Trong thâm tâm chúng tôi cũng hy vọng rằng, ở các nước khác - những nơi mà quân đội chúng ta đã đi qua, đã giải phóng dân tộc đó khỏi thảm họa phát xít, người ta cũng sẽ xem bộ phim này. Họ còn nhớ rằng vào thời điểm cuối năm 1944 đầu năm 1945, sỹ quan binh lính Xô Viết đã mang quân hàm. Nếu chúng tôi tuân thủ theo sự “chân thực lịch sử” kia liệu người xem nước ngoài có nhận diện ra ngưới lính Nga- Xô Viết không?  

  

TÔI LÀM PHIM “BÀI CA NGƯỜI LÍNH”

 (Đạo diễn Nga-Xô Viết Grigori Chukhrai kể)

…Cần phải nhắc lại rằng, dạo đó nhiều người ở Hãng Mosfilm đã tỏ ra nghi ngờ dự kiến thực hiện bộ phim “Bài ca người lính”. Công việc dàn dựng bộ phim này diễn ra trầy trật với những thời kỳ gián đoạn. Khi bộ phim quay được chừng một nửa, đã có những người tự coi là “biết nhìn xa trông rộng” lên tiếng kết án bộ phim có tính chất tiêu cực, tầm thấp, thậm chí là sẽ làm tổn hi đến thanh danh, uy tín của quân đội (họ bực bội vì người chiến sỹ ở ngoài mặt trận lại dám gửi về hậu phương khẩu phần xà phòng của mình- vốn là điều xưa kia bị nghiêm cấm đã ghi trong điều lệnh quân đội!). Tiếp đó là hàng loạt lời khuyên rất “thiết thực”: Người ta gợi ý hãy để anh lính Aliosa trở thành một vị tướng hay chí ít ra cũng mang hàm đại tá, vì với cấp bậc ấy Aliosa dễ thực hiện những việc làm cao thượng hơn (?! ). Hoặc đừng nên làm khán giả phải đau buồn vì cái chết của Aliosa; hãy bỏ đi cảnh người vợ phản bội người chồng đang ở ngoài mặt trận và nhiều cảnh khác. Không, những người lên tiếng khuyên bảo này không phải là những người quá dè đặt hoặc có dụng ý xấu gì. Họ- những người vốn quá quen với những quan niệm về một bộ phim “lành mạnh và bổ ích”- hết sức chân thành trong những phán xét của mình. Có điều những cái khác thường trong bộ phim của chúng tôi khiến họ e ngại, sợ hãi. Còn tôi, trong suốt đời mình đã hiểu ra rằng “tiêu chuẩn hóa” trong việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật thật nguy hiểm biết bao. Chính với cung cách ấy cũng đã dễ dàng xẩy ra những lầm lạc …

Thông thường, bản thân bộ phim hay gợi ý cho các tác giả. Ví như đoạn anh lính trẻ một mình đối chọi với xe tăng Đức ở đoạn đầu bộ phim lại nảy sinh ở cuối thời kỳ quay, khi bộ phim cũng đã hòm hòm hình thành.Chúng tôi cảm thấy chưa đủ “một cú thúc về cảm xúc” cho toàn bộ sự phát triển của hành động. Và đột nhiên chúng tôi hiểu rằng chiến công mà Aliosa kể lại cho những người bạn đường nghe, quả là cần phải được thể hiện thành hẳn một trường đoạn độc lập, ở ngay khúc đầu bộ phim..

Thoạt tiên cuộc sống của “Bài ca người lính” hết sức khiêm nhường. Trong việc phát hành, người ta chiếu nó ở những gian phòng phụ tại các rạp chiếu bóng nhỏ. Nhưng bộ phim – như chúng tôi vẫn hy vọng như thế - tự nó đã đột phá lấy con đường chiếm lĩnh màn ảnh của mình. Đã từng có ý kiến cho rằng, “Bài ca người lính” được chiếu rộng rãi chỉ từ sau ngày nó nhận được giải thưởng lớn ở LHP Cannes. Không phải như thế! Chính khán giả Xô Viết là những người đầu tiên đã đánh giá cao bộ phim này. Theo sự trưng cầu ý kiến được tổ chức ở nhiều nơi, ngay cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất, rõ ràng là bộ phim được nhiều người ưa chuộng nhất và thực chất là bộ phim xuất sắc nhất trong năm nó ra đời. Và chỉ sau khi đó thì “Bài ca người lính” mới được quyết định gửi đi dự thi tại LHP Cannes.

