Trước thềm xuân Canh Tý 2020, nhà văn Văn Chinh đề nghị: “Để chấn hưng phê bình, trước hết những cơ quan có trách nhiệm với phê bình văn học cần có đề tài tìm ra một hệ lý luận văn học nền tảng. Những cái “tuy là của nước ngoài nhưng là những anh nước ngoài dốt” lỡ nhập về nhưng nay đã lỗi thời so với nhu cầu đổi mới thì phải dứt khoát vứt bỏ…”




THỬ HÌNH DUNG DIỆN MẠO PHÊ BÌNH MẤY CHỤC NĂM QUA

VĂN CHINH

Ở tiểu luận “Đọc lại Nguyễn Trí Huân” tôi đã mở đầu thế này: “Trong văn chương, sáng tác và phê bình nhiều khi so le, ngay cả người lạc quan nhất về phê bình cũng không thể chỉ căn cứ vào diện mạo phê bình để hình dung ra diện mạo của nền văn học là đối tượng của nó. Sự so le, không bắt kịp đà tiến / thoái; thỉnh thoảng kêu rêu văn học không có gì hoặc ngược lại, rộ lên một “hiện tượng” văn chương khá đình đám nhưng thời gian như sóng sau đè sóng trước, những “hiện tượng” cũng theo bọt sóng tan biến mất, ấy là sự so le mắc thêm chứng phê bình cảnh hẩu và căn bệnh này càng trầm kha khi yếu tố thị trường xen vào các mối quan hệ, góp phần đưa đến cho bạn đọc một diện mạo méo mó. Tại hội thảo về một nhà thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Có một cánh đồng bất tận các bài phê bình về các tác giả lớn, tác phẩm lớn. Nhưng rút cục thì nhà văn lớn ấy, tác phẩm lớn ấy đâu?”
Sự so le trong phê bình là đường dẫn đến bất công trước khi làm méo diện mạo của sáng tác trong hình dung của bạn đọc. Khi tất cả xôn xao trước cơn mưa truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, nhiều bài phê bình chỉ viết về một truyện ngắn thì một tác phẩm quan trọng và khả dĩ làm vinh dự cho bất cứ người cầm bút nào là Mảnh vườn xưa hoang vắng của Đỗ Chu bị “cho qua”– bài phê bình hơn một ngàn chữ của tôi in ở chân trang của tờ Văn nghệ bị át đi thẳng thừng.
Sự so le của phê bình cũng đôi khi do sự so le giữa lý luận và thực tiễn đời sống. Chẳng hạn hai định đề mà chúng ta thừa nhận như một mặc định là: 1) Chủ nghĩa tư bản phát triển đến tận cùng thì gặp khủng hoảng, tất yếu dẫn đến chủ nghĩa đế quốc và 2) Đỉnh cao của đấu tranh giai cấp là chiến tranh cách mạng. Vâng, nhưng “căn cứ địa” của đấu tranh giai cấp là Liên Xô - Trung Quốc thì rất nhiều cao trào mà không nổ ra chiến tranh và Trung Quốc hiện tự coi là CNXH mà vẫn đã và đang lăm le chủ nghĩa đế quốc! Mặt khác, nhiều học giả về sau gọi chiến tranh Việt Nam 1954 – 1975 là cuộc chiến ý thức hệ (nhiều học giả còn đi xa thêm: Cuộc chiến tranh ủy nhiệm) nhưng xin hỏi lại rằng, hiện có rất nhiều nước cùng ý thức hệ mà vẫn cứ xâm lấn lẫn nhau, thì ý thức hệ đâu có là lý do của chiến tranh xâm lược? Hệ lụy của sự so le này là, nhiều tác phẩm đi giữa đường biên của đúng / sai so với thước đo lý luận hay bị các nhà phê bình sợ tai bay vạ gió lờ đi. Hoặc bị chụp ngay cho cái mũ “bôi đen” như với nhân vật cấp tiểu đoàn “hồi chánh” (làm gì có cán bộ quân đội cách mạng mà hàng giặc?) trong Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh hay với Huế, mùa mai đỏ của Nguyễn Xuân Thiều bị coi là nhắc quá nhiều đến chết chóc thương đau.”
