Trong các gương mặt được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019, có một người duy nhất gắn bó với thi ca, là nhà thơ Vân Khanh. Tất nhiên, sự tôn vinh Nghệ nhân Ưu tú không liên quan đến sáng tác, mà chủ yếu ghi nhận năm tháng ông đã tận tuỵ cùng nghề ngâm thơ.



NGHỆ NHÂN ƯU TÚ ĐI TÌM “TIẾNG THỜI GIAN”

 TUY HÒA

Sinh ra ở làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, cậu bé Nguyễn Văn Khanh lớn lên trong một gia cảnh bần hàn. Thế nhưng, điều ấy không làm giảm đi những mơ mộng của Nguyễn Văn Khanh khi mới 10 tuổi đã phải xa nhà trọ học ở Huế. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài, Nguyễn Văn Khanh chọn nghề sư phạm và “hành phương Nam” để làm một giáo viên Văn ở Thủ Thiêm – Sài Gòn. Là một người dạy Văn, thầy giáo Nguyễn Văn Khanh cũng cao hứng tham gia ngâm thơ cho học trò và đồng nghiệp cùng thưởng thức vẻ đẹp thi ca. Ai cũng thừa nhận thầy giáo Nguyễn Văn Khanh có thể trở thành nghệ sĩ ngâm thơ. Được sự động viên của những người xung quanh, thầy giáo Nguyễn Văn Khanh lấy nghệ danh Vân Khanh và bắt đầu xuất hiện trên sân khấu từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.

Hơn nửa thế kỷ ngâm thơ, hình ảnh và phong cách Vân Khanh giống như cầu nối giữa bao nhiêu thế hệ nhà thơ và công chúng. Không chỉ trau dồi riêng mình, Vân Khanh còn tham gia đào tạo các nghệ sĩ ngâm thơ trẻ. Hầu như, ở các trung tâm văn hoá tại TPHCM đều có học trò do Vân Khanh dìu dắt vào lĩnh vực ngâm thơ. Đóng góp của Vân Khanh vào đời sống nghệ thuật cộng đồng không ai phủ nhận được. Vì vậy, danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú dành cho Vân Khanh tuy hơi muộn, nhưng hoàn toàn xứng đáng.

Từ việc ngâm thơ của người khác, Vân Khanh dần dần có khao khát viết thơ cho riêng mình. Sau hai tập thơ “Hồn Huế vẫn đây” và “Huế tìm trong mắt em”, Vân Khanh được kết nạp vào Hội Nhà văn TPHCM. Tập thơ mới nhất của nhà thơ Vân Khanh có tên gọi “Tiếng thời gian” vừa được ấn hành nhân dịp ông đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Đọc tập thơ “Tiếng thời gian”, không khó để nhận ra chân dung Vân Khanh hiền lành và đa cảm. Ông làm thơ như một cách ghi lại buồn vui đã nếm trải, đã lặn ngụp, đã nâng niu. Trong bài “Khoảnh khắc qua cầu”, ông nhớ lại giai đoạn lặng lẽ cùng bụi phấn trên bục giảng: “Mưa chiều giăng mắc qua song/ Đau trang giáo án, điếng lòng áo cơm”. Trong bài “Mai về”, ông ngậm ngùi trước dịch vụ du lịch nơi cố đô: “Ngai vàng giờ rẻ thế/ Chỉ hai chục ngàn thôi/ Mà đau lòng nhân thế/ Khiếm nhã với người xưa/ Huế ơi, đừng thế nữa/ Thôi bán vé “làm vua”/ Để hồn xưa không tủi/ Để người nay nhân từ”.

                                                   
Nhà thơ - Nghệ nhân Ưu tú Vân Khanh!



Là một người ngâm thơ chuyên nghiệp, nên thơ của nhà thơ Vân Khanh tương đối giàu nhạc cảm. Cách ông quan sát và cách ông tư duy luôn dắt díu vần điệu khéo léo: “Giọng hò thăm thẳm nước trôi/ Lời em hát giữa đất trời mát trưa/ Khăn rằn em vắt vai xưa/ Giờ còn thơm cả nắng mưa bưng biền/ Phía em nghiêng nón cười duyên/ Phía tôi rạo rực một miền đất mơ”. Trái tim đắm đuối và chân thành của Vân Khanh giúp ông có được những rung động thi sĩ: “Một mình ta lang thang đường me cũ/ Nghe chạnh lòng vòm lá tuổi mong mưa” hoặc “Cánh diều gắn liền với tuổi thơ/ Tiếng sáo trên nền chiều dưới mây đưa ta vào thiên cổ tích/ Ta chạy ngược gió ngược người mà nghe hồn nhẹ lên cao…”.

Ở tuổi 75, nhà thơ – Nghệ nhân Ưu tú Vân Khanh vẫn đi về với thi ca. Ông như một minh chứng cho sự lãng mạn chưa bao giờ bị lãng quên giữa đô thị chen chúc hôm nay: “Em treo thơ trên vách lúc về nhà/ Tôi rập rình đâu đọc được tuổi em qua/ Những mơ ước tôi đợi chờ trước ngõ/ Ôi chiếc nón bài thơ em đội một trời xa…”.