Câu chuyện của dịch giả Phan Hồng Giang: “Hoài Thanh chê thơ Huy Cận sau cách mạng là có một số bài còn thô, không hay bằng thời Lửa thiêng. Tôi nhớ là khi Huy Cận đọc được cuốn Di bút - Di cảo liền gọi anh Từ Sơn đến hỏi về điều này. Huy Cận tỏ vẻ không bằng lòng…




Dịch giả Phan Hồng Giang:
Nhớ mãi lời dặn “không được ngộ nhận” của Hoài Thanh

Ông là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về những tác giả lớn của một trong những nền văn học vĩ đại nhất thế giới. Ông là con trai thứ của nhà phê bình văn học danh tiếng Hoài Thanh - “nhà phê bình số 1” trên văn đàn Việt Nam thế kỷ 20 trong đánh giá của nhiều người. “Năm nay tôi 78 tuổi, tức là tôi thọ hơn nhà phê bình Hoài Thanh 5 tuổi rồi” - ông chia sẻ một cách dí dỏm. Và, cũng với cái chất dí dỏm, từ tốn, nhẹ nhàng nhưng đầy chiêm nghiệm, ông đã “điểm huyệt” lại rất nhiều vấn đề trong sự nghiệp văn chương của cha mình và của chính mình. Cá nhân tôi nghĩ, những chiêm nghiệm ấy không chỉ có ý nghĩa với riêng ông mà chắc chắn còn gợi ra nhiều suy ngẫm cho tất cả những người làm nghề văn nói riêng và những ai quan tâm đến đời sống văn học nói chung.
@ Nhà báo Phan Đăng: Thưa dịch giả Phan Hồng Giang, mỗi người đến với nghề văn bằng một cách khác nhau. Cá nhân ông đến với nghề văn như thế nào?
- Dịch giả Hồng Giang: Tôi đi học ngữ văn ở Liên Xô, sau đó về làm nghiên cứu ngôn ngữ ở Viện Văn học. Nhưng, làm độ vài tháng thấy không hợp vì cứ ngồi ghi ghi chép chép các từ ngữ nó nhàm chán quá. Tôi lấy ví dụ như cứ phải ngồi một chỗ khảo sát tất cả những từ “xúc động” có trong các tác phẩm, rồi ghi nó lên từng phiếu để làm cơ sở phân tích, mổ xẻ. Trong tổ ngôn ngữ của Viện Văn khi ấy, chúng tôi có những tranh luận đại loại kiểu “bánh rán” là một từ hay hai từ. Người bảo một, người bảo hai, còn cá nhân tôi thì thấy cái công việc này nó chán quá. Thế là tôi xin sang làm Tạp chí Văn học, cũng thuộc Viện Văn học nhưng sang đó thì được làm công tác biên tập. Chính trong quá trình này, tôi đọc truyện Hương cỏ mật của Đỗ Chu và viết bài phê bình văn học đầu tiên về truyện ngắn của Đỗ Chu. Như vậy, tôi chính thức vào nghề bằng con đường phê bình văn học Việt Nam. Sau đó thì “điếc không sợ súng”, cứ thế mà viết thôi, từ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, đến Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, viết tất...
@ Ồ, như vậy là cũng giống như cha mình, ông bước vào nghề văn với tư thế của một nhà phê bình văn học. Nhưng, sau đó sao ông không tiếp tục đi theo con đường này nữa mà lại chuyển sang làm dịch thuật?
- Làm phê bình văn học, mình đọc ai, thích ai thì viết thôi chứ cũng không nghĩ gì cả nhưng rất nhiều lúc cái sự vô tư của mình lại tạo ra những hậu quả rất nặng nề. Đó là khi người ta có thể lấy bài của mình để đánh ông A, ông B nào đó. Thế là mình đã bị lợi dụng, để đưa vào một cuộc chiến.
@ Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm cụ thể về điều này được không?
- Dạo đó tôi viết một bài đăng Báo Hà Nội Mới, nói rằng tiểu thuyết Vào lửa của nhà văn Nguyễn Đình Thi không hay. Tôi còn bảo nó chỉ là ký sự chứ chưa phải là tiểu thuyết. Nguyễn Đình Thi từng viết cuốn Công việc của người viết tiểu thuyết, tức là dạy người ta viết tiểu thuyết. Bây giờ lại có người bảo tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi không hay thì cũng mỉa mai thật. Mà lúc đó Nguyễn Đình Thi lại là Tổng Thư ký Hội Nhà văn. Nhưng tôi nghĩ sao thì viết vậy thôi, chứ cũng không có ý tứ gì cả.
Thế mà có những người vốn không ưa ông Nguyễn Đình Thi liền đánh hẳn công văn từ Hải Phòng lên Hội Nhà văn nói rằng họ rất đồng tình với đánh giá của Phan Hồng Giang về tiểu thuyết Nguyễn Đình Thi. Sau đó đến Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 4 năm 1968 thì lại có người lên diễn đàn bảo rằng, trong giới văn học của chúng ta có tình trạng không hay là bố xui con đánh đồng nghiệp của mình.
@ (Cười...). Như vậy là dân trong nghề nghi ngờ nhà phê bình Hoài Thanh xui con mình “đánh” Nguyễn Đình Thi.
- Cho dù thật lòng, bài viết ấy ông Hoài Thanh không hề xem trước. Tôi chỉ đưa cho anh biên tập bên Báo Hà Nội Mới đọc thôi chứ không đưa cho ông Hoài Thanh. Nói chung là nhiều chuyện lắm, giữa bên sáng tác và bên phê bình có nhiều cái không ưa nhau lắm. Thế nên ông Nguyễn Tuân mới có lần nói đùa rằng: “Đám ma của tôi, đề nghị cấm cửa tụi phê bình đến viếng. Nếu thấy đến, mọi người phải đuổi đi ngay”.

@ Câu chuyện về mối quan hệ giữa giới sáng tác và giới phê bình thì còn nóng bỏng đến tận bây giờ và có lẽ nó không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mình. Bởi dẫu cho cả bên phê bình lẫn bên sáng tác đều xác lập một thái độ, một ứng xử chuyên nghiệp thì suy cho cùng trong thâm tâm mình, chẳng ông sáng tác nào muốn nghe những lời chê cả. Nhưng thôi, chúng ta chẳng nên đào mãi vào vấn đề muôn thuở này làm gì. Trở lại với ngã rẽ của ông, chính vì lý do này mà ông đã rẽ từ phê bình sang dịch thuật đúng không ạ?
- Sang làm “dịch thuật” thì nó vô can mà. 

@ Tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm dịch của ông, đặc biệt là các truyện ngắn của Chekhov. Và ngay từ hồi còn ở trên ghế nhà trường, đọc những truyện ngắn đó tôi đã tò mò tự hỏi, không biết khi ngồi đối diện với trang giấy trắng, kì cạch dịch từng chữ và bay bổng trong thế giới tưởng tượng của mình thì niềm hứng khởi lớn nhất của một dịch giả là gì, thưa ông?
- Đọc một truyện ngắn trong nguyên tác, mình rất thích, rất yêu, rất xúc động. Nên mình muốn chia sẻ để độc giả Việt Nam cũng có thể yêu, có thể xúc động giống như mình. Như thế tôi nghĩ dịch thuật nói chung thể hiện một khát vọng muốn được chia sẻ với người khác. Chúng tôi dịch thuật vì điều đó chứ chưa bao giờ vì tiền hay vì nhuận bút cả.
@ Cho dù tôi biết nhuận bút thời của ông là rất cao so với mặt bằng chung xã hội, đúng không ạ? (Cười…)
- (Cũng cười...). Đúng thế. Nhuận bút hồi đó chính ra lại rất cao. Ví dụ tôi chỉ viết lời nói đầu cho cuốn Con đường đau khổ của Aleksey Tolstoy mà Cao Xuân Hạo dịch, thế mà được nhà xuất bản trả tới 267 đồng. 267 đồng hồi đó đủ để mua 1 chiếc xe đạp nhé. 

@ Giá mà nhuận bút văn chương bây giờ cũng được như thế nhỉ. Tôi đang có những mơ tưởng lãng mạn cho các đồng nghiệp đương đại của mình đây. Nhưng thôi, xin “hạ cánh” ngay để nhờ ông kiến giải một tò mò khác của tôi về công việc dịch thuật, đó là khó khăn lớn nhất của công việc này là gì? Đã có điều gì khiến một dịch giả cao tay như tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang phải bất lực chưa?
- Cái khó nhất theo tôi là khi chọn tác phẩm để dịch thì phải chọn được tác phẩm lấy văn làm chính chứ không phải những tác phẩm lấy cốt truyện, lấy tình tiết làm chính. Đấy là lý do tôi dịch các  tác phẩm của những Bunin, Chekhov, Pauxtopxki...
Đấy đều là những tác phẩm rất có văn. Liên hệ đến văn học Việt Nam để anh dễ hiểu, các tác phẩm của Nguyễn Tuân thì văn là chính, còn với một số nhà văn khác thì cốt truyện mới là chính. Từ chất văn, người ta sẽ thấy được giọng điệu, ngữ điệu, tinh thần của tác phẩm. Mà để dịch được cái chất văn ấy, đôi khi người dịch phải đánh vật rất khó khăn. Khi dịch Pauxtopxki sang tiếng Việt chẳng hạn, để thể hiện được văn chương của Pauxtopxki, tôi đã phải đánh vật một cách cực khổ. Bởi vì ngay trong tiếng Nga, thứ văn của Pauxtopxki đã được coi là một mẫu mực, một đỉnh cao rồi. Có thể nói, hành trình dịch cái chất văn ấy là một hành trình không có đáp số.

@ Vâng, tôi hiểu, vì nếu nó có đáp số thì đã chẳng phải là văn chương. Tôi nghĩ là trong quá trình sáng tạo, nhà văn cố gắng chạm vào gần nhất cái gọi là “đáp số tâm hồn” nào đó mà thôi. Trong quá trình dịch thuật cũng thế, dịch giả cũng chỉ có thể cố gắng chạm vào gần nhất cái gọi là “đáp số của tác phẩm”. Sẽ rất thú vị nếu ông có thể đưa ra một dẫn chứng nào đó trong cái quá trình cực nhọc với hy vọng chạm vào gần nhất đáp số của những bài toán rất khó này?
- Thi sĩ người Bulgaria, bà Dimitrova từng viết trong tiếng nguyên bản của mình rằng, khi chia tay Bác Hồ của chúng ta, bà thấy Bác đứng ở bậc thềm nhìn về phía mình với ánh mắt buồn. Nhưng trong trường hợp này, không thể dịch thô ráp như thế được. Một lãnh đạo tối cao của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà lại hiện lên với “ánh mắt buồn” thì có lẽ trong hoàn cảnh đó người ta không chấp nhận. Vậy, phải dịch chữ “buồn” thế nào đây? Đôi mắt buồn buồn? Hay đôi mắt ưu tư? Tôi nghĩ mãi không ra đáp số nên trong một lần ngồi uống nước ở văn phòng Hội Nhà văn cùng bác Nguyễn Tuân, tôi hỏi bác xem nên dịch thành từ gì. Sau một lúc suy nghĩ, bác Nguyễn Tuân bảo có thể dịch thành “đôi mắt đăm chiêu”. Và thế là tôi chọn từ “đăm chiêu”. Trong dịch thuật, chọn một từ ngữ thôi cũng là một vấn đề.
@ Nhưng, vượt qua mọi khó khăn, giá trị lớn nhất mà những dịch giả đem lại cho độc giả của mình là gì, theo ông?
- Tôi đang nhớ đến bà Olga Tokarczuk, người đoạt giải Nobel Văn học 2018. Bà ấy nói một ý rất hay rằng, giá trị cao nhất trong văn chương là nó chứng minh hóa ra nhân loại giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Và đấy cũng là giá trị lớn nhất mà một dịch giả có thể mang lại cho độc giả. Qua những bản dịch, độc giả sẽ hiểu được tác phẩm của những nền văn học ngoài mình, thấy được cả khác biệt lẫn tương đồng của mình với những nền văn học ấy. Và, sau tất cả sẽ thấy rằng những giá trị phổ quát nó bao trùm nhân loại, bao trùm mọi nền văn học. Tức là văn học nó  làm cho con người trên thế giới này xích lại gần nhau hơn. Nhân đây tôi cũng xin nói thêm rằng, giai đoạn đầu cải tổ ở Liên Xô trước đây, người ta nhấn mạnh vào việc tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân loại và đặt những giá trị phổ quát đó lên trên những giá trị mang tính cá biệt của dân tộc.

