Đến ngày hôm nay, báo Xuân các loại đã bắt đầu phát hành ra sạp. Báo Xuân ngày nay với kỹ thuật vi tính đẹp tực rỡ khác xa thời họa sĩ vẽ trên giấy “can” và được in bằng kỹ thuật thô sơ từ hơn nửa thế kỷ trước. Thời đó, dù khó khăn, các họa sĩ rất chăm chút tranh bìa, minh họa của mình cho các tờ báo Xuân luôn rực rỡ.



NHỮNG NGƯỜI LÀM ĐẸP TỜ BÁO XUÂN MIỀN NAM XƯA

PHẠM CÔNG LUẬN

HỌA SĨ LÊ MINH, SỐNG THOẢI MÁI NHỜ VẼ MINH HỌA TRÊN BÁO
Họa sĩ Lê Minh tên thật là Lê Ngọc Minh, sinh 1937, tốt nghiệp trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1957, bắt đầu vẽ bìa sách đầu tiên là bìa cuốn Tiếng suối Sao Len, truyện đường rừng của Nguyễn Ngọc Mẫn, một cây viết đường rừng đầu thập niên 1960.
Sau đó, ông vẽ tranh minh họa cho loạt truyện “Hoa Lư động chúa” đăng trên nhật báo Dân Ta của Nguyễn Vỹ. Đây là dạng truyện feuilleton, mỗi ngày ra một kỳ kèm minh họa. Sau đó ông vẽ truyện tranh, lấy cốt truyện là những truyện lịch sử hay truyện xưa như “Người con gái Nam Xương” trong Truyền Kỳ Mạn Lục hay Hòn Vọng Phu,… và cả truyện tranh nhiều kỳ (mỗi kỳ vẽ 5 cột báo) dựa trên cốt truyện của Bồ Tùng Linh.
Thuở ban đầu, ông vẽ truyện tranh khá cực nhọc, vẽ bằng mực tàu và bút sắt lá tre. Bản kẽm lúc đó còn làm trên gỗ, khắc từng chi tiết, rất kỳ công. Sau, theo kỹ thuật in typo, một miếng kẽm để trên máy in nhỏ 65x50, máy pedal. Hồi đó in bìa báo bốn màu bằng bản kẽm typo, in các màu vàng - đỏ - xanh - đen. Cliché Dầu phải làm bốn bản kẽm cho từng màu. Kỹ thuật này khiến cho họa sĩ và cho nhà in luôn vất vả. Bản kẽm già quá, hay non quá thì không chuẩn. Họa sĩ khi vẽ phải canh màu, phải biết kỹ thuật in để hình dung bức tranh mình gồm bốn màu in chồng lên nhau thế nào mà vẽ cho ra từng màu thuần chất, không dùng màu ửng ửng khó tách màu.
Họa sĩ Lê Minh về vẽ cho báo Sài Gòn Mới khoảng năm 1958, một năm sau khi ra trường. Ông làm họa sĩ thường trực, vẽ theo yêu cầu của Thư ký tòa soạn. Lương họa sĩ thường trực hằng tháng là 4 ngàn đồng, trong khi lương sĩ quan quân đội cấp bậc thiếu úy chưa tới 3 ngàn. Bà Bút Trà có các người con làm báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai đều nhờ ông vẽ minh họa, biếm họa, vẽ truyện tranh. Việc nhiều, giấy vẽ Calson của Pháp mua một lần cả cuộn chứ không mua lẻ, mang về nhà cho vợ lọc ra thành từng tờ. Thu nhập của ông lên tới 6 ngàn đồng một tháng, chưa kể tiền “súp” được ông quản lý trả khi làm thêm những công việc ngoài hợp đồng. Với số lương đó, ông sống thoải mái, sau vài năm đã có thể mua được xe hơi.
Tại báo Sài Gòn Mới, ngoài Lê Minh là họa sĩ thường trực lúc đó còn có họa sĩ Hoàng Lương vẽ cộng tác, thường đến giao tranh rồi đi. Ông này vẽ truyện tranh “Bàn tay máu” của nhà văn ăn khách Phi Long. Trong những công việc của Lê Minh, việc quan trọng không thể thiếu sót là mỗi ngày vẽ một bức hí họa ở trang nhất. Có lần, ông vẽ trong đêm, mệt quá ngủ gục, tay quơ khiến lọ mực Tàu đổ lên tranh. Đến sáng, không có tranh đưa đi làm kẽm, thư ký tòa soạn là ông Chi Lăng phải soạn ngay một tin kiểu “xe cán chó” để trám vào ngay. Rất may, tiệm Cliché Dầu biết kẽm cần gấp của Sài Gòn Mới nên lập tức làm ngay mới kịp để in báo ra buổi trưa.
Lê Minh cộng tác với Sài Gòn Mới cho đến khi báo bị đóng cửa năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ và tờ báo bị cho là thân với nhà Ngô. Anh em trong tòa báo tan tác, đi sang các báo Ngôn Luận, Độc Lập. Sau đó là giai đoạn vẽ bìa sách, mà đáng nhớ nhất là vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung.
Họa sĩ Lê Minh đã mất tháng 10 năm 2019.

HỌA SĨ PHAN PHAN
Họa sĩ Phan Phan, tốt nghiệp trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1959 đã sớm cộng tác vẽ truyện tranh cho một số báo khi còn đang đi học. Ông tên thật là Phan Đắt Trưởng, sinh năm 1933 tại Bến Tre. Đầu thập niên 1960, ông chuyển sang làm họa sĩ thiết kế sân khấu, trở nên sáng giá và theo nghề cho đến nay, khi đã 84 tuổi, đoạt nhiều giải thưởng và được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Bộ truyện tranh đầu tiên nhận nhuận bút khi đang là học sinh Mỹ nghệ thực hành Gia Định vượt ngoài ước mơ của ông. Lúc đó, tiền tòa báo trả cho họa sĩ một ô tranh 8cm vuông là 45 đồng. Một đợt tranh vẽ trong một tuần phải xong 100 ô tranh, lãnh 4.500 đồng. Cơm tháng 450 đồng, chỉ bằng một phần mười tiền nhuận bút. Lúc đó, còn đi học, ông rất sung sướng vì tự làm ra tiền bằng chính năng khiếu và sở thích của mình. Ông biết gia đình không muốn ông theo nghề vẽ, nhưng nhờ ý kiến người cậu: “Cho nó học một năm biết Sài Gòn với người ta, xong bắt về cũng không muộn!” mà ông có mặt ở đây. Thành công ban đầu khiến ông quyết ở lại, đến kỳ nghỉ hè cũng không về nhà, nhận vẽ truyện tranh cho các báo.
Vẽ tranh cộng tác với báo là để có tiền trang trải chuyện học, nên ông và nhiều họa sĩ khác lúc đó không coi trọng và cũng không có ý thức về tác quyền nên chẳng ký tên vào tranh. Bút danh Phan Phan, tòa báo cũng đặt cho ông một cách tình cờ. Số là sau khi được nhận tranh, ông mừng rỡ quay lưng ra về thì bị gọi giật lại, đòi cho biết tên để ghi tác giả. Ông trả lời “Khoan, khoan!”, định về nhà nghĩ cho mình một bút danh. Nào ngờ, nhân viên tòa báo nghe ba chớp ba nháng, viết tên ông là “Phan Phan”. Từ đó chết tên luôn!
Sau này, do cơ duyên, họa sĩ Phan Phan chuyển sang thiết kế sân khấu từ rất sớm nên không tiếp tục theo nghề vẽ tranh hí họa. Nhưng nhờ vào làng tranh biếm, ông gặp được người ngưỡng mộ bấy lâu là họa sĩ Lê Trung.
Do ông rời làng báo từ sớm nên không tìm thấy được nhiều tranh minh họa và biếm họa của ông.
Họa sĩ Phan Phan đã mất tháng 5 năm 2019.

HỌA SĨ HƯNG HỘI
Hai họa sĩ Lê Minh và Phan Phan, đều trên tám mươi tuổi, khi nói về họa sĩ Hưng Hội đều thừa nhận ông Hưng Hội vẽ minh họa và hí họa rất đẹp, đường nét diễn tả gọn, sắc sảo và sinh động.
Trong hai năm sống gần rạp Văn Hoa Đa kao, họa sĩ Phan Phan thường cùng họa sĩ Hưng Hội uống cà phê ở góc đường Trần Quang Khải – Hai Bà Trưng. Ông còn lưu chút ký ức về họa sĩ này.
