Tình tiết quan trọng nhất trong cái kết truyện này là cuộc tái hợp đặc biệt của Thuý Kiều và Kim Trọng. Như mọi truyện xưa, nam nữ hết nạn chia xa, được gặp mặt, đoàn viên là hết chuyện. Nhưng số phận Kiều rất đặc biệt, do mười lăm năm lưu lạc, trong đó có hai lần làm gái lầu xanh, “bướm chán ong chường”, cho nên ngày gặp lại Thuý Kiều không tránh khỏi hổ thẹn.




BÀN THÊM VỀ ĐOẠN KẾT CỦA TRUYỆN KIỀU

TRẦN ĐÌNH SỬ

Đã có nhiều người bàn về đoạn kết Truyện Kiều. Có ý kiến cho rằng Kim và Kiều tái hợp đoàn viên trong cái tình “cầm kì”, chỉ làm bạn không chăn gối, Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên, là một cái kết gượng gạo. Nhà thơ Xuân Diệu cũng tán thành là gượng gạo, song ông lại cho rằng chính cái kết ấy, với những lời Kiều kể lại thân thế chìm nổi ô uế của mình, có giá trị tố cáo xã hội sâu sắc, và ông gọi đây là “bản cáo trạng cuối cùng”, do nạn nhân tự nói ra. Có vẻ nhận định của Xuân Diệu một thời được độc giả tán thưởng. Tôi thấy đó cũng là một cách hiểu, không hẳn đã sai. Nhưng từ năm 2015, kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, đã có người nói lại, phê bình cách hiểu xã hội học ấy. Nói lại, phê bình như vậy là cần thiết, bởi không nên hiểu tác phẩm chỉ trên bình diện xã hội. Tình cờ gần đây tôi có dịp tham gia cuộc “Đọc lại Truyện Kiều” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức, nghe được nhiều ý kiến diễn giải mới về đoạn kết. Với khuynh hướng nữ quyền, có ý kiến xem đoạn kết Truyện Kiều nói trên là cách để người nữ thoát khỏi sự phụ thuộc vào người nam trong hôn nhân, hướng tới tự do. Kết như thế cũng là cách để không mếch lòng đối với Thuý Vân, người em gái hiền thục đã phải “chắp mối tơ thừa” của chị.

Tuy nhiên tôi nghĩ, người đọc hiểu và phân tích thế nào là một chuyện, còn xem tác giả đã hiểu thế nào với cái kết ấy là một chuyện khác, cần phải được tìm hiểu cẩn thận, có căn cứ thuyết phục. Trong cái kết này có ba chi tiết quan trọng cần được làm rõ. Đó là việc cô Kiều bỏ chăn gối với chồng là chàng Kim Trọng, bỏ đàn và chia tay với Giác Duyên.

