Bây giờ thì cả phê bình hàn lâm và phê bình trực chiến đều giương cờ trắng đầu hàng trước sự phát triển như vũ bão (chí ít là về mặt số lượng) của sáng tác. Các nhà phê bình hàn lâm vốn đã ít nay lại càng ít hơn, bởi không ít người cao tuổi đã buông bút, một số người chuyển sang làm lý luận hoặc nghiên cứu.




PHÊ BÌNH VĂN NGHỆ CÓ CÒN KHÔNG?

TRẦN BẢO HƯNG

Mấy chục năm qua, phê bình luôn luôn được coi là khâu yếu nhất của nền văn nghệ. Nhẹ thì cũng là chưa theo kịp sự phát triển của phong trào sáng tác, không cắt nghĩa được sự phức tạp của các hiện tượng văn nghệ v.v và v.v… Cách đây vài chục năm, phê bình văn nghệ được chia thành hai khu vực phê bình trực chiến (hay phê bình trên các báo, tạp chí không chuyên sâu về văn nghệ) và phê bình hàn lâm (của các báo, tạp chí chuyên ngành văn nghệ).

Phê bình hàn lâm, tác giả là các nhà phê bình chuyên nghiệp, các cây bút ở các Viện nghiên cứu, các trường đại học… Các bài viết loại này còn thưa thớt, chưa tạo được dư luận, chưa chiếm được thế thượng phong trong trận địa phê bình. Còn phê bình trực chiến là cách gọi hơi có ý coi thường của “các chuyên gia”, ý nói phê bình luôn nhanh nhạy, kịp thời trên các báo, tạp chí không chuyên về văn nghệ, nhưng lại luôn luôn chiếm thế chủ đạo, “át vía” phê bình hàn lâm cùng với sự phát triển rầm rộ của các loại báo, tạp chí. Phê bình trực chiến nở rộ về mặt loại hình: từ bài đọc sách, điểm sách đến những bài phê bình chững chạc về văn học. Rồi những bài viết về sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc… Có thể nói không có một cuốn sách nào, một tác phẩm điện ảnh hoặc sân khấu, một chương trình âm nhạc… có tiếng vang, gây được ấn tượng với công chúng, lại thoát được sự “săm soi”, bình giá của phê bình trực chiến. Mặc kệ sự không thật ưng ý của các chuyên gia, các vị hàn lâm, có thể nói thời ấy phê bình trực chiến đã hoàn thành vai trò của mình: Ấy là sự bình giá, là bà đỡ mát tay của những tác phẩm ra đời đúng sự mong đợi của công chúng và thời cuộc. Có thể sự đánh giá, bình phán của dòng phê bình này chưa thật sự sâu sắc, chưa áp dụng “kịp thời” những lý luận tân tiến của văn nghệ thế giới (mà giới hàn lâm thường đánh giá cao) nhưng có thể nói phê bình trực chiến thời đó (cách đây chừng vài chục năm) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Bây giờ thì cả phê bình hàn lâm và phê bình trực chiến đều giương cờ trắng đầu hàng trước sự phát triển như vũ bão (chí ít là về mặt số lượng) của sáng tác. Các nhà phê bình hàn lâm vốn đã ít nay lại càng ít hơn, bởi không ít người cao tuổi đã buông bút, một số người chuyển sang làm lý luận hoặc nghiên cứu. Lớp trẻ ít người tham gia vào địa hạt này, vì vừa khó, vừa dễ gặp phiền phức. Sự thiếu hụt lực lượng này đã được thay thế một phần bởi các nhà sáng tác cũng tham gia viết phê bình. Một số người viết vì cũng có năng khiếu phê bình, nhiều người thì vì lĩnh vực phê bình trầm lắng quá rất nhiều tác phẩm của mình, của đồng nghiệp mình xuất hiện mà không được ai bình giá. Sự xuất hiện của những cây bút này, khiến văn chương phê bình sôi động hơn, bộc trực hơn, nhưng nhiều khi lại mang khẩu khí của sự thù tạc, cảm tính của những người sáng tác khi nghĩ và viết về nhau. Hệ lụy này là do lực lượng phê bình chuyên nghiệp đã vô tình (hoặc không đủ sức) để trống trận địa của mình. Cũng như vài chục năm trước, hiện nay phê bình hàn lâm vẫn không đủ sức chi phối lực lượng sáng tác, bởi sự thưa vắng của các báo, tạp chí văn chương. Đã thế số lượng phát hành của các báo, tạp chí văn chương lại rất thấp, chỉ từ vài trăm đến vài ngàn số mỗi kỳ.

Phê bình trực chiến cũng không biết từ khi nào đã âm thầm rời khỏi lĩnh vực lý thú nhưng cũng đầy phức tạp này. Hiện nay hầu hết các báo, tạp chí không còn mục phê bình, đọc sách, giới thiệu các tác phẩm mới trên các lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu v.v… Thậm chí có những hoạt động lớn như hội diễn sân khấu, liên hoan âm nhạc, múa hay liên hoan phim…thì các báo cũng chỉ có những bài giới thiệu, bình phán, đánh giá sự kiện, chứ ít có những bài đánh giá về các tác phẩm đơn lẻ tham gia các hoạt động ấy. Gần đây các báo hay đưa tin về các bộ phim truyền hình dài tập sắp phát hành trên truyền hình, đơn giản vì các đoàn làm phim ấy có tổ chức họp báo.
Trong lĩnh vực văn học cũng vậy, rất nhiều tác phẩm mới xuất bản được các báo đồng loạt đưa tin, vì tác giả sách (hoặc nhà xuất bản) có mời các phóng viên đến dự buổi gặp mặt giới thiệu sách. Nhiều tác giả, tác phẩm bị chịu cảnh không ai ngó ngàng đến vì tác giả, hoặc nhà xuất bản không có điều kiện (hoặc kinh phí) để tổ chức buổi ra mắt. Tất cả tin về sự kiện này đều giống nhau, vì đều xuất phát từ thông cáo báo chí trong buổi gặp mặt, nhiều phóng viên đưa tin cũng chưa kịp đọc qua cuốn sách. Công bằng mà nói, làm báo bây giờ chịu nhiều áp lực (báo nào cũng ra hàng ngày, với nhiều ấn phẩm), phóng viên lo đủ bài cho kín trang đã đủ mệt nhoài. Đã thế “tác phẩm” mới xuất hiện lại ngày một nhiều, với nhiều tác giả lạ hoắc, đọc không xuể, đã trót đi dự sự kiện lại không có ý kiến thì cũng kỳ. Thôi thì viết một cái tin theo thông báo của chính tác giả cho nó lành. Tất nhiên khi có những sự kiện nổi cộm, như việc xuất bản tự truyện tràn lan của các nghệ sĩ, việc lăng xê quá mức của các nhà đài về các bộ phim “làm lại”… thì báo chí cũng vào cuộc, nhưng ít báo đeo bám, làm cho ra lẽ, vì vậy tất cả cũng chỉ như “ném đá ao bèo”.

Có thể nói văn nghệ thì bình lặng, nhạt nhẽo về nghệ thuật (nhưng lại bùng nổ về số lượng), thì phê bình không những vẫn yếu kém như trước kia, mà lại có phần tụt hậu hơn. Bao giờ cho đến ngày xưa, mặc dù cái ngày xua của phê bình cũng chưa thật chói sáng! 


Nguồn: Văn Nghệ