Siêu nước reo lên lục bục. Nguyễn Tuân nhổm người lên đặt tẩu thuốc xuống bàn, lắng tai nghe tiếng reo của nước, rồi gắp chiếc ấm ra, móc túi áo ngực lấy một phong chè Hồng Đào nhỏ bằng nửa bao thuốc cẩn thận cho vào ấm và đợi tới khi thấy tiếng reo của nước nhẹ đều và xuất hiện từ đầu vòi ấm một làn hơi mỏng bay ra, ông mới nhấc siêu nước rót vào ấm. Sau khi đậy nắp ông lại đặt ấm trà vào trong bát tưới nước sôi lên để giữ độ nóng.




THÚ UỐNG TRÀ CỦA NGUYỄN TUÂN

VĂN THAO

Nhà văn Nguyễn Tuân rất thân với cha tôi, mặc dù hơn cha tôi tới 13 tuổi. Ông từng là bạn của bố vợ cha tôi là cụ Lâm Xuân Huyến, chủ nhà in Rạng Đông, chủ bút của hai tờ báo Bắc kỳ Thể thao và báo Con Ong từ thời Pháp thuộc. Ông coi cha tôi là một người bạn theo đúng nghĩa đích thực của nó. Giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, chiến tranh phá hoại xảy ra, miền Bắc sống trong thời bao cấp, đời sống rất khó khăn, lại thêm sự cố trong giới văn nghệ sỹ. Khi đó, thi thoảng mới thấy cha tôi đi ra ngoài. Chỉ còn vài người bạn cùng cảnh ngộ thường đến thăm nhau như họa sỹ Bùi Xuân Phái, họa sỹ Nguyễn Sáng, họa sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Kim Lân… Riêng nhà văn Nguyễn Tuân là thường hay đến với cha tôi. Chí ít cũng phải một tuần đôi ba lần.

Nguyễn Tuân ăn mặc giản dị, chỉnh chu, không cầu kỳ như những gì thiên hạ đồn thổi. Ông thường vận một bộ đồ ta màu nâu với hai túi to được may đo cẩn thận, trong túi thường có một tác phẩm văn học in bằng tiếng Pháp, ông bảo "Đọc nguyên bản mới thấy hết cái hay của tác phẩm, đọc qua bản dịch là đã mất đi đến 30% giá trị của tác phẩm". Nhiều năm được hầu rượu ông, tôi thấy ông là một con người có cá tính mạnh mẽ, tự tin đầy bản lĩnh, cầu kỳ, sắc sảo trong từng câu chữ nhưng ngoài đời ông sống rất phóng khoáng, đôn hậu và thẳng thắn, minh bạch trong quan hệ với đồng nghiệp. Ông cùng quan điểm với cha tôi trong nhiều lĩnh vực. Theo ông, nghệ thuật là cả một sự sáng tạo, sáng tạo trong từng câu chữ, trong từng ngôn từ, trong từng giai điệu để đi tìm cái đẹp, vươn tới cái đẹp.
Mỗi lần đến với cha tôi, trong túi ông thường có, khi thì một dúm lạc rang húng lìu của "cái anh Tầu gù" bán rong chuyên đi qua ngõ nhà ông; khi thì một đùm chè pha đủ cho hai người uống. Cái ngày ấy, tìm được một lạng chè Thái không phải dễ. Chè do Nhà nước quản lý, mỗi một hộ gia đình được mua 4 gói chè mậu dịch, loại chè vụn mỗi gói 50g, pha ra nước đỏ ngầu, uống nhạt hoét, chẳng có tý hương vị gì của chè, uống vào đi tiểu nhiều nên mọi người đặt cho cái tên là chè "Thái đức". Hôm nào xôm lắm, thấy ông móc trong túi ra một khoanh giò mỏng, dày chỉ bằng một đốt ngón tay mà ông cũng phải mua chui của một bà bán giò chả làng Ước  Lễ, đầu phố Cấm Chỉ. Ngày ấy tôi mới 14, 15 tuổi, cái tuổi dở dở ương ương, mải chơi hơn học, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… Lúc nào cũng thấy đói!
Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Ngày hôm đó, khoảng 9 giờ sáng, học bài xong tôi cầm cần định ra hồ Thiền Quang câu cá. Đến đầu cầu thang thì thấy nhà văn Nguyễn Tuân chống ba-toong lên. Tôi chào ông rất to: "Cháu chào bác ạ". Ông ngước lên nhìn tôi qua cặp kính gọng đồi mồi, mắt ông hấp háy. Ông cười hóm hỉnh, hàng ria rậm bạc trắng núp dưới cái mũi to như quả ổi của ông rung lên: "Thao đấy à. Lại đi câu trộm hả? Vào nhà bác nhờ tý đã!".
Vào nhà, ông bắt tay cha tôi rồi buông mình xuống chiếc ghế mây quen thuộc giáp tường cạnh cửa ra vào. Phòng khách nhà tôi được ngăn bằng một cái giá sách đóng bằng những thanh gỗ làm giát giường ghép lại. Một chiếc đi-văng cũ quay lưng vào giá sách, một bộ bàn ghế mây nhỏ chỉ có hai cái ghế, đôi chỗ mây tết đã bong ra lòng thòng. Sau khi ngồi yên vị, Nguyễn Tuân lần lượt lấy ra trong chiếc túi vải nâu giống như chiếc túi của các thầy chùa vẫn đeo một cái siêu đun nước nhỏ bằng đồng bạch, một chiếc bếp đèn cồn dã chiến, kèm theo một chai cồn. Cuối cùng mới thấy ông thong thả móc trong túi áo, nơi thường ngày là chỗ của một cuốn sách, ra một bộ ấm chén được bọc giấy báo cẩn thận cho khỏi vỡ. Cha tôi ngẩn người nhìn Nguyễn Tuân, vầng trán ông căng ra như tự hỏi: "Cái lão này hôm nay lại có trò gì nữa đây?". Nguyễn Tuân bình thản gỡ giấy bọc ra bộ ấm chén màu gan gà, cẩn thận để lên bàn.
Ông ngắm nghía một cách hài lòng rồi mới quay sang phía cha tôi: "Tớ phải mang bộ đồ chè này để ở đây, khi nào có chè ngon thì có cái mà pha cho đúng cách mà thưởng ngoạn. Nhà cậu chán bỏ mẹ, ấm chén thì năm cha ba mẹ, uống mất cả ngon". Cha tôi có vẻ hơi ngượng: "Vợ tôi đi làm từ sáng đến tối, mấy thằng con thì nghịch như quỷ, cứ được bộ ấm chén nào tử tế, vài bữa lại bị chúng làm vỡ". Nguyễn Tuân lắc đầu cười. Thấy tôi lấp ló cạnh giá sách, ông bảo: "Vào lấy cho bác hai cái bát tô ra đây!".
Tôi vào bếp lấy hai cái bát mang ra cho ông. Nguyễn Tuân cho cái ấm vào một bát, còn cái bát kia ông để bốn cái chén hạt mít rồi rót nước sôi trong phích vào trong hai cái bát ngâm cả ấm lẫn chén. Sau đó ông lấy chai cồn rót một phần tư chai vào bếp. Ông đưa tôi cái ấm bảo: "Cháu lấy nước trong bể, đừng lấy nước máy, nước trong vòi có mùi clo làm mất vị trà không uống được đâu". Tôi vào lấy nước rồi mang ra, thấy ông đang hí húi bơm áp suất nén cho cái bếp cồn, sau đó ông lấy diêm châm bếp. Ngọn lửa cháy bùng lên xanh lè.
Đặt siêu nước lên bếp xong, ông mới từ tốn móc túi lấy cái tẩu thuốc ra rồi châm lửa bập bập vài hơi mồi thuốc sau đó ông rít một hơi dài rồi ngả người vào lưng ghế khoan khoái nhả khói ra qua hai lỗ mũi. Hai dải khói tuôn ra thơm ngát lan tỏa khắp căn phòng. Khuôn mặt ông nhòa trong màn sương khói trông thật huyền ảo.
