Tại sao các nhật báo Sài Gòn trước 1975 đều sống chết” với truyện dài kỳ? Lý do đơn gin, vì đây là một chuyên mục hấp dẫn với những người bỏ tiền ra mua báo. Một tờ báo có thể có đến bốn truyện dài kỳ đủ các thể loại như tâm lý xã hội, truyện trinh thám, truyện ma, võ hiệp kỳ tình, truyện Tàu…để đáp ứng nhu cầu của đủ thể loại độc giả.



TRUYỆN DÀI KỲ ĐÃ HẾT ĐẤT SỐNG?

LÊ VĂN NGHĨA

   Lâu lắm rồi, chữ phơi-dơ-tông (feuilleton- Truyện dài kỳ) không còn xuất hiện trên các trang báo Việt Nam. Nếu như các chuyên mục với những thể loại  điều tra, phóng sự, bình luận, viết tin…được dạy, nghiên cứu, đề tài luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thì phơi-dơ-tông-truyện dài kỳ (TDK) không được nhắc đến và nhìn nhận như một chuyên mục đã từng tồn tại trên báo chí VN từ xa xưa và khoảng  năm 1987 – sau Ván Bài Lật Ngửa trên báo Tuổi Trẻ, chuyên mục này đã biến mất.Báo chí hiện nay không còn chuyên mục TDK nữa.                                                                                                        Truyện dài kỳ là một ‘phát minh’ của làng báo Pháp từ thế kỷ 19. Tờ báo ‘Sìèle’ (Thế kỷ) vào năm 1835 đã đăng một truyện dài kỳ về phong tục ở Tây Ban Nha. Thật đáng tiếc, truyện dài kỳ nầy chỉ đăng được 4 kỳ thì ‘ngủm củ tỏi’ vì bạn đọc chê không hấp dẫn. Năm sau, đại văn hào Balzac cũng thất bại khi đăng truyện ‘Vielle fille’ (Cô Gái Già). Nhưng vẫn hơn đồng nghiệp đi trước đến 11 kỳ. Cũng cùng lý do: Độc giả đòi hỏi truyện phải có tính chất giải trí, hấp dẫn. Phải chi, Balzac đặt tên truyện là ‘Cô gái trẻ’ thì có thể ngon lành rồi.  Có lẽ, thể loại nầy còn hơi thở là nhờ công của tờ báo ‘Journal des Debals’ đăng bộ truyện của Eugène Sue ‘ Les Mystères de Paris’ (Những bí mật của Paris-truyện này đã được xuất bản ở VN). Trong thời gian đăng truyện nầy thì số lượng báo tăng lên vùn vụt. Cạnh tranh, tờ ‘Constitutinnel’ cũng mua bộ truyện ‘Le Juif errant’ (tạm dịch Người Do Thái Lang Thang) cũng của tác giả nầy. Báo đang in ra có 3000 đã vọt lên 40.000 số mỗi ngày. Sau nầy Alexandre Dumas, tác giả những bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông điển hình Les Trois Mousquetaires, Le Comte de Monte-Cristo. Được xem là một trong những người viết truyện dài kỳ nổi tiếng nhất của Pháp.
TRUYỆN DÀI KỲ THỜI TRƯỚC 1975.
   Người Việt Nam học cách làm báo từ người Pháp vì vậy những tờ báo VN thời kỳ đầu cũng  đã có chuyên mục truyện dài kỳ để …bán báo. Theo nhà văn Vũ Bằng trong bài ‘Báo chí Bắc Việt 34-54 – Văn học (Sài gòn) :’ Phong hóa được hoan nghênh vì báo nầy đã đưa ra một cái mới là tiểu thuyết dài và tiểu thuyết ngắn có tính chất tư sản ( phù hợp với người dân lúc đó)’. Theo ông Lại Nguyên Ân thì thời kỳ rực rỡ nhất của báo chí tiếng Việt thời kỳ từ năm 1913 – 1914 đến 1945 là báo văn hóa, văn nghệ, văn chương. Nền văn chương hiện đại của tiếng Việt ra đời và tựa một phần trên báo chí. Phong trào thơ mới cũng được phát động, cổ động trên báo chí. Các tác phẩm được công bố trên báo chí trước khi xuất bản thành các tập sách.
Ở một góc nhìn khác, dịch giả Thúy Toàn cho rằng không chỉ có thơ, văn mà cả văn học dịch cũng đã xuất hiện nhờ báo chí. Dịch giả Thúy Toàn dẫn chứng: "Tờ Tiếng dân ra đời năm 1927 ở Huế, thì ngay số đầu tiên đã đăng tải bản dịch Phục sinh của Hoa Trung. Bản dịch Phục Sinh được đăng tải liên tiếp từ số đầu tiên kéo dài tới số thứ 86".
 Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 54, trên các báo Liên Hiệp đã xuất hiện cây bút Hoàng Ly với ‘Tiếng Địch Trên Sông’, ‘ Hận Loa Thành, Kỹ Nữ Sông Kỳ Cùng Nguyễn Quỳnh viết một loạt truyện dã sử trên báo Tia Sáng, còn Bạch Diện là tác giả nhiều bộ dã sử kéo dài mấy năm liền trên các báo Liên Hiệp, Giang Sơn…
  Ở Nam Kỳ, làng báo Sài Gòn cũng đã đọc TDK khoảng cuối những năm 1920. Từ năm 1924, Phú Đức đã xuất hiện ‘Câu Chuyện Canh Trường’ trên báo ‘Trung Lập’ và sau đó là ‘Căn Nhà Bí Mật’. Bên báo ‘Công Luận’ thì có Nam Đình. Năm 1929, Hồ Biểu Chánh đã xuất hiện ‘Vì Nghĩa Hay Vì Tình’ hàng tuần trên Phụ Nữ Tân Văn của ông Nguyễn Đức Nhuận. Từ sau năm 1945 trong làng báo Sài Gòn , TDK giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo. Khi xuất bản một tờ báo là, các chủ báo, nhà quản lý phải nghĩ ngay đến các tác giả viết TDK ăn khách. Theo nhà văn Vũ Hạnh ‘…đặc biệt là tiểu thuyết trang trong (nhật báo)  đủ các thể loại’-( Báo chí hôm nay 1954-65-Bách Khoa số 217 ngày 15.1.66) . Cũng trong tạp chí Bách Khoa số nầy nhà văn Võ Phiến nhận định  ‘…chiếm nhiều chỗ nhất là những truyện để giải trí…’.