Vâng, tôi vừa chạm đến nguyên nhân thứ nhất khiến cho phê bình so le tiêu cực với sáng tác. Nguyên nhân của nguyên nhân này là chúng ta cứ mặc nhiên coi Việt Nam không có lý luận văn học, không có Lê Quý Đôn, không có Nguyễn Trãi như một mẫu mực thơ tượng trưng và Truyện Kiều không có phẩm chất giáo khoa thư về thân phận con người. Rút cuộc, người xưa lấy Đường Hán làm mực thước, gần hơn thì lấy văn chương lãng mạn Pháp làm thầy, gần hơn nữa thì lấy Liên Xô - Trung Quốc làm kim chỉ nam cho hệ lý luận còn bây giờ hiển nhiên là phương Tây cho có vẻ hội nhập. Chúng ta nhập cảng từ phương Tây những khái niệm ở rất xa văn chương, chẳng hạn phê bình sinh thái, phê bình giới bất chấp bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương từng làm rung động lòng người đã mấy trăm năm qua còn trong tâm thức Việt, thờ cúng cây đa, cây cầu, con suối, con sông, cửa biển, cá Ông Voi…đã là bản sắc tâm linh Việt, lại được giáo lý nhà Phật vun đắp mấy nghìn năm. Đúng là trong làn sóng văn minh vật chất kết hợp với tính vô thần hiện đại đã khiến một số không nhỏ quan dân người Việt trở thành lâm tặc, môi trường tặc, nhưng đó trước hết là việc của chính trị, của luật pháp.
Tôi xin mở một cái ngoặc để nói rõ quan niệm của mình về văn chương. Văn chương và các nhà văn đều có bổn phận đồng hành cũng dân tộc, nhà văn trước hết là con của nước. Nhưng để phụng sự dân tộc, văn chương trước hết phải là nó đã. Một Truyện Kiều vừa làm danh giá người nước Việt vừa góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người Việt hàng trăm năm qua. Giả dụ, “nó dựa vào cốt chuyện Tầu, nhưng là của một anh Tầu dốt” (Ngô Đức Kế) mà nó không hay, tức là văn chương không hay, thì giá trị không hơn một cái bánh đa giời ẩm. Chỉ khi thật là văn chương, nó mới có ích cho dân cho nước. Chứ văn chương trước thì đã “hy sinh nghệ thuật” cho chiến thắng thù trong giặc ngoài, nay lại bắt nó hy sinh nghệ thuật để bảo vệ môi trường, hy sinh nghệ thuật để bảo vệ sinh thái, để chống tham nhũng…thì đến bao giờ văn chương mới được là chính mình?
Một khi văn chương không được làm chính nó, thì tức là nó chả phụng sự nổi ai và cái gì. Xin hãy nhớ đến nền VHNT Xô viết đồ sộ, nó đã gánh vác sứ mệnh kỹ sư tâm hồn và nhăm nhăm dạy dỗ con người nhưng sau 70 năm hàng trăm triệu người thụ hưởng nền giáo dục bằng văn ấy, một buổi sáng thức dậy, ngơ ngác hỏi nhau có cái gì ấy sai sai vừa diễn ra.
Do nhất mực tin vào hệ thống lý luận nhập cảnh, đến khi hệ thống sản sinh ra hệ lý luận ấy sụp đổ, chúng ta đã không ngay lập tức xác lập hệ lý luận mới trên nền tảng của lý luận bản địa – nằm trong các tác giả cổ điển có tham chiếu với các tác giả kinh điển của nhân loại. Chúng ta thấy quê hương của Phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa sụp đổ, vội quên luôn luận điểm nổi tiếng của Lenine: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức (mà tôi hiểu là lý luận) thì không có CNXH và CNCS.” Tôi nhớ cách đây gần chẵn 30 năm, tại Đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam, trong diễn văn chào mừng Đại hội, Thủ tướng Đỗ Mười đã nhấn mạnh: “Tôi nghe các nhà văn băn khoăn nên bỏ hay tiếp tục phương pháp hiện thực XHCN. Tôi nghĩ phương pháp nào không quan trọng. Miễn cứ viết hay là được. Đảng yêu cầu các đồng chí viết hay. Tôi yêu cầu các đồng chí viết hay!” Rất tiếc một vấn đề lý luận quan trọng này đã không được mấy ai coi trọng; còn không được ghi vào kỷ yếu của Đại hội. Đằng khác, chúng ta lại vội vã du nhập về các lý thuyết xa lạ với tư duy sáng tạo vủa người Việt. Rồi các nhà phê bình nhăm nhăm mang các thước đo (khái niệm) của hệ lý thuyết ấy, ví dụ của hậu hiện đại áp vào các tác phẩm sáng tác theo phương pháp hiện thực phê phán. Vâng, trên thực tế là sau phương pháp hiện thực XHCN, các nhà văn ta phần lớn theo hiện thực phê phán, y như thể, đi mãi, khi biết là sai đường, thì quay ngược lại; sự so le này có tên là “ông nói gà bà nói vịt”.
