Việc cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước định kỳ hàng năm sáng tạo ra các loại công trình khoa học, đề án, đề tài, sáng kiến chỉ để công nhận "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", để bình xét "Chiến sĩ thi đua" đã gây ra những khuyết tật và theo thời gian, phát sinh bệnh "thành tích" ngày càng nặng tới mức như hiện nay.




ĐỪNG ĐỂ BỆNH THÀNH TÍCH NGÀY MỘT NẶNG

CÙ TẤT DŨNG

Vào thời điểm này, các cơ quan, đơn vị, địa phương bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho tổng kết, kiểm điểm, bình bầu thi đua và đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2019. Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 9/6/2015 quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức được chia thành 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
Để được xuất sắc phải đạt một số tiêu chí, trong đó nhất thiết phải có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận.
Với tỷ lệ không quá 15% đạt "Chiến sĩ thi đua cơ sở" trên tổng số cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến hoặc Chiến sĩ tiên tiến. Như vậy là sau mỗi năm, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ có hàng chục tới hàng trăm đề tài, đề án, sáng kiến là chuyện bình thường.
Ở cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố thì số lượng phải lên tới hàng ngàn, cộng cả nước có khi lên tới cả triệu đề tài, đề án, sáng kiến. Ở nhiều nơi, khi hỏi có sáng kiến nào được phổ biến như một sự kiện hay một phát kiến mới, thì hầu như đều nhận được những cái lắc đầu.
Vậy nên, mặc dù chúng ta có rất nhiều đề tài, đề án, sáng kiến, nhưng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, cán bộ vẫn nhiêu khê, nhũng nhiễu, hiệu quả công việc vẫn thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước và kẹt xe vẫn chưa được cải thiện là bao… và vẫn tiếp tục có những đề xuất, giải pháp gây đàm tiếu trong dư luận…
So sánh với các tập đoàn, các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, mỗi năm có được vài ba sáng kiến đã là "ghê gớm" lắm rồi. Bởi những sáng kiến đó thường là có tính khả thi cao, đã góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện làm việc, mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho doanh nghiệp và người lao động. Người có đề án, đề tài, sáng kiến được doanh nghiệp tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Họ được coi trọng và cảm thấy hạnh phúc khi đã có những đóng góp tích cực cho cuộc đời, cho nghề nghiệp và cho xã hội. Thi đua đã thực sự trở thành đòn bẩy, động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nhìn vào các tập đoàn, các doanh nghiệp có tầm vóc quốc tế, từ người lao công cho đến tổng giám đốc đều được đánh giá kết quả, hiệu quả công việc theo một bảng đo lường được lượng hóa rõ ràng bằng tính điểm cụ thể theo từng quý, nửa năm, một năm… một cách nghiêm túc chứ không đánh giá chung chung, cuối cùng cộng lại các điểm để có điểm tốt, xuất sắc, trung bình, hay không đạt. Điều này có nghĩa, ai làm đủ, đúng chuẩn thì được đánh giá là xuất sắc, chứ không phải bắt buộc công nhân, người lao động cũng phải có công trình nghiên cứu, có sáng kiến như kỹ sư hay giám đốc.
Việc cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước định kỳ hàng năm sáng tạo ra các loại công trình khoa học, đề án, đề tài, sáng kiến chỉ để công nhận "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", để bình xét "Chiến sĩ thi đua" đã gây ra những khuyết tật và theo thời gian, phát sinh bệnh "thành tích" ngày càng nặng tới mức như hiện nay. Đừng để những thành tích đạt được trong cả một năm lao động chỉ là những thành tích ảo, không thật, thậm chí còn có hại. Nói vậy để thấy rằng "bệnh thành tích" luôn gắn với tính giả dối.
Muốn chữa được căn bệnh này phải khắc phục được sự giả dối và cũng phải có thời gian, nhưng trước hết là phải thay đổi hẳn tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Tâm lý chung của cán bộ, công chức, viên chức đều mong muốn và nỗ lực hoàn thành xuất sắc công việc, nhiệm vụ của mình và thực tế thì phần lớn họ đều hoàn thành tốt những công việc được giao, nhưng không thể ép ai cũng phải có công trình nghiên cứu, có sáng kiến được. Bởi nếu đúng nghĩa của công trình khoa học, đề án, đề tài, sáng kiến thì không phải ai cũng viết được.
Không thể phủ nhận tác dụng động viên của các danh hiệu thi đua, song ngay từ đầu phải ngăn chặn những điều không ngay thật. Đừng để các công trình khoa học, đề án, đề tài, sáng kiến được viết ra chỉ để phục vụ cho mỗi cái danh "Chiến sĩ thi đua" xong thì cũng vứt xó.
Phải nhanh chóng lượng hóa các tiêu chí nhằm đánh giá một cách thực chất, công khai, minh bạch nhằm chọn được đúng người giỏi để biểu dương, nêu gương, khen thưởng, làm hạt nhân lan tỏa để thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, nếu làm không đúng, sẽ gây tác động tiêu cực đến tư tưởng của những người lao động chân chính.

Nguồn: Văn Nghệ Công An