Siêu nước reo lên lục bục. Nguyễn Tuân nhổm người lên đặt tẩu thuốc xuống bàn, lắng tai nghe tiếng reo của nước, rồi gắp chiếc ấm ra, móc túi áo ngực lấy một phong chè Hồng Đào nhỏ bằng nửa bao thuốc cẩn thận cho vào ấm và đợi tới khi thấy tiếng reo của nước nhẹ đều và xuất hiện từ đầu vòi ấm một làn hơi mỏng bay ra, ông mới nhấc siêu nước rót vào ấm. Sau khi đậy nắp ông lại đặt ấm trà vào trong bát tưới nước sôi lên để giữ độ nóng. Đặt lại siêu nước lên bếp, ông nói: "Nước pha trà đun khi nào thấy nổi tăm mắt cua là được, nếu nổi tăm mắt cá mới pha thì chè sẽ bị cháy, mất vị trà". Năm phút sau ông lấy hai cái chén rót trà ra, đưa cho cha tôi một chén: "Nào mời ông! Chè Hồng Đào đấy. Ông uống xem có ngon không". Nói xong ông nâng chén trà nóng hôi hổi đưa lên mũi để cảm nhận mùi hương của chén trà nước đầu trong giây lát rồi mới uống. Cha tôi cũng nâng chén trà lên uống một hơi, rồi chậm dãi buông ra một tiếng: "Ngon!". Nguyễn Tuân cười, cái mũi to của ông rung lên, rồi bậm tẩu rít một hơi. Khói lại tuôn ra từ hai cánh mũi bay lên tỏa lan khắp phòng. Tôi đần mặt nhìn hai ông uống trà bằng cái chén bé con con, nước trà thì đắng chát, không bõ dính răng vậy mà cứ gật gù khen ngon. Chả bù cho tôi khi ấy, cứ phải tu cả cốc nước lọc to thì mới đã cơn khát.
Uống hết chén thứ hai, Nguyễn Tuân mới chậm rãi nói: "Bộ ấm nhị ẩm này mình mang về từ Trung Quốc. Ở bên đó có ba địa danh sản xuất ấm đất nổi tiếng. "Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bột, thứ ba Mạnh  Thần". Bộ này chính hiệu Thế Đức màu gan gà đấy. Muốn biết có phải là ấm thật hay không, ta chỉ cần đặt ấm lên chậu nước, nếu ấm nổi thì đích thị là của Tàu…". Nguyễn Tuân trầm ngâm trong giây lát, rồi tiếp: "Ngày bé mình thường được đi hầu trà các cụ nên mới thấy được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế đôi chút cầu kỳ trong cách uống trà của người xưa. Trà ngon phải có bạn hiền đối ẩm bình thơ, bình văn. Trà ngon còn phụ thuộc vào chất lượng của từng loại ấm. Có ấm độc ẩm, nhị ẩm, tam ẩm, tứ ẩm… tùy theo số người mà chọn ấm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở cái anh nước để pha trà. Phải là nước mưa, không thì nước giếng khơi, pha trà mới ngon. Nhưng trà ngon nhất vẫn là pha bằng nước sương đọng trên lá sen. Các cụ dậy từ mờ sáng, chèo thuyền thúng ra hồ để gạn từng giọt sương lóng lánh như những giọt thủy ngân đọng trên lá sen gom lại cho đủ pha một tuần trà sớm…". Cha tôi bật thốt lên "Uống trà kiểu này thì bố ai mà theo các cụ được". Nguyễn Tuân cười: "Tớ được uống rồi. Ngon tuyệt". Sau câu nói đó, ông rít nhẹ một hơi thuốc, từ từ nhả khói, đôi mắt nhìn ra phía cửa sổ bất động. Lát sau, ông bật bếp cho nước sôi lại rồi rót tiếp vào ấm. Ông bảo: "Trà chỉ nên uống 3 nước, nước đầu uống hương trà, nước hai thưởng thức vị đậm của trà, nước ba vị nhạt bớt đi và không còn hương nữa".
Tôi nghe ông nói mà có hiểu gì đâu. Cha tôi nhìn thấy bộ dạng ngơ ngác của tôi ông hỏi: "Mày đã học bài chưa?".  Tôi giật mình, lắp bắp: "Con học rồi ạ".  Cha tôi phẩy tay: "Thôi đi chơi để bố với bác nói chuyện". Chỉ chờ có thế, tôi phóng ngay ra cửa.
Sau này, tôi mới đọc được tập truyện ngắn "Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân do cha tôi vẽ bìa, tôi mới thật sự cảm nhận được tài năng tuyệt vời của ông. Nguyễn Tuân đúng là "Bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ" như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nhận định. Hai truyện ngắn của ông, "Những chiếc ấm đất" và "Chén chè trong sương" đã đạt đến độ tinh tế, văn phong sắc sảo, và hư ảo khiến tôi nhớ lại cái ngày ông mang bộ đồ uống chè đến tặng cho cha tôi.