Nếu muốn nhìn lại văn hóa đọc cả năm 2019 sẽ là điều bất khả, vì câu chuyện này quá rộng lớn. Nhưng nếu chỉ nhìn một hai mảng nhỏ, ví dụ ở đây là sách tư tưởng - triết lý - nghệ thuật sống, ta sẽ thấy những điều rất mới mẻ và thú vị.Và sự mới mẻ ấy càng có giá trị, khi Luật Thư viện sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó quy định ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.




Diễn biến thú vị của văn hóa đọc 2019

NHƯ HÀ

Sách “triết lý” bán chạy
Theo thông tin từ NXB Trẻ thì một trong vài đầu sách ăn khách nhất của họ trong vài năm gần đây và của 2019 là việc tái bản 23 đầu sách tư tưởng - triết lý - nghệ thuật sống của Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998), bán hơn 350 ngàn bản. Trong số này có Tôi tự học tái bản lần thứ 20 với tổng số lượng là 54.000 bản, Óc sáng suốt trên 35.000 bản, Thuật xử thế của người xưa trên 27.000 bản.
Các cuốn “khó nhằn” hơn như Tinh hoa đạo học Đông phương, Lão Tử tinh hoa, Trang Tử tinh hoa, Phật học tinh hoa… đều bán chạy, một chuyện khá lạ.
Theo tin từ Phương Nam Book, các tác giả bán chạy nhất năm 2019 là Thích Nhất Hạnh và Phạm Lữ Ân. Các đầu sách của Thích Nhất Hạnh là nghệ thuật sống và triết lý, ví dụ như: Thiền tập cho người bận rộn, Trái tim của Trúc Lâm đại sĩ, Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng, Nói với tuổi hai mươi, Bàn tay cũng là hoa… Đơn cử như cuốn Giận của Thích Nhất Hạnh vừa tái bản lần 17, mỗi lần in từ 2.000 - 3.000 bản, có lần in 5.000 bản.
Hoặc cuốn sách có tính chất nghệ thuật sống là Nếu biết trăm năm là hữu hạn của Phạm Lữ Ân đã tái bản 25 lần, bán gần 150 ngàn bản.
Những gì đang diễn ra có thể xem là “một diễn biến mới”, khi độc giả trẻ đang quay trở lại với dòng sách này khá đông. Nhìn giới trẻ đông đảo tại các buổi ra mắt sách của Nguyễn Duy Cần, Thích Nhất Hạnh… có thể tin điều này. Thực tế, chỉ vài năm trước đó, dòng sách dạng này thường chỉ có độc giả từ tuổi trung niên trở lên mới thích, giới trẻ thì “nhăn mặt”, quay lưng.
Ngoài các sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, NXB Trẻ tái bản các bộ sách của Nguyễn Văn Hầu, Toan Ánh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Nguyễn Đổng Chi… Có thể nhiều quyển chưa bán chạy, nhưng không ế ẩm, theo khảo sát khách hàng của Tiki.vn năm 2019, chúng được rất nhiều độc giả trẻ đặt mua.

Trở về với những giá trị bền vững
Cắt nghĩa điều này, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn cho rằng: “Họ muốn tìm kiếm giá trị bền vững và đáng tin cậy hơn. Facebook hoặc mạng rất nhiều trường hợp chỉ mang tính giải trí và giao lưu nhất thời. Cho nên đây là tín hiệu đáng mừng từ giới trẻ. Họ thừa thông minh để biết cần phải trang bị điều gì cho hiện tại và tương lai được bền vững hơn”.
Còn với TS Nguyễn Thị Hậu: “Sách Nguyễn Duy Cần, sách Thích Nhất Hạnh và những sách dạng này đang được hồi sinh vì giới trẻ đang cần bổ sung những điều gần gũi đời thường, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, dễ tiếp thu. Dạng sách này sẽ giúp họ trở nên tử tế và sống giản dị hơn, chứ không phải chỉ dạy họ cách làm giàu nhanh, khởi nghiệp thành công, nổi tiếng mau chóng. Bước qua sự hào nhoáng và đầy hứa hẹn của các sách bí quyết này nọ, nhiều bạn trẻ đã dần nhận ra rằng trong đời sống thì những người hùng, những thần tượng thường rất ít, còn phần đông là người bình thường, các sách của Nguyễn Duy Cần, Thích Nhất Hạnh… giúp họ tìm thấy ý nghĩa và niềm vui bình thường của cuộc sống đời thường”.
Đọc cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn, có thể thấy các nhận xét trên, khi cuốn sách là những suy nghĩ chân thật, gần gũi về cuộc sống của những người bình thường, được chia sẻ qua cách viết chân tình. Tác giả viết cuốn sách không có ý định dạy bảo hoặc làm thay đổi ai cả, mà chỉ giúp họ nhìn rõ hơn những suy tư của chính họ.
Nhìn ở khía cạnh thị trường, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận xét: “Những quyển sách thuộc loại nóng hổi thường đến từ một vài lý do nhất thời nào đó như phát hành giỏi gây sốc, PR giỏi, tác giả có tay nghề khi đánh trúng tâm lý tạm thời của đám đông… Trong khi những sách có giá trị cho tư tưởng, cho đạo sống làm người thì thường không như vậy. Những tác giả viết dạng sách này thường không vì tiền, vì tên tuổi, mà chỉ viết vì mục đích truyền đạo sống, đạo làm người, nên qua thời gian, quyền nào giá trị thì sẽ có giá trị hơn”.
“Sách triết học, tư tưởng, khảo cứu thường có giá trị bền vững hơn, khó bị cơn lũ sách bán chạy cuốn trôi, nên khi cơn lũ đi qua, chúng lại hiện ra. Đọc sách mà người ta hiểu ngay, nắm bắt trọn vẹn sẽ chóng chán. Còn sách triết, sách tư tưởng cần suy ngẫm và phải đọc lại, càng đọc càng nhận ra các giá trị mới” - nhà văn Đoàn Thạch Biền chia sẻ - “Thầy Nguyễn Duy Cần viết dễ đọc, dễ hiểu những vấn đề triết học cao siêu, nên nhiều bạn trẻ và độc giả cần sách có tính cách nhập môn tìm mua, nhưng đọc kỹ sách của thầy thì sẽ nhận ra các giá trị bền vững, có thể ứng dụng thiết thực vào đời sống nhiều thế hệ

Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa