Một nguyên nhân quan trọng của nạn đạo thơ hoành hành, chính là sự lạm phát thơ. Đành rằng, một xã hội cởi mở thì khuyến khích mọi người thăng hoa với nghệ thuật. Thế nhưng, làm thơ để thù tạc, làm thơ để ngâm vịnh, hoặc làm thơ để dưỡng sinh hoàn toàn khác với làm thơ để theo đuổi danh lợi. Mỗi năm có hàng ngàn tập thơ được xuất bản, thì không ai dám vỗ ngực cam kết đọc hết thơ trên toàn cõi Việt Nam.





ĐẠO THƠ KHÓ LƯỜNG MÀ DỄ… HIỂU?

LÊ THIẾU NHƠN


Những ngày giáp Tết Canh Tý, làng thơ lại xôn xao vì một vụ đạo thơ khó tin. Đó là cuộc thi thơ “Tổ quốc - Quê hương - Biên giới - Hải đảo” do một tạp chí đăng cai, đã trao giải Ba cho một bài thơ “trộm nguyên con”. Nhà thơ Trần Trí Thông không thể ngờ bài thơ “Lục bát chân bùn” mà anh đã in trong tập “Điều anh muốn nói với em” do NXB Văn Nghệ ấn hành năm 2004, bỗng dưng biến thành bài thơ “Lục bát tôi về” ký tên “tác giả” Tất Đính để được vinh danh.

Trường hợp mượn thơ của người khác để… đoạt giải của “tác giả” Tất Đính, khiến công chúng nhớ lại vụ bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan bị “hiệu đính” thành bài thơ “Bạch lộ” in trong tập “Sẹo độc lập” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội từng ầm ĩ một dạo. Rõ ràng, thực trạng đạo thơ đã đến mức báo động trong đời sống văn hóa.

Nếu đạo thơ để thỏa mãn sự thèm khát của những người không có năng lực sáng tạo, đã đáng chê trách. Đằng này, đạo thơ để mưu cầu giải thưởng thì thật khó lý giải. Vai trò của những người chấm giải, phải phán xét trách nhiệm ra sao? Không khó để tìm ra bài thơ “Lục bát tôi về” của nhà thơ Trần Trí Thông trên các trang mạng văn chương. Cũng như không khó phát hiện bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc “Catinat cà phê sáng” trên các diễn đàn âm nhạc. Tuy nhiên, không ai nỡ nghi ngờ phẩm giá đạo đức của những người cầm bút, nên hội đồng giám khảo cũng dễ dàng bị qua mặt.

Một nguyên nhân quan trọng của nạn đạo thơ hoành hành, chính là sự lạm phát thơ. Đành rằng, một xã hội cởi mở thì khuyến khích mọi người thăng hoa với nghệ thuật. Thế nhưng, làm thơ để thù tạc, làm thơ để ngâm vịnh, hoặc làm thơ để dưỡng sinh hoàn toàn khác với làm thơ để theo đuổi danh lợi. Mỗi năm có hàng ngàn tập thơ được xuất bản, thì không ai dám vỗ ngực cam kết đọc hết thơ trên toàn cõi Việt Nam. Môi trường đa thanh đa sắc của thi ca, khiến vài kẻ nảy sinh ham muốn kỳ quặc là… sở hữu luôn những bài thơ mà mình cảm thấy thú vị. Có thể hình dung đơn giản, ban đầu họ chỉ học thuộc bài thơ của người khác để đọc ở các dịp giao lưu vui vẻ, rồi khi được tán thưởng thì hứng chí nhận bừa do bản thân viết ra. Vài lần như vậy, dẫn đến kết cục ký luôn tên mình vào bài thơ của người khác, mà đem đi in báo, đem đi in sách, đem đi dự thi.

Câu hỏi nữa, vì sao lạm phát thơ? Rất đơn giản, vì cái mác “nhà thơ” dễ kiếm nhất. Muốn viết nhạc, viết kịch, viết văn thì phải hiểu biết ít nhiều về thể loại và phải tốn công sức. Còn thơ ư? Chỉ cần biết… chữ, là có thể ghép vần cho nhịp nhàng, rồi nhờ người chỉnh sửa. Chả mấy ai viết dùm ai một vở kịch hay một tiểu thuyết, nhưng có thể viết dùm một bài thơ như một món quà ân tình. Và các kiểu “nhà thơ” vay mượn vẫn ung dung xuất hiện trước đám đông, mà không sợ đối diện với sự nghi ngờ về năng lực và trình độ. Nếu anh đứng tên một ca khúc mà anh không xướng âm được thì cũng hơi ê mặt, nếu chị đứng tên một vở kịch mà chị không phân biệt được vai chính vai phụ thì cũng hơi ngượng ngùng. Ngược lại, cái bài thơ mà anh lấy của người khác hoặc anh nhờ người khác viết, thì rất thoải mái giải thích “phụ thuộc vào… cảm xúc lúc dạt dào tin yêu hoặc lúc ngơ ngác hy vọng”.
Cũng từ lạm phát thơ đã kép theo hệ lụy khủng hoảng thừa ứng viên thi sĩ nộp đơn vào Hội Nhà văn, kể cả Hội Nhà văn trung ương lẫn Hội Nhà văn địa phương. Đã làm thơ vì háo danh thì phải háo danh đến cùng. Hiện tại, riêng Hội Nhà văn VN đang tồn đọng gần 1000 đơn xin gia nhập Hội, mà đông nhất là lĩnh vực thơ. Gần như năm nào xét kết nạp hội viên mới cũng có tiếng bấc tiếng chì, chứng tỏ sự xưng tụng “nhà thơ” vẫn hấp dẫn giữa thời kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Không thể ngăn chặn nạn đạo thơ trong một sớm một chiều, khi cơn lốc háo danh đang che mờ lý trí và tự trọng của không ít người. Với người sáng tạo đích thực, thì công việc làm thơ rất nhọc nhằn. Còn với người bon chen thân phận, thì nhãn mác nhà thơ rất… cám dỗ. Hai thái cực ấy đang song song chi phối đời sống thi ca, gây nên những chuyện dở khóc dở cười. Công chúng đành chờ đợi thái độ nghiêm túc và quyết liệt của những người cầm bút trung thực hết lòng vì thơ, chứ không vì những thứ phù phiếm ngoài thơ.