Nhà thơ Trần Trí Thông (Hội viên Hội Nhà văn TPHCM) đã một phen hoảng hồn khi thấy bài thơ “Chân bùn em lội” của mình bỗng dưng bị đổi tên thành “Lục bát tôi về” và được Giải Ba cuộc thi thơ “Tổ quốc - Quê hương- Biên giới - Hải đảo” với bút danh Tất Đính!




ĐOẠT GIẢI THƠ BẰNG THƠ CỦA… NGƯỜI KHÁC

TUY HÒA

Những ngày giáp Tết Canh Tý, nhà thơ Trần Trí Thông đi dự gặp mặt tất niên cựu chiến binh quận Gò Vấp - TPHCM và được tặng một cuốn Tạp chí Người Cao Tuổi. Vốn ưa chuộng chữ nghĩa, ông mở ngay tờ báo phát hành tháng 1-2020 và đọc bài “Trao giải Cuộc thi thơ Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2019” in trang 42-43-44. Và ông không giấu được sửng sốt vì phát hiện bài thơ “Lục bát tôi về” ký bút danh Tất Đính được trao giải Ba, chính là bài thơ “Chân bùn em lội” mà bản thân rất tâm đắc.

Cuộc thi thơ Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm do công ty Đại Nam của đại gia Huỳnh Uy Dũng ở Bình Dương tài trợ, nên mới có cái tên ghép với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm như vậy. Cuộc thi thơ Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được tổ chức vào các năm 2011, 2012, 2013, 2014 rồi tạm ngưng. Lần thứ 5 mở hội đua tài, cuộc thi thơ Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm có chủ đề “Tổ quốc - Quê hương - Biên giới - Hải đảo” được hai đơn vị phối hợp đăng cai là Câu lạc bộ Thơ Việt Nam và Tạp chí Người Cao Tuổi. Ban chung khảo cũng khá nổi danh, gồm nhà thơ Vũ Duy Thông, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà thơ Đỗ Hàn.

Ban tổ chức cuộc thi cho biết, từ ngày 30/6/2018 đến ngày 30/9/2019 đã nhận được 7345 bài thơ dự thi của 2610 tác giả trên cả nước. Kết quả, không có giải nhất, 2 giải Nhì trao cho “Chợ phiên” của Mỹ Hạnh và “Thăm Côn Sơn - Nhớ Nguyễn Trãi” của Thanh Nhị, 3 giải Ba được trao cho “Bài ca trên biển” của Nguyễn Tiến Đức, “Lục bát tôi về” của Tất Đính và “Tô Thị bồng con đứng trước biển” của Lê Đức Mỹ. Ngoài ra còn có 15 giải khuyến khích.

Bài thơ “Lục bát tôi về” đoạt giải Ba, thực sự là của ai? Nếu quan sát kiểu công chúng, thì cứ ngỡ nhà thơ Trần Trí Thông dùng bút danh… Tất Đính và gửi dự thi. Thế nhưng, theo tiết lộ của nhà thơ Dương Xuân Linh - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ Việt Nam (đơn vị đồng tổ chức) thì Tất Đính là bút danh của vị chủ nhiệm một câu lạc bộ thơ tại quận 12- TPHCM.   

Nguyên văn bài thơ “Lục bát tôi về” được công bố đoạt giải Ba trên tạp chí Người Cao Tuổi
“Theo câu lục bát tôi về
Trả sông con sóng trả đê cánh diều
Thương đồng đất mẹ bao nhiêu
Chưa qua cơn lũ đã chiều heo may
Xước chân vết cỏ gai dầy
Em cầm nắng đẩy chiều gầy bóng tôi
Ngày xưa đã có một thời
Đuổi nhau cùng chạy ngút nguôi gió đồng
Lúa thì con gái trổ đòng
Í ơi em chạy vào trong câu hò
Những đêm trăng tỏ trăng mơ
Quắt quay tôi mấy bài thơ trữ tình
Những đêm xem hát sân đình
Trong lòng ai “lé” mắt nhìn trăng non
Đường làng dấu cát chân thon
Nắng mưa em bước nhịp mòn thời gian
Đồng chiều vướng víu cỏ hoang
Gặp nhau cứ ngỡ vừa sang Thôn Đoài
Ngày xưa hoa huệ, hoa nhài
Chân bùn em lội dọc bài thơ anh”.

Nếu so với bài thơ “Chân bùn em lội” của nhà thơ Trần Trí Thông, thì bài thơ “Lục bát tôi về” có chỉnh sửa vài chữ, mà rõ ràng nhất là câu “gặp nhau mà ngỡ vừa quăng tay chài” được… hiệu đính thành “gặp nhau mà ngỡ vừa sang Thôn Đoài”.

                                                      


Phản biện: bài thơ “Chân bùn em lội” in trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Trần Trí Thông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 4/2018, thì liệu có trùng thời gian “tác giả” Tất Đính viết bài thơ “Lục bát tôi về”? Đã xảy ra hiện tượng “tư tưởng lớn gặp nhau” chăng? Xin thưa, không thể. Vì bài thơ “Chân bùn em lội” ban đầu có tên là “Lục bát chân bùn” được in trong tập thơ đầu tay “Điều anh muốn nói với em” của nhà thơ Trần Trí Thông, do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 2004. Do được nhiều người khen ngợi, nên nhà thơ Trần Trí Thông cao hứng đổi tên bài thơ thành “Chân bùn em lội” và chọn làm bài “đinh” cho tập thơ thứ 6 của mình (sau các tập thơ “Em đừng chia nửa vầng trăng” - 2005, “Lục bát tìm mùa” - 2006, “Không thể bắt đền” - 2010 và “Tiếng gà gáy trong ba lô” - 2014).

Phản biện nữa, nếu “tác giả” Tất Đính bảo rằng thời nay các tập thơ in ra hầu như không phát hành rộng rãi và “tác giả” Tất Đính cũng chưa từng đọc tập thơ “Điều anh muốn nói với em” lẫn tập thơ “Chân bùn em lội” của nhà thơ Trần Trí Thông, thì sao? Đúng là thơ in trong tập thì khó tìm, nhưng thơ đăng trên mạng thì dễ kiếm. Ngày 30/1/2007, nhà thơ Trần Trí Thông có gửi đăng lại bài thơ “Lục bát chân bùn” trên trang Văn Chương Việt, và hiện nay vẫn còn nguyên dấu vết thời điểm hiển thị lẫn số lượt đọc trên website kia!

                                                  


Rõ ràng, bài thơ “Lục bát tôi về” được trao giải Ba cuộc thi thơ “Tổ quốc - Quê hương - Biên giới - Hải đảo”, chính là bản photo có “biên tập” vài chữ từ bài thơ gốc của nhà thơ Trần Trí Thông!

Xưa nay, nạn “đạo thơ” vẫn nhức nhối, nhưng “đạo thơ” để… đoạt giải thì thật khó tin!