Góc nhìn của Tiến sĩ Mai Anh Tuấn: Nhiều người nói rằng thơ không có đất sống trong thời điểm các phương tiện truyền thông bùng nổ và đặc biệt, khi nhu cầu đọc văn chương nói chung đang thấp hơn rất nhiều so với đọc mạng xã hội mỗi ngày. Nhưng chính ở thế bị kẹt, kẹp giữa công nghệ và truyền thông này, thơ lại may mắn nở rộ, phát tán mau chóng hơn mức bình thường.



BAO NHIÊU THƠ LÀ ĐỦ?

MAI ANH TUẤN

Tin Hội nhà văn Việt Nam dừng tổ chức Ngày Thơ năm 2020 khiến nhiều người và tôi thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất, nó tránh được cảnh tượng bi hài vừa đọc thơ vừa đeo khẩu trang trong mùa đại dịch virus Corona. Nó tránh được cảnh hàng trăm quả bóng bay lên trời, dẫu biện minh tôn vinh thơ nhưng chắc không khỏi làm ô nhiễm môi trường mà ngay cả một em bé học sinh tiểu học cũng hiểu rõ. Và quan trọng hơn cả, dừng tổ chức Ngày Thơ là cách đích đáng để nhận ra thơ, thật ra, không chỉ đang quá tải mà còn rất nên trả về vị trí bình thường vốn dĩ thế trong đời sống đang phức tạp này.

1.
Mươi năm trở lại đây, thơ Việt đương đại thỉnh thoảng tự tạo kịch tính bằng vài tập thơ tình bán chạy hơn cả tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh, nhiều sự kiện ra mắt thơ hoành tráng có thể làm giới showbiz ghen tị, một số giải thưởng thơ không tìm được gương mặt ưu tú nhất, đôi vụ đạo thơ ầm ĩ không kém đạo văn học thuật. Nhưng thường xuyên và chẳng biết khi nào dừng lại là những tập thơ được in đều đặn rồi bặt vô âm tín trong các màn biếu tặng diễn ra bất cứ đâu. Miệt mài sáng tác, âm thầm xuất bản và cộng cả âm thầm lẫn rụt rè gửi tặng thơ có lẽ là tình cảnh phổ biến của hàng trăm nhà thơ được phong hoặc tự phong. In thơ không quá khó và khi các tờ báo văn nghệ vẫn còn ưu ái dành không gian cho thơ thì ngoại trừ bản tin thời tiết và bóng đá, thơ không hề ít hơn tần số xuất hiện so với bất kì thể tài văn chương nào. Nhiều thơ và ở chừng mực sốt sắng nhất định, nhiều tọa đàm thảo luận về thơ đã kéo được một lượng công chúng tin rằng thơ đang chiếm lợi thế trong việc xưng danh. Chiếm phân nửa (27) trên tổng số 59 tân hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 2019 là nhà thơ, cho thấy sáng tác thơ, dù khó khăn đến đâu, cũng không làm nhụt chí người cầm bút buông bỏ khao khát trở thành thi sĩ. Làm thơ và thi sĩ, vai trò nào cũng đều không giảm vẻ lấp lánh khi được giới thiệu ở những cuộc trà dư tửu hậu dẫu dân gian từng cảnh báo “mật độ nhà thơ” nếu quá đông đúc thì phải dè chừng không khí nhảm nhí dễ gây ngán ngẩm.
Nhiều người nói rằng thơ không có đất sống trong thời điểm các phương tiện truyền thông bùng nổ và đặc biệt, khi nhu cầu đọc văn chương nói chung đang thấp hơn rất nhiều so với đọc mạng xã hội mỗi ngày. Nhưng chính ở thế bị kẹt, kẹp giữa công nghệ và truyền thông này, thơ lại may mắn nở rộ, phát tán mau chóng hơn mức bình thường. Ở Việt Nam, không biết tự khi nào, mạng xã hội facebook đã thành kênh “xuất bản” vi diệu nhất mà thơ bỗng nhiên có được. Một bài thơ đăng báo luôn phải chờ đợi gu thẩm mĩ của ban biên tập và sốt ruột nhất là chờ đợi phản hồi của người đọc. Nhưng một bài thơ đăng facebook thì hầu như không cần chờ đợi gì, ngay tức thời có thể được tán dương, bình phẩm, chia sẻ. Thơ gắn ảnh, thơ đính kèm dăm ba video chăm chút minh họa là quá đủ cho bạn bè thân hữu xem nghe đọc, đúng kiểu giải trí đa phương tiện của thời đại. So với truyện ngắn, tiểu thuyết quá dài gây nhức mắt và phê bình quá khó gây nhức đầu, thơ sinh ra đã thuộc về facebook do đặc trưng ngắn gọn, dễ đọc dễ nhớ của nó. Mức độ tương tác cao giữa tác giả và người đọc cũng là lí do khiến thơ trên facebook đang lưu hành sinh động bậc nhất, gạt dần các website và blog văn chương vào thời vang bóng.
Nhìn ở khía cạnh thay đổi phương thức đăng tải và tiếp nhận, thơ trên facebook minh chứng tính chất xuyên không-thời gian của các sản phẩm văn hóa dựa trên nền tảng truyền thông số. Tuy nhiên, chính sự mở rộng và cá nhân hóa tối đa trong hoạt động sáng tác, đăng tải thơ đã làm cho thơ Việt rơi vào trạng thái sớm nở tối tàn trong vòng xoáy sản xuất, tiêu thụ thông tin. Cho dù đã có hẳn “phong trào thơ facebook” như lời chế giễu của cộng đồng mạng thì không nhiều cá nhân đủ tự tin bước vào đời sống văn chương với vốn tài sản “nghìn like”. Nói đúng hơn, những nhà thơ có lượng người theo dõi đông đảo sẽ là đối tượng thích hợp cho các đơn vị in sách biết khai thác thương hiệu cá nhân. Cũng như nhiều tác phẩm ngôn tình, hiện tượng thơ bán chạy ở Việt Nam, trước hết và chủ yếu là biết khai thác, chiều chuộng những độc giả thủy chung trên mạng xã hội. Tôi không nghĩ rằng tranh thủ tình cảm của người đọc để bán thơ là mánh lới đáng xấu hổ nhưng tôi không tin các độc giả thực sự cứ bị dắt mũi quá lâu.

