Âm nhạc chính là một lỗ hổng thần kinh mang đến cho chúng ta cái nhìn thoáng qua, vào những năm khi bộ não của chúng ta biết nhảy lên với niềm vui trong âm nhạc. Những năm đó có thể đã trôi qua, nhưng mỗi lần chúng ta nghe những bài hát đã từng yêu thích, niềm vui mà chúng từng mang lại đã tăng lên thêm một lần nữa.
LỜI CA DỌC ĐƯỜNG ĐỜI
PHẠM CÔNG LUẬN
Bây giờ còn ai nhớ những lời ca này: “Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió, hồn như đám mây trắng lửng lơ, giang hồ không bờ không bến, đẹp như kiếp Bô-hê-miên”. Hay: “Bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc thân xe lung linh, chìm trong làn cát trắng, xe nhịp nhàng quay bánh lướt hình xe mờ khuất trong không gian...”. Đó là những câu hát mà tôi thường nghêu ngao lúc bảy hay tám tuổi, trong căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận những buổi sáng mùa hè hơn bốn mươi năm trước.
Ai cũng có những bài hát, lời ca, giai điệu đi dọc cuộc đời mình. Chúng nằm trong kho ký ức, chỉ đợi một cú chạm nhẹ tình cờ là hồi sinh. Nhớ về dăm bài hát cũ đôi khi đánh thức cả những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất mà đời ta có lúc trải qua.
Mười tuổi, học lớp bốn, tôi mê chương trình Tuổi Xanh của bà Kiều Hạnh, chương trình “Thế giới của trẻ em” của ông Lê Văn Khoa và mơ có lúc được dự chương trình để cùng hát hay chơi trò chơi tập thể. Anh tôi có lần bảo: “Tao thấy ông Lê Văn Khoa ở trong Tòa Cơ Đốc Phục Lâm ngay ngã tư Phú Nhuận, muốn lên chương trình “Thế giới của trẻ em” không, tao dắt đến đó xin!”. Nghe thế, tôi rụt cổ lại ngay vì không tin mình có thể được vinh hạnh như vậy và cũng không tin ông anh làm được điều đó. Dù sao, tôi vẫn thích được dạy ca hát. Một buổi sáng, cô giáo báo tin là sáng chủ nhật ai thích học hát thì lên trường sẽ có các anh “Xây dựng nông thôn” đến dạy. Tôi mừng quá, về không dám xin ai (có xin cũng không được phép), lẳng lặng đi ngủ sớm và sáng chủ nhật dậy sớm chuồn ra khỏi nhà, đi bộ lên trường. Ở đó, đã có sẵn một nhóm thanh niên bận áo đen cầm sẵn hai cây đàn. Không nhiều đứa học trò đến lắm, nhưng các anh vui vẻ dạy các bài hát. Tôi không nhớ nhiều, đại khái: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau…”, rồi “Anh em ta, cùng mẹ cha, nhớ chuyện cũ, trong tích xưa, khi thế gian, còn mù mờ…”, “Chiêng trống cồng mừng anh lên rẫy xuống đồi xuống nương đi cày…”. Mỗi đứa được phát một xấp giấy vài trang in ronéo lời bài hát. Đến khi về nhà, mới tá hoả khi biết cả nhà và vài người hàng xóm táo tác đi tìm tôi khắp xóm và vòng quanh ba con đường Nguyễn Minh Chiếu, Võ Tánh và Trương Tấn Bửu suốt buổi sáng. Tôi bị đòn một trận nên thân nhưng bụng lại vui vì giấu được “bửu bối” là xấp lời ca.