Hưng Hội là họa sĩ lớp trước cũng xuất thân từ trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, đã vẽ cho Nam Kỳ tuần báo từ rất sớm. Hưng Hội là bút danh, không ai biết tên thật của ông là gì và đến giờ không để lại tấm ảnh nào. Khoảng cuối thập niên 1950, Hưng Hội sống trong căn nhà ở Khánh Hội cùng vợ con. Tính cách ông hiền hòa, bề ngoài bình dị, ăn mặc khá lèng xèng, đi xe đạp. Tuy bên ngoài như vậy, tranh của ông sắc sảo, hoa mỹ, cứng tay nghề. Nhờ vậy, ông được mời vẽ trên nhiều báo như Tin Điển, Thần Chung, Sài Gòn Mới... vừa biếm họa, minh họa, truyện tranh, ăn tiền từng sản phẩm chứ không ăn lương họa sĩ thường trực. Giống như các họa sĩ khác, ông vẽ bằng bút sắt, thứ nét mịn chấm trong lọ mực của Pháp, rồi đưa tòa báo để duyệt xong chuyển làm bản kẽm. Từ những bức tranh vẽ còn sơ sài trên Nam Kỳ tuần báo, Hưng Hội đã có những bức minh họa và biếm họa rất đẹp trên nhiều báo rất được anh em trong giới khen ngợi.
Sau năm 1975, bạn bè làm báo không thấy Hưng Hội đâu nữa.
HỌA SĨ NGÂN HÀ
Sinh năm 1918 tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông vào Nam năm 1954, cộng tác trình bày báo Xuân cho một số Nhật báo. Sau chuyển sang vẽ biếm họa. Các báo ông cộng tác là Chuông Mai của cụ Huỳnh Hoài Lạc, Tuổi Xanh của Nguyễn Thạch Kiên, Sài Gòn Mới của bà bút Trà, và các tờ khác như Trắng Đen, Phụ Nữ Ngày mai… Năm 1965, ông là nhân viên Phòng phối trí Đài Truyền hình Việt Nam 9 ở Sài Gòn đến năm 1973. Ông mất năm 2003 tại Sài Gòn.

HỌA SĨ VIVI, THẦN TƯỢNG CỦA NHIỀU LỨA HỌC SINH MIỀN NAM
Họa sĩ ViVi tên thật là Võ Hùng Kiệt, sinh năm 1945 tại Vĩnh Long. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về hội họa, bắt đầu đăng truyện tranh đầu tiên trên báo Tuổi Xanh năm 13 tuổi (1958), do sự khuyến khích của chủ bút, ông Bùi Văn Bảo. Năm 1964, ông đậu vào trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và cũng bắt đầu vẽ cho nguyệt san Tuổi Hoa với bút hiệu ViVi, ghép từ hai chữ đầu Việt Nam và Vĩnh Long. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật năm 1968, gia nhập quân ngũ nhưng vẫn tiếp tục vẽ bìa báo, minh họa, biếm họa, truyện tranh cho nhiều sách, báo và minh họa sách giáo khoa cho một số nhà xuất bản. Đến năm 1971, ông bắt đầu cộng tác với tuần báo Thiếu Nhi và tạo nên dấu ấn đậm nét.
Họa sĩ ViVi còn vẽ tem cho bưu điện khi đang học năm thứ nhất trường Cao đẳng Mỹ thuật cho đến năm 1975, nhận được khoảng 40 giải thưởng về bưu hoa.
Họa sĩ ViVi vẽ chủ yếu bằng chất liệu màu nước và sơn dầu. Nhiều họa phẩm của ông trên các bìa sách, báo, tem thư được ngưỡng mộ cho đến tận hôm nay vì kỹ thuật tả thực xuất sắc, sinh động và có cảm xúc. Rất nhiều độc giả báo chí thời trước 1975 thích tranh của ông, có người gần như là “tín đồ”, khi tranh được thể hiện ở những ấn phẩm hay, lành mạnh dành cho thiếu nhi mà họ đã từng mê say đọc hồi còn đi học.