   Tại sao các nhật báo Sài gòn đều ‘sống chết’ với chuyên mục nầy. Lý do đơn giàn là TDK là một chuyên mục hấp dẫn với những người bỏ tiền ra mua báo. Một tờ báo có thể có đến bốn TDK đủ các thể loại như tâm lý xã hội, truyện trinh thám, truyện ma, võ hiệp kỳ tình, truyện Tàu…để đáp ứng nhu cầu của đủ thể loại độc giả. Một tờ báo nào đó chỉ cần có một TDK  hay, ăn khách, sẽ làm cho tờ báo đó sống vững, sống mạnh khỏe-chủ báo chắc chắn có xe hơi nhà lầu. Đó là trường hợp của các tờ nhật báo Sài gòn mới của bà Bút Trà với TDK của Bà Tùng Long, Thần Chung với tiểu thuyết Cô Bạch Mai do chính Chủ nhiệm Nam Đình viết, những năm 1951, 1952. Ngay cả những tờ báo có tiếng về ‘lập trường chính trị’ như ‘ Sống’, Chu Tử cũng phải mời bà Tùng Long viết TDK. Hoặc tờ ‘Xây Dựng’ của linh mục Nguyễn Quang Lãm thì phải nuôi Duyên Anh với ‘Điệu Ru Nước Mắt’-một truyện du đãng thời thượng lúc đó được cho là viết dựa theo cuộc đời trùm du đãng Đại Ca Thay.
   Trong ‘Hồi Ký Bà Tùng Long’ có ghi lại bài viết của ký giả Trần Quân của tờ Times Sài gòn ‘…cái gì trong tờ báo đã khiến cho bà (độc giả) quan tâm chiếu cố đến vậy, bà sẽ nói với bạn không một chút ngần ngại là không phải những chuyện tranh đấu không ngừng của Lumumba, hay cuộc tranh chấp không bao giờ chấm dứt của Phoumi và Phouma, và cũng không phải sự ra đời của một hoàng nam kế vị ngai vàng của xứ Iran, mà chỉ là tiểu thuyết ra hằng ngày trên báo của một cây bút nữ được cả nước nghe tên, được cả nước đọc với bút hiệu Bà Tùng Long… ‘
  Người đọc TDK lúc đó là ai? Vẫn theo nhận định của Trần Quân ‘ Độc giả của bà (Tùng long)  thuộc nhiều thành phần khác nhau, phần đông ở giới lao động, ít học, những người nội trợ muốn tìm cái chìa khóa hạnh phúc, những kẻ không có phương tiện để đến trường nghe lời giảng dạy của các thầy giáo, cả những quân nhân ở những vùng xa xôi hay những thủy thủ thiếu mái ấm gia đình’. Đồng tình theo nhận định nầy,  tác giả viết TDK chuyên nghiệp Gã Thâm viết ‘Độc giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông những năm xưa ở Sài Gòn đa phần là phụ nữ. Ngoài việc mỗi ngày đi chợ, thường là ra khỏi nhà vài bước là có chợ đầu xóm bán đủ thức ăn, ngoài việc nấu ăn, trông con, những phụ nữ ấy có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng từng ngày trong các nhật báo. Họ là lớp độc giả chính, trung thành của tiểu thuyết phơi-ơ-tông, và họ rất chịu bỏ tiền mua báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo bán chạy
   Theo tôi, có lẽ hai tác giả nói trên vẫn còn phiến diện khi không nhắc đến những độc giả là đàn ông ở nhiều lứa tuổi và thành phần khi họ thích đọc những truyện trinh thám như ‘Bàn Tay Máu’ của Phi Long (Ngọc Sơn), truyện Võ hiệp kỳ tình ‘Kỹ nữ Gò Ôn Khâu’ (Hoài Điệp Thứ Lang-nhà thơ Đinh Hùng), ‘Lệnh Xé Xác’ (Lã Phi Khanh-Vũ Bình Thư) và kể cả nhiều tầng lớp trí thức mê say truyện chưởng của Kim Dung. Họ đã hàng ngày chờ đợi ‘ Cô Gái Đồ Long’, ‘Anh Hùng Xạ Điêu’, ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’…của ‘Cấm Dùng’ Tiên Sinh (Kim Dung) qua cách chuyển ngữ rất giang hồ hành hiệp của Hàn Giang Nhạn. Nói không quá là  nhật trình lúc đó sống nhờ truyện chưởng. Họ mua báo hàng ngày chỉ vì muốn đọc truyện chưởng dài kỳ của Kim Dung mà thôi. Trong một buổi hội luận dành cho SV báo chí, nhà báo Từ Chung nêu câu hỏi rất giản dị ‘ Tại sao báo VN nào chũng phải đăng truyện kiếm hiệp’  và tự trả lời‘ quan trọng hơn cả, không có kiếm hiệp  thì báo bán không chạy. Báo bán không chạy thì báo chết. Nó giản dị vậy thôi.’ Báo có thể rất nghiêm chỉnh, tin tức bình luận đều hay nhưng không thể không có tiểu thuyết ăn khách. ‘Phi kiếm hiệp bất thành báo’
SỐNG BẰNG TRUYỆN DÀI KỲ.