Tôi hằng tin, tiên sư của nghề văn nước nhà là cụ Nguyễn Du đã chỉ chuyên chú vào thân phận con người. Cụ thành công đến nỗi, bao nhiêu nhà lý luận phê bình khoác cho nó cái bành tô đấu tranh giai cấp, trao cho nàng Kiều những ngọn tầm vông chống phong kiến, đội cho nàng lúc thì cái mũ xông thiên chống trời lúc thì mũ ni sư ngồi chép kinh; ấy vậy mà, khi rũ bỏ tất cả những thứ ấy, nàng vẫn cứ là nàng – một thân phận người trong cõi nhân sinh muôn thủa.
Tôi đưa Kiều ra làm một ví dụ, vì nàng là chị Lớn trong ngôi nhà của các nhân vật văn chương, những Xuân tóc đỏ, Chí Phèo Thị Nở, với những em út như chị Quy (Chim én hay) Thằng Tổ trưởng, Thằng Trí thức (Đi về nơi hoang dã) và những phi tần, công chúa bị nghiền nát bởi cối xay đá âm mưu quyền lực trong Con chim phụng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hòa…Những thân phận người khiến ta huyên náo tâm can nhưng đã không có nổi lấy một bài phê bình xứng đáng. Và tôi cay đắng nhận ra, trong khi nền văn học hồi trước ngợi ca những thiên thực lục tiền/ chính biên thì hồi nay nghiêng hẳn sang phê phán hiện thực, cũng là một dạng thực lục nốt; còn phê bình hồi trước ngợi ca những Cái sân gạch, Đất làng, Dấu chân người lính…thì bây giờ ngợi ca những Mối chúa, Cha con và lửa đắng…Những tác phẩm rất ít thân phận người.
Nguyên nhân thứ hai của phê bình so le với sáng tác là năng lực đọc văn của nhà phê bình. Có thể nói, hầu hết các nhà phê bình đều học Ngữ văn, hầu hết những người học Ngữ văn đều có năng khiếu văn chương, có năng khiếu văn chương trước hết là năng lực đọc hiểu tác phẩm. Vậy tại sao tôi cả gan nói một số nhà phê bình, những cử nhân tiến sĩ Ngữ văn nào đó bị hạn chế về năng lực đọc? Tôi có chứng cứ đấy. Gần đây, trên facebook xuất hiện hàng loạt nhà phê bình, nhà văn phản đối đưa Chiếc thuyền ngoài xa vào sách giáo khoa, vì coi nó là đề cao một tác phẩm viết về bạo hành gia đình. Lại cũng nhiều nhà phê bình và nhà văn phản đối truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga. Truyện được dẫn dắt qua độc thoại nội tâm Công chúa An Tư những ngày ở trong trướng của Thoát Hoan, cô nhớ lại những ngày Hoàng tử anh cô là Trần Ích Tắc yêu thương dạy dỗ (ông này nuôi dạy các ông Mạc Đĩnh Chi gồm 20 người thành tài và đều được nhà Trần trọng dụng cả.) An Tư là con vua Trần Thánh tông với nàng hầu (chưa có danh phận) bị triều đình bỏ rơi ở Hưng Hà, Thái Bình. Khi mẹ chết, người ta báo về triều và Hoàng tộc đưa về nuôi; khi cần làm giảm bước ngựa phi của giặc, triều đình đem nàng gả cho Thoát Hoan. Giữa nơi xu phụ quyền lực, mặc dù mang danh công chúa nhưng cô bơ vơ, chỉ được Trần Ích Tắc vốn là kẻ văn nhân nhậy cảm với thân phận người chăm sóc. Những ngày ở với Thoát Hoan, cô không nhớ ông ấy thì nhớ ai? Cô mường tượng rằng ông ấy hàng giặc là trá hàng, như thân phận cô mà thôi. Đó là chân lý nghệ thuật, khi lâm vào hoàn cảnh khốn nạn, người ta chỉ nhớ đến người yêu thương mình nhất và nếu người ấy bị coi là kẻ ác, thì trong lòng kẻ hàm ơn cũng chỉ muốn cắt nghĩa sao