Tình tiết quan trọng nhất trong cái kết truyện này là cuộc tái hợp đặc biệt của Thuý Kiều và Kim Trọng. Như mọi truyện xưa, nam nữ hết nạn chia xa, được gặp mặt, đoàn viên là hết chuyện. Nhưng số phận Kiều rất đặc biệt, do mười lăm năm lưu lạc, trong đó có hai lần làm gái lầu xanh, “bướm chán ong chường”, cho nên ngày gặp lại Thuý Kiều không tránh khỏi hổ thẹn. Tôi thấy hổ thẹn là phải. Nó là cái tình cảm đạo đức nâng con người ta lên. Nhưng đến mức từ chối chăn gối với chồng thì quá đáng, nếu vậy thì còn cưới để làm gì? Về điểm này Tản Đà bình vui rằng, khi Kiều hết thẹn thì sẽ… đâu vào đấy. Trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả không muốn dừng lại giản đơn như thế, mà muốn nâng cao lên, biến Kiều thành một trinh nữ đặc biệt; tuy thân thể đã không còn trinh, mà tinh thần thì vẫn trinh nguyên sắt đá. Lí do mà Kiều nêu ra để từ chối chăn gối cùng Kim Trọng là người phụ nữ đi lấy chồng thì phải trinh tiết, sáng như trăng rằm, như hoa thơm phong nhuỵ, như ngọc không tì vết. Nay Kiều đã trăng khuyết hoa tàn rồi, thì từ chối chăn gối là để tôn trọng chữ trinh đó. Và quyết dùng thái độ cự tuyệt đó để đề cao ý thức chữ trinh của mình. Lúc đầu, Kim Trọng cũng nghĩ rằng Kiều nói từ chối chăn gối chỉ là nói điều cần nói, còn khi vào cuộc thì nàng sẽ sống theo thiên tính tự nhiên. Nhưng không, Kiều đã quyết cự tuyệt, và Kim Trọng đã phải thốt lên: “Hoá ra hiền thê không phải là đàn bà, hiền thê là người trong giới thánh hiền hào kiệt. Kim Trọng tôi với đôi mắt sáng chỉ biết nàng là phu nhân, là chưa biết hết, nay mới biết thêm nàng đã tự coi mình là liệt phụ nghìn xưa. Nàng đã như thế thì quên tình đi cũng được. Kim Trọng tôi đâu còn dám trăng gió được nữa”. Nói rồi hai người chỉnh lại y phục, Kim Trọng vái Kiều như vái một liệt phụ, còn Kiều lại vái Kim Trọng do chàng đã giúp nàng thực hiện được giấc mơ làm liệt phụ. Hoá ra cái kết Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ là do cái ý muốn nêu một tấm gương trinh tiết, liệt phụ, sống theo khuôn mẫu, chứ không nhằm tố cáo tội ác xã hội nào cả. Việc Kiều nhắc lại chuyện trăng khuyết hoa tàn ở đây không nhằm tố cáo ai, mà chỉ nhằm làm cơ sở để cho nàng tự phong mình là thánh hiền hào kiệt. Vì muốn nêu gương tiết liệt, cho nên, lẽ ra chuyện hai người từ chối làm tình trong quan hệ vợ chồng, vốn là một chuyện rất riêng tư giữa hai người, không cần phải cho người ngoài biết làm gì. Nhưng vì muốn nêu gương, nên phải nói cho người ngoài biết mới phát huy được vai trò tấm gương. Thế là Kiều nói cho Vân biết, Vân lại nói cho bố mẹ, bố mẹ lại nói cho Vương Quan, và cả nhà đều lấy làm lạ lùng và đều khen ngợi Thuý Kiều. Vậy là cuộc tình “cầm cờ” là do Kiều muốn nêu gương tiết liệt mà nên vậy. Sau nhiều năm ê chề nhục nhã, giờ được tái sinh, Kiều không muốn sống một cuộc sống bình thường, thế tục, mà muốn sống đời của một đấng liệt phụ để cho đời sau ca ngợi. Thật là một điều rất đáng tiếc. (Ở Trung Quốc xưa, đã là thánh nhân thì phải quên tình, là người không giới tính). Theo tôi, cái kết này đã huỷ hoại ý nghĩa tác phẩm không biết bao nhiêu mà kể. Cô Kiều vốn đáng yêu đáng thương bao nhiêu thì bây giờ có vẻ đáng ghét đáng trách bấy nhiêu, vì cô muốn làm bậc thánh, không muốn làm người thế tục. Một yếu tố rất phản nhân văn, đậm đặc tính chất Nho giáo kiểu Tống Nho, “diệt nhân dục, tồn thiên lí”. Điều này có lẽ là do thiên hướng thuyết giáo của Thanh Tâm Tài Nhân, chứ theo tính cách cô Kiều thì cô khó mà có thể làm liệt nữ. Đó cũng là lí do cô không đi tu theo vãi Giác Duyên được, vì đi tu thì không thể đồng thời làm liệt nữ. Nhưng cô Kiều cũng chỉ trinh liệt có một nửa. Bởi vì cô không từ bỏ hẳn sự tiếp xúc thân thể của hai vợ chồng, cô vẫn cùng Kim Trọng “âu yếm vành ngoài”, chỉ kiêng có một khâu cuối cùng mà thôi, như vậy không thể nói là cô bỏ hẳn tính dục. Điều đó cũng thể hiện tính phản tự nhiên và giả dối trong ý đồ của tác giả Trung Quốc.

