Tập thơ “Biên bản thặng dư” của nhà thơ Phùng Hiệu, vừa được trao Tặng thưởng 2019 của Hội Nhà văn TPHCM. Nhà thơ Khánh Chi đánh giá: “Đó là một tập thơ mà bạn không dễ gì có thể đọc nhanh, một lần, rồi xếp lại. Cũng không thể đọc, khen xòa một tiếng, rồi thôi. Và đánh giá, nhận định, một vài tiếng, rồi quên. Bởi nó khác, khác hoàn toàn với hàng chục hàng trăm những tập thơ khác mà tôi đã đọc trong nhiều năm gần đây.




SÓT LẠI CỦA ĐỜI, SÓT LẠI CỦA TÌNH

KHÁNH CHI

Nhớ một ngày nào đó cách đây khá nhiều tháng, tôi từng được nghe nhà thơ Phùng Hiệu nhắc về tập thơ này của mình. Anh kể rằng anh viết về số phận, cuộc đời của những người công nhân, nông dân, những người nghèo, những người lam lũ, những người, nói theo ngôn ngữ khá xa xưa; “dưới đáy hay gần như chạm đáy của xã hội”. Tôi nghe và không mấy chú ý hay tin tưởng, bởi tôi biết đó là một đề tài cực kỳ khó đối với người làm thơ…

Thế mà rồi vào những ngày gần cuối năm này, Phùng Hiệu dúi vào tay tôi tập thơ của anh, có cái tên rất “không thơ”, Biên bản thặng dư. Chỉ cần nhìn cái tên của tập thơ, tôi đã cảm thấy được sự can đảm của người viết. Đó là cái can đảm của một người in thơ ra vào thời buổi này mà không cần mượt mà, không cân bóng bảy hay tô vẽ cho cái bìa bằng một cái tên thơ mộng hay trữ tình,  để cho người ta dễ cầm lên, dễ bị hấp dẫn, dễ tiếp nhận. Cái tên tập thơ rất khô khan và thậm chí có phần khó hiểu với những người không quen với những từ ngữ mang tính “kinh tế” tính “phóng sự” tính “xã hội”.
Có bao nhiêu số phận con người, khuôn mặt xã hội, cảnh đời xót đắng trong 41 bài thơ của tập thơ Biên bản thặng dư. Đó là những người công nhân, quét rác, bán vé số, thậm chí những cô gái bán nhan sắc, tuổi trẻ của mình. Quen, rất quen với chúng ta, những người có chút hiểu biết về đời sống của tầng lớp, giai cấp này. Thế nhưng cũng lạ, rất lạ, khi họ được đưa vào trong những bài thơ của Phùng Hiệu. Không phải chỉ thoáng qua, nhẹ nhàng hay ngắn ngủi, trong vài câu hay vài dòng miêu tả. Những bài thơ của Phùng Hiệu về họ được dành trọn vẹn, trọn vẹn trong nhiều nghĩa: trọn vẹn cảnh đời, trọn vẹn cảm xúc yêu thương, chia sẻ, cảm thông, trọn vẹn cả bài thơ và hơn hết, trọn vẹn cả tập thơ.

Có thể khi nghe như vậy, ai đó sẽ nghĩ: tập thơ sẽ khó đọc, sẽ khô khan và sẽ nhàm chán. Những bài thơ của Phùng Hiệu đã vượt qua được điều khó khăn, cản trở ấy của một dạng đề tài. Những câu thơ như:
Anh lê những bước chân về phía công trường
Lót vào lòng nắm xôi lên giá
Anh không dám châm vào chiếc xe cà tàng giọt xăng đắt đỏ
Đành đi bộ mỗi ngày đến trước bình minh
Hay:
Chị rã bời rời khỏi xưởng may
Và vội vã bước chân về sáng
Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn
Phố sang ngày
Trăng ngả phía tăng ca

Không chỉ là tình, của một con người có tình, có sự hiểu biết, cảm thông làm thơ về những phận người vất vả lam lũ, con mắt của người nghệ sĩ còn đưa được vào thơ của anh những hình ảnh đẹp, đẹp mà buồn mà phù hợp mà xót xa, như bình minh ở đây, như ánh trăng ở đây. Những hình ảnh ở đâu đó, trong những bài thơ khác, thơ tình chẳng hạn, có thể rất lãng mạn, nhẹ nhõm. Thế mà trong thơ của Phùng Hiệu, nổi trôi những bình minh và trăng sáng ấy trên phận người, lại khiến nó ngân lên một nỗi buồn khó tả. Và thế là những bài thơ từ những ý tưởng tưởng như chỉ có thể là phóng sự, đã thật sự trở thành thơ.

Có thể khi đọc những dòng này của tôi, bạn đọc sẽ mỉm cười: Người ta viết thơ, thì đó phải là thơ, chứ còn là gì nữa. Nhưng chẳng phải mọi điều viết ra bằng cảm xúc, xuống dòng đều đặn hay tuân theo luật bằng trắc để dễ đọc, xuôi tai… đều có thể là thơ. Với những dạng đề tài như của Biên bản thặng dư, điều đó còn khó gấp bội.

Có thể lý giải vì sao những bài thơ ấy lại có thể là thơ được, vượt qua được cái thách thức khó chịu của một đề tài? Xin được lấy những câu thơ trong bài thơ Ngôn ngữ lên ngôi của Phùng Hiệu để giài thích phần nào cho điều ấy. Đó là:
Chợt một ngày châu thổ bị lãng quên
Tôi cầm lấy bát cơm
Và nhận ra những con trâu, cánh đồng, mùa gặt
Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt
Câu thơ sót lại sau mùa
Tôi nghĩ thế giới này có thể mất đi
Nhưng còn lại vần thơ nhân cách

Không phải là một người làm nghề liên quan đến chữ nghĩa, viết lách. Xa hơn nữa, Phùng Hiệu là người làm kinh tế. Lăn lộn với đời sống, va vấp, chịu đựng, thấu hiểu những phức tạp, ngóc ngách của đời sống. Để rồi không cho phép mình cạn kiệt và khô cằn, anh cảm nhận, đau đáu những nỗi niềm của một người có tình người, có tình thơ, có chữ… Để rồi sau mọi biến cố của đời sống, công việc anh chắt lọc chúng lại, vét tất cả mọi cảm xúc nặng trĩu dưới tận đáy lòng mình để viết thành câu thơ. Tất cả những cảm xúc ấy vì thế mà cô đọng và đậm đặc, như anh nhắc tới ít nhất là hai lần trong những câu thơ của mình hai chữ "sót lại". Sót lại của đời, sót lại của tình, sót lại của mọi cảm xúc của một con người thật sự là người, là thơ. Nên chúng chất chứa và tràn đầy.