                                                   
Đạo diễn Grigori Chukhrai



Đúng là nhân dân Nga và các dân tộc anh em trong Liên bang Xô Viết đã yêu quý Aliosa Svortsov, chàng trai tuyệt vời mặc binh phục, một chàng trai – như mọi người thường nói, biết chia từng mẩu bánh mì khẩu phần cho mọi người, và đã để lại những kỷ niệm đẹp trong lòng những ai anh lính gặp trên đường. Bản thân chúng tôi cũng yêu mến anh với tình yêu cao cả, trong sáng của mình.
Chàng trai ấy với đôi cầu vai lính và với tấm huy hiệu Đòan thanh niên Comsomon trên ngực đã dạo bước qua màn ảnh trên khắp thế giới. Anh lính Nga gợi lên lòng biết ơn đối với đạo quân đã giải phóng thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít Hitller. Người xem tiếp thu và hiểu được thể loại ballad của chúng tôi. Nhưng nếu xét theo quan điểm của sự “chính xác lịch sử”, trong bộ phim này có hàng loạt điều không thật chính xác mà sau khi cân nhắc giữa “Nên” và “Không nên” chúng tôi đã bỏ qua một cách có chủ đích. Ví như trong thời kỳ đầu khi cuộc chiến tranh mới nổ ra, chỉ một số đơn vị quân đội mới có quyền cho binh lính, sỹ quan nghỉ phép. Với cách xem xét như thế, toàn bộ chuyến về lợp lại mái nhà cho mẹ của Aliosa có thể là một yếu tố “không điển hình”. Xe tăng Đức liệu có thể đuổi theo một ngưới lính không (tuy ở mặt trận thường xẩy ra những điều không dự kiến được trước)? Và đôi cầu vai của anh lính Aliosa nữa. Vào thời kỳ bộ phim đề cập tới, bộ đội Xô Viết còn chưa mang quân hàm. Các bạn có biết vì sao chúng tôi đã “vi phạm” những sự thật như vậy không? Chúng tôi cần đến một hình tượng khái quát của người lính Xô Viết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc! Dĩ nhiên chúng tôi quay bộ phim này cho người xem Xô Viết, nhưng trong thâm tâm chúng tôi cũng hy vọng rằng, ở các nước khác - những nơi mà quân đội chúng ta đã đi qua, đã giải phóng dân tộc đó khỏi thảm họa phát xít, người ta cũng sẽ xem bộ phim này. Họ còn nhớ rằng vào thời điểm cuối năm 1944 đầu năm 1945, sỹ quan binh lính Xô Viết đã mang quân hàm. Nếu chúng tôi tuân thủ theo sự “chân thực lịch sử” kia liệu người xem nước ngoài có nhận diện ra ngưới lính Nga- Xô Viết không?    

Chúng tôi đã liều mạng trong nhiều phương diện. Thậm chí ngay cả trong việc ủy thác vai chính cho những diễn viên hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trước ống kính. Gianna Prokhorenko (vai Sura) đang học năm thứ nhất Xưởng trường Nhà hát Nghệ thuật hàn lâm Moskva. Volodia Ivasov (Aliosa), sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Điện ảnh VGIK. Vào những năm tháng đó ít ai dám làm như vậy. Nhưng chúng tôi đã liều mạng và không hề hối hận. Công việc dàn dựng bộ phim không chút nhẹ nhàng nhưng hết sức thú vị. Volodia và Gianna đã đóng góp cho bộ phim cái giá trị nhất: tính hồn nhiên, sự đáng yêu của tuổi trẻ. Một đóng góp khác không kém phần quan trọng cho sự thành công của bộ phim là vai trò tạo hình của hai nhà quay phim V. Nhikolaiev và E. Xavenleva. Thiết nghĩ, tất cả những ai  đã làm việc vì “Bài ca người lính” đều nhớ mãi quá trình lao động của mình với sự hài lòng.

Trở lại với LHP Cannes. Năm 1960. Đám khán giả sang trọng, lịch lãm, nghiêm trang chiếm chỗ ngồi trong phòng chiếu. Tôi cảm thấy lo lắng: Đám người kia sẽ không hiểu bộ phim, không tiếp thu nó. Nỗi đau khổ của một bà m Nga bị chiến tranh cướp mất người con trai, làm sao đến được với trái tim của các quý ông quý bà kia cơ chứ? Rồi còn hàng triệu số phận bị sa xuống cái hỏa ngục của chiến tranh nữa? Và cả cái cô gái Nga yêu người chiến sỹ ngày mai sẽ bước vào trận đánh, liệu cần gì đối với các quý ông quý bà ?
Nhưng tôi đã nghĩ sai và vì thế lại hóa ra hạnh phúc vì sai lầm của mình. Người xem không thờ ơ, lãnh đạm. Họ hiểu bộ phim và đã đánh giá nó đúng đắn. Chính chúng tôi cũng không đoán trước được rằng tôi và những người cùng cộng tác với mình, đã đạt được niềm vinh quang lớn lao đến như vậy. Hoàn toàn có thể hiểu được vì lẽ gì người lính Xô Viết chấp nhận cái chết. Tại LHP quốc tế Cannes lần thứ 13 này chúng tôi đã nhận được Giải thưởng cho một bộ phim tốt nhất dành cho thanh thiếu niên, Giải thưởng Vì tính nhân văn cao cả và vì những lý giải nghệ thuật độc đáo.

Chúng tôi cũng không quên Liên hoan phim của các Liên hoan phim diễn ra tại SanFansico nước Mỹ. Ở đó chúng tôi bước ra chào khán giả như những người đã nắm trong tay một giải thưởng điện ảnh tầm cỡ. Như LHP này quy định, vào thời điểm chúng tôi xuất hiện, dàn kèn đồng ở đây sẽ cử bài quốc ca Liên bang Xô Viết. Nhưng những người chơi kèn ở đây còn chưa biết tới bài quốc ca của nước chúng tôi mà chỉ có trong tay một bài dân ca Nga. Thế là ngay trong phút trang trọng nhất ấy, bỗng nhiên dàn kèn cất lên: Ôi, chàng thương yêu có đôi mắt đen lay láy…. Dĩ nhiên điều ấy thật nực cười nhựng cũng thật vui. Aliosa lại một lần nữa chiến thắng !

   TÔ HOÀNG 
(theo báo chí CHLB Nga )