Lúc đó là lúc ca khúc boléro rất thịnh hành. Bấy giờ người ta hát nhiều các ca khúc của Trúc Phương như Tàu đêm năm cũ, Ai cho tôi tình yêu, Bóng nhỏ đường chiều... hay của Lam Phương như Biết đến bao giờ, Xót xa... Vài người lính trong xóm, khi về phép thường thích ngồi ngoài khoảng sân rộng trong hẻm để uống bia, gảy đàn Tây ban cầm và hát boléro. Lời ca những bài đó thường u uẩn, giai điệu đằm buồn, không gần với gout nhạc nhà tôi. Anh chị tôi chỉ mê ca khúc của Phạm Duy, không phải là bài Tình ca hay Con đường cái quan, mà là các ca khúc trẻ trung. Lúc đó nhạc sĩ Phạm Duy tóc đã bạc trắng mà sao viết toàn những ca khúc rất trẻ trung như Em hiền như Ma soeur, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Còn chút gì để nhớ, Hai năm tình lận đận... Anh tôi kiếm một cuốn sổ rất đẹp, trang trọng chép từng bài và vẽ bức tranh minh họa bên cạnh, toàn là những gương mặt thiếu nữ tóc dài... rồi mấy anh em thay nhau ôm cuốn sổ mà hát hò. Các anh chị tôi không thích nhạc Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng... những tác giả mà bạn bè người miền Trung ở trường đại học của các anh chị rất thích.
Lớn lên một chút, vào lớp sáu, tôi có kênh âm nhạc riêng của mình, cũng có một cuốn sổ chép mấy bài như Đồng xanh, Trong nắng trong gió, Hè 72, Những mùa nắng đẹp, Tiễn em nơi phi trường, Búp bê không tình yêu, Xin em gõ ba tiếng, Hôm nay không sữa... đó là những năm tâm hồn bắt đầu nhạy cảm, biết buồn vui. Tôi như tìm được một thế giới âm nhạc riêng có thể giải tỏa những nhộn nhạo trong tâm hồn đứa con nít mới lớn. Tôi nhớ lúc mình ngồi trện vỉa hè đợi thằng bạn cùng đi học mà hát thầm trong miệng: “Thu đang êm đềm trôi qua. Lũ em bé đang cắt lúa. Đống gỗ kia khô, em đã mang vô. Anh mặc binh phục oai nghiêm, với bạn hữu ra chiến tuyến. Chiến tuyến xa xăm...”. Hay: “Hè sang lá cây xanh màu. Hè sang vang tiếng ve sầu. Hè sang phượng tươi thắm màu, ru say hồn thi nhân…”. Cái duyên dáng rất Hà Nội xưa của Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng khi họ đặt những lời ca vào nhạc ngoại quốc khiến tôi cảm thấy gần với văn hóa miền Bắc hơn sau giai đoạn xem sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tiếp tục mê đọc truyện Duyên Anh, Nhật Tiến, Mai Thảo...
Lúc ấy lòng cũng đã biết buồn khi nghe hát về những cuộc chia ly. Đã vậy, ca sĩ Thanh Lan khi hát thì mắt luôn ướt, long lanh như sắp khóc khiến thằng tôi cũng rưng rưng theo. Tuy vậy, những ca khúc buồn đó không đủ chiếm hết thế giới cảm xúc của tôi. Tôi vẫn gào theo mấy bài theo điệu twist: “Có nhớ đêm nào, về chung với nhau nơi này. Tìm đến hòa khúc sum vầy. Tình xuân ngất ngây ta cùng say...” Hay theo điệu jazz nhừa nhựa nhưng hấp dẫn của bài Điệu ru nước mắt: “Gió... mưa gào thiết tha. Hình bóng xưa vừa thoáng qua. Ngoài hiên mưa rơi rơi ướt, sầu lắng trong tâm hồn...”. Tôi cứ rên rỉ riết cho đến khi ông anh cả nghe được, la cho một trận vì tội làm con nít mà hát nhạc người lớn. Từ đó tôi quay trở lại hát mấy bài tủ: “Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió...”.
