Hoài niệm của nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Mẹ tôi hay có câu “Để dành đến tết”. Những thức gì ngon nhất, đẹp nhất cũng nhất định phải để dành. Mấy con gà, một gốc cam, vài ba quả bưởi, luống su hào, hành, mùi, bắp cải… Nói ra thế để lũ con cái không nhăm nhăm bẻ mất quả cam hay vặt béng quả bưởi vào mà chén nhân lúc thèm mà nhà chẳng còn gì…”
NHỚ TẾT
ĐỖ BÍCH THÚY
Càng ngày tôi càng nhận ra những cái tết thực ra là để nhớ nhung, chứ không phải để… ăn tết. Tức là mong tết, chuẩn bị tết hôm nay nhưng tâm trạng thì xốn xang bần thần về những cái tết đã xa lắm rồi. Những cái tết mờ ảo trong khói sương, mưa xuân, rét, nhưng luôn rộn ràng, tấp nập, háo hức.
Mẹ tôi hay có câu “Để dành đến tết”. Những thức gì ngon nhất, đẹp nhất cũng nhất định phải để dành. Mấy con gà, một gốc cam, vài ba quả bưởi, luống su hào, hành, mùi, bắp cải… Nói ra thế để lũ con cái không nhăm nhăm bẻ mất quả cam hay vặt béng quả bưởi vào mà chén nhân lúc thèm mà nhà chẳng còn gì. Bố tôi thì hay nói: Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết. Ý là nghèo khó đến đâu thì cái tết cũng phải tươm tất nhất có thể. Phải có bánh chưng, gà luộc, giò xào, nem rán, có nồi thịt đông, hộp mứt, ít hạt bí rang… Tất cả những gì dành cho tết đều ngon nhất, đẹp nhất, cả năm không biết mùi bánh chưng là gì nên trẻ con nào cũng mong đến tết để được ăn bánh chưng; Cả năm không ngửi thấy mùi vải mới nên cũng mong đến tết để xỏ vào bộ quần áo tinh tươm thơm tho.
Nhưng thực ra, những ngày đậm đà không khí tết nhất, những ngày bận rộn náo nhiệt vui vẻ hưng phấn nhất lại là những ngày trước tết, chứ không phải là mùng một hay mùng hai, mùng ba.
Sau buổi trưa ngày hai ba tháng Chạp, tiễn xong ông Công ông Táo lên trời, mới thực sự là những ngày cả làng lao vào sắm sửa, chuẩn bị.
Bọn tôi đi lên rừng chặt lá dong.
Tít sâu trong làng, trong cùng, đi xuyên qua những khu vườn đang nở đầy hoa cải vàng, dăm luống hành mùi, và những cây bắp cải đang cuộn tròn như những cái mũ lăn lóc trên mặt đất; đi xuyên qua một lối mòn nằm giữa hai ta luy đất đá đầy cây dương xỉ, men theo con suối một đoạn dài sẽ vào đến khe núi. Núi làng tôi không có tên. Nó là một phần kéo dài của dãy Tây Côn Lĩnh. Nó có quá nhiều ngọn nên không ai nghĩ ra đủ tên mà đặt, có lẽ vậy. Nhưng nó thuộc sở hữu của từng dòng họ. Mỗi dòng họ một hai triền núi, một hai cánh rừng. Vốn dĩ là vậy từ khi chúng tôi còn chưa chào đời. Trong cái khe núi với hai bờ vách gần như dựng đứng ấy là nơi hàng triệu hàng triệu tàu lá dong xếp bên cạnh nhau, đều chằn chặn, xanh biếc. Lá dong ở khe núi ấy thừa cho cả làng tôi dùng để gói bánh, gói xôi, gói thịt gà thịt lợn luộc… Có ăn ba cái tết liền nhau cũng không dùng hết lá dong trên rừng. Bọn tôi chỉ chọn những tàu đẹp nhất, bánh tẻ, to, dày, bóng, xanh biếc. Chặt cả cuống dài, rồi cuộn lại. Cứ năm chục lá một bó. Mà phải bó tròn, ngửa bụng tàu lá ra, như thế thì khi về mang rửa tàu lá sẽ phẳng phiu, dễ gói. Nhà nào cũng chỉ lấy đủ số lá để dùng, không lấy thừa. Làng tôi không có lệ lấy thừa cái gì của rừng để rồi mang về lại vứt đi. Rừng sẽ là vô tận nếu như biết cách cư xử, và sẽ không thể vô tận nếu như con người tận diệt nó.
Mỗi chiếc bánh chưng gói vo hết ba tàu lá, ba mươi chiếc là chín mươi tàu. Lấy dư ra đề phòng lá rách thành một trăm tàu. Hầu như nhà nào cũng chỉ lấy có chừng ấy. Vừa chặt lá dong cả bọn vừa tưởng tượng ra vị ngon của chiếc bánh chưng nóng, mềm và nhừ, bốc khói nghi ngút, với mùi thơm của hạt tiêu, đỗ xanh, thịt mỡ… Nước miếng tứa ra, đứa nào đứa nấy đều nghĩ rằng mình có thể ăn một lúc hết bay cả chiếc bánh chưng to đùng.