2.
Trong bối cảnh mà thơ ca thế sự, nghĩa là những bài thơ vút lên nhờ sự kiện xã hội, đang có dấu hiệu hồi sinh khó cưỡng thì mạng facebook là bến cảng của các dòng thông tin được “thơ hóa”. Sự kiện đội tuyển bóng đá U23 làm nên kì tích ở Thường Châu (2018) chẳng hạn: đấy là thời điểm thơ xuất hiện liên tục, áp đảo, không ngần ngại tận dụng bất cứ thể thơ nào. Đọc lại những bài thơ viết về sự kiện đó, của người thành danh hay của người mới tập tành làm thơ, đều bắt gặp một kiểu “thi pháp thơ Tố Hữu” trong cách diễn đạt cảm xúc, sử dụng ngôn từ, bày tỏ thái độ. Không chỉ trên đường phố mới có cảnh tượng “ta ngã vật trong dòng người cuộn thác” mà trong thơ, những động từ mạnh, những giọng điệu hô hào, ngợi ca, những hình ảnh giàu sức ví von đã được huy động tối đa. Đấy cũng là lúc thơ bị xóa nhòa khoảng cách giữa hiện đại và cổ điển, giữa thi phẩm và vần vè, giữa thi sĩ lâu năm và tác giả mới cóng. Không ai bận tâm về phong cách vì tất cả có cùng phong cách; không ai sợ a dua vì tất cả cùng đinh ninh “Thường Châu tuyết trắng” là điển tích mới để dùng chung! Sau làn sóng thơ ca biển đảo, thơ về chiến thắng của các đội tuyển bóng đá đã làm sống dậy một cách viên mãn lối văn chương chạy theo chủ nghĩa đề tài từng bị dè bỉu trước đây.
Nhưng hiện tình xã hội vẫn cứ trêu ngươi thơ ở chỗ không ngày nào nguội vắng sự kiện. Đã đành thơ ca có quyền viết bất cứ điều gì nhưng sẽ là nhàm chán nếu cứ dùng thơ như phương thuốc cho bách bệnh, bách chúng. Có thể không đặng đừng làm thơ ngay với cả những sự kiện đau lòng, thương tâm nhất (sinh li tử biệt chẳng hạn) thì cũng nên gác lại những xảo ngôn về nhân tình thế thái ngõ hầu đặt mình ưu thời mẫn thế cao hơn chúng sinh. Thơ cần thiết nhưng phải sòng phẳng thấy rằng thơ không cần kíp hơn việc giải quyết vấn nạn môi trường, không đáng chú mục hơn việc cải thiện chất lượng giáo dục, càng không cấp bách gửi đến tận tay như kiến thức phòng chống đại dịch. Nếu ở đâu và khi nào thơ cũng véo von, ngân nga du dương thì chẳng gì đảm bảo chắc chắn đấy là dấu hiệu lành mạnh của một “quốc thi” có bề sâu văn hóa.
Chạy theo hiện tình xã hội, rất có thể nhà thơ mất dần đích ngắm ngôn ngữ là thứ mà thơ ca trước tiên phải trăn trở. Theo quan sát của tôi, không có nhiều hiện tượng thơ Việt gần đây tập trung và trở về ý hướng ngôn ngữ thơ ca như một mục tiêu tối hậu. Những câu thơ, ngữ nghĩa na ná và thậm chí cũ mòn; các cấu trúc thi ca có phần giản đơn đến thô vụng; những tìm tòi độc sáng về vật liệu ngôn từ trở nên hiếm hoi. Chúng ta ít khi bắt gặp những thi sĩ tự trầm mình trong thế giới ngôn ngữ mà họ là kẻ tự tin, nhiều quyền năng nhất. Thành thử, nhà thơ Việt đương đại có thể rất rành nhiều chuyện quốc gia đại sự, những chuyện đau lòng hay tử tế ở đời nhưng họ ít gây ấn tượng là người sành sõi chuyện mĩ học ngôn từ. Trong thái độ yêu mến thơ ca tiếng Việt, họ cho chúng ta an tâm vì một thứ ngôn từ đã quen thuộc như sinh ra từ thế kỉ trước. Nếu có quá nhiều thơ nhưng không có nhiều ngôn ngữ thơ ca, chúng ta có nên quá tự mãn vì công chúng vẫn yêu thơ như yêu thông tin mỗi ngày?