@ Tôi hiểu ý ông. Ví dụ như tự do là một giá trị phổ quát. Nhân loại ở đâu cũng khao khát tự do như nhau cả.
- (Gật đầu). Dù người châu Âu hay châu Á, da đen hay da màu thì ai cũng muốn tự do. Tất nhiên, mỗi dân tộc vẫn có những cái đặc thù nhưng đôi khi, trong một chừng mực nào đó người ta lại nấp vào cái đặc thù để trốn tránh cái phổ quát. Mà như thế thì không phát triển bền vững được đâu. 
@ Ý nghĩa lớn nhất của các dịch giả đúng là giúp cho các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn, nhân loại đứng gần nhau hơn và cái chân giá trị phổ quát của nhân loại được cảm nhận rõ rệt hơn. Vậy, một dịch giả cao tay phải hội đủ những yếu tố cơ bản nào?
- Có hai yêu cầu tối thiểu của người dịch, một là phải nắm rất sâu ngoại ngữ, hai là phải rất hiểu và rất tinh tế trong cảm nhận tiếng Việt. Nó không dễ chút nào đâu. Khi Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm từ tiếng Hán sang tiếng Việt thì đọc bản dịch, chẳng ai bảo đấy là bản dịch cả vì nó hay như bản sáng tác vậy. Bây giờ người thì bảo đấy là của Đoàn Thị Điểm, người thì bảo đấy là của Phan Huy Chú nhưng dẫu của ai thì cũng đều là tuyệt tác cả. Thậm chí có những bản dịch còn hay hơn cả sáng tác, nâng sáng tác lên. Tác phẩm Daghextan của tôi, khi được dịch từ tiếng địa phương sang tiếng Nga còn được đánh giá cao hơn cả bản gốc. Người ta bảo trong bản gốc, Gamzatov không viết hay được thế đâu.
@ Không phải ai cũng có thể đảm bảo được hai yêu cầu này, cho nên đâu đó chúng ta vẫn nghe thấy những “thảm họa dịch thuật”!
- Người dịch thì nhiều nhưng dịch hay, thành văn chương và được giới văn học chấp nhận thì khá hiếm. Nó cũng giống như trong sáng tác thôi, số lượng người viết thì nhiều nhưng những tác phẩm được lưu lại trong lòng độc giả thì được bao nhiêu. Khi viết Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có chia sẻ với độc giả rằng, để chọn được 169 bài thơ trong tuyển tập này, ông đã phải đọc tới khoảng một vạn bài và trong một vạn bài ấy thì có non một vạn là những bài thơ dở.

