Vốn là một nhà giáo từng làm công tác quản lý, nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ đặt ra băn khoăn với ngành giáo dục thành phố lớn nhất phương Nam: “Đưa khoảng 2 triệu học sinh đến trường, liệu có đảm bảo được việc phòng chống lây lan bệnh cho chừng đó trẻ em? Với 2 triệu khẩu trang được sử dụng mỗi ngày, liệu có công ty nào sản xuất kịp khẩu trang cho các trẻ em sử dụng? 




TP. HCM, ngày 13 tháng 2 năm 2020
Kính gửi:
Lãnh đạo SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TP.HCM. (Địa chỉ: 66 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM- Điện thoại: (028) 38 229 360. Email: sgddt@tphcm.gov.vn)

Đồng kính gửi : UBND TP.HCM. (Địa chỉ: 86 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM - (028) 38 230 436. Email: thutuchanhchinh.ubnd@tphcm.gov.vn)

Tôi tên là NGUYỄN VĂN BỔN, bút danh TẦN HOÀI DẠ VŨ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM. Hiện thường trú tại 87/18 Trần Đình Xu, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM; ĐT: 0908.879.329.
Trân trọng kính gửi Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, ý kiến đề xuất quan trọng, cấp thiết và chân thành của cá nhân tôi.
Xin được nói rõ, tôi xuất thân là một nhà giáo, đã từng làm Hiệu trưởng Trường Quốc Học- Huế (từ 1.4.1975 đến 1.9.1976; nửa sau năm học 1974 -1975 và niên khóa 1975 -1976). Dù từ nhiều năm nay, do hoàn cảnh riêng, tôi không còn là một nhà giáo, nhưng tấm lòng vẫn luôn ưu tư dành cho ngành giáo dục, nhất là cho các thế hệ trẻ.
Hôm nay, tôi viết thư này, cấp thiết đề nghị Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, suy nghĩ và cân nhắc lại việc cho các trường mở cửa đón học sinh tiếp tục đi học kể từ ngày Thứ Hai, 17.2.2020.
Dịch Covid - 19 hiện nay diễn biến rất phức tạp, chưa có ai, dù là các nhà chuyên môn ngành Y tế, các nhà khoa học vi trùng học, có thể quả quyết dịch bệnh nguy hại này sẽ còn diễn biến ra sao. Vì vậy, kính mong Lãnh đạo Sở Giáo đục & Đào tạo TP.HCM nên cân nhắc, suy nghĩ thật chín chắn, thấu đáo việc cho học sinh các trường tiếp tục đi học lại, kể từ sáng Thứ Hai, 17.2.2020.

                                      
Nhà giáo - nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ!


Đưa khoảng 2 triệu học sinh đến trường, liệu có đảm bảo được việc phòng chống lây lan bệnh cho chừng đó trẻ em? Với 2 triệu khẩu trang được sử dụng mỗi ngày, liệu có công ty nào sản xuất kịp khẩu trang cho các trẻ em sử dụng? Liệu có cơ quan vệ sinh nào đủ sức dọn dẹp những khẩu trang vừa sử dụng xong, vất bừa bãi trên các đường phố, khu dân cư? Liệu có thể có bao nhiêu em học sinh, trong suốt một ngày đi học, không tháo khẩu trang? Liệu có thể ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh dễ dàng với cũng khoảng gần 2 triệu phụ huynh đưa con đi học buổi sáng và đón rước con mỗi chiều ? Liệu có bao nhiêu học sinh trẻ nhỏ có tiếp xúc với bà con, cha mẹ, hàng xóm láng giềng là những người có thể vừa đi xa về, có quá nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đang ủ bệnh, mà theo thông tin mới, bệnh dịch Covid - 19 có thời gian ủ bệnh là 24 ngày chứ không phải chỉ 14 ngày theo nghiên cứu ban đầu ?

Thời gian các cháu nghỉ học không thể là không giải quyết được. Và về chuyện này, chúng tôi cũng thiết tha đề nghị Lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo nên chính thức và có trách nhiệm thực sự trong việc công bố dời kỳ thi Tốt nghiệp THPT lùi lại một hoặc hai tháng. Năm 1975, vì hoàn cảnh lịch sử, kỳ thi này cũng đã được dời lại đến tận giữa tháng 9 năm 1975, trên khắp miền Nam Việt Nam. (Tôi đã làm Chủ tịch Hội đồng Coi thi, và Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi của Tỉnh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ, và mọi việc cũng đã được tổ chức đầy đủ, chu đáo và tốt đẹp. Quan trọng, theo chúng tôi, là quyết sách của chính Lãnh đạo ngành GDĐT và nhiệt tâm của tất cả Thầy-Cô giáo). Các cháu còn có cả cuộc đời phía trước để học tập, đừng vì việc chạy theo thành tích nhất thời mà có thể đẩy hai triệu học sinh ở TP.HCM (và hàng chục triệu học sinh ở khắp các Tỉnh, Thành trên cả nước), vào vòng nguy hiểm! Bộ GDĐT nên nhận lãnh trách nhiệm rõ ràng vào những lúc như thế này, không nên "đẩy trái bóng" về cho chính quyền các Tỉnh, Thành phố, và cho các Sở Giáo dục của các địa phương!

Tôi biết, những ý kiến đề xuất này của cá nhân tôi, một công dân, có thể không được quan tâm. Nhưng với lương tâm của một nhà giáo, một nhà văn, một người ông, một con người chưa bao giờ đánh mất lương tri và sự đồng cảm với đồng bào, đồng loại, tôi vẫn viết thư này với chút hy vọng rất mong manh, rằng Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, và cả các vị Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nên ít nhất một lần, lắng nghe tiếng nói thiết tha, trung thực của một công dân.

Chân thành cảm ơn Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM

Kính chúc quý vị có một quyết định sáng suốt và kịp thời.

NGUYỄN VĂN BỔN (Tần Hoài Dạ Vũ)