Đầu năm 1974, khi chiến tranh ngày càng căng thẳng, có tin vài người anh trong xóm chết ở chiến trường. Họ không còn về lại xóm cũ để hát mấy bài boléro nữa. Vài bữa trưa ăn cơm xong, chuẩn bị đi học, tôi nghe văng vẳng giọng ca sĩ Hoàng Oanh hát những bài Tám điệp khúc, Nhớ nhau hoài, Những đốm mắt hoả châu... Những lời ca làm xốn xang tâm hồn đứa con nít mười ba tuổi. Tôi bắt đầu thích nhạc boléro, chậm rãi như giải bày, như tâm sự giữa hai người trong một đêm giã biệt, nhìn sâu vào thân phận mình, được chiến tranh và sự chia cắt giúp lớn lên, thành một thứ “vọng cổ tân thời” như nhà văn Sơn Nam đúc kết. Nếu được như vậy, sức sống của boléro là điều không cần giải thích khi còn vẹn nguyên trong tâm tưởng người miền Nam đến nay, chưa kể sự lan tỏa của nó đã xa hơn dần về phía Bắc.
Tôi luôn tự hỏi vì sao những bài hát được nghe khi còn niên thiếu luôn có những âm thanh và dư vị ngọt ngào hơn bất cứ điều gì nghe được khi đã trưởng thành? Phải chăng khi ấy chỉ có âm nhạc thuần chất phát ra từ cái radio và máy dĩa, máy cassette, không có hình ảnh kèm theo (trừ những chương trình ca nhạc vài chục phút trên ti vi sau này) là nguồn cung cấp lớn nhất cho trí não đang mở ra của tuổi trẻ. Các nhà tâm lý cho rằng, cho dù một ca khúc có giai điệu và tiết tấu không quá xuất sắc, nó vẫn có sức mạnh kết nối với hệ thần kinh của chúng ta và kết nối đó không mất đi khi đã trưởng thành. Và cho dù thị hiếu của chúng ta có thể phát triển như thế nào đi chăng nữa, bộ não của chúng ta vẫn có thể bị kẹt lại trong những bài hát mà chúng ta bị ám ảnh khi nghe lời hát trong cái radio hay máy hát cũ kỹ phát ra thứ âm thanh xoàng xĩnh kém xa bây giờ.
Nghĩ về điều đó, tôi nhớ lại bài Dạ khúc, lời Việt của bài Serenade của Franz Schubert do anh bạn thời trung học vừa hát vừa gõ ngón tay trên mặt bàn gỗ để tập đánh piano. Anh ngạc nhiên khi tôi kể là tôi biết ca khúc lừng lẫy đó từ những câu hát ngập ngừng của anh: “Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời. Cho người thôi khóc thương ai, cho niềm yêu đến bên tôi! Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu, ru người qua chốn thương đau, cho làn nước mắt... chìm sâụ....”. Lời ca và giai điệu đó rơi xuống hồn tôi năm mười sáu tuổi đầy lo lắng giữa lúc cuộc sống khó khăn nhưng vẫn đầy mộng tưởng, dù không hiểu hết nhưng làm lòng tôi chùng xuống. Vài người bạn của tôi trong một lần bàn về âm nhạc trên mail group lớp cũ thời trung học, vẫn cho là mình nhớ bài hát này, điệu nhạc kia có thể vì nó rơi vào cái năm quan trọng nhất đời mình. Có thể là từ làn môi người yêu đầu tiên, được nghe trong nụ hôn đầu tiên đầy run rẩy nhưng say đắm, trong vũ hội đầu tiên ở trường trung học khi đã ra nước ngoài. Chúng luôn lung linh trong trí nhớ bất trị chỉ thích nhớ những gì đẹp đẽ.
Sau này, tôi nhận ra mình không bao giờ yêu được một ca khúc theo cách mình đã yêu khi còn trẻ. Phải chăng vì cách đánh giá của chúng ta đã trưởng thành hơn? Tôi thích một ý hay: âm nhạc chính là một lỗ hổng thần kinh mang đến cho chúng ta cái nhìn thoáng qua, vào những năm khi bộ não của chúng ta biết nhảy lên với niềm vui trong âm nhạc. Những năm đó có thể đã trôi qua, nhưng mỗi lần chúng ta nghe những bài hát đã từng yêu thích, niềm vui mà chúng từng mang lại đã tăng lên thêm một lần nữa.