Nhà văn Bích Ngân cũng có chức "quan phụ mẫu địa phương" trong làng văn là Trưởng Liên chi hội nhà văn VN tại TPHCM, chia sẻ: Ai nghĩ tôi phịa thì có thể rón rén phục kích quanh nơi các thành viên Hội đồng thơ tá túc trong mấy ngày họp bàn xét và bỏ phiếu cho các ứng cử viên ngành thơ xin gia nhập vào Hội nghề nghiệp, và “cái lộc thực” mơ hồ đó lại có sức hút khiến…cả bao cổ phiếu của VinCroup, xem ra chưa là cái đinh gì so với sức nặng của cái “Thẻ nhà văn”.




THẺ NHÀ VĂN

Truyện hài hước của BÍCH NGÂN

Thực lòng tôi muốn giấu nhẹm chuyện này. Bởi khi nghe chắc gì có người tin. Họ cho tôi phịa rồi nhún vai: “116 người đoạt giải Nobel văn chương dứt khoát không một ai lận trong túi cái Thẻ nhà văn”. Họ còn bĩu môi: “Cái Thẻ nhà văn đó thì được cái lộc thực gì?”
Được cái lộc thực gì từ cái Thẻ nhà văn? Câu hỏi được liên tục hỏi. Hỏi khi tiết trời cuối đông buốt lạnh, lúc rục rịch mùa xét các loại giải văn chương và xét kết nạp hội viên vào cái Hội đã kéo dài danh sách ngót nghét tới con số có bốn chữ số, cho đến khi ấm áp sang xuân, đào bung mai nở, là lúc các tân hội viên hăm hở đón nhận cái Thẻ nhà văn trong rộn ràng chúc tụng.
“Cái lộc thực” tròn méo, to nhỏ, nặng nhẹ, dày mỏng, màu sắc, hương vị…ra làm sao, chẳng bao giờ có câu trả lời rõ ràng. Chỉ nghe úp mở thông tin “Cả ngàn lá đơn xin vào Hội, vẫn đang nằm chờ!”.
Kiểu thông tin thiếu thông tin và chưa hẳn là thông tin đó kích thích trí tưởng tượng của thiên hạ về “cái lộc thực” tuy không dạng, không hình, không lượng; cũng không có một giá trị cụ thể cả tinh thần lẫn vật chất, lại có sức mê hoặc đến kinh hồn.
Sức mê hoặc đó, suýt làm tôi toi mạng.
Ai nghĩ tôi phịa thì có thể rón rén phục kích quanh nơi các thành viên Hội đồng thơ tá túc trong mấy ngày họp bàn xét và bỏ phiếu cho các ứng cử viên ngành thơ xin gia nhập vào Hội nghề nghiệp, và “cái lộc thực” mơ hồ đó lại có sức hút khiến…cả bao cổ phiếu của VinCroup, xem ra chưa là cái đinh gì so với sức nặng của cái “Thẻ nhà văn”.
Còn ai tin tôi thì khôn hồn đừng lảng vảng quanh khu vực mà các thành viên của Hội đồng thơ phập phồng trú ẩn trong mấy ngày lưu lại thủ đô trong mùa…bỏ phiếu.
Tôi là kẻ hiếm hoi trên dải đất của cường quốc thơ ca này không có khả năng làm thơ, nên hẳn nhiên không phải là thành viên của hội đồng thơ. Tôi cũng không thân thiết đến độ cặp kè với bất kỳ một thành viên nào của Hội đồng thơ.
Không may cho tôi là đi cùng một chuyến bay với một vài người là thành viên của Hội đồng thơ và nghỉ cùng một nhà khách với họ.
Cái xui rủi tiếp theo là tôi lại nghỉ cạnh phòng nhà thơ Thi Thi, một nhà thơ mà tên tuổi từ lâu đã vượt khỏi miệt đồng bằng và đang là một thành viên sáng giá cũng như các thành viên sáng giá khác của Hội đồng thơ.
Đêm đầu tiên ở Hà Nội, người nào cũng í ới hẹn hò. Hẹn bè bạn. Hẹn tình nhân. Hay cố moi trong ký ức một hình bóng mơ hồ nào đó. Và kẻ không rõ nhân ảnh bao giờ cũng là cố nhân. Ai không có tình mới lẫn tình cũ thì lặng lẽ uống tách cà phê nóng ngắm mặt hồ buôn buốt sương đêm.
Tôi vừa có bạn lại vừa cà phê nên về muộn. Ra khỏi taxi, nói lời tạm biệt với mấy người bạn rồi co ro trong áo khoác. Mới bước được mấy bước, thì từ một gốc cây lòa xòa bóng tối, hai bóng đen nhảy xổ vào tôi. Liền theo đó, hai cánh tay tôi bị kẹp chặt:
- Chị là nhà thơ Thi Thi?
- Không, tôi không phải là nhà thơ Thi Thi
- Tôi vừa nghe chị nói tiếng Nam. Chị đúng là nhà thơ Thi Thi…
- Không, tôi không phải…
Một trong hai người mà tôi kịp nhận ra là một gã đàn ông mũ sùm sụp, áo lông dày, nhanh như chớp, giằng lấy cái ví trong tay tôi. Và nhanh hơn chớp, gã mở ví, lục lọi. Tôi muốn la lên: “Cướp…cướp…” nhưng hai cái hàm tôi bị cái lạnh, cái sợ làm tê cứng. Thôi thì, của đi thay người...
Tôi nhầm. Gã áo khoác kềnh càng không lấy tiền mà chỉ rút cái “Thẻ nhà văn” của tôi ra, vội bật đèn điện thoại sắm soi. Cùng một lúc cả hai gã cùng bật ra một câu hỏi:
- Vậy nhà thơ Thi Thi chừng nào về?
Hai tiếng “nhà thơ” từ miệng hai kẻ lạ mặt nghe trang trọng như được xướng lên ở một đền đài nào đó chớ không phải nơi nhập nhoạng khuya khoắt dưới lùm cây.
Thì ra, họ mai phục để túm lấy nhà thơ Thi Thi, thành viên Hội đồng thơ, người mà họ biết tiếng, biết tên nhưng chưa biết mặt. Tôi lúng búng:
- Chắc…chắc… sắp về…
Thoát khỏi hai kẻ mai phục, tim tôi vẫn đập bất thường. Tôi bị hở van tim bẩm sinh. Lại ba lần thất tình, rồi bốn lần tình phụ nên trái tim thương tích phập phều thiếu máu.
Tôi dáo dác nhìn quanh. Hình như quanh những gốc cây dọc theo lối đi dẫn tới nhà khách cũng lố nhố những bóng đen. Như bị ma đuổi, tôi lấp vấp chạy, lấp vấp bường vào nhà khách.
Đến được chỗ tiếp tân, tôi hào hễn: “Cho tôi…chìa khóa…phòng…số…”. Tôi chưa dứt lời thì từ chỗ ghế salon cách đó năm bảy mét, một người đàn ông tóc hoa râm, mắt kính lấp lóa, mặc vest xám, cà vạt đỏ, tay xách cặp da nâu bóng, đứng phắt dậy, tiến về phía tôi:
- Chị là nhà thơ Thi Thi ?
Cùng lúc đó, lối đi ra từ phòng vệ sinh, một người đàn bà béo tốt, phấn son hực hở, áo váy óng ánh, tay xách cái túi căng phồng đang nện gót phồm phộp hướng về phía tôi:
- Chị là nhà thơ Thi Thi?
Không đủ sức trả lời, tôi chỉ còn chút bình tĩnh để ấn đầu ngón tay vào nút mở cửa thang máy.
Tôi chui ngay vào thang máy và giữ chặt ngón tay ở nút đóng cửa.
Thang máy dừng ở tầng 5.
Vừa bước khỏi thang máy, tôi chạm mặt một mỹ nhân. Nàng xán lại tôi:
- Ôi, chị yêu…Em đợi ở cửa phòng chị từ lúc tối đến giờ…
Tôi hụt hơi, lắp bắp:
- Tôi…tôi không phải….không phải là…là… Thi Thi…
Mỹ nhân dạng chân, cản lối:
- Chị đừng lừa em! Em đã in 6 tập thơ, 5 lần ra mắt hoành tráng, lần nào cũng được lên báo, lên truyền hình, lần nào cũng được các nhà phê bình khen ngợi hết lời…Em là người biết ơn và trả ơn rất hậu…Em chỉ cần chị cho em xin một phiếu để em bước lên đẳng cấp tinh hoa của những người làm thơ…
Tai tôi lùng bùng. Mùi nước hoa, mùi keo vuốt tóc, mùi mascara chuốt mi, mùi phấn, mùi son, mùi hơi thở và tiếng nói từng tràng, từng tràng…như không phải từ đôi môi đỏ mọng liên tục khép mở mà từ nòng đại liên, đang nã thẳng vào tôi.
Như kẻ trúng đạn, tôi không thở được nữa.
“Cái lộc thực” lờ mờ trước mắt tôi không tròn không méo không to không nhỏ mà bung xòe thành đám mây, bềnh bồng, bềnh bồng.
Đám mây ấy nhắc tôi lên, lên cao, cao mãi cho tới khi màn nhĩ tôi như bị chọc thủng bởi những hồi còi cứu thương.