Trên bìa cuốn sách của Triệu Xuân có phụ đề: “Mafia”, còn thật ra, theo ý tác giả, “Lẽ ra cuốn sách có tên là VN. Mafia”. Những lời đồn đại, hình dung về nạn tham nhũng, tội ác ở xã hội Việt Nam, đến lượt văn chương đã dựng đích danh, không ngần ngại né tránh! Tôi không làm việc thường nhật của các bài giới thiệu sách là kể lể cốt truyện Sóng lừng. Việc ấy, với một tác phẩm bao quát hiện thực khá rộng rãi về thế giới đen tối, quái ác trong lòng xã hội, sẽ phản lại tiểu thuyết bởi cách đơn giản hóa bằng sự kiện. Giữa biển khơi, bỗng dưng gió thổi mạnh, từng đợt sóng lớn nổi lên, đầu tròn hình thoai thoải. Đó là loại Sóng lừng. Xã hội thời nào chẳng có tham nhũng và tội ác. Nhưng khi chúng hoành hành ngang nhiên, bất chấp luật pháp và thao túng mọi nơi, mọi lúc, thì quả là Mafia lộ nguyên hình, không còn ẩn nấp bên dãy đá ngầm dưới biển sâu, mà vươn vòi bạch tuộc đến những nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường, hất cả những số phận nhỏ nhoi tội nghiệp ra chốn biển cả trần gian.
Ở Sóng lừng, Triệu Xuân đã xây dựng được một số tính cách nhân vật rõ nét: Tám Đôn, Thức, Ngô Hữu Tiền, Thiên Kim... Đó là bản danh sách tử thần của những người lương thiện, những kẻ “cầm quân” trong cuộc chơi tàn nhẫn. Ngược lại, anh thiếu hẳn những bộ mặt sinh động của những “người chống mafia”, cho dù trong tác phẩm sự hiện diện của họ như: Thiếu tướng Ba, Thiếu tá Dung gần suốt lộ trình. Cuộc đời của họ cũng lắm nỗi truân chuyên nhưng bút lực nhà văn không lột tả được những phức điệu về tâm hồn, tính cách, so với những gì họ đã làm. Dường như mọi cố gắng của Triệu Xuân là phơi trần thật sâu đậm những lớp sóng lừng Mafia, nên tiểu thuyết của anh là cuộc chạy đuổi theo sự kiện và thực tế. Bởi vậy nhiều trang tiểu thuyết đã ít chất văn, nhiều chỗ nhà văn kể lặp lại, thậm chí dùng từ Nam Bộ chưa nhuyễn trong khi anh viết về mảnh đất sôi động này.
Chỉ ra được Mafia trong xã hội là điều khó. Chúng như một thế giới ngầm - từ trong tiểu thuyết - giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng vì đâu tồn tại thế giới ấy? Không phải không có, song Sóng lừng chưa phân tích được hết cội nguồn, gốc rễ của chúng một cách cặn kẽ. Đòi hỏi như thế có quá chăng, trong khi chính nhà văn đã nhắn nhủ với bạn đọc rằng sau Sóng lừng sẽ là một loạt tiểu thuyết về vấn đề Mafia? Tôi tin đó cũng là đòi hỏi của bản thân nhà văn.
Một mai, khi sóng cả gió to không còn nữa, người dân lương thiện Việt Nam ngồi trước đèn yên tâm chỉ có mỗi một bóng đen sau lưng mình là của anh ta thì Sóng lừng là dấu vết của một thời đã qua. Còn bây gờ? Hết thảy vẫn là thời sự.