Nhà văn Tô Hoàng nhận định: Khi ngay từ trong kịch bản văn học, trong kịch bản phân cảnh không có nhân vật đáng gọi là nhân vật, thì hiển nhiên là không thể có vai diễn đáng ra vai diễn và tài năng diễn viên không thể kiếm được mảnh đất mỡ màu mà đâm chồi, nẩy lộc.




VẤN NẠN CỦA ĐIỆN ẢNH HÔM NAY: PHIM KHÔNG CÓ NHÂN VẬT   

TÔ HOÀNG 

Trong khoảng mươi, mười lăm năm của trước và sau thập niên 1990, sau công cuộc Đổi mới Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bộ phim hay, đáng nhớ. Trong nhiều điều hay, điều đáng nhớ đó có điều này – phim ảnh đã tạo dựng được những nhân vật có hồn cốt, có xương thịt; thông qua hành động và xung đột, nhiều nhân vật đã khắc hoạ được tính cách. Hãy nhớ tới nhân vật vợ lớn, vợ nhỏ do Mai Hoa và Hồng Ánh thủ vai trong phim Đời cátcủa đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Bộ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh giống như một ghi nhanh về những biến đổi của nông thôn khi bước vào cơ chế thị trường. Ấy thế nhưng trong bức phác thảo ấy lại có rất nhiều nhân vật không trộn lộn vào nhau, đầy dị biệt, lưu đọng trong tâm tưởng người xem. Hai nhân vật nam và nữ trong phim Canh bạc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh có lẽ là hai vai diễn thành công nhất của Đơn Dương và Thu Hà. Trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật, tạo cho nhân vật sức sống đến mức người xem như đã được gặp gỡ, được trò chuyện với vai, cũng đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã gặt hái thành công trong bộ phim Ngã ba Đồng Lộc. Trong những năm chiến tranh, người viết những dòng này đã vào, ra tuyến lửa Khu IV cũ; cũng nhiều lần qua cửa tử Đồng Lộc. Tôi xác nhận rằng các nhân vật ấy tuyệt nhiên không phải là sản phẩm của một trí tưởng tượng non yếu, vật vờ mà đã được nhào nặn, gột đắp lên bằng tất cả sự trải nghiệm qua chiến tranh của nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh và đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Bộ phim Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh và đặc biệt là bộ phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng đã xây dựng được những nhân vật có hồn cốt, máu thịt, có sức thuyết phục; gây được niềm tin và sau đó lay động được trái tim người xem.
Nhưng những hoa thơm trái ngọt đó mau chóng bị bỏ quên. Điện ảnh càng đi sâu vào cơ chế thị trường, phim càng dấn sâu vào xu hướng giải trí; đặc biệt khi phim truyện truyền hình lan tỏa như một đại dịch, thì hình như những bộ phim như đã kể trên càng ngày thưa thớt.

Xin hãy ghé mắt ít phút nhìn qua lĩnh vực văn học anh em. Cùng nhịp bước vào cơ chế thị trường, cùng phải gắng gỏi làm sao để mỗi mét phim có người xem, mỗi trang sách có người đọc, ấy thế nhưng qua các cuốn tiểu thuyết nhận được giải thưởng văn học hàng năm, ví như Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn của nhà văn cao niên Nguyễn Xuân Khánh, truyện vừa Cánh đồng bất tận của cây bút trẻ vùng đất mũi Cà Mau - Nguyễn Ngọc Tư; những tập truyện ngắn, truyện dài của các nhà văn nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Thùy Dương; các cuốn tiểu thuyết dài hơi của các nhà văn Lê Văn Thảo, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương,  Nguyễn Văn Thọ… đều nói với chúng ta rằng, lao động của văn chương là thiêng liêng, là nhọc nhằn, là tâm huyết. Và dù cũng phải bươn chải, vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền; dù cũng phải chiều khách để bán sách nhưng các nhà văn tuyệt nhiên không coi thường bạn đọc; không cung cấp cho thị trường “hàng rm”. Những nhân vật văn học trong các tác phẩm ấy là sự đúc rút, khái quát những quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống của đồng bào mình. Nhân vật văn chương cũng đang sống, đang hít thở, đang cùng chúng ta loay hoay, trầy trật tìm lời giải đáp cho những câu hỏi bức xúc ở thời hiện tại. Nhiều trường hợp, nhân vật văn chương còn buộc người đọc có lương tâm, lương tri phải cật vấn mục đích sống và từng ngày sống của chính mình. Đáng tiếc sao, những nhân vật của các tác phẩm văn học như thế hình như bị cấm cửa, không được bén gót cánh cổng điện ảnh.

