâm đến cái gọi là “ thú chơi với đời sống” như ở trong phim “Chuyện tào lao”. Ông đã bắt đầu “chế biến “ hiện thực, sáng tạo ra một thứ hiện thực đã được lọc lựa, ví như miêu tả Thế chiến hai trong bộ phim “Những quái thai ô nhục” .Hoặc Hollywood trong thời kỳ diễn ra vụ mưu sát nữ diễn viên Sharon Tate trong bộ phim mới nhất của ông.
Q.T: Trong hai bộ phim bạn vừa kể tôi rỡn đùa với lịch sử , nhưng cũng cần nói thêm trong phim “Jango được giải cứu” tôi đã thuật lại lịch sử theo ý mình ở một mức độ đáng kể, tuy không làm sai lệch những sự kiện cụ thể. Tôi cho rằng phim “Có một lần..ở Hollywood” là đỉnh cao trong bộ ba phim của tôi, một lần nữa tôi cũng thuật lại lịch sử theo cách của mình.
- Thay đổi những phận người của thế giới này theo ý mình- đó là đặc quyền của Chúa trời. Trong thời đại nở hoa của điện ảnh, đương nhiên, các vị đạo diễn đều là các vị Chúa trời rồi!
QT: Bản thân tôi không bao giờ coi đạo diễn là Chúa trời cả! Đối với tôi, các Chúa trời luôn luôn là các nhà văn, các nhà biên kịch điện ảnh.
-Theo chúng tôi, ông vừa là đạo diễn, vừa là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh...
K.T: Vâng, những người như vậy sáng tạo ra thế giới của mình, nghĩ ra các nhân vật và số phận của họ. Nhưng phải nói thẳng rằng, tôi không có sự vênh váo, nhận sằng như vậy đâu ! Tôi viết ra, dàn dựng thành phim những gì tôi muốn phải là như vậy, để chiếu cho các bạn xem.Hơn mọi điều, tôi thích bản thân cái quá trình được kể lại lịch sử, về những gì ẩn phía sau cái gọi là đã qua ấy, tôi hoàn toàn không bịa đặt.
- Cá nhân tôi rất sửng sốt với cái kết của bộ phim “Có một lần ở Hollywood ”. Nó tỏ thái độ phê phán những kẻ rao giảng quyền bình đẳng nam nữ một cách vờ vịt. Ông cũng đã nói rằng mọi tội lỗi là do sự phân biệt chủng tộc, bệnh cuồng dâm và bao điều nhăng nhít khác.
K.T: Đúng, điều đó thật tức cười. Những kẻ ấy muốn ca ngợi bọn giết người, những thành viên trong cái gọi là gia đình của Charle Melson. Tôi thì đề cao, ngợi ca những người thiệt mạng vì sự tàn bạo của bọn kia, như hai nhân vật Ebigeil Foldjer và Sharon Tate!
- Vào những năm 1960 tồn tại cái gọi là “mối đồng cảm” giữa đạo diễn và diễn viên tham gia trong các bộ phim của họ. Hiện tượng này in dấu ấn rất rõ trên màn ảnh. Bây giờ hầu như không còn thứ cảm xúc đó. Khi thực hiện những bộ phim xuất sắc của mình về những thời đại đã qua, ông có phải suy nghĩ gì về “ tính chân thật lịch sử “ không?
Q.T: Trong các bộ phim của tôi không thể hiện mảy may ý muốn nào đạt tới “tính chân thực lịch sử” ấy. Tôi kể một câu chuyện cụ thể , xẩy ra trong một giai đoạn cụ thể. Tôi không tin vào sự thỏa hiệp của dư luận xã hội. Các nhân vật của tôi là nhân vật của tôi; câu chuyện tôi kể là câu chuyện của tôi. Nhân vật và cốt chuyện kể được nẩy nở, phát triển theo yêu cầu tự thân của chúng. Tôi theo gương các nhà điện ảnh “khiêu khích” như các đạo diễn Ken Russell hay Sam Perkins. Đơn giản ra, tôi cố làm trọn điều mình muốn. Sau đó tự nhiên tôi trở thành kẻ “khiêu khích” trong những năm 1990 hay 1960 hay 1970. Sẽ khó hơn rất nhiều, nếu tôi làm điều này vào thời kỳ điện ảnh tiêu điều, như vào những năm 1950, nhưng đạo diễn vĩ đại Otto Preminger đã làm được điều đó. Còn vào những năm 1980 chúng ta đã sửng sốt vì tên tuổi của những “nhà điện ảnh khiêu khích” ví như David Lynch và Pol Vehuel. Tôi cho rằng trong những năm tháng này chúng ta cần tới “ những nhà điện ảnh khiêu khích “ như vậy hơn cả trong những năm tháng trước đây.
- Ông nổi tiếng còn vì đã làm mới lại tên tuổi của nhiều ngôi sao. Ví như Jonh Travolta. Nhưng tại sao trong “Có một lần ở Hollywood” ông lại giao vai cho Brad Pitt và Leonardo DiCaprio? Cặp đôi này cần “đánh bóng” lại cho mới sao ?