Thi hào Nguyễn Du khi kể lại cái kết này đã diễn lại rất hay những lời đau đớn của Kiều, bỏ đi lời than của Kim Trọng, nhưng nhà thơ của chúng ta vẫn tuân theo nguyên tác, có làm nhạt đi cái chí làm người tiết liệt của Kiều và sự ngạc nhiên bất ngờ của Kim Trọng, khiến người đọc bớt được cú sốc. Lời lẽ của Kiều rất đỗi chân thành: Nàng rằng phận thiếp đã đành/ Có làm chi nữa cái mình bỏ đi/ Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi/ Chiều lòng gọi có xướng tuỳ mảy may/ Riêng lòng đã thẹn lắm thay/ Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi/ Nhưng như âu yếm vành ngoài/ Còn toan mở mặt với người cho qua/ Lại như những thói người ta/ Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa/ Cũng là giở duốc bày trò/ Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi/ Người yêu ta xấu với người/ Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Nếu trong nguyên tác, Kiều tỏ ra muốn làm người tiết phụ nghìn xưa, thì trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cực tả cảm giác hổ thẹn của Thuý Kiều, và Kim Trọng của ông không thấy ý chí muốn làm người liệt nữ trong các lời lẽ phân trần ấy, cũng thể tất cho nhân tình. Bấy lâu đáy bể mò kim/ Là tìm vàng đá phải tìm trăng hoa. Tất nhiên Nguyễn Du vẫn trung thành với nguyên tác khi viết Cho hay thục nữ chí cao. Nếu ta hỏi “chí” muốn làm gì, thì câu trả lời vẫn là “chí” muốn làm một người trinh liệt, không thể trả lời khác được, và ở đây vẫn để lộ ra ý muốn thuyết giáo của tác phẩm. Nhưng điều khác biệt là ở chỗ, nếu nguyên tác chủ yếu thể hiện ý chí nêu gương đạo hiếu, đạo trinh, đạo trung, hiếu, tiết, nghĩa, thì trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nêu đạo tu Tâm, đề cao thiện căn - một chủ đề có thiên hướng Phật giáo. “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Việc Kiều bỏ đàn hơi khó hiểu. Tài đàn là một trong những cái tài của nhân vật. Bài đàn của Kiều khi gặp Kim Trọng đã bày tỏ tình thương đối với bao nhiêu nữ nhi bạc mệnh. Bài đàn khi đoàn viên biết bao ấm áp hoà hợp, chan chứa tình yêu, tại sao lại bỏ đi? Trong nguyên tác Kim Trọng coi cây đàn cũng là “cố nhân” của mình. Riêng Kiều cho rằng do mê đắm tiếng đàn mà bị tiếng đàn làm cho lầm lạc. Kiều đã đàn cho Mã Giám Sinh để bán mình, đàn cho Hoạn Thư đánh ghen, đàn cho Hồ Tôn Hiến mừng công giết Từ Hải. Kiều coi cây đàn và tiếng đàn như là một vật xui xẻo của đời mình, cần phải đoạn tuyệt. Sau khi đàn xong bài tái hợp, Kiều liền vứt bỏ cây đàn (nguyên văn ghi “trịch khứ hồ cầm”, bản in Hoa Hạ, Bắc Kinh, 1995, tr.284). Tuy không phải cây đàn và tiếng đàn gây nên tai họa cho Kiều, nhưng có lẽ nó là biểu tượng của đau khổ, tai ương. Nay đổi kiếp rồi, Kiều quyết định bỏ đàn. Mặc dù vậy, đây vẫn là một chi tiết khó hiểu của truyện. Bởi vì, đàn và thơ là hai ngón nghề điêu luyện của Kiều. Nếu có tài mà cậy chi tài, cần phải bỏ, thì sao lại chỉ bỏ đàn mà không bỏ thơ? Câu chuyện này khó mà giảng cho thông suốt được.

Chuyện lập am thờ Phật chờ Giác Duyên vốn trong nguyên tác, ở bản vừa dẫn trên thì không có. Truyện chỉ kể, Kiều cho người đem kiệu rước Giác Duyên, nhưng đến nơi thì người đã đi xa, để lại lời nhắn bằng bốn câu thơ. Chỉ Nguyễn Du mới cho Kiều lập am thờ Phật trong nhà, nhưng không phải để tu Phật, thờ Phật, mà để nhớ “chút nghĩa” với Giác Duyên - kẻ đã cứu mình. Nặng vì chút nghĩa bấy lâu/ Trên am vẫn cứ hương dầu hôm mai