Cũng có người làm phim biện minh không nên so sánh giữa điện ảnh và văn chương. Điện ảnh có những đặc thù riêng, có ngôn ngữ thể hiện khác biệt không giống như chữ nghĩa. Không ai phủ nhận điều đó cả. Nhưng trên bình diện xét về tính điển hình, sức khái quát, độ hấp dẫn, những gì được xem là hồn cốt, máu thịt của nhân vật..thiết tưởng không có sự khác nhau giữa các thể loại sân khấu, văn chương và phim ảnh.  

Khi nói tới phim ảnh, người ta hay bàn nam diễn viên vào vai rất ngọt, nữ diễn viên kia vào vai gượng gạo, khụng khiệng… Nhưng có một sự thật giản dị mà không phải ai cũng biết: đã không có NHÂN VẬT – tất không có VAI DIỄN và nếu phim đã không có vai diễn thì cần gì đến DIỄN XUẤT (tức tài năng của diễn viên).

Tôi may mắn từng vài lần được ngồi ghế Ban Giám khảo mảng phim truyện nhựa hoặc video trong các LHP quốc gia hoặc LHP truyền hình. Thật nực cười khi trong một bộ phim vừa xem tích truyện sống sít, gượng gạo, xung đột giả tạo; các vai diễn đi đứng, nói năng, tỏ tình, giận hờn, ruồng rẫy nhau đều được sắp đặt gượng ép theo chủ quan của các tác giả; chúng hệt như những “ma-nơ-canh” trong các cửa hàng thời trang, như những hồn ma bóng quỷ nửa người, nửa ngợm, thiếu vắng hoàn toàn hơi thở và những giọt máu hồng của đời sống… Ấy thế nhưng khi bỏ phiếu nhiều vị giám khảo (vốn là những nghệ sỹ có danh hiệu ) vẫn bầu người sắm vai các “ma-nơ-canh” ấy là những nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất để nhận Giải Vàng, Giải Bạc. Có cảm giác các vị cần cân nẩy mực ấy thấy phim không cần có nhân vật, không cần có vai diễn, người diễn vẫn diễn giỏi được! Hoặc vì anh hay chị diễn viên ấy không cần diễn giỏi ở phim này, mà họ đã từng diễn giỏi ở vài ba phim trước. Hoặc nữa vì họ đã là Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, hoặc là những ngôi sao đang lên!

Nhà văn với ngòi bút và trang giấy, từ dòng viết đầu tiên đến lúc phác hoạ ra một dung nhan, với bước đi dáng ngồi riêng, đến lời ăn tiếng nói đầu tiên, hành xứ đầu tiên làm sao để nhân vật mình đang thai nghén găm được vào trí nhớ bộn bề của người xem – đâu có là chuyện đơn giản? Về phương diện này, hình như điện ảnh có lợi thế hơn: anh hay chị diễn viên chỉ cần lướt qua ống kính, nhíu mày hay cười duyên một cái, họ lập tức đã được “ghi hình” và người xem tự giác hay bị ép buộc đón nhận hình ảnh đó. Nhưng thực ra có được một nhân vật có tâm trạng, có diện mạo và tính cách riêng, có lời ăn tiếng nói, có cách khu xử riêng, thì ở phim ảnh hình như còn khó hơn cả bên văn học nữa !
  