Thời gian cộng tác với tuần báo Thiếu Nhi là một trong hai phần việc của ông được độc giả ưa thích nhất vì khi vẽ cho tờ báo này suốt bốn năm, tay cọ của ông đang độ chín, tranh của ông ngày càng mượt mà, giàu cảm xúc (phần việc thứ hai được nhắc nhiều với sự hâm mộ là vẽ những tranh bìa rất đẹp, nên thơ cho Tủ sách Tuổi Hoa do ông Nguyễn Trường Sơn làm chủ biên). Họa sĩ ViVi cho biết trước kia, tranh minh họa hay biếm họa được họa sĩ vẽ nét đen trên giấy, tòa báo hay nhà xuất bản gửi nhờ nhà làm bản kẽm (như công ty Cliché Dầu) chụp ra phim, cho khắc trên một miếng kim loại chì pha nhôm, gắn trên một miếng gỗ rồi xếp vào trang chữ (chữ cũng bằng chì), kỹ thuật này gọi là in Typo. Khi vẽ tranh bìa tuần báo Thiếu Nhi các số Xuân, chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến - Đỗ Phương Khanh (chủ biên và trị sự) cũng anh em biên tập bàn bạc với ông rất kỹ về chủ đề. Bức tranh bìa báo Xuân 1972 với cảnh gia đình đón xuân đầm ấm, sum họp với ông bà cha mẹ con cháu, câu đối đỏ, cây nêu, bánh chưng xanh, hoa đào... được thể hiện đẹp và tự nhiên là một bìa báo được độc giả nhớ lâu. Khi nhận thực hiện bìa báo Xuân Thiếu Nhi Tết Quý Sửu 1973, cũng đang lúc Tổng Nha Bưu Chính Sài Gòn gửi lời mời cho các họa sĩ trong và ngoài nước gửi mẫu tranh dự thi đề tài Con Trâu. Để có hình ảnh thực tế, ông ra ngoại thành Hóc Môn và Thủ Đức, vừa chụp hình vừa ký họa trâu cổ trâu nái và trâu nghé các góc cạnh tư thế cho sinh động và chính xác để vừa vẽ tem vừa vẽ bìa báo.
Trên báo Thiếu Nhi, ngoài việc vẽ bìa và minh họa, họa sĩ ViVi thỉnh thoảng có vẽ biếm họa, rất sinh động, tự nhiên, tiếc là ông không đi theo con đường này. Ông cho biết thời gian đó, mỗi ngày ông phải vẽ một băng truyện vui “Gia Đình Nàng Hương” trên nhật báo Dân Chủ, truyện tranh trên Nhật báo Độc Lập, minh họa sách giáo khoa, còn lo vẽ bìa cùng minh họa cho hai tờ báo Tuổi Hoa và Thiếu Nhi nên ít thời giờ để vẽ tranh biếm họa.
Hiện nay ông sống tại Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục sáng tác tranh và điêu khắc.

ĐINH TIẾN LUYỆN, HỌA SĨ CỦA TRƯỜNG PHÁI “MẮT TO”
Trước 1975, tuần báo Tuổi Ngọc xuất hiện và nhanh chóng được tuổi mới lớn, giới học sinh sinh viên miền Nam yêu thích. Tờ báo như một làn gió mát lành thổi vào tâm hồn tuổi mới lớn mơ mộng, bằng nhiều sáng tác văn, thơ hay, giàu cảm xúc và có nhiều chuyên mục hấp dẫn, sát với đời sống giới trẻ. Bên cạnh đó, sức hút quan trọng của tờ báo chính hình thức tờ báo, thể hiện qua những bức tranh làm bìa báo và tranh minh họa rất đẹp.
Thư ký tòa soạn báo Tuổi Ngọc, nhà văn cũng là họa sĩ Đinh Tiến Luyện cho rằng điều này có được từ nguyên do tờ báo được “xây dựng với tâm huyết của những người yêu nghề, mến nghiệp”. Khi được hỏi về việc vẽ bìa và minh họa trên báo, ông nhớ lại: “Làm báo tay viết thì nhiều nhưng tay vẽ thì không sẵn, nên cũng như làm “đầu bếp”, tôi phải biết xào nấu sao cho thường xuyên có món bày bàn, ngon hay dở, cũng phải chủ động cho đúng kỳ hạn. Chỉ mê vẽ thôi, là một tay ngang không có bài bản, nhưng có cơ hội, không “có ai trồng khoai đất này” nên vẽ bìa là tôi và minh họa trang trong cũng là tôi. Viết về tuổi học trò mới lớn nên nét vẽ của tôi cũng chở theo hồn ấy. Nếu có gì gọi là riêng biệt thì đó là vì làm báo Tuổi Ngọc”.
Lúc đó, ông chỉ minh họa và làm bìa cho báo Tuổi Ngọc. Có lúc vẽ cho sách của Nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Do nét vẽ ngày càng được ưa thích, một lần khi ông được giới thiệu là họa sĩ, một người thầy nhiều học vị hỏi: “Theo trường phái nào?”. Người đứng ra giới thiệu, chủ nhiệm báo Tuổi Ngọc lúng túng nhưng cũng “phăng” ngay ra câu trả lời: “Trường phái “mắt to”.
“Không đụng hàng. Không có tự điển. Tôi vẽ cái gì tôi thích”, họa sĩ Đinh Tiến Luyện tự nhận. Có cá tính riêng trong suy nghĩ và thể hiện nét vẽ, phải chăng điều đó khiến tranh ông được nhớ lâu?.