- Đối với tôi, sự “đánh bóng” lại công danh, tiếng tăm của diễn viên không bao giờ là mục đích tự thân. Tôi không hề nghĩ tới việc “đánh bóng” tên tuổi của Jonh Travolta sau phim “Chuyện tào lao” hay của Pem Griver sau phim “Kế hoạch của Jackie”. Nếu tiếng tăm của họ sáng thêm một lần nữa, tất nhiên tôi rất mừng cho anh em. Bởi lẽ không ai yêu mến, không ai thích các diễn viên này hơn tôi. Cả trong trường hợp này, trường hợp kia điều đó giản dị ra là ở chỗ công đoạn chọn diễn viên cho vai đã chính xác. Đối với Brad và Leo trong bộ phim mới của tôi cũng vậy. Tôi có ý thức rất rõ tôi đã mời tham gia bộ phim của mình hai ngôi sao hàng đầu của thế hệ diễn viên này. Và thành công của sự chọn lựa ấy đã được tất cả người xem xác nhận. Dẫu vậy, mọi sự sẽ không kết quả, nếu hai diễn viên thượng thặng kia không hợp với vai. May sao, cả hai vào vai như đo ni đóng giày! Thêm nữa, Brad và Leo như vào cùng một vai: một người vào vai diễn viên, người kia sắm vai diễn viên đóng thế diễn viên kia. Không nên cứ chọn bất cứ diễn viên tiếng tăm coi là ổn. Tôi cần một cặp đôi hợp nhau, lại người nọ có thể thay thế người kia trên màn ảnh. Họ phải ngầm hiểu được nhau.
-Trong một cuộc phỏng vấn ông trước đây, ông có kể thuở nhỏ ông đã từng xem phim “Moskva không tin vào những giọt nước mắt” . Bây giờ hóa ra một trong những bộ phim ông yêu thích nhất trong thời thơ ấu là một phim Nga khác – “Người cá”. Ông nghĩ sao về thứ “điện ảnh tác giả” của Nga?
Q.T: Xin nghe đây,nếu anh hỏi tôi phim Nga nào khiến tôi yêu thích nhất, nói đại thể tôi sẽ kể tới phim “Aleksandr Nevsky” của Sergei Eisenstein. Có một điều gì rất đặc biệt ! Cảnh về một trận đánh lưu huyết trong phim này mới đáng giá làm sao! Nhưng tôi không nói cho ai biết điều tôi vừa nói, bởi vì về bộ phim “Aleksei Nevsky” người ta đã nói quá nhiều. Ví như, đi tới Nhật thì một đạo diễn Mỹ nói rằng đạo diễn Nhật mà anh ta thích nhất là Akira Kurosawa. Điều này thật buồn! Bởi vì ở Mỹ không một ai trong số các đạo diễn Mỹ nói tới phim “ Người cá “ nên tôi nhắc tới nó. Và đó đúng là phim Nga đầu tiên tôi xem trong đời. Lúc đó tôi mới lên bảy, thậm chí tôi còn không biết đó là phim Nga!
-Ông đã viết ra những kịch bản tuyệt tác không chỉ dành cho các bộ phim của ông, mà còn để kiếm sống. Ông làm liền một hơi 10 bộ phim, sau đó ngưng nghỉ. Bây giờ ông cưới vợ và ước muốn được dành thời gian chăm sóc con cái. Ông sẽ làm gì về phương diện này? Còn vào thời ông chỉ viết kịch bản để kiếm sống, lúc ấy ông có mường tượng ra ông sẽ đạt tới những đỉnh cao, ông sẽ trở thành tên tuổi này, nọ không?
Q.T: Lúc đó tôi cũng hy vọng như thế chứ ! Nói chính xác hơn, ban đầu tôi chỉ mong muốn làm được dù chỉ một phim. Rồi tiếp tục xem hoàn cảnh đưa đẩy ra sao! Đương nhiên, tôi hy vọng sẽ quay được những bộ phim khác, tôi sẽ nổi tiếng và với thời gian tôi sẽ tích tụ dần những phẩm chất đạo diễn tốt nhất, tôi có thể trở thành một đạo diễn được mọi người nể trọng, rằng phim của tôi sẽ được biết tới không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Nhưng điều gì tôi không trù liệu được chính xác- đó là những gì đã xẩy ra sau “Sự tôn kính trọng tội”, bộ phim thứ 2 của tôi. Tôi đã nghĩ rằng phải chờ đợi một thời gian dài nữa, phải có những nỗ lực lớn hơn nữa. Nhưng bỗng nhiên - bùng nổ! Đó là một chuyến cất cánh không ngờ trước. Thành công này đã tạo ra cho tôi một tình thế đặc biệt, tôi có được những điều kiện làm việc tuyệt vời. Tôi luôn luôn biết tôn trọng với những gì được trời phú. Tôi không hề coi đó là điều đương nhiên. Chính vì thế tôi không làm ra thứ điện ảnh xuất phát từ những suy ngẫm vu vơ. Phim ảnh đối với tôi không đơn giản là “công việc”. Tôi không làm phim vì tiền. Tôi không làm phim nhắm để công danh, tên tuổi của mình âm vang, rực rỡ hơn. Tôi chỉ làm phim vì những gì thôi thúc từ bên trong con người tôi. Giống hệt như một nghệ sỹ lãng mạn, một họa sỹ bắt tay vào việc.
TÔ HOÀNG
(Theo báo nước ngoài)