Lấy đủ lá dong thì xuôi về. Gần cửa khe nước là những vạt cây giang dày, kín mít. Đứng bên dưới nó không bao giờ nhìn thấy tia nắng nào. Giang là loại cây cùng họ với tre, nứa, vầu, nhưng chúng không bao giờ ở xa nguồn nước. Lạt giang dùng để gói bánh là tuyệt nhất, nó dẻo quánh, dai và mềm. Chặt giang rất khó, vì thân chúng nhỏ và dài, lại quấn bện vào nhau thành cả một vạt dài hàng cây số dọc khe nước. Nên thường thì chỉ chặt ở gốc, kéo ra, chặt một đoạn một, hai mét, rồi mặc kệ phần ngọn của nó cứ mắc ở trên cái mái cây chật cứng ấy.
Chúng tôi đi về nhà với mấy ống giang và bó lá dong trên vai. Những ngọn khói ở làng đang vơ vẩn cất lên ấm áp, phủ mờ mờ lên những mái nhà cũ kĩ.
Những ngày này hầu như mọi việc đã dừng. Những thửa ruộng bậc thang thoai thoải ra phía bờ sông trơ gốc rạ bạc phếch, khô khốc trên mặt đất nứt nẻ vì rét. Lũ trâu không phải ra đồng được nhẩn nha nằm nhai rơm khô trong góc chuồng, một đống trấu lủn mủn khói đốt bên cạnh vừa đuổi muỗi vừa có hơi ấm. Có những năm mùa đông lạnh quá, trước tết tự dưng trâu lăn đùng ra chết cả loạt. Năm ấy làng buồn, tết mà chẳng ai chuyện trò với ai.
Những vườn cây xác xơ vì đã thu hoạch để bán cho thương lái mang về xuôi. Cả những bụi chuối lừng lững góc vườn có bao nhiêu buồng cũng hạ xuống bằng hết, còn lại vài thân chuối non bé tí teo buồn tẻ đứng đấy, bên cạnh những thân cây mẹ nằm thẳng đuột dưới đất vườn.
Có một rá đỗ xanh mua gom mỗi lần một ít, mẹ sai anh em tôi mang đi xay nhờ. Ba chúng tôi vác rá đỗ đi vào sâu trong làng. Trong đấy, nhà ông Minh có một cái cối đá to lắm. Trẻ con cỡ chúng tôi một mình không xay nổi, phải hai đứa ngồi hai bên cùng nắm lấy cần cối, một đứa kéo một đứa đẩy, xoay từng vòng một. Tôi có nhiệm vụ bốc đỗ xanh thả vào lỗ cối. Chiếc cối kê ở gần cửa ra đầu hồi, chỗ cái sàn được kê bằng những tấm ván, là nơi máng nước được bắc từ trong khe núi về và suốt ngày chảy. Dưới cái sàn ấy là ao cá. Nếu như vào mùa hè thì lúc nào lũ cá cũng lững lờ bơi ở dưới, chờ lúc có người mang nồi niêu bát đĩa ra rửa thì tranh nhau đớp thức ăn. Nhưng giờ đang mùa đông, cá đi ngủ hết.
Bà Minh đang ngồi rửa lá dong. Lũ con bà ấy đi lấy lá dong cùng ngày với bọn tôi hôm trước. Có điều nhà bà, cũng như mọi nhà người Tày khác, không gói bánh chưng mà gói bánh gù. Những cái bánh gạo nếp, nhân thịt, nhỏ, dài, và gù lên như lưng một bà còng, nên gọi là bánh gù. Người Tày ăn tết cũng linh đình, chỉ có điều cách chế biến thì khác người Kinh khá nhiều. Tết ngoài ăn còn phải lo uống. Nhà nào cũng nấu một vài nồi rượu, can hai chục lít có dăm cái xếp ở góc sàn. Uống từ ba mươi đến qua ngày hội Lồng tồng, đến hết tháng Giêng. Chưa hết tháng Giêng thì đừng có hòng tìm thấy một người đàn ông nào đi ra đồng. Còn bận uống cho bằng hết chỗ rượu đã nấu.
Ông Minh đang rửa cày bừa dưới bờ ao, chỗ có mấy viên đá xanh nhẵn bóng bắc thành bậc xuống tận mặt nước. Rửa thật kĩ, sạch bóng, sáng loáng lên, dựng cột nhà cho khô rồi thắt lên mỗi thứ ấy một dải vải màu đỏ. Tôi hỏi bà Minh, tại sao ông lại thắt vải đỏ lên cày bừa? Bà bảo, người ăn tết thì bọn nó (tức lũ cày bừa ấy) cũng phải được ăn tết chứ. Cả cuốc, cả dao quắm, cả liềm gặt… tất cả những thứ dụng cụ ngày thường vất vả thì tết cũng được nghỉ ngơi, cọ rửa sạch sẽ, mặc áo mới, tức là thắt những mảnh vải đỏ ấy, cho đến tận ngày khai xuân lại theo người ra đồng, lên nương.
Chúng tôi xay xong rá đỗ xanh thì trời đã sẩm tối. Đêm nay mẹ tôi ngâm gạo, đỗ. Sáng mai mẹ sẽ gọi ba anh em dậy sớm, đứa rửa lá đứa vo gạo, đãi đỗ. Cả làng tôi rủ nhau gói bánh vào cùng một ngày, để rồi tất cả mọi nhà đều thắp lửa ban đêm luộc bánh chưng. Đêm ấy không ai ngủ. Người lớn ngồi canh nồi bánh và ôn lại một năm cực nhọc vất vả, thu về được gì, mất đi những gì. Trẻ con đốt đuốc chạy từ nhà này sang nhà kia. Chờ bằng được những chiếc bánh chưng bé tí xíu chín trước, và biến ước muốn ăn bánh nóng hổi hôm nào thành hiện thực.
Tết đã gõ cửa rồi.