Khi được hỏi rằng kỹ thuật in ấn lúc đó liên quan đến kỹ thuật vẽ tranh minh họa trang trong và vẽ bìa báo, họa sĩ Đinh Tiến Luyện cho biết rất chi tiết: “Khi có computer thì ngành in ấn thay đổi rất mạnh. Làm báo nhưng đồng thời cũng làm nhà in nên tôi rất rõ chuyện này. Một phần quan trọng của nhà in là công việc xếp chữ. Nếu có được kho chữ cả ngàn fonts và fontsize hầu như vô tận từ chiếc computer như ngày nay thì nhà in, riêng khu vực xếp chữ cũng phải có tòa nhà hàng trăm tầng. Kỹ thuật in ấn thời thủ công, bên cạnh nhà in còn có nhà đúc chữ và nhà làm cliché (bản kẽm). Hình vẽ được chụp phim và làm thành bản khắc trên kẽm để sau đó chèn vào trang xếp những con chữ li ti bằng chì. Nhiều công và tốn phí như vậy nên minh họa trên báo cũng hạn chế, có một bản kẽm xài đi xài lại cả chục lần. Riêng bìa màu thì phức tạp hơn. Nếu không in offset thì có khi người thiết kế bìa phải tự tách màu ra từng bản và chọn màu (typo thường không quá 3 màu). Những chữ trên bìa nếu muốn đặc biệt theo ý mình thường phải kẻ riêng bằng tay (thường không bén nét). Tôi hay sưu tập những sách báo cũ nước ngoài để tìm kiểu chữ lạ. Có khi mua một cuốn báo dày cộm chỉ để lấy hàng chữ đem về cắt ra dán vào bìa làm tựa cho một cuốn sách. Người thiết kế bìa báo hay bìa sách không hoàn toàn chủ động cho đến khi ấn phẩm được in ra, có khi còn đợi… hên xui của kỹ thuật nhà in (vì thế cũng có đôi kỳ làm bìa báo tôi đã tự mình làm lấy những công đoạn chuyên môn của nhà in). Tôi rất ham làm ra các ấn phẩm nên khi có chiếc computer đầu tiên là tôi cài photoshop và say mê với nó. Ngày nay với một thiết kế ấn phẩm nó có thể chui từ máy nhà mình, phóng thẳng tới nhà in và chạy ra một ấn phẩm hoàn toàn theo ý muốn, phong phú cả màu sắc lẫn chữ nghĩa. Tất cả dễ dàng hơn rất nhiều so với thời kỳ làm báo theo lối thủ công. Tranh dùng để làm bìa báo hay bìa sách thường là những hình vẽ nhỏ hoặc đôi khi lấy ra từ một bức tranh, tự chụp qua máy riêng. Có khi những bìa báo xuân này là từ những bức sơn dầu trên vải, có tấm khổ khá lớn, được đem thẳng tới nhà in để trực tiếp qua máy tách phim bốn màu của kỹ thuật ấn loát”.
Việc vẽ bìa và minh họa trên báo Tuổi Ngọc với họa sĩ Đinh Tiến Luyện là một kỷ niệm đẹp thời trai trẻ của ông. Ông bộc bạch: “Tôi mê vẽ trước khi mê viết. Làm báo, lại là giữ chân Thư ký tòa soạn nên có dịp “tung hoành” (cũng có khi là bất đắc dĩ). Tôi biết có nhiều tay vẽ tay viết cừ khôi hơn tôi nhiều lần nhưng vì không có cơ hội nên vẫn ẩn danh đó thôi. Cám ơn Tuổi Ngọc vì đã tạo cơ hội để tôi thể hiện được đam mê của mình một thời. Thêm sự cổ vũ của bạn đọc nữa, chính họ đã định danh định hướng và dựng cho tôi cái “nhà” dù tôi chỉ xứng ở một góc mọn nào trong cái nhà ấy. Như anh Duyên Anh, người bạn vong niên của tôi, người Anh Cả của những cây viết Tuổi Ngọc môt thời, chúng tôi không quan tâm mình đã có đóng góp như thế nào cho nền văn học, để đáng kể xướng danh và được đứng trong cái nền vinh dự ấy. Chúng tôi chỉ mong thể hiện hết đam mê của mình, cái thật mà mình có. Cái cống hiến cụ thể thấy được là số lượng ấn bản được in ra và sự đón nhận của độc giả. Làm báo có thể không thành công, nhưng làm xuất bản nhóm Tuổi Ngọc luôn có tác phẩm bestseller trong thời gian dài”.