Câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Thành Phong: “Nàng dâu cả của nhà tôi đúng là loại “nàng dâu order”, khoản nội trợ y như cái cô cháu dâu trong bộ phim cùng tên ấy. Hai vợ chồng nó sống cùng chúng tôi một thời gian, sinh thằng con trai. Ăn cơm chung, nó nhiệt tình sắp dọn và kết thúc bằng việc pha trà, dọn đồ tráng miệng và rửa bát đĩa, còn việc nấu nướng thì tuyệt không động tay vào.




NÀNG DÂU ORDER VÀ CĂN BẾP 4.0

NGUYỄN THÀNH PHONG

Khi con trai tôi đưa cô bạn gái về giới thiệu, cả nhà thích lắm. Hai đứa đều học thức, đã từng đi học ở nước ngoài về, hình thức đều đẹp đẽ, gia cảnh lại giống nhau, không còn gì lăn tăn cả. Làm bữa cơm đầu tiên ăn cùng hai đứa. Con bé nhiệt tình, xăm xắn cùng làm. Nhưng nó chỉ nhặt được rau, xếp bát đũa ra mâm, ăn xong thì nhanh tay dọn dẹp và đứng vào bồn rửa bát. Vợ tôi thì thào: “Con Xuân Anh hình như không biết nấu bếp, làm món ăn, anh ạ”. Tôi ngạc nhiên: “Thôi chết, nó về làm dâu trưởng nhà này, như thế thì sao được nhỉ?”. Vợ tôi bảo: “Em chỉ lo nó không chiều anh ăn uống được thôi, anh khó tính lắm chứ có như người ta đâu. Còn em thì chả sao, nấu gì ăn đấy”. Tôi cười: “Nó sống với con trai mình, chứ có sống với mình đâu. Không biết nấu ăn ngon thì ăn thường, miễn hạnh phúc là được”. Vợ tôi cười, gật gật đầu.
Nàng dâu cả của nhà tôi đúng là loại “nàng dâu order”, khoản nội trợ y như cái cô cháu dâu trong bộ phim cùng tên ấy. Hai vợ chồng nó sống cùng chúng tôi một thời gian, sinh thằng con trai. Ăn cơm chung, nó nhiệt tình sắp dọn và kết thúc bằng việc pha trà, dọn đồ tráng miệng và rửa bát đĩa, còn việc nấu nướng thì tuyệt không động tay vào. Khi vợ chồng tôi bận, thì chồng nó nấu, chồng nó lười thì nó gọi điện, order rất nhanh, mọi món đến ngay. Tôi đùa: “Cứ đặt ăn qua điện thoại mãi thế này hả con?”. Nó nhỏn nhoẻn: “Ổn lắm bố ạ, kể cả bố thích món thịt chó, con cũng gọi được ngay về cho bố uống rượu”. Tôi cười khà khà…
Mới đây, hai vợ chồng con trai tôi dọn ra ở riêng trong một căn hộ chung cư cao cấp. Một thời gian, nó mời chúng tôi với chú em chồng săng ăn cơm tối cuối tuần. Ngạc nhiên chưa! Căn bếp của nó hiện đại, sáng bóng, ngoài bếp từ giống nhà tôi, còn là bao thứ thiết bị lạ lẫm, tôi nghe giới thiệu mà choáng cả tai. Nào nồi chiên không dầu, xửng hấp tổng hợp, nồi hầm thịt, nồi nấu cháo, lò nướng nhiều chế độ, máy hấp bát đĩa, máy làm sữa chua… Cô con dâu thư thái đứng bếp, vừa điều chỉnh gì đó, vừa lướt mạng bằng iphone xịn trên tay.
Cơm rượu được dọn ra, lại toàn món tôi thích: Thịt lợn ba chỉ nướng mật ong, thịt thăn bò xào, thịt gà hấp lá chanh… Lại có cả ngô tươi luộc, khoai lang nướng kiểu truyền thống và nhiều nhiều thứ nữa. Nhìn mâm bày đã thích mắt, màu sắc tươi vui, mùi thơm vấn vít, ăn thì vừa tới độ, vừa miệng mọi gia vị tẩm ướp.
Tôi hỏi, ngập ngừng: “Các món này con đều order hay là…”. Con dâu trả lời: “Con tự làm cả đấy ạ!”. “Ơ, trước đây con không biết nấu ăn cơ mà?”. “Giờ con là chủ bếp, thì phải ra tay chứ ạ!”. “Thế học ở đâu, lúc nào?”. “Ở trên mạng có hết bố ơi. Với cả các loại thiết bị nhà bếp loại mới này, người ta thiết kế chuẩn chỉ và an toàn lắm, nấu ăn nhàn nhã như không mà”.
Sau bữa ăn ấy, vợ tôi quyết định mua ngay thêm một số thiết bị nhà bếp kiểu mới, nấu thử một số món ăn theo kiểu mới với sự hướng dẫn của cô con dâu. Cái cô con dâu tưởng chả biết nấu ăn ngày đầu về nhà mình ở chung. Bây giờ, tôi cứ mong nhanh đến cuối tuần để sang chén cơm rượu do cô con dâu sửa soạn.
Có lần, tôi nhắc lại băn khoăn hồi trước, vợ liền bảo: “Từ đầu em đã chả lo gì chuyện con dâu mình chưa biết nấu ăn. Cơ bản là chúng nó thông minh, có học thức, khi cần ra tay việc gì, thì sẽ nghiên cứu và sẽ tìm ra cách thức thực hiện được cả. Nấu ăn cũng thế thôi. Mà càng ngày người ta càng nghiên cứu, sản xuất ra các thiết bị cho căn bếp mới hiện đại hơn về mọi mặt để đảm bảo sức khỏe, để giúp cho người chủ bếp tự do hơn, sáng tạo hơn, lãng mạn hơn”.
***
Vợ tôi nói thật chí lý. Ngẫm lại đời mình, thấy bao nhiêu dáng bếp đã đi qua. Dáng cúi của bà, dáng ngồi của mẹ, dáng đứng của vợ, và bây giờ là dáng thư nhàn thanh thản của những phụ nữ thời hiện đại. Sự tiến hóa của những dáng bếp ấy chính là hành trình một câu chuyện lịch sử, văn hóa và khoa học, đầy nhân bản.