@ Nhưng, thưa dịch giả Phan Hồng Giang, tôi nghĩ lĩnh vực nào cũng thế thôi, người làm nghề không tránh khỏi những tai nạn. Dẫu có cao tay lắm, giỏi giang lắm cũng khó tránh khỏi những tai nạn. Và, chắc chắn một người làm nghề lâu năm như ông cũng không phải là một ngoại lệ chứ?
- Những năm 66, 67 của thế kỷ 20, Viện Văn học chúng tôi đi sơ tán ở Hiệp Hòa, Hà Bắc, tức là Bắc Giang hiện nay. Khá là nhàn rỗi, bạn bè ở Viện biết tôi đọc nhiều văn học Nga nên đề nghị tôi dịch một số tác phẩm để họ đọc. Thế là tôi chọn một số truyện của Chekhov và Bunin để dịch, rồi nhờ cái bà đánh máy ở Viện vốn cũng chẳng có việc gì ngồi đánh máy giúp. Sau đó thì trả công bà ấy bằng mấy cân lạc. Hồi đó tôi dịch những truyện như Người đàn bà có con chó nhỏ, Người đàn bà phù phiếm, Say nắng, Hơi thở nhẹ, Natali... để anh em chuyền tay nhau đọc. Những truyện này bây giờ đều rất nổi tiếng nhưng khi đó thì mới toanh, độc giả Việt Nam chưa hề biết.
@ Ồ, toàn những truyện tình cảm lãng mạn!
- Đấy! Tai nạn nằm ở đấy. Chúng tôi truyền tay nhau đọc những truyện này thì bất ngờ sự việc lại đến tai chi ủy. Thế là người ta phê phán chúng tôi đã dịch toàn những chuyện yêu đương nhăng nhít - một thứ văn học đồi trụy và họ chỉ đạo chi đoàn tổ chức kiểm điểm. Sau đó họ còn báo cáo lên tận Ban Tuyên huấn Trung ương. Ông Tố Hữu - Trưởng Ban Tuyên huấn khi đọc những báo cáo này thì giật mình: Sao lại có cả Phan Hồng Giang - con trai Hoài Thanh trong danh sách? Thế là ông Tố Hữu liền đưa tài liệu cho Hoài Thanh xem.
@ Và nhà phê bình Hoài Thanh đã làm gì con trai mình?
- Ông đề nghị tôi đưa các bản dịch của mình cho ông xem. Mà sau khi xem thì ông nói gì anh biết không? Ông bảo: “Con viết có văn, văn chương đẹp mê hồn nhưng bây giờ thì chưa in được”.
@ (Cười lớn...). Tức là Hoài Thanh không những không kỷ luật mà còn khen nữa. Nhưng chi bộ thì chắc chắn là hành xử khác?
- Tôi nhớ mãi là theo sự chỉ đạo của chi bộ thì chi đoàn phải họp tới 3 giờ sáng để kiểm điểm chúng tôi. Mà điều buồn cười là một trong những người phê phán mạnh mẽ nhất tôi lúc ấy thì 10 năm sau lại trở thành giám đốc một nhà xuất bản và chính ông ấy lại cho in những tác phẩm của Chekhov. Đấy, đời nó buồn cười như thế.

