Liệu những thư mục lớn mà nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương để lại, có còn ý nghĩa trong thời đại số không? Chắc chắn vẫn còn, thậm chí còn là thứ hiếm. Vì đó là những tập tài liệu được thu thập vào giai đoạn nước ta chưa có báo mạng và báo mạng chưa phát triển, như thông tin về vụ án nước hoa Thanh Hương chấn động đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thông tin về đám tang của diễn viên Lê Công Tuấn Anh hoặc đám tang của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…




BĂN KHOĂN VỀ MỘT NGUỒN TÀI LIỆU QUÝ

TUY HÒA

Nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương vừa qua đời tại TPHCM, hưởng thọ 80 tuổi. Dù tài năng viết lách của ông không mấy vượt trội, nhưng ông lại nổi tiếng về… lưu trữ tài liệu. Đó là một tấm lòng với văn chương và báo chí, rất đáng trân trọng. Suốt 40 năm sau khi đất nước thống nhất, ông cùng vợ mình - nhà giáo Thu Hương, đã cặm cụi làm công việc sưu tầm thông tin một cách công phu và nhẫn nại.
Công việc của nhà sưu tập Trần Thanh Phương có thể hình dung như sau: Mỗi ngày ông đọc báo giấy và cắt ra những bài viết mà bản thân cảm thấy có giá trị thông tin, sau đó tập hợp lại thành từng chủ đề riêng biệt. Thậm chí, khi internet đã dần phổ cập trong đời sống người Việt, thì ông vẫn giữ thói quen này, rất cẩn trọng và rất cần mẫn. Vì vậy, nhà riêng của ông không khác gì một thư viện khổng lồ, mà đồng nghiệp cầm bút hoặc những người làm công tác nghiên cứu đều mong muốn tiếp cận để có được những tài liệu bổ ích cho tác phẩm.  
Nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công nhận 3 kỷ lục: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam, Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam và Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam. 
Bây giờ, nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương đã khép lại một cuộc đời trong sáng và hồn hậu. Di sản của ông, chính là nguồn tài liệu quý để lại. Lúc sinh thời, có người từng trả một khoản tiền lớn để sở hữu toàn bộ kho tài liệu của ông, nhưng ông không bán với lý do “phải dành phục vụ cộng đồng”. Liệu những thư mục lớn của ông có còn ý nghĩa trong thời đại số không? Chắc chắn vẫn còn, thậm chí còn là thứ hiếm. Vì sao? Vì đó là những tập tài liệu được thu thập vào giai đoạn nước ta chưa có báo mạng và báo mạng chưa phát triển, như thông tin về vụ án nước hoa Thanh Hương chấn động đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thông tin về đám tang của diễn viên Lê Công Tuấn Anh hoặc đám tang của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…
Ngoài ra, nguồn tài liệu của nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương càng ngày càng phát huy tính độc đáo, khi… báo in bước qua phong độ đỉnh cao. Không phải tòa soạn nào cũng có khả năng số hóa các tin bài đã từng xuất bản. Mặt khác, trong bối cảnh công nghệ len lỏi vào mọi ngóc ngách, thì có nhiều tờ báo đã đình bản hoặc đã bị sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí, muốn tìm tài liệu cũ sẽ rất khó khăn nếu không trông cậy vào bộ sưu tập mà nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương để lại cho thế hệ sau.
Kho tài liệu ấy, bây giờ những ai đang sở hữu có biết cách phát huy hiệu quả hay không, là điều đáng băn khoăn!