Những "sáng tạo" của 1977 Vlog có thể được biện minh là để làm "hiện đại hóa" các danh tác văn học Việt Nam nhằm mục đích giải trí cho cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc "chế biến", "xào nấu" lại cốt truyện của các danh tác văn học Việt Nam thành những câu chuyện "phiếm" quá đà là một điều khó có thể chấp nhận được.




Sáng tạo hay làm méo mó các danh tác văn học Việt Nam?

NGUYỄN VĂN TOÀN

1977 Vlog với 5 clip (đoạn phim) mô phỏng lại các danh tác văn học Việt Nam đã thu hút hàng chục triệu lượt xem và giành được Nút Vàng của YouTube (trang chia sẻ clip lớn nhất thế giới). Tuy nhiên, việc làm méo mó cốt truyện các danh tác văn học Việt Nam của nhóm YouTuber (người sáng tạo nội dung, đối tác của YouTube)  này đang gây nên sự băn khoăn, lo lắng trong dư luận.
Sẽ không có chê trách nào đối với 1977 Vlog khi các clip của 1977 Vlog không có một loạt những câu đối thoại thuộc hàng "quái dị" và những tình tiết thêm thắt ngoài "phạm vi tưởng tượng" khi mô phỏng lại các danh tác văn học.
Việc mô phỏng lại các danh tác văn học là việc làm ý nghĩa khi chia sẻ kiến thức văn học lên đại chúng, nhưng mọi phóng tác cải biên đều nên có giới hạn, đừng làm méo mó tác phẩm. Nhưng trong clip đầu tiên mang tên "Spoil phim mới Cậu Vàng cực mạnh (Cậu Vàng trong vai chó Shiba)", 1977 Vlog biến hóa chú chó mang tên Vàng của Lão Hạc trong nguyên tác thành giống chó Shiba của Nhật Bản. Clip này của 1977 Vlog ra đời khi dư luận nổ ra tranh cãi về việc dùng chú chó Shiba của Nhật để vào vai Cậu Vàng trong bộ phim sắp ra mắt của đạo diễn Trần Vũ Thủy lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao.
Nếu dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, Cậu Vàng của 1977 Vlog lại do người đóng, được Lão Hạc giới thiệu là "ăn uống, hút chích khỏe". Ông giáo thì nói Cậu Vàng "suốt ngày ăn pa-tê, uống sting". Khi Cậu Vàng phản ứng, ông giáo chửi: "Mẹ con chó, mày ăn nói cho cẩn thận". Lão Hạc sợ Cậu Vàng giết chết con trai mình nên quyết định bán Cậu Vàng. Lão Hạc lừa Cậu Vàng lên phố Trần Duy Hưng ở Hà Nội tìm "chó cái" để người mua bắt. Kết cục Lão Hạc bán Cậu Vàng được 5.000 USD và trở nên giàu có.
Những clip "Hồi ký của một dân chơi - Chí Phèo", "Vợ chồng A Phủ Parody - Vòng xoáy của Bạc", "Chị Dậu Parody - Kỷ nguyên Hắc Ám", "Sống mòn - giáo án lửa thiêng" của 1977 Vlog cũng có những câu chữ thuộc hàng "quái dị" và những tình tiết thêm thắt ngoài "phạm vi tưởng tượng". Chẳng hạn, trong clip "Hồi ký của một dân chơi - Chí Phèo", 1977 Vlog biến Chí Phèo từ nghiện rượu thành nghiện "đập đá" (ma túy).
Trong clip "Chị Dậu Parody - Kỷ nguyên Hắc Ám", tên tay chân của cụ Lý nói: "Đừng hòng qua mặt tau. Bố mày làm Sao Đỏ từ năm lớp một đấy!". Điều đáng nói là bối cảnh tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là thời Việt Nam đang là thuộc địa của thực dân Pháp. 
Nếu 1977 Vlog đặt tên clip là "Kỷ nguyên Hắc Ám" lại đề cập đến tay chân của cụ Lý có kinh nghiệm làm Sao Đỏ thì không biết có mục đích gì? Bởi thực tế Sao Đỏ là đội tự quản của các đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của đội này là quan sát, theo dõi mọi hoạt động của lớp, học sinh, từ đó giúp giáo viên giáo dục, tuyên dương và nhắc nhở các em một cách kịp thời.
Nhảm nhí hơn là trong mở đầu của clip "Sống mòn - giáo án lửa thiêng", 1977 Vlog lột tả ông giáo băn khoăn không biết "Mình phải đánh con đề nào nữa đây?". Còn trong clip "Vợ chồng A Phủ Parody - Vòng xoáy của Bạc", 1977 Vlog đưa ra câu thoại nhảm cho nhân vật A Phủ: "Còn tau là một người đàn ông. Trong bát phở của tau lúc nào cũng có hành".

Những "sáng tạo" của 1977 Vlog có thể được biện minh là để làm "hiện đại hóa" các danh tác văn học Việt Nam nhằm mục đích giải trí cho cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc "chế biến", "xào nấu" lại cốt truyện của các danh tác văn học Việt Nam thành những câu chuyện "phiếm" quá đà là một điều khó có thể chấp nhận được.
Bởi việc làm này dù vô tình hay hữu ý đều đã làm méo mó đi thời đại và tinh thần sản sinh ra những danh tác văn học Việt Nam. Sự sáng tạo một cách vô nguyên tắc, tạo ra xu hướng quái dị, kì quặc trong các clip của 1977 Vlog là một cách thể hiện sự sa sút về nhân cách của nhiều con người trong xã hội.
Theo người viết, các danh tác văn học Việt Nam như "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Sống mòn" (Nam Cao), "Tắt đèn" (Ngô Tất Tố) chính là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Và nhờ đó, thế hệ đi sau mới tiếp bước và hiểu biết về thế hệ cha ông đi trước. Làm sao có thể sáng tạo quá đà để làm méo mó đi những thông điệp của cha ông để lại nhằm nhắc nhở và khuyên răn hậu thế?
Những nhận thức sai trái, những hành động không đúng dù rất nhỏ nhặt nhưng nếu chúng ta bỏ qua hay chấp nhận thì lâu ngày sẽ trở thành thói quen. Khi đã thành thói quen rồi thì rất khó bỏ, khó sửa. Đối với nhiều xã hội văn minh, thực tế đã chứng minh sự phát triển không hài hòa về văn hóa, không biết tôn trọng những giá trị lịch sử đã khiến các xã hội này phát triển một cách khập khiễng.


Nguồn: Văn Nghệ Công An