@ Thưa dịch giả Phan Hồng Giang, tôi là một kẻ hậu sinh, tuyệt đối không biết và không bao giờ dám lạm bàn về những ân oán văn chương của các thế hệ cha chú mình. Nhưng, nhìn một cách khách quan thì chỗ này tôi lại nghĩ hơi khác ông. Tôi nghĩ rằng mỗi một thời đại có nhiệm vụ riêng của nó, chuyện 10 năm trước người ta phải gánh nhiệm vụ A, 10 năm sau lại gánh nhiệm vụ B có lẽ cũng là bình thường thôi. Mà nói về nhiệm vụ - sứ mệnh của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ thì lúc này tôi lại đang nhớ đến những biến động văn chương của chính thân phụ ông, nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Tôi có nghe loáng thoáng rằng đã có giai đoạn Hoài Thanh phải phủ nhận chính “Thi nhân Việt Nam” và cuối đời thì ân hận với điều này lắm. Nếu không ngại, ông có thể hé lộ thêm về điều này được không?
- Những năm 1953 - 1954, trong giai đoạn chỉnh huấn văn nghệ thì Hoài Thanh và các bạn văn đều phải ngồi viết kiểm điểm về con đường nghệ thuật của mình. Giai đoạn này, Hoài Thanh phải thừa nhận là quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” của mình là sai. Ông cũng phải phủ nhận giá trị của Thi nhân Việt Nam - cái làm nên tên tuổi mình trước cách mạng. Đúng là cuối đời ông hối hận với sự phủ nhận này. Ông bảo với tôi: Thi nhân Việt Nam là tác phẩm làm nên cha. Không có nó, không ai thừa nhận cha làm văn chương cả.
@ Và hình như cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay thì Hoài Thanh cũng không có cái hạnh phúc được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được xuất bản trở lại?
- Phải đến năm 1988, tức là 6 năm sau khi ông mất, Thi nhân Việt Nam mới được xuất bản trở lại. Còn hàng chục năm trước đó, ít ai dám sờ đến Thi nhân Việt Nam. Chỉ có Hoài Chân, em trai Hoài Thanh mới nhìn thấy quyển sách được xuất bản trở lại thôi. Lúc đó ông Hoài Chân rất mừng và bảo những gì là chân giá trị thì cuối cùng vẫn được thừa nhận.
Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ thêm, Hoài Thanh có thói quen tâm sự nỗi lòng mình với trang giấy. Ông viết rất nhiều suy nghĩ của mình vào các cuốn sổ tay và khi ông mất đi thì anh trai tôi là anh Từ Sơn có xuất bản những ghi chép này trong một cuốn có tên là Di bút - Di cảo Hoài Thanh. Tất nhiên, không phải tất cả những gì ông viết đều xuất bản được nhưng cũng có nhiều chuyện thú vị lắm. Ví dụ Hoài Thanh chê thơ Huy Cận sau cách mạng là có một số bài còn thô, không hay bằng thời Lửa thiêng. Tôi nhớ là khi Huy Cận đọc được cuốn Di bút - Di cảo liền gọi anh Từ Sơn đến hỏi về điều này. Huy Cận tỏ vẻ không bằng lòng. Anh Từ Sơn bảo: “Cháu chép nguyên của bố cháu, chứ có dám thêm bớt gì vào đâu”. Có một điều cần nói thêm là khi Hoài Thanh mất thì Huy Cận chính là người viết và đọc điếu văn cho Hoài Thanh. Nghĩa là trong đời sống, những người như Huy Cận, Xuân Diệu vốn rất thân thiết với Hoài Thanh. Nhưng, trong đánh giá văn chương, thì tôi nghĩ các ông sòng phẳng khi nhìn nhận về từng giai đoạn làm nghề của nhau.

@ Bây giờ, nhớ lại cha mình, ông có nhớ nhất một lời dặn dò gan ruột nào của cha mình không?
- Có một điều mà tôi nhớ nhất. Cha tôi bảo: Sống trên đời, quan trọng nhất là tự mình đánh giá chính xác mình, đặc biệt là trong văn chương. Bởi nếu đánh giá thiếu chính xác thì dễ dẫn đến ngộ nhận và nếu ngộ nhận về tài năng văn chương của mình thì sẽ thất bại. Hoài Thanh bảo đấy là bi kịch của đa số người viết văn vì có vẻ đa số người viết văn đều tưởng mình là Lev Tolstoy cả... (cau mày...).
@ Ông Hoài Thanh nói câu này trong hoàn cảnh nào ạ?
- Trong hoàn cảnh đọc những bản dịch của tôi và khen tôi là “viết có văn” mà tôi vừa kể ở trên. Tức là sau khi khen mình thì ông dặn mình không được ảo tưởng. Bây giờ, đã sống đến tuổi 78 - thọ hơn ông 5 tuổi, nghĩ lại lời dặn ấy, tôi thấm thía vô cùng.
@ Xin cảm ơn dịch giả Phan Hồng Giang!

                    PHAN ĐĂNG ( thực hiện)


Nguồn: An Ninh Thế Giới giữa tháng