 Một tờ báo được độc giả đón nhận nhờ TDK hấp dẫn thì không những đời chủ báo lên hương mà các tác giả viết TDK vẫn có thể ung dung sống thoải mái, thậm chí có người còn đi xe hơi và nuôi cả gia đình như  Bà Tùng Long xác định viết TDK để nuôi con. Và năm 72 bà đã ngừng viết vì các con đã lớn (theo Hồi Ký Bà Tùng Long). Họ-cnếu gọi là nhà văn- thì đây chính là những nhà văn đã sống bằng chính nhận bút chứ không cần lương cố định của một tòa soạn nào. Theo tác giả Hoàng Hải Thủy tự nhận xét ‘Tôi trở thành thợ viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông chuyên nghiệp, tôi sống bằng việc viết truyện phơi-ơ-tông.’ Lúc ấy, trong làng báo Sài gòn đã xuất hiện những người viết TDK chuyên nghiệp.  Họ chỉ viết TDK để sống và chỉ sống bằng việc viết TDK. Viết xong, nếu  ăn khách, sẽ được nhà xuất bản mua để in thành sách, nhiều tác giả TDK tự xuất bản tác phẩm của mình như Ngọc Linh, Duyên Anh. Thí dụ như trường hợp của Dương Hà, sau khi thành công với TDK đầu tay ‘Bên dòng Sông Trẹm’, từ năm 1952 Dương Hà chuyên viết tiểu thuyết cho nhật báo Sàigòn mới đề sống cho đến khi báo nầy bị đóng cửa vào năm 1964. 
    Có lẽ thấy viết TDK đăng nhật trình hàng ngày vừa có tiền sống lại vừa phổ biến được tác phẩm nhanh và rộng nên những nhà văn được cho là ‘chính thống’ như Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long …đều lao vào viết truyện dài kỳ cho các nhật và tuần báo. Nhờ TDK mà cuộc sống của họ dư dã và ổn định. Họ sống được là vì mỗi ngày họ phải cung cấp TDK cho ít nhất là hai tờ nhật báo như bà Tùng Long viết trong hồi ký ‘Anh thử nghĩ xem tôi còn thì giờ đâu để mà viết cho Sống nữa chớ? Tiếng Vang rồi Sàigòn Mới, rồi hai tờ báo tuần Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn (làm thư ký tòa soạn), Phụ Nữ Ngày Mai với một truyện dài và một truyện ngắn hằng tuần’.Nhà văn Phú Đức, tác giả ‘Châu Về Hợp phố được cho là người viết TDK với kỷ lục viết cho năm tờ báo hàng ngày. Do đó, đích thân ông phải đi giao bài cho từng tòa soạn vì sợ cảnh ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’. Đã từng có nhà văn do đãng trí đưa nhầm truyện viết cho báo B sang  báo A nên hôm đó độc giả không hiểu tại sao anh Hùng đang đưa em Loan đi chơi tửu lầu Đồng Khánh thì lại xảy ra cuộc đánh ghen của hai bà ở tận xứ chó ăn đá gà ăn muối Chắc cà đao và ngược lại. Để tránh tình trạn này, nhà văn Sơn Nam đến từng tòa báo, ngồi vào bàn viết yêu cầu nhân viên tòa soạn cho đọc truyện xem lại ngày hôm trước đã viết đến đoạn nào để ráp viết tiếp cho chắc ăn. Vì có lần sau khi truyện đã đăng báo thì ông chủ bút cho biết là nhân vật X. lần trước đã bị ông khai tử rồi sao bây giớ còn xuất hiện. Thế là ông tìm cách cho nhân vật ‘hồi dương’ một cách hợp lý. Ngay cả Kim Dung cũng lâm vào tình trạng cho nhân vật võ hiệp bị chết vì đao kiếm đoạn trước sau đó xuất hiện và đánh tiếp ngon ơ!
    Bạn đọc sẽ không thắc mắc tại sao có sự nhầm lẫn nầy nếu như bạn đã biết các cây bút TDK thường viết đủ số chữ cho phần ‘đất’ trên trang báo chứ ít khi họ viết thành một quyển tiểu thuyết trước rồi lấy ra đăng lại như bây giờ. Chính vì lý do nầy mà nhà văn không được chểnh mảng vì bị ‘thúc vào đít’ hàng ngày bởi trang báo đang để trắng, các ấn công, thầy ‘Cò’ đang chờ bài. Theo họ khi bị ‘rượt đuổi ‘ vào giờ chót như vậy thì họ mới có ‘yên sĩ phi lý thuần’ (aspiration)  mà viết thật hay. Và nhờ viết hàng ngày mà họ có thể đo lường sự quan tâm của bạn đọc về câu chuyện để có ý và hứng thú viết tiếp cho ngày hôm sau. Ông Nam Đình, đang làm chủ báo nhưng lại là cây bút viết TDK, hàng ngày, thường la cà ở các sạp báo để hỏi người bán hoặc độc giả về câu chuyện và các nhân vật của ông xuất hiện trên báo ngày hôm nay. Có độc giả tức tối vì nhân vật nữ bị ám sát thì hôm sau ông liền cho nhân vật nữ sống lại một cách rất thuyết phục –cũng như trong phim, nhân vật chính chết thì lấy gì mà xem!
