Từ một người yêu xóm đạo ở Lan Chi viên, Nguyễn Bính đã khóc trước ảnh Chúa và tiếng chuông nhà thờ để rồi trong cơn tuyệt vọng người yêu phải bị lên xe hoa, ông đã nghĩ tới một Chúa khác của lòng mình hòng bấu víu, nương tựa: Cái hôm hắn bước lên xe cưới / Khóc lả người đi, Chúa biết không? Chúng con ngoại đạo và ngoan đạo / Vẫn biết và tin có “Chúa lòng”




CÓ MỘT NGUYỄN BÍNH Ở SÀI GÒN

Trên bước đường giang hồ lưu lạc Nguyễn Bính ở tuổi hai lăm đã vào đến Sài Gòn và đã ở lại thành đô này cũng như vùng đất lục tỉnh đến mấy năm trời. Từ đó thi đàn nước Việt có thêm một Nguyễn Bính Sài Gòn bên cạnh Nguyễn Bính “chân quê”. Trong bài “Lá thư về Bắc” gửi cho người anh họ - nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Bính đã nhắc lại buổi Nam chinh của mình. Từ khi lên xe phấp phỏng “Lẻ loi thân nhạn sang Nam ấy / Biết có làm nên công cán gì?” đến khi tới Sài Gòn thấy mình như con chim non “Bơ vơ trong xứ người xa lạ / Rộn những phồn hoa, em chạnh buồn”. Nhưng Sài Gòn và đất phương Nam đã cho ông một tin tưởng, một hy vọng, điều rất khó thấy trong thơ ông trước đó. “Rồi men tráng lệ kinh thành ấy / Từ đấy in thêm bóng một người / Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng / Giàu lòng tin tưởng bước tương lai” (Lá thư về Bắc). Và ông hẹn với người ở nhà sẽ trở về kể chuyện phương xa lúc “khải hoàn thân gió bụi”. Nguyễn Bính rồi sẽ chóng tan mộng trước thực tế “làm thơ mang bán cho thiên hạ / thiên hạ đem thơ đọ với tiền”. Ðó là thế thái nhân tình đương thời. Nhưng ông đã đến phương Nam, sống Sài Gòn, và miền đất mới này đã tiếp cho thơ ông một nguồn mạch mới.
Vào Nam, cái đầu tiên ông thấy là khí hậu trời đất khác, cả phong tục cũng khác. Xuân về chẳng có hoa tươi / Nắng luôn cả sáu tháng trời không mưa / Người ta ăn tết buồn chưa / Rượu bia hoa giấy và dưa đỏ lòng / Ba ngày tết nóng như nung / Hỏi phong vị ấy là phong vị gì?(Xuân về nhớ cố hương). Ðoạn thơ phản ánh cả một tâm trạng bỡ ngỡ, hoang mang của Nguyễn Bính đến thành như “tâm lý vùng miền” khi lần đầu tiếp xúc với đất và người phương Nam. Ông nghĩ ăn tết như trong Nam là buồn. Và nóng ấy, tết ấy ông coi là không ra một “phong vị” gì cả. Ðây là bước mở đầu quá trình nhận thức của ông về một nơi mà bước chân lưu lạc giang hồ đã đưa ông tới.

Dần dần ông nhập cuộc đời sống Sài Gòn. Từ một người yêu xóm đạo ở Lan Chi viên, Nguyễn Bính đã khóc trước ảnh Chúa và tiếng chuông nhà thờ để rồi trong cơn tuyệt vọng người yêu phải bị lên xe hoa, ông đã nghĩ tới một Chúa khác của lòng mình hòng bấu víu, nương tựa: Cái hôm hắn bước lên xe cưới / Khóc lả người đi, Chúa biết không? Chúng con ngoại đạo và ngoan đạo / Vẫn biết và tin có “Chúa lòng” (Chuông Ngọ - 292).
Nếu ta biết rằng thơ tình Nguyễn Bính trước đó có rất nhiều hình ảnh hương sắc đặc trưng của làng quê Bắc bộ nhưng hầu không có tiếng chuông chùa - một nét đặc sắc của làng cảnh đàng ngoài, thì mới thấy tiếng chuông nhà thờ ở đây là một cái mới trong thơ ông. Từ Chúa Christ của Thiên Chúa giáo, nhà thơ đã tạo ra một “Chúa lòng” của Ái Tình, và tất thảy những người yêu nhau đều là những tín đồ ngoan đạo của vị Chúa này. Và trước “Chúa lòng” đôi người yêu dẫu bị xa nhau nhưng vẫn thuộc về nhau. Ðó cũng là một cảm hứng mới của thơ Nguyễn Bính vốn hay sầu thảm, tuyệt vọng khi nói về cảnh chia ly, đoạn tuyệt của cặp tình nhân do hoàn cảnh, thời thế.
Phong vị đất trời khác đưa đến một phong vị thơ khác. Từ điệu buồn ở Bắc sang điệu thán ở Trung đến điệu bi ở Nam trong thơ Nguyễn Bính. Ðiệu thơ này được thể hiện ở mấy bài thơ thể hành mà chỉ khi vào Nam Nguyễn Bính mới viết. Tiêu biểu là bài “Hành phương Nam” (Ða Kao, 1943). “Hành” đây là đi, bài thơ nói về chuyến đi vào Nam. Nhưng “hành” cũng là một thể thơ nói cái chí khí, cái ước nguyện lớn lao, chứa đựng nỗi niềm u uất, cảm khái của người viết. “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Ðộc hành ca” của Trần Huyền Trân – hai người bạn thơ thân thiết của Nguyễn Bính trong nhóm “Cống Trắng” – là một thí dụ. Trong “Hành phương Nam” Nguyễn Bính không là thi sĩ nữa, ông là tráng sĩ, lời thơ là tiếng lòng bi phẫn thoát ra từ một kiếp người. Ta đi nhưng biết về đâu chứ / Ðã dấy phong yên lộng bốn trời / Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ / Uống say mà gọi thế nhân ơi / Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ / Ta với nhà ngươi cả tiếng cười / Dằn chén hất mạnh đầu cỏ dại / Hát rằng phương Nam ta với ngươi / Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi! / Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh / Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi… (Hành phương Nam).
Hành động “Dằn chén hất mạnh đầu cỏ dại” là của một Nguyễn Bính đã khác. Mái tóc bù như cỏ dại trên đầu được hất mạnh cùng với cái tay dằn chén tỏ một thái độ thách thức với thế nhân, với cuộc đời đang sống. Trần Huyền Trân cũng viết: “Ðầu bồng khí núi đang lên / Sá gì bóng tối đắp trên thân còm”.