cho ít ác đi. Tinh thần của truyện không chiêu tuyết cho ai cả, nó chỉ muốn nói với giặc một điều: Hỡi giặc, hãy buông giáp sắt, mặt nạ sắt mà đến xứ sở tuyệt đẹp này và nếu ngươi xứng đáng, ngươi sẽ nhận được tình yêu của ta. Và khi Thoát Hoan (bị thua, bó buộc) buông khí cụ chiến tranh, cảm thán rằng, ta sẽ mang nàng đi, đến nơi không giết chóc, nơi chỉ còn ta với nàng; An Tư đã tình nguyện đi cùng. Đây là một truyện ngắn hay, ý tứ minh bạch, rõ ràng. Nhưng nó đã bị nhiều nhà văn, nhà phê bình coi là truyện xấu, là truyện ca ngợi thằng giặc đẹp trai (khổ, nó là Hoàng thái tử, giời ạ) và chiêu tuyết cho Trần Ích Tắc – trong khi hầu hết những trang viết về ông này nhà văn chỉ lấy chất liệu từ Đại Việt sử ký toàn thư.
Ở trên, tôi đã xác quyết rằng các nhà văn, các nhà Ngữ văn học đều có năng khiếu văn chương. Chỉ vì được dạy dỗ, được rèn luyện trang bị hệ thống lý luận nhập cảnh, dùng lâu thành quen, thành định kiến và rồi hễ ai viết khác đi đều chụp cho cái mũ đầy mặc cảm, hoặc bôi đen như viên cán bộ tiểu đoàn chiêu hồi của Nguyễn Ngọc Oánh, như chiến thắng Mậu Thân oanh liệt thế không thể đổ máu bi thảm đến thế của Xuân Thiều, như trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư độ trước hay Trần Quỳnh Nga mới đây đã bị chính trị hóa, vâng, cứ chính trị hóa là tiện hơn cả. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân có đưa ra khái niệm phê bình quan phương có chỗ là phê bình quyền uy. Và khi so sánh cách người ta phê bình/ đánh Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu với chùm truyện Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, cho đến Nguyễn Ngọc Tư và Trần Quỳnh Nga…mặc dầu là hai thời điểm khác nhau, nhưng các nhà phê bình chỉ dùng có một phương pháp, đó là phê bình quyền uy – tức là chụp cho đối tượng cái mũ rồi chê bai chính cái mũ ấy.
Như thế là để chấn hưng phê bình, trước hết những cơ quan có trách nhiệm với phê bình văn học cần có đề tài tìm ra một hệ lý luận văn học nền tảng. Những cái “tuy là của nước ngoài nhưng là những anh nước ngoài dốt” lỡ nhập về nhưng nay đã lỗi thời so với nhu cầu đổi mới thì phải dứt khoát vứt bỏ. Những gì du nhập mới đây (hậu hiện đại, lý thuyết tiếp nhận/ đồng tác giả hay đang hot như “hiện thực thần thực…) thì cần có ngay một hội đồng thẩm định, như thẩm định an toàn thực phẩm, an toàn dịch tễ để làm rõ nó, rằng nên dùng ngay hay để đấy dùng sau.
Phê bình vừa hướng dẫn nhà sáng tác, thúc đẩy sáng tạo vừa dẫn dắt bạn đọc. Phê bình nếu làm đúng phận sự, sẽ giúp bạn đọc yêu văn chương hơn. Hai nguyên nhân cốt lõi khiến phê bình yếu kém trên đây gây nên một hệ quả, là bạn đọc chán văn chương bây giờ như chán văn chương thời bao cấp. Là vì đọc những bài phê bình điểm sách của Y khen cuốn Z là hay, khi người đọc không thấy hay thì thấy bài phê bình của Y trên báo/ trên mạng người ta sẽ không đọc nữa. Mà cuộc sống bây giờ quá bận rộn, lâu hình thành một thói quen không ngõ ngàng gì đến sách vở văn thơ nữa. Các nhà văn in sách dăm ba trăm bản, đọc lẫn nhau là vừa.