Hãy nhớ tới nhân vật của Dustin Hoffman trong Người trong mưa, nhân vật của Al Pacino trong Hương vị đàn bà, nhân vật của Clint Eastwood và của Meryl Streep trong phim Những cây cầu ở xứ Madison...  Trên thế gian này có một trăm tác phẩm điện ảnh xuất sắc là có một trăm nhân vật khó quên, một trăm tính cách độc đáo, một trăm tâm trạng chưa hề biết tới nhưng vẫn soi tỏ tâm trạng chung của mọi người. Có một trăm tên tuổi đạo diễn gạo cội, diễn viên lừng danh là điện ảnh thế giới có được vài trăm nhân vật màn ảnh có sức sống qua nhiều năm tháng; nói được tiếng nói bằng nhiều  ngôn ngữ của các dân tộc…

Có chuyện đố vui như sau: Nếu ông chủ phim vắt cổ chày ra nước (tức giảm thiểu mọi chi phí đổ vào các quy trình làm ra một bộ phim để đồng lờ lãi phồng nở thật to), thử hỏi tai họa sẽ gieo lên đầu ai đây? Các tác giả, diễn viên,họa sỹ thiết kế, nhân viên phụ tạp sẽ nhận về đồng thù lao còm chăng? Cũng đúng mà chưa đúng. Phép tính lỗ lãi kia sẽ khiến các nhân vật trong bộ phim trở nên tong teo, ốm o, mặt xanh nanh vàng cả! Vì sao à? Đố nữa! 
  
Tôi xin nhắc lại: Khi ngay từ trong kịch bản văn học,  trong kịch bản phân cảnh không có nhân vật đáng gọi là nhân vật thì hiển nhiên là không thể có vai diễn đáng ra vai diễn và tài năng diễn viên không thể kiếm được mảnh đất mỡ màu mà đâm chồi, nẩy lộc. Ý tôi muốn nói đến những vai diễn mà ngay từ khi còn là chất liệu bằng chữ nghĩa, đạo diễn đã phải đổ mồ hôi hột, chân thành tự vấn mình đã đủ hiểu biết và độ từng trải để khám phá cho cho hết chiều sâu nội tâm và tính cách của các nhân vật đó hay chưa? Ý tôi muốn nói tới những nhân vật sừng sững như dãy Himalaya, mênh mông như sa mạc Gobi, thẳm sâu như đáy biển Thái Bình Dương khiến diễn viên qua đi giây phút sững sờ, choáng ngợp khi mới tiếp xúc, bỗng cảm nhận ra vai diễn chính là võ đài tử thí thực sự lần cuối tài năng và bản lĩnh nghề nghiệp  của mình.

Còn một hệ lụy khác không thể không nói tới. Ai cũng biết tuổi thọ của một đời diễn và của nhan sắc, sức vóc nam, nữ diễn viên thật ngắn ngủi. Hai khoa đào tạo diễn viên của Trường Sân khấu – Điện ảnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫu nỗ lực tìm tòi và vun quén, bồi bổ tài năng cũng chỉ đang làm chuyện “dã tràng xe cát biển Đông” thôi. Bởi nếu công việc làm phim vẫn cứ ẩu tả, dễ dàng, vẫn bị thao túng bởi đồng tiền ngay từ khi phim còn ở trên giấy – để sinh ra những mẫu nhân vật bấy bớt, thiếu sinh khí, “đồng cô bóng cậu”, lả lướt, ẽo ợt nói cười - các diễn viên trẻ sẽ rơi vào thân phận của một thứ đồ hàng mã bán trước cửa chùa – may mắn lắm sẽ được sáng bùng lên một lần và vĩnh viễn thiêu rụi trong lửa đỏ!