  Giao bài đủ số trang, số chữ là sự thuận lợi chỉ dành riêng cho người viết chứ các chủ báo, chủ bút thì lên ruột từng đoạn. Khi gần hết hạn đưa bài xuống nhà in, ấn công hối thúc thì chủ bút chỉ lạy trời cho ông ‘Phơi’ xuất hiện. Và khi có bản thảo viết tay chi chít những con chữ thế là một guồng máy bắt đầu  náo loạn từ thợ sắp chữ, sửa lỗi đến thợ bản vổ. Thỉnh thoảng khi không nhận được bài thì chỗ trống đó sẽ được trám vào bằng bài thơ thẩn, sưu tầm nào đó với giòng chữ cáo lỗi bạn đọc ‘Vì tác giả bệnh bất  ngờ nên truyện phải tạm ngưng hôm nay. Mong bạn đọc thông cảm và chờ đọc vào số báo ngày mai’. Đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu, các bài viết trái ý kiểm duyệt sẽ bị đục bỏ, nên tranh thủ và cũng để châm biếm sự kiểm duyệt báo chí các tòa soạn thường dùng bốn chữ ‘Tự Ý Đục Bỏ’ làm cho bạn đọc tưởng truyện đang có ‘vấn đề’ hay thiên cộng. Còn nếu như nhà văn bị bệnh dài ngày thì những người trong tòa soạn sẽ cùng nhau viết tiếp truyện đang dang dở. Các nhân vật ra sao thì ra để tác giả hết bệnh tự xử trí. Đây là trường hợp của truyện dài "Một Triệu Đồng" của nhà báo Như Phong đăng trên nhật báo Tự Do, khi Như Phong bị lao phổi, do truyện đang ăn khách, toà soạn quyết định tiếp tục. Trong hồi ký ‘Tôi Làm Báo’ nhà văn nhà giáo Tạ Quang Khôi kể lại: " Ông Nguyễn Hoạt yêu cầu mỗi người viết một đoạn để chờ ông Như Phong đi làm lại". Và truyện dài của nhà báo Như Phong đã được nhà thơ Đinh Hùng, nhà báo Nguyễn Hoạt và sau đó là Tạ Quang Khôi viết thay cho tới khi nhà báo Như Phong trở lại toà báo.
   Vì phải viết cho nhiều tờ báo trong một ngày nên một số ít nhà văn viết TDK đã nhờ người viết thuê ẩn danh để họ ký tên. (Bây giờ gọi là Ghost writer). Việc nầy ít khi được tiết lộ công khai vì thỏa thuận ngầm giữa hai bên nhưng không phải là không có. Theo nhà văn Vũ Bằng, Lê Văn Trương và chính ông cũng nhờ người viết thuê rồi đứng tên là tác giả: ‘Có nhiều truyện của Lê Văn Trương viết mà không phải chữ của Trương. Tôi bảo anh chính là ‘mọi’ viết chớ không phải là anh viết thì lập tức anh thề liền ‘tôi mà nói dối chết một đời cha ba đời con’.  Những nhà văn , nhà báo Âu Mỹ nuôi ‘mọi’ để viết rồi ký tên mình vào đó là chuyện thường thấy ,có gì lạ đâu. Tôi đã từng có lúc viết không kịp cũng phải nhờ ‘mọi’ giúp. Đó là thời kỳ 1940-42 tôi đưa ra loạt bài nói về các thứ ma quỷ, siêu hình học ( một ông giáo bây giờ đã qua đời giúp việc cho tôi hàng tháng) lúc tôi viết về loại báo Tabloid của Mỹ đăng trên ‘Trung bắc chủ nhật’. Và lúc tôi nhận viết mỗi tuần một ‘Truyện có thực’ và mỗi tháng một truyện dài hoặc để đăng ‘Phổ thông bán nguyệt san’ hoặc đăng báo ‘Truyền Bá’ (Văn Học- số 74 –sài gòn 1967)
 NHỮNG CÂY BÚT TRUYỆN DÀI KỲ CỦA LÀNG BÁO SÀI GÒN.
     Tôi chưa có đủ tài liệu để xác định xem người viết TDK đầu tiên trong làng báo Sài gòn là ai  nhưng, tạm thời, theo dòng thời gian thì một trong những tác giả viết TDK xưa của Sài Gòn là Hồ Biểu Chánh, tác giả những bộ truyện nổi tiếng Tỉnh Mộng, Cay Đắng Mùi Đời, viết năm 1923, Ngọn Cỏ Gió Đùa, viết năm 1926.Tác giả thứ hai là Phú Đức với những bộ truyện đúng kiểu tiểu thuyết phơi-ơ-tông như Châu Về Hiệp Phố, viết năm 1926, Căn Nhà Bí Mật, viết năm 1929, Tình trường huyết lệ, viết năm 1930..vv. 
  Riêng nhà văn Phú Đức được cho là người chiếm kỷ lục viết TDK cho năm tờ báo một ngày. Xuất thân từ nghề ‘gỏ đầu trẻ’, đang yêu đương phơi phới, chàng trai tỉnh Gia Định bèn dàn trải mối tình thơ mộng của mình bằng TDK đầu tiên mang tên ‘Câu Chuyện Canh Trường’ trên báo ‘Trung Lập’của ông De Lachevrotière do ông Trương Duy Toản làm chủ bút vào năm 1924. Ai mà dè, từ TDK đầu tiên đó, Phú Đức được ông Trương Duy Toản tiếp tục viết TDK ‘Căn Nhà Bí Mật’, ‘Châu Về Hiệp Phố’.  Cả hai bộ TDK nầy đã mang lại cho báo Trung Lập số độc giả kỷ lục trong làng báo thời ấy. Sau đó, ông được nhà báo Nam Đình mời về báo Công Luận làm chủ bút. Ở tờ báo nầy , mang danh là chủ bút, ăn lương ngang với Đốc Phủ Sứ nhưng chỉ có việc duy nhất là viết TDK ‘ Tiểu Anh Hùng Võ Kiết’ rồi ngồi lên xe hơi xì-gà mà rong chơi với các người đẹp ái mộ khắp Sài Gòn.
