Nhà văn Hoàng Quốc Hải kiến nghị: “Nhà nước cần dành cách đối xử đặc biệt với những người sáng tạo có tài, có tâm và có đức. Một, hai người được đối xử tốt sẽ khuyến khích, cổ vũ những người tài khác. Làm hàng chợ, tuy bán được, nhưng không có ai vinh danh cả, người tài họ không thích thế đâu, trừ khi buộc phải mưu sinh.




Nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Cái đầu tiên nghệ sĩ cần là tự do sáng tạo chứ không phải tiền”

Cuối năm, tôi có dịp đi cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải xuống Ninh Bình. Tình cờ buổi tối lại ở chung phòng với ông trong một khu nghỉ dưỡng sát chân núi. Hôm sau thức dậy, ông bảo, khu này rất đẹp, nhưng không có năng lượng. Thấy tôi tỏ ý thắc mắc, ông giải thích, ngồi thiền cả sáng nay nhưng ông chẳng thu nhận được gì. Thì ra ông đang nói đến năng lượng vũ trụ. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ chủ đề THIỀN.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Ngoài không vướng mắc gọi là thiền, trong luôn tĩnh lặng gọi là định. Muốn thiền định được thì tâm phải sáng, không tham sân si, không màng danh lợi, ngay cả chuyện sống chết cũng coi nhẹ như không. Sinh mệnh đã đành là rất trọng, nhưng sự sống không thể níu giữ được mãi, biết cái chết là tất yếu, thì ta bình thản đón nhận. Tiền bạc không tham, tự kiếm bằng sức lao động của mình, không chiếm đoạt của ai cái gì thì không sợ phạm pháp, không sợ vi phạm đạo đức, thì tâm lúc nào cũng tĩnh. Nhưng muốn giữ được sự tĩnh lặng ấy, phải xả đi tất cả, không dính vướng cái gì, không gì có thể làm mình xao động. Giờ thì lúc nào tôi cũng có thể thiền được, ngay cả khi ngồi giữa đám đông đang trò chuyện, cho nên ở Nhật Bản mới có chuyện thiền hành, nghĩa là vừa đi vừa thiền

Hữu Việt: Hẳn phải đạt một cảnh giới rất cao mới thực hành được như vậy?
Hoàng Quốc Hải: Còn tuỳ vào nhân duyên và năng lực từng cá nhân. Trước kia, trong người tôi nhiều bệnh, được như bây giờ là nhờ tập thiền mấy chục năm nay.

Hữu Việt: Thưa ông, tạm gác chuyện thiền vào một dịp khác, hiện chúng ta đang ngồi trên mảnh đất cố đô, nơi dựng nghiệp của ba triều đại Đinh, Lê, Lý, xin được trò chuyện về đề tài lịch sử qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Phải chăng, độc giả Việt, khán giả Việt đang “thuộc sử Tàu hơn sử cả ta” như ai đó từng nói bỡn? Nếu đúng thì cần phải làm gì để mọi thứ trở về trật tự của nó?
Hoàng Quốc Hải: Hiện tượng này là có thật. Công bằng mà nói, họ làm hàng chợ rất giỏi. Hàng chợ thì dễ hấp dẫn. Người xem tiếp thu không cần sự lĩnh hội về trí tuệ, vì nó đi vào sinh hoạt đời thường, thậm chí tầm thường. Trước kia là phim Tàu, nay đến phim Hàn xuất hiện dày đặc trên tivi, ngoài rạp chiếu. Bởi vì đã lâu chúng ta không làm ra bộ phim nào thật hay có thể chiếu đi chiếu lại được. Hiện chúng ta không có khả năng làm cái đó. Nhưng thực tế ta có thể làm được không? Được chứ!

Hữu Việt: Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Hoàng Quốc Hải: Phải có người làm, người ấy trước tiên phải có tâm. Sau đó phải có tài và có đức, phải đặt lòng tin của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Nhà nước cần dành cách đối xử đặc biệt với những người như thế. Một, hai người được đối xử tốt sẽ khuyến khích, cổ vũ những người tài khác. Làm hàng chợ, tuy bán được, nhưng không có ai vinh danh cả, người tài họ không thích thế đâu, trừ khi buộc phải mưu sinh.

