NXB Đà Nẵng vừa ấn hành tập sách “Vũ điệu không vần” của nhà thơ Khế Iêm. Buổi trò chuyện với tác giả và về tác phẩm diễn ra lúc 9h ngày 15-12 tại Cà Phê Thứ Bảy (38 Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM) có sự tham gia của nhiều đồng nghiệp văn giới.




Giới thiệu tác giả:
Khế Iêm tên thật Lê Văn Đức sinh năm 1946 tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Chủ trương Tạp chí Thơ tại Hoa Kỳ và phong trào thơ Tân hình thức Việt. Chủ biên Blank Verse (Thơ Không Vần, 2006) và Thơ Kể (Poetry Narrates (2010), cả hai là thơ Tân Tân hình thức Việt, ấn bản song ngữ.
Tác Phẩm: Hột Huyết (kịch, Sài Gòn 1972), Thanh Xuân (Tạp chí Văn, 1992), Dấu Quê (Traces of My Homeland, ấn bản song ngữ. Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2013), Thơ Khác (Other Poetry, ấn bản song ngữ, Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2011). Stepping Out, Essays on Vietnamese Poetry (Bước Ra, ấn bản song ngữ, Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2012).

Ông tham gia hội nghị hàng năm lần thứ 56 (2004) của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association Asian Studies) về thơ các quốc gia vùng Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Philippines và Việt Nam, với chủ đề, “Poetry as a Window on History and Change in Southeast Asia” (Thơ, cửa sổ qua lịch sử và biến đổi tại Đông Nam Á).

                                                    


Ông đã từng tham gia buổi đọc thơ song ngữ Anh Việt tại Irvine, Orange County, California ngày 20 tháng 11, 2016, trong chương trình Đọc Thơ (Poetry Reading) khắp 58 quận thuộc tiểu bang California, do nhà thơ danh dự tiểu bang Dana Gioia tổ chức, cùng với nhà nghiên cứu âm nhạc trẻ Tina Hùynh.

Giới thiệu tác phẩm:
Vũ điệu không vần gồm 35 tiểu luận, với hơn 600 trang, công trình kéo dài 18 năm của Khế Iêm cung cấp những thông tin chi tiết về ngôn ngữ, luật tắc trong sáng tác, ghi nhận những chặng đường tìm kiếm trong sáng tạo. Đây là công trình chính thức và đầy đủ nhất về mặt kiến thức, hiểu biết về thơ, và cả những chủ đề liên quan tới thơ như Hiệu ứng cánh bướm, Nghiên cứu về não bộ, Giáo dục cổ điển phương Tây, mà còn giúp những nhà thơ và phê bình nghiên cứu tham khảo, trong công việc của họ. Lâu nay, thể thơ không vần Việt thường được gọi dưới cái tên “thơ Tân hình thức”.

Như chúng ta biết, tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, nên thơ thể luật, dù có vần hay không vần ở cuối dòng, vẫn có thể dùng kỹ thuật vắt dòng (enbjament) vắt ý tưởng từ dòng này qua dòng khác, làm cho liền lạc với nhau, còn thơ tiếng Việt, vì là ngôn ngữ đơn âm, nên không thể làm chuyện đó. Vì vậy, những nhà thơ cách tên đã đưa vào thơ Việt một thể thơ mới: Thể thơ không vần, kết hợp giữa thơ vần và tự do, với ý tưởng liền lạc. Đây là yếu tố khó nhất trong thơ Mỹ, và dĩ nhiên cả thơ Việt. (Trong khi, thể thơ không vần Việt dùng lại những thể thơ Việt 5, 7, 8 chữ và lục bát, với kỹ thuật lập lại để tạo nhịp điệu và vắt dòng, tất cả kết hợp thành một bộ máy kiềm chế, cô đọng câu chữ, và biến nhịp điệu nói thành nhịp điệu thơ.) Hai yếu tố căn bản và cốt lõi bấy lâu của thơ Tân hình thức Việt: Ý tưởng và nhịp địệu. Ý tưởng phải mới mẻ, còn nhịp điệu mỗi bài thơ phải có một nhịp điệu khác nhau. Cả hai phải theo đúng tinh thần sáng tạo.

Mà khi dùng cách vắt dòng (enjambment) phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Cái phần mất đi ấy là phần gì, phải chăng là một phần đời sống, của quá khứ hay tương lai, và như thế, hiện tại không lẽ chỉ là cái trống không? Nhưng cái trống không ấy lại chẳng trống không vì những chuyển động không ngừng của cái biết và chưa biết, đè lấp lên nhau. Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm và cú pháp (syntax), tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu (perception of rhythm) không nằm ở ngôn ngữ (chữ), mà ở nội dung ngôn ngữ (the content of the language). Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp.

Chính vì thế, mục đích của thơ Tân hình thức mà tập tiểu luận "Vũ điệu không vần" là muốn đưa thơ Việt bước ra ngoài thế giới, nên mới chú tâm vào dịch thuật, tìm kiếm người đọc khác ngôn ngữ và văn hóa. Nếu quá đậm đặc trong phạm trù văn hóa hay ngôn ngữ Việt sẽ không thể dịch vì làm sao dịch âm thanh (sound) ngôn ngữ, đặc biệt đối với những thể thơ truyền thống, khi kết hợp những đơn vị âm thanh đó, tạo nên nhạc tính trong thơ. Để đáp ứng điều kiện dịch thuật, thơ Tân hình thức phải thay đổi cách sáng tác. Về chữ, khi chuyển sang ngôn ngữ đời thường để sáng tác, thơ không còn những chữ hiếm, chữ lạ, và người đọc không bị vướng vào chữ khi đọc.
Với phong cách thơ gần với văn xuôi và sử dụng kỹ thuật lặp lại để tạo nhịp điệu, nên khi chuyển dịch vẫn giữ được nhịp điệu và làm biến mất dấu vết của văn xuôi, thành thơ. Kỹ thuật lập lại giúp cho thơ Việt có thêm một yếu tố nhịp điệu mới và khi dịch sang tiếng Anh vẫn không mất đi. Người đọc Mỹ sẽ đọc như một bài thơ chứ không phải một bản dịch. Một ưu điểm nữa là những người đọc Mỹ sẽ được đọc những bài thơ khác lạ, am hiểu thêm về đất nước và con người từ một nền văn hóa khác.