Nguyễn Bính còn một bài hành nữa, có lẽ cũng viết ở Sài Gòn – bài “Ái khanh hành”. Vẫn là đề tài tình yêu, vẫn có mô típ cũ em là hoàng hậu anh là vua kết thành vợ chồng. Hai chữ “ái khanh” cũng rất cũ, song cũng có hơi hướng cải lương của Nam bộ. Nhưng giọng điệu của bài thơ viết theo lối hành này thì lại rất lạ, như kiểu nói của người Nam bộ thẳng băng, dứt khoát: “Lòng em thương anh không có bến / Tình anh yêu em không có bờ”; “Tương tư một đêm năm canh chẵn / Nhớ nhung một ngày mười hai giờ”. Cứ đối nhau chan chát vậy, không còn những là “có lẽ” với “hình như” ở những bài thơ viết về mối tương tư ở làng quê Bắc bộ. Nhưng đặc biệt nhất trong bài là đoạn so sánh người yêu viết rất khác, khác đến sửng sốt, so với thơ Nguyễn Bính chúng ta đã quen và tôi đồ rằng cách nói kiểu này chỉ có ở thơ ông khi ông đã ở phương Nam.
Chao ơi!
Em ngon như rau cải
Em ngọt như rau ngót
Em giòn như cùi dừa
Em hiền như nước mưa
Em nhổ nước bọt xuống mặt biển
Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ.
(Ái khanh hành)
Tôi phải kêu lên theo ông – Chao ơi! – để mà phục quá Nguyễn Bính ở mấy câu thơ này. Trước khi hạ hai câu hay thần tình khiếp đảm nói về nước bọt của người yêu, Nguyễn Bính đã rất “Tây”, rất hiện đại, và cũng rất Nam bộ khi ví von người yêu với thực phẩm! Ðiều trước ông chưa từng có ai trong thơ Việt viết như vậy. Ðến hai câu cuối thì lại càng chưa từng trong thơ Việt có câu thơ nào khiến thích thú sửng sốt bàng hoàng đến thế! Những ai đã đọc thơ Nguyễn Bính, đã quen thuộc giọng điệu thơ “chân quê” của ông, chắc không ngờ nổi Nguyễn Bính lại có giọng thơ này, lại có hai câu thơ tuyệt diệu đó. Tôi cũng bất ngờ khoái trá và tôi tin đó vẫn là thơ Nguyễn Bính. Vốn trước ông cũng đã có cách nói rất phũ phàng, quyết liệt, như trong bài “Cưới vợ”: “Pháo ơi mày nổ làm gì / Biến ra tất cả pháo xì cho tao”. Giọng thơ của ông như vậy đã hào sảng hẳn lên cả khi nói về tình yêu, chứ không còn nỉ non, than vãn não nùng như trước. Nguyễn Bính lưu lạc vào Nam đã tự phát hiện lại mình và cho người đọc phát hiện mới về mình. Ðọc câu Nguyễn Bính “Em hiền như nước mưa” chợt nhớ thi sĩ xứ Ðồng Nai Nguyễn Tất Nhiên sau này có viết “Em hiền như ma soeur”, phải chăng ở đây có sự liên hệ?
Từ đó có một khí phách Nguyễn Bính dán thơ trước cửa túp lều của mình ở Ðồng Tháp Mười: Từ độ về đây sống rất nghèo / Bạn bè chỉ có gió trăng theo / Những phường bất nghĩa xin đừng đến / Hãy để thềm ta xanh sắc rêu. (Từ độ về đây)
Tiến lên một bước nữa là những bài thơ viết ở Ðồng Tháp Mười trong những ngày đầu kháng Pháp mà Nguyễn Bính đã dừng chân lưu lạc giang hồ để tham gia. Thơ Nguyễn Bính lúc này khác hẳn lối thơ ngày trước của ông ở lối ngắt câu, ngắt đoạn, ở nhịp thơ tự do. Tiêu biểu là bài thơ về tiểu đoàn 307 mang giọng hùng ca với những câu thơ điệp khúc như bước chân đi dồn dập, như sóng cuộn trào hối hả. Ðược nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, bài thơ đã thành tiếng kèn xung trận, thành một điệu hùng của thơ Nguyễn Bính. Ðó là một chân dung khác của người “thi sĩ chân quê”, bắt đầu từ sự dừng bước ở Sài Gòn đầu những năm bốn mươi thế kỷ hai mươi.


Nguồn: Tiền Phong