Hữu Việt: Thưa ông,ta đang nói đến ba điều rất khó là tâm, tài, đức. Tìm được người hội đủ những phẩm chất ấy không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian và quá trình hun đúc rất dài…
Hoàng Quốc Hải: Nếu chúng ta đòi hỏi những người như thế hiện ngay trước mắt thì sẽ là điều không tưởng. Nhưng hãy nhớ lại, năm 1936, mặt trận bình dân ở Pháp thắng thế, buộc chính quyền thuộc địa cho tự do báo chí, tự do sáng tác, không được phép ngăn cản. Chỉ có mấy năm trời, một khoảng ngắn ấy thôi, mà ở đất nước thuộc địa lạc hậu này bùng lên một giai đoạn văn chương rực rỡ. Ta thử xem xem, cho đến nay, truyện ngắn mấy ai có thể vượt được Chí Phèo (Nam Cao); kịch mấy ai vượt được Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), kể cả Lưu Quang Vũ. Và tiểu thuyết ai vượt được Số đỏ (Vũ Trọng Phụng). Cái đầu tiên nghệ sĩ cần là tự do sáng tạo chứ không phải tiền. Vũ Trọng Phụng đói, ho lao ra máu chứ có sung sướng gì đâu, vậy mà vẫn có sự nghiệp để đời. Vì sao? Vì người nghệ sĩ trong ông được tự do thể hiện khát vọng văn chương của mình.
Văn học viết về lịch sử chúng ta có nhiều đầu sách nhưng không có nhiều thứ để đọc. Phần lớn nguyên do là các nhà văn chưa được chuẩn bị tốt. Xã hội không chuẩn bị cho họ và họ cũng không tự chuẩn bị lấy. Cái đáng trách ở chỗ, bản thân nhà văn phải tự chuẩn bị cho mình, xã hội chỉ tạo điều kiện cần cho anh thôi, điều kiện đủ anh phải tự lo lấy chứ.
Ví dụ, Trần Thủ Độ là nhân vật từ lúc đương thời cho đến Trần Trọng Kim chép đều đánh giá là một con người tàn bạo, đạo đức như một đồ chó ngựa. Đến thời của ta mấy chục năm, dễ đến ba phần tư thế kỷ, không có ai phiên cho ông cái án ý cả. Nhưng trong bộ sách Bão táp triều Trần (6 tập), có phải ông ấy lừng lững như một người anh hùng không? Trần Thủ Độ ngày càng được tôn vinh, được đặt tên đường phố, đưa lên phim ảnh. Vì sao, vì tôi đã giải mã ông dựa trên chính những chuyện mà lịch sử chép lại. Thời kỳ ấy có ba thế lực chống nhau, cùng nắm được triều đình đó là: Đoàn Thượng, Nguyễn Nộ, Trần Thủ Độ, trong đó Đoàn Thượng thế lực mạnh nhất. Nếu không thương lượng được để quy về một mối thì khả năng nổ ra cuộc nội chiến rất lớn. Riêng việc Trần Thủ Độ hoá giải nguy cơ, tránh được cuộc nội chiến này, theo tôi đã là một điểm son trong tài thao lược của ông. Còn việc trong khi tranh chấp nhau phe này phái kia, giết chóc nhau tàn bạo, tuy không thể biện minh, tha thứ nhưng cũng là chuyện khó tránh khỏi.
Thêm nữa, nhà Lý lúc bấy giờ sập sệ, không còn đủ khả năng điều hành đất nước, nếu Trần Thủ Độ không lên thì cũng có thế lực khác lên thay. Vậy mà ông ta làm cuộc đảo cung đình ngọt êm, chuyển giao quyền lực bằng một cuộc hôn nhân, tránh được đổ máu, quả là cao tay. Khi trong tay đã nắm quyền lực tuyệt đối, không ai đủ sức chống lại ông, nhưng ông đã không cướp ngôi, mà kiên quyết phò vua mới là cháu mình, đủ thấy ông vừa trung vừa tín. Trung là trung với nước, không để cho nước loạn; tín với dân, với cháu; khác với Minh Thành Tổ cướp ngôi của cháu.

Hữu Việt: Sau khi đọc Bão táp triều Trần, nhiều người mới biết Trần Thủ Độ là bậc đại trí, đại dũng.
Hoàng Quốc Hải: Còn về đạo đức, ông ta là người thế nào? Năm 1226, chính quyền thật sự về tay nhà Trần, thì năm 1230 đã có bộ luật ra đời, đó là bộ Hình luật năm Canh Dần. Tất cả những gì tốt đẹp của nhà Lý được giữ lại hết, từ văn học, nghệ thuật đến quân sự đều tiếp nhận hết, kế thừa. Và người giữ luật công bằng, gương mẫu nhất cũng là chính ông ấy. Đi tuyển câu đương, giống như chức chủ tịch xã bây giờ, bà vợ xin cho cháu làm chức ấy. Ông bảo dễ thôi, tên tuổi nó là gì, ghi vào. Về địa phương, ông hỏi nhà ngươi có phải là cháu của Thiên Cực công chúa không? Thưa, đúng. Công chúa xin cho làm câu đương, có làm không? Muôn vạn lần đội ơn Thái sư! Thế nhưng để phân biệt giữa người nhà của Thiên Cực với người bình thường, ta phải chặt của ngươi một ngón chân, có đồng ý không? Nghe thế người cháu rối rít xin không dám nhận chức này nữa. Một việc rất nhỏ để ngăn không cho vợ chạy chức cho con cháu. Vợ Thái sư còn thế, thì vợ những ông quan khác đời nào dám!
Năm 1247, lần đầu tiên lấy tam hội, tức là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Kỳ thi này rất kỳ lạ, ba chức danh văn học cao nhất rơi vào ba “ông” trẻ con. Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi. Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi, Thám hoa là Đặng Ma La 14 tuổi. Hôm nhà vua ban yến, vợ Trần Thủ Độ tò mò muốn vào xem mặt các tân khoa, đi kiệu thẳng tới cửa Ngọ môn thì bị lính canh ngăn lại. Bà xưng là cô ruột của đương kim hoàng đế, nhưng tên lính vẫn không cho đi vì đây là nghiêm lệnh quốc gia, không ai được vi phạm. Nếu phu nhân muốn đi qua thì bước qua xác chúng con. Bà về làm mình làm mẩy với chồng: ông là Thái sư mà để lính canh làm nhục vợ. Trần Thủ Độ cho gọi lính canh vào hỏi, lính thưa đây là lệnh cấp trên. Lại cho gọi quan phụ trách tới, người này bẩm, chúng thần làm theo luật, điều bao nhiêu, quyển mấy…, không riêng gì kiệu của phu nhân, ngoại trừ nhà vua, bất cứ ai cũng đều phải đi hai cổng bên. Bấy giờ Trần Thủ Độ mới phán, mấy tên lính kia tuy thân phận thấp hèn mà biết giữ nghiêm phép nước, ta thưởng cho mỗi đứa một tấm lụa. Tướng quân là người biết dạy lính giữ nghiêm phép nước, nay thăng cho hai bậc. Xử vậy, ai còn dám vi phạm?
Một đời gương mẫu như thế, đến lúc sắp chết, Trần Thủ Độ mới vời Trần Thánh Tông và Trần Thái Tông đến bảo, ta suốt đời không nhờ vả gì, nay gần đất xa trời có điều này xin cậy nhờ. Ta có mấy đứa con, không đứa nào có tài cả, khi ta chết rồi, chớ giao bất cứ quyền hành gì cho chúng, chỉ nên ban những chức tước nhàn tản để hưởng lộc là đủ. Nếu cho chúng chức quan thì chỉ làm hại nước thôi.

Hữu Việt:Ông có những căn cứ nào để giải mã những điều rất khó và cũng rất hay, rất thú vị như vậy? Qua tư liệu hay những chuyến đi điền dã?
Hoàng Quốc Hải: Một ông sử gia người Anh đã nói thế này: Tôi phải tin những điều ghi trong chính sử, nhưng tôi đã làm cái thực nghiệm để xem nên tin như thế nào. Nhân có đám đánh nhau ở dưới nhà, ông cho ba người giúp việc xuống xem rồi về kể lại. Cả ba người đều nói đúng nội dung là đánh nhau, nhưng diễn tả nguyên nhân và kết thúc sự việc lại hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai. Từ đó ông, kết luận: cùng một sự việc, nhưng dưới góc nhìn khác nhau đã có sự khác nhau rồi, nữa là những vấn đề của lịch sử.
Vì vậy, vừa đọc sách, nghiên cứu tư liệu, vừa phải đi điền dã. Đi điền dã mới biết, ngay ở Bắc Ninh, đồi Lim, quê hương của nhà Lý, lại có đền thờ Trần Thủ Độ. Nhẽ ra con cháu nhà Lý phải căm ghét ông chứ, qua đó đủ để biết xã hội chấp nhận ông như thế nào.

Hữu Việt: Đúng vậy, ai đã được dân thờ thì không thể sai. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Nhân dịp năm mới, kính chúc ông trường thọ và vẫn luôn dồi dào sức sáng tạo!


Nguồn: Tạp chí Sông Lam