3.
Một điều đáng suy ngẫm khác là dù có nhiều thơ, dù có cả Liên hoan thơ quốc tế Việt Nam, thơ Việt được dịch, giới thiệu ra ngoài vẫn hết sức khiêm tốn. So với văn xuôi, thơ còn ít cơ hội tiếp nhận hơn. Dĩ nhiên không lấy tiêu chí “xuất khẩu thơ” để đánh giá sáng tạo thơ ca Việt đương đại nhưng rõ ràng, chúng ta thiếu hẳn những thể thơ và tác phẩm thơ mang tầm quốc tế. Ngôn ngữ tiếng Việt và các thể thơ dân tộc, một lần nữa, rất đáng cho các nhà thơ ngẫm ngợi thay vì tự tín vào hào quang di sản nào, ví như thể lục bát.
Khi Cao Bá Quát tự hỏi “Thử nhân hà sự tác thi ông?” (Tại sao có lúc mình là nhà thơ nhỉ?), có thể ông bắt đầu giật mình vì tình thế lựa chọn cắc cớ của bản thân. Dù lịch sử, đời sống không khuyến nghị nhà thơ ngừng làm thơ thì bản thân mỗi thi nhân nên chăng cũng đặt mình vào câu hỏi về việc làm thơ như thế nào và bao nhiêu thơ là đủ? Bận tâm với câu hỏi đó, giữa thời thơ xuất hiện khắp chốn, biết đâu giúp nhà thơ tĩnh trí hơn!