   Sau thời kỳ ‘nhung lụa’ ngót nghét cũng gần 20 năm, Phú Đức phải còng lưng viết TDK cho 5 tờ báo mỗi ngày. Ông làm việc như công chức, đúng giờ, đúng khắc. Mỗi buổi sáng, ông đến nhà một bạn làng văn, đóng đô ở đó viết cho đến xế trưa là đã xong số lượng trang viết cho các tờ báo đang chờ bản thảo của cây bút được quảng cáo là ‘…Đứa con tinh thần mà tác giả đắc ý nhất, sau bao nhiêu năm dầy công thai nghén một cốt truyện ly kỳ, rung rợn, quyết làm cho độc giả càng đọc càng mê say, cảm động…’. Nhưng thật ra những đưa con tinh thần nầy chính là những TDK đã đăng trên Trung lập và Công Luận rồi được ông xào nấu lại từng kỳ cho các tờ báo đang đói TDK. Hậu quả là vào năm 1952, một tuần báo đã viết bài với cái tít giật gân là Phú Đức: Tiểu Thuyết Gia Bổn Cũ Soạn Lại’. Một nhà văn thiếu nhi cũng là một nhà báo kênh kiệu đã nhận xét ‘Trong lịch sử làm báo  duy nhất một nhà văn Phú Đức quyến rũ độc giả ròng rã mấy năm bằng Quách si ma , nhân vật kỳ bí của triền miên phơi ơ tông Châu về Hiệp phố. Nhật báo của ông là … Châu về hiệp phố. Độc giả tranh nhau mua báo của ông chỉ để theo bước chân đi của Quách si ma ! Sức quyến rũ của ngòi bút Phú Đức thật đáng nể. Thời đó, chỉ có một người viết TDK đứng sau Phú Đức là Nam Đình. Dù là chủ tờ báo Thần Chung (1950) cũng thuộc loại có ‘số má’ nhưng ông đích thân viết TDK hàng ngày. Nếu Phú Đức được làng báo lúc ấy phong là người viết TDK ‘Bổn cũ soạn lại’ thì Nam Đình được tặng danh hiệu là ‘đại hải trường giang’. Từ TDK ‘Bà Lớn’ qua ‘Cháu Bà Lớn’ rồi ‘Cô Bạch Mai’ tới ‘Cô Bạch Mai’ tới ‘Cháu Ngọc’ Nam Đình đã cứu tờ Thần Chung đang từ chỗ sắp đình bản vươn lên thứ hạng nhất nhì lúc đó. Trước đó thì có ‘Kòn Trô’(1941), ‘Sương Giò Biên thùy’(1948) của nhà văn Lý Văn Sâm.
  Nếu bên Thần Chung có Cô Bạch Maithì năm 1952 bên Sài Gòn mới của bà Bút Trà xuất hiện Bên Dòng Sông Trẹmcủa cây bút mới toanh Dương Hà. Do nổi tiếng nên truyện được xuất bản thành sách ngay sau khi đăng hết trên báo. Không thua kém, bên báo Tiếng Chuông xuất hiện Ngọc Sơn với những TDK ‘ Ngày Về’,  Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu. Sau 1954 Ngọc Sơn chuyển qua viết TDK trinh thám kỳ tình ‘Bàn Tay Máu’ (có tranh minh họa kèm theo)  với bút hiệu Phi Long trên báo Sài Gòn Mới.
   Nói đến TDK tâm lý xã hội ăn khách nhất lúc đó không thể kể đến hai cây bút nổi tiếng của những năm 1950 là bà Tùng Long, bà Lan Phương. TDK của các nữ sĩ nầy đều có nhân vật chính là phụ nữ , thường gặp hoàn cảnh éo le nhưng đều vượt qua nghịch cảnh và kết truyện đều có hậu. Tất cả TDK của hai bà đều đề cao tình nghĩa gia đình, đề cao người phụ nữ nên đa số độc giả là nữ đều mê mẩn. Sau năm 1965 nhật báo Sài Gòn có mấy cây viết phơi-ơ-tông nữ nổi tiếng: Túy Hồng, Lệ Hằng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Tôi đọc được trong một cuộc phòng vấn trên báo bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết trên bàn viết lúc nào củng có hai …máy đánh chữ dành để viết hai truyện khác nhau cùng lúc. Khi viết bị bí truyện nầy thì nhảy sang viết truyện kia.
   Không thua bà Tùng Long, Lan Phương các cây bút nam giới cũng có Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc với những truyện dài về sông nước và con nguời nam bộ. Bình Nguyên Lộc đăng đoạn đầu truyện dài kỳ’ Phù sa’,  đăng trên báo Thanh Niên năm 1943, với tên Di dân lập ấp. Ông đã mê hoặc được độc giả nhờ truyện nầy. Sau đó, ông viết lại được độ 1/6 tác phẩm, cho in trên tuần báo Nhân Loại. Theo lời Bình Nguyên Lộc, Phù sa là "tác phẩm quan trọng nhất" của ông, làm sống lại cuộc "tiến vào Nam" của đồng bào Nam-Ngãi để dựng nên miền Lục Tỉnh’. Ngọc Linh với ‘Như Hạt Mưa Sa’, Lê Xuyên với ‘Chú Tư Cầu ‘ (Sài Gòn Mai năm 1961), Dân Việt với TDK của Chu Tử: Sống, Yêu, Tình, Loạn xuất hiện năm 1961, 1962.An Khê với ‘ Hai Chuyến Xe Hoa.Lã Phi Khanh, với TDK Lệnh Xé Xác trên báo Tin Sáng. Văn Quang với ‘Đời Chưa Trang điểm’, Nguyễn Đình Toàn với ‘Áo Mơ Phai’,Trọng Nguyên. Dương Trữ La, Lê Minh Hoàng Thái Sơn…đa dạng sắc màu thể loại TDK trên các nhật báo. Ngay cả nhà thơ như Bùi Giáng cũng viết TDK. Khi tìm tài liệu viết bài nầy, tôi bất ngờ nhất là nhà thơ Bùi Giáng cũng viết TDK...võ hiệp. Theo hồi ký của tác giả Kiều Giang thì ‘Bùi Giáng cũng có thời kỳ viết bộ truyện phơi-ơ-tông đăng trên nhật báo sống năm 1970. Anh thường cho hai nhân vật nam nữ khơi khơi dùng thật nhiều hai chữ ‘liên tồn, tồn liên trong truyện, đại khái:
 “Nàng có sắc đẹp tồn liên..
 “Nàng nở nụ cười liên tồn…
 ‘ Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…’
    Được biết nhà thơ và vì là nhà thơ nên Bùi tiên sinh đã thất bại trong việc viết TDK. Do ‘liên’ (tưởng ) hoài nên TDK của ông không ‘tồn’ (tại) được. Không dễ dàng gì để trở thành một người viết TDK ăn khách nếu không biết kỹ thuật ‘câu rê’ sao cho hấp dẫn mà thời đại ta gọi là câu ‘Viu’ (View). Một bí quyết gọi là ‘nhà nghề’ của Phú Đức là ông viết đến chỗ gay cấn thì cắt ngang, bắt độc giả chờ ngày mai đọc tiếp. Nam Đình thì ra sạp báo, lén nghe ý kiến người đọc để sửa chữa và bổ khuyết cho nhân vật.  Viết dài hay ngắn đoạn nào đó là tùy theo sự thích thú của bạn đọc. Câu rê thuộc loại cao thủ là Lê Xuyên.  Trong TDK ‘Chú Tư Cầu’, tác giả nầy cho nhân vật nam từ lúc tay run run chuẩn bị mở nút ‘bóp’ (một loại nút áo bà ba miền nam) cho đến lúc mở được đã kéo dài 15 kỳ nhở vào kỹ thuật viết đối thoại  bằng những từ bình dân nam bộ, linh động và hấp dẫn. Theo kết luận của một nhà văn lão thành thì  ‘…Tuy đăng từng ngày, mỗi ngày một tiểu đoạn, nhưng cách viết và lối dựng truyện phải là những bí quyết sắc bén giam nhốt không rời thần trí và ham thích người đọc, đã bước chân qua cửa truyện, là không thể trở lui, phải từng số từng ngày đợi chờ đọc tiếp.Mở đầu đã đầy đặc những tình tiết bốc cháy từ những dòng mê đắm thứ nhất. Chuyển đoạn vừa đố vừa giảng. Chuyện đang vòm trời hiện tại thoắt đã chân trời tương lai. Bằng những diễn biến bây giờ, bằng hồi tưởng, đột ngột kéo ngược hết về thì quá khứ. Bất ngờ cắt đứt một sáo trộn đóng khung trong một cảnh trí này, ném bỗng sáo trộn ấy vào một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Đang thuật đang tả chuyển thành viết thư, nghiêng sang nhật ký. Và thuật tả cũng luôn luôn phải đối thoại len vào. Trăm nghìn xảo thuật hâm nóng cảm giác, làm ngỡ ngàng mọi tưởng trước, sai lạc mọi phán đoản ấy, đã được chuyên chở bộn bề vào tiểu thuyết đăng báo chúng ta hiện nay, bằng con đường điện ảnh, bằng vay mượn và phối hợp cách thức viết với cách thức thực hiện phim ảnh. Nói chung, đó là kỹ thuật của loại phim truyện trinh thám, nghẹt thở, giật gân, bao giờ cũng tạo được tác dụng làm căng thẳng giác quan ta.’
  Đó là về mặt kỹ thuật. theo tôi, một yếu tố quan trọng để một TDK thành công là tính chất giáo dục, nhân văn. Tất nhiên, khi viết nhà văn TDK luôn đặt yếu tố hấp dẫn, giải trí lên hàng đầu nhưng nội dung truyện vẫn là cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành, đầy đủ ‘nhân, lễ , nghĩa, trí, tín’. Họ thích nhân vật chính là thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo – nghèo mà vẫn giữ được trong sạch – bị rơi vào những cảnh ngộ oan trái nhưng sau cùng vượt thắng được nghịch cảnh, gặp tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang yêu một chàng trai nghèo nhưng lương thiện. Sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.  Nếu truyện có tướng cướp thì tướng cướp sẽ hoàn lương, nếu có kẻ giết người thì kẻ đó sẽ chết, đi tù hoặc đi tu để trả giá cho hành động của mình. Đọc TDK, người đọc sẽ luôn thấy được sự hướng thiện của tác phẩm, những bài học đạo đức đến từ những niểm hạnh phúc, nỗi đau, cách xử thế của từng nhân vật. Tóm lại khi chữ Hết được đặt dưới TDK, người đọc đã tìm ra Chân, Thiện, Mỹ. Bà Tùng Long đã kể trong hồi ký ‘ Có lần tôi đang viết một câu chuyện dài, có chiều hướng không cho hai nhân vật yêu nhau đi đến hôn nhân, thì một buổi sáng vừa để cái cặp lên bàn, toan ngồi lại làm việc thì bà Bút Trà– chị dâu của tôi mà cũng là chủ nhiệm của báo Sàigòn Mới lúc bấy giờ – cho người mời tôi vào và nói:

- Thím không định cho Yến và Thanh kết hôn sao?

Thấy tôi cười mà không trả lời thì chị tôi nói:

- Thím nên cho tụi nó kết hôn với nhau, như thế mới hợp tình hợp lý và mới đúng với cái tên tiểu thuyết mà thím đặt Gương Vỡ Lại Lành.’
 
 LÀ NHÀ VĂN HAY NHÀ BÁO?
   Dù những TDK trên các nhật báo đã làm say sưa bạn đọc nhưng người viết vẫn không được xem là nhà văn, thậm chí còn có khuynh hướng xem đây là ‘tiểu thuyết ba xu’. Khuynh hướng nầy đã có từ những nhà văn Pháp vào cuối thập niên thế kỷ 19. Nhà văn Pháp Eugène Sue với những tác phẩm nổi tiếng lúc ấy vẫn chỉ được xem là Feuilletonniste chứ không gọi là nhà văn.  Còn ở Sài gòn thời ấy, theo Trần Quân (Hồi Ký Bà Tùng Long) ‘…Mặc dù không có một quyển sách nào của bà được các nhà phê bình đem ra phê bình như một tác phẩm văn học của những nhà văn được coi là trí thức lúc bấy giờ, chính bà Tùng Long cũng tự nhận mình không phải là một nhà văn…’ 
   Có lẽ nhà văn Võ Phiến là người không xem trọng TDK như N.H.Qviết :  ‘ Trước 1975, dù biết phơi-dơ-tông rất được ưa chuộng, dù hiểu nguyên nhân của sự ưa chuộng ấy nằm ở phần đàm thoại, song tự thâm tâm, tôi đoán, Võ Phiến có chút khinh rẻ loại văn chương nhật trình mà ông, cũng như nhiều người khác nữa, không coi là văn chương thực sự.’
   Trong một bài viết của mình, nhà văn Võ Phiến đã cho rằng các nhà văn viết TDK đã đi vào xu hướng bình dân:
‘…Mặt khác, viết tân văn tiểu thuyết đăng nhật báo, một việc như vậy không phải chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của nhà văn mà thôi, nó còn ảnh hưởng đến bút pháp, văn phong, rồi có thể dần dần đến quan niệm sáng tạo của nhà văn nữa không chừng. Mai Thảo có lần nhận rằng: "Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo (...), đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới." Quả thật phải có văn thể bút pháp khác: truyện nhật trình không thể là thứ truyện cô đọng, văn nhật trình không thể là thứ văn chương cầu kỳ, bí hiểm. Đã chấp nhận viết nhật trình, chấp nhận "xuống đường", thì phải hòa mình vào quần chúng. Mà một khi hòa mình đôi ba năm liền vào quần chúng, các vị cao sĩ kiểu cách làm sao còn giữ nguyên được kiểu cách xưa! Cho nên xuề xòa như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam... thì thêm một tí xuề xòa nữa sau thời kỳ trăm hoa đua nở của nhật trình; còn các nữ sĩ thoạt tiên ngại ngùng e lệ như Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca v.v..., viết nhật trình riết một lúc rồi ai nấy lưu loát mạnh dạn, ai nấy ào ào như gió táp mưa sa, nữ cũng bạo mồm bạo miệng không kém nam; đến như Mai Thảo, như Thanh Tâm Tuyền v.v..., thuở suy tư trên Sáng Tạo và lúc dạn dày trên các trang nhật trình phong cách thật khác xa!
  Ngay cả nữ nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ –một cây bút TDK cũng chua chát nhìn nhận trên Nguyệt san Minh Đức xuân 74 như sau: “Chị Túy Hồng vốn là bạn thân nhất của tôi thì gặp nhiều thăng trầm rõ rệt trong nghiệp viết văn. Từ Huế vào Saigon, chị được giới độc giả trí thức hoan nghinh nồng nhiệt. Cuộc giao dư giữa chị và các nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo đã đưa đến cuộc hôn nhân giữa nhà văn Thanh Nam và chị. Hạnh phúc lứa đôi làm chị ngưng sáng tác một thời gian dài. Sau khi viết cho tạp chí Vấn Đề loạt truyện dài nhan đề “Những Sợi Sắc Không”, chị được tờ nhật báo Tia Sáng mời viết tiểu thuyết đăng theo thể thức feuilleton. Kể từ đó, chị nắm lấy cơ hội để viết báo. Vì viết nhiều feuilleton, nên chị phải nghỉ dạy học. Kế đó, đứa con gái thứ hai của chị bị chứng sung màng óc và chết tại Bịnh Viện Nhi Đồng, chị liền ngưng viết feuilleton suốt một năm ròng. Đến khi bắt tay vài việc trở lại, chị như mất hết đà mất hết trớn, mất luôn cả hứng thú. Và rồi, chị bỗng nhiên nhận thấy nghề viết feuilleton không phải là nghề bảo đảm lâu bền cho việc sinh nhai nên chị xin đi dạy trở lại. Kể ra lối viết feuilleton của chị Túy Hồng đối với độc giả miền Nam, nhất là lớp độc giả miệt Hậu Giang Lục Tỉnh thì hơi cao. Đa số độc giả không theo đuổi kịp tư tưởng của chị và cũng không thể thấm nhập được lối chơi chữ trác tuyệt của chị. Bởi lẽ đó, khi viết feuilleton cho các nhật báo, chị đã bỏ rơi độc giả mỗi ngày ở đằng sau khá xa và họ hào hến bắt hụt liên tiếp những tình ý của chị. Nhưng viết trên các tuần san lẫn nguyệt san, Túy Hồng đủ thời giờ để cho tình ý của mình thấm vào đầu óc độc giả hòa tan vào cảm xúc của họ nên chị được họ ái một nồng nhiệt. Hiện nay Túy Hồng vẫn tiếp tục thai nghén và sinh nở. Ngoài ra, chị cũng làm bếp, săn sóc nhà cửa nên cũng không rỗi rảnh để đi lại với bạn bè đồng nghiệp. Tôi thường đến than với chị là càng viết feuilleton, càng đau đầu nhức óc. Chị liền bày cho một diệu kế là khi nào mõi mệt tinh thn, khi nào lao tâm hồn trí thì nên dở quyển kinh hoặc mở tập nhạc ra, ngắt từng đoạn rồi cho vào tác phẩm. Bởi lẻ đó mà nhân vật trong một vài tác phẩm của tôi đều theo đạo Phật và cũng biết ca hát rất là thời trang. Mỗi khi họ có tâm sự là họ niệm Phật đọc kinh. Mỗi khi họ cao hứng là hát véo von bất kể Trời đất. Chị Túy Hồng là mẫu người Huế không mất gốc. Chị không bao giờ dám vào quán để dùng điểm tâm hay để giải khát. Luôn luôn, chị giữ thái độ trang nghiêm, e ấp dù tác phẩm của chị sôi bỏng, táo bạo. Nhưng việc viết lách của những nhà văn nữ trang lứa với tôi thì quả thật ồn ào dù không cố tình khoa trương đi nữa. Viết feuilleton cho các nhật báo chỉ là  một công việc cẩu thả của kẻ liều mạng hơn là cuộc xuất thần trong nghệ thuật phóng bút. Đã lỡ theo đuổi vào nghề viết feuilleton rồi, nhà văn không còn thời giờ để đọc sách, không còn thời giờ để suy nghĩ nữa. Chất liệu sống cùng kiến thức càng lúc càng khô kiệt, hao hớt vì sự vung vãi quá trớn của nhà văn. Nguy hiểm ở chỗ khô g có thời giờ để suy nghiệm lại những chặng đường sáng tác của mình và làm những dự định trong tương lai cho đường lối sáng tác của mình. Người đàn bà làm văn nghệ mà chưa thoát khỏi những nhu cầu thúc bách của sinh kế, đã thấy rõ ngày xế bóng của tài năng mình quá gần kề. Công việc viết lách đối với họ giống như cây tre trổ hết bông trong một kỳ để mà chết. Không có gì chua xót cho bằng người đàn bà cầm bút đang độ chán ngán, muốn gát bút để nghỉ xã hơi trong một thời gian, nhưng không tìm đâu cơ hội quý báu ấy. Và rồi họ phải viết như mang ách để kéo cày
  Dù TDK có được xem là văn học hay không nhưng vào thập niên 1960, nhiều nhà văn Miền Nam, có số lượng sách khá đồ sộ nhờ viết TDK cho các nhật báo. Bà Tùng Long cho biết là ‘tôi đã xuất bản độ 70 bộ truyện dài và truyện vừa. Truyện đã đăng báo nhưng chưa in thành sách vẫn còn khoảng chục bộ. Truyện nhi đồng viết vì yêu cầu của nhà xuất bản Nhi đồng khoảng vài chục truyện. Còn truyện ngắn cũng vài trăm cái.’

  Các tờ báo nhờ TDK mà sống thì chính TDK cũng làm các tác giả trở nên nổi tiếng, gần gũi với công chúng. Ngay ở Mỹ, từng phần của truyện Love story  ban đầu được đăng trên tạp chí The Ladies' Home Journey[ đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.  Giống như Kim Dung với những bộ truyện võ hiệp, nếu hàng ngày không viết từng trang cho Minh Báo thì ông sẽ không thể có Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo, Lệnh Hồ Xung. Nhà văn Sài Gòn cũng vậy. Mỗi tác giả đều có một gia tài tác phẩm đáng thèm muốn như nhà văn Võ Phiến nhận định ‘Nhận viết truyện cho báo hàng ngày tức là ép mình vào một thế kẹt: đã "dính" vào là bị lôi đi tuồn tuột, không thể dừng được. Thành thử trong thời kỳ này sức sáng tác của tiểu thuyết gia bỗng tăng vọt lên. Cùng lượt viết cho năm ba tờ báo một lúc, viết liền trong đôi ba năm, mỗi tác giả đã có vài chục tác phẩm xuất bản.
   Công bằng mà nói, những TDK sau nầy được in thành sách do sự hấp dẫn của nó, không phải không có những quyển tiểu thuyết có giá trị. “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc, “Áo Mơ Phai” của Nguyễn Đình Toàn là TDK nhưng vẫn đoạt giải văn học danh giá của miền nam trước kia đấy thôi. Đóng góp vào sự ‘giàu có’ của văn học miền nam (tập trung là ở Sài gòn), bên cạnh những tác phẩm văn học in thành sách hoặc trong các báo, tạp chí của các nhà văn nổi tiếng lúc đó như Vũ Hạnh với ‘Bút Máu’, ‘Lửa Rừng’, ‘Ngôi Trường Đi Xuống’, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Trang Thế Hy, nhà văn Sơn Nam, nhà văn  Lê Vĩnh Hòa (em ruột nhà văn Võ Phiến), nhà văn Vũ Bằng, nhà văn Nguyên Hùng, nhà văn Ngọc Linh, Cô Hợp Phố … thì các tác giả viết TDK cũng có mặt một số tác phẩm. Những tác giả, những quyển tiểu thuyết còn ‘sống’ đến hôm nay, được độc giả và các nhà phê bình văn học nhắc đến  chứng tỏ nó đã vượt qua cái ngưỡng oan nghiệt của cụm từ ‘phơi-dơ-tông’. Ở Sài gòn thì không thiếu những tác giả và tác phẩm vẫn còn được nhắc và nghiên cứu đến tận ngày nay. Thời gian và văn học sử sẽ đem lại sự công bằng cho họ, cho một chuyên mục báo chí đã từng một thời gây mưa